TCCSĐT - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 25-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ vào khu vực dự kiến tâm bão đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc ứng phó bão. Sau khi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới thị sát công tác ứng phó bão tại tỉnh Bạc Liêu.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân

Sáng 25-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, Phó Thủ tướng đã đi ca nô ra khu vực cửa biển để thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão,...

Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn; di rời người dân khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú, không được để tàu thuyền trên biển...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Lãnh đạo cơ sở phải bám sát địa bàn, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, sơ tán triệt để, không được để người dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa yếu và những khu vực nguy hiểm... Tập trung, triển khai cấp bách các giải pháp bảo đảm an toàn nhà cửa, công trình trường học, bệnh viện, trạm xá, trường mầm non... Khi bão đổ bộ, phải nắm thật chắc tình hình những khu vực nguy hiểm để kịp thời ứng phó; đồng thời tiếp tục khuyến cáo bà con không được ra ngoài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ngay các giải pháp xử lý tình huống cấp bách và triển khai công tác khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định đời sống, sản xuất sau khi cơn bão đi qua...

Rời cảng cá Trần Đề, Phó Thủ tướng đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác bảo đảm nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.

Phó Thủ tướng động viên bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời, bà con cũng không được chủ quan đi ra ngoài trời khi bão đổ bộ, vì lúc này rất nguy hiểm (cây đổ, tấm tôn bay, dây điện đứt...). Ông cho biết là đã yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng để đảm bảo an toàn nhà cửa tài sản của người dân, để bà con yên tâm ở lại nơi tránh trú.

Bạc Liêu: Huy động tổng lực ứng phó bão

Kiểm tra công tác ứng phó bão tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị, vận hành hệ thống... Đồng thời, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân sơ tán khi bão đổ bộ, ổn định đời sống của người dân.

 
 Phó Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu - nơi tập trung rất đông cơ sở du lịch,... Thực hiện chỉ đạo của địa phương, toàn bộ người dân, du khách đã được di tản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn. Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn về người và tài sản, để người dân không quay lại nhà, yên tâm di chuyển đến nơi tránh trú.

Theo báo cáo của Thường trực Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến 10 giờ ngày 25-12, Bạc Liêu đã sơ tán, di dời được hơn 382 nghìn dân, đạt hơn 76%.
Đến 12 giờ trưa nay, tỉnh sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân đến nơi ở an toàn tránh bão. Bạc Liêu đang huy động nguồn lực và cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống, ứng phó bão số 16.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các lực lượng, hộ dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm, lúa "chạy" bão; huy động nguồn lực giúp dân chằng néo nhà cửa, ao đầm, đê kè, công trình, trụ sở… nhằm hạn chế thiệt hại do bão.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện mưa nhẹ, kèm theo gió, không khí lạnh tràn về nên công tác sơ tán, di dân gặp một số khó khăn. Ngành y tế tỉnh chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các điểm trú bão tập trung.

Theo các địa phương, nếu bão đổ bộ vào đất liền, kéo dài nhiều giờ, cộng với nước biển dâng, mưa lớn, việc sơ tán, việc di dân sẽ gặp khó khăn, bởi phần lớn các điểm, khu vực di dân ven biển đường giao thông nhỏ hẹp, trong khi đường thủy không đảm bảo, thiếu phương tiện, do đó khi đường bộ bị ngập nước, sạt lở, giao thông sẽ ách tắc. Trong khi đó, số lượng dân sơ tán đến thời điểm này tăng mạnh so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Hiện tại Bạc Liêu còn hơn 76.000 ha lúa chưa thu hoạch, đặc biệt còn hơn 20.000 ha lúa đến thời kỳ thu hoạch và hơn 28.000 ha lúa đang làm đòng, trổ bông có nhiều nguy cơ bị thiệt hại nặng nếu bão đổ bộ.

Ngoài ra, tỉnh còn hơn 70.000 ha tôm đang thời kỳ thu hoạch, hơn 600 bè nuôi hào; 152 tàu thuyền ở ngoài khơi, ngư dân trên các tàu đã giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn.

Tại buổi họp, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; tiếp tục triển khai công tác ứng phó, di dân theo kế hoạch.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đảm bảo lực lượng, hỗ trợ phương tiện ứng phó theo kế hoạch và ứng phó đột xuất, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ vào tỉnh, tuyệt đối không để bị động.

Di dời tổng số 1.168.137 người

Theo TTXVN, đến sáng 25-12, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.121 phương tiện/343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó neo đậu tại bến 62.606 tàu/309.079 người; khu vực quần đảo Trường Sa 16 tàu/169 người; hoạt động ở các vùng biển khác 6.498 tàu/33.915 người. Số tàu xin vào tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan là 216 tàu/1.504 người.

Các địa phương đã thông báo cho 4.096 lồng, bè nuôi trồng thủy sản/7.534 người gồm Bà Rịa - Vũng Tàu 357 lồng, bè/1.076 lao động; Ninh Thuận 831 lồng, bè/230 lao động; Khánh Hòa 2.077 bè/6.220 lao động; Bình Thuận 831 lồng/8 lao động.

15/19 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch di dời tổng số 1.168.137 người. 10/15 tỉnh đã tổ chức di dời, trong đó 8 tỉnh đã di dời được 74.259 người gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Cà Mau, Hậu Giang. 5 tỉnh chưa tổ chức di dời gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

7/19 tỉnh, thành phố đã thực hiện chằng chống nhà cửa với tổng số: 43.649/404.667 nhà gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Tin mới nhất về bão số 16
 
 Thông tin mới cập nhật về bão số 16.


Hiện nay, bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, một số nơi đã có gió giật mạnh cấp 6-7.

Hồi 13 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 1 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên phía Nam Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 13 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Từ chiều nay (25-12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 1 giờ ngày 27-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 101,3 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 220km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26-12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ./.