TCCSĐT - Sáng 06-01-2017, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016, ngành công thương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phầm trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm sâu ở mức - 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phầm trăm mức tăng chung. Nhóm các sản phẩm trung gian năm 2016 tăng 5%, nhóm sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 9,1%, trong đó sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 11,4% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 8%. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 01-12-2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm trước, là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,5%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, ước đạt 50,04 tỷ USD, tăng 4,8%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,22% ước đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2015. Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 thay đổi không đáng kể so với năm trước, các thị trường truyền thống là châu Á, châu Âu và châu Mỹ tiếp tục có tăng trưởng dương trong năm 2016. Chỉ số giá xuất khẩu chung giảm 1,83% so với năm 2015. Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu, với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015.

Năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 157,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2015 và chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015)… Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực châu Á, tăng dần nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015.

Thương mại trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước đạt mức 86%, cao hơn so với 77,3% của năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015. CPI bình quân năm 2016 so với bình quân năm 2015 tăng cao hơn so với kỳ trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây. CPI tháng 12-2016 tăng 4,74% so với tháng 12-2015, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra…

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 theo kế hoạch 6,7%, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngành công thương phấn đấu chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8% - 9%; xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6% - 7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10% - 11%; chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm 2017 kiểm soát theo mức Quốc hội giao là khoảng 4%.

Nhiều giải pháp cụ thể về sản xuất công nghiệp, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại trong nước, hội nhập quốc tế về kinh tế và phát triển thương mại biên giới, đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính… đã được Bộ Công Thương nêu ra tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Công Thương đã bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, trong năm qua ngành công thương đã trải qua nhiều biến cố về nhân sự, các dự án thua lỗ của một số đơn vị nhưng ngành đã tự vươn lên với sự nỗ lực của cả ngành, các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương trọng điểm... Dù một số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng vai trò đóng góp của ngành công thương trong phát triển chung rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ kéo dài, tập trung giải quyết tồn đọng để sớm thoát ra khỏi các dự án thua lỗ thuộc ngành công thương, kiên quyết xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thua lỗ...

Theo Thủ tướng, muốn tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh, trước hết phải chú trọng thể chế, con người theo hướng kiến tạo và theo sát thị trường…/.