Châu Âu: Ngày càng khó kiểm soát khủng bố
TCCSĐT - Gần hai tuần nay, châu Âu bị rúng động bởi những vụ tấn công liên tiếp vào hai quốc gia “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp, khiến hàng chục người dân vô tội bị thương vong. Hồi chuông cảnh báo chống khủng bố tại châu Âu lại tiếp tục được gióng lên.
Châu Âu quyết tâm chống khủng bố. Ảnh: telegraph.co.uk
Những con “Sói đơn độc”
An ninh tại Đức đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Chỉ trong vòng 1 tuần đã có tới 4 vụ tấn công đẫm máu tại Đức. Tất cả các vụ tấn công có diện mạo khác nhau nhưng hầu hết đều nhắm đến các địa điểm công cộng và hung thủ đều là những người có gốc nhập cư. Ngày 18-7, một đối tượng người Pakistan, 17 tuổi, đã tấn công bằng rìu trên tàu tại thành phố Wuerzburg, khiến 3 người bị thương nặng. Tiếp đó, hôm 22-7, một thanh niên gốc Iran, 18 tuổi đã xả súng tại một trung tâm thương mại ở thành phố Munich, làm 9 người thiệt mạng. Trong ngày 24-7 lại xảy ra hai vụ tấn công, trong đó đáng chú ý là vụ nổ bom tại một quán bar ở thành phố Ansbach, bang Bavaria, làm 12 người bị thương. Bất ổn là tâm trạng chung mà người dân Đức đang cảm nhận rõ rệt.
Còn tại Pháp, chưa hết kinh hoàng vì dư âm của vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11-2015, ngay trong ngày đón mừng Quốc khánh 14-7, trên đại lộ “La Promenade des Anglais”, thành phố biển Nice xinh đẹp của Pháp lại chứng kiến vụ khủng bố kinh hoàng bằng xe tải, khiến 84 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Ngay sau đó, ngày 26-7, hai kẻ khủng bố đã tấn công nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray gần thành phố Rouen, vùng Normandie, sát hại một linh mục và làm nhiều người bị thương. Rouen vốn là một thành phố yên bình nên vụ tấn công khiến người dân thực sự bàng hoàng. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh an ninh tại Pháp được duy trì ở mức báo động cao nhất, cho thấy mối đe dọa khủng bố đối với Pháp và châu Âu hiện đang rất nghiêm trọng.
Có một điểm chung trong tất cả các vụ, việc là thủ phạm đều hành động riêng lẻ theo dạng thức tấn công kiểu “Sói đơn độc”. Kiểu tấn công này đang khiến giới chức nhiều quốc gia châu Âu phải lo ngại do rất khó kiểm soát và ngăn chặn các đối tượng này. Theo các nhà phân tích, số lượng các đối tượng “Sói đơn độc” dường như ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc bị cực đoan hóa cho đến cả những trường hợp có dấu hiệu về tâm lý. Tại các nước Tây Âu, những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu với người nghèo, giữa người bản xứ và người nhập cư ngày càng lớn đang làm cho xã hội bị chia rẽ sâu sắc hơn. Sự bất đình đẳng về thu nhập và mức sống càng lớn thì những người nghèo càng bế tắc và sống mặc cảm hơn. Đặc biệt tại Đức, sự gia tăng đột biến của dòng người di cư tới nước này trong năm 2015 tiếp tục đẩy cao những xu hướng bất bình đẳng trên. Theo một thống kê của Cục Thống kê liên bang Đức năm 2015, tỷ lệ những người thất nghiệp có nguồn gốc nhập cư tại Đức lên tới 35%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của những người gốc Đức. Thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm tự ti như những người sống bên lề xã hội đã gây ra nhiều hệ lụy và bất ổn cho Đức và các nước châu Âu. Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào hoặc tư tưởng cực đoan hay rơi vào trạng thái trầm cảm, giống như đối tượng trong vụ xả súng ở Munich, và từ đó trở thành những “Sói đơn độc” luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc.
Một nguyên nhân quan trọng khác góp phần vào sự gia tăng của hiện tượng “Sói đơn độc” chính là sự phổ biến của internet và mạng xã hội đã lan truyền các tư tưởng cực đoan một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Những phương tiện truyền thông hiện đại này cũng khiến các đối tượng “Sói đơn độc” tìm hiểu thông tin về một mục tiêu tấn công, lên kế hoạch tấn công một cách dễ dàng hơn.
Những diễn biến vừa qua trong các vụ tấn công ở châu Âu có thế thấy rõ ràng rằng, mặc dù các lực lượng cảnh sát Pháp và Đức đã cố gắng hết sức nhưng vẫn ở thế bị động trước dạng thức tấn công kiểu “Sói đơn độc” này.
An ninh và sự ổn định của xã hội Đức và các nước châu Âu đang đứng trước một số thách thức từ những đối tượng cực đoan đơn lẻ. Các đối tượng “Sói đơn độc” có thể là bất kỳ ai bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và vì thế, các cơ quan cảnh sát gần như không thể đoán biết trước để ngăn chặn phòng ngừa. Các chuyên gia cảnh báo rằng, các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào bởi các đối tượng “Sói đơn độc”. Việc các tổ chức khủng bố gần đây liên tiếp thực hiện các vụ tấn công theo mô-típ những con “Sói đơn độc” đã đặt các cơ quan cảnh sát châu Âu vào tình thế cùng một lúc phải đối phó với nhiều nguy cơ an ninh khác nhau và gây thêm nhiều khó khăn trong việc triển khai các biện pháp đối phó phù hợp.
“Sức mạnh thông minh”
Khả năng kết hợp sức mạnh cứng quân sự và sức mạnh mềm của sự thuyết phục tạo nên “sức mạnh thông minh”. Sức mạnh cứng là cần thiết để tiêu diệt hoặc bắt giữ những kẻ khủng bố tàn bạo, cực đoan, những kẻ ít có sự mở lòng đón nhận sự thuyết phục. Sức mạnh mềm là để truyền bá những tư tưởng vào các phần tử ngoại vi, là những đối tượng mà các phần tử cực đoan đang cố tìm cách tuyển mộ. Sức mạnh mềm còn đến từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, từ tinh thần “không sợ hãi” trước chủ nghĩa khủng bố như nước Pháp đã làm được sau những đau thương từ cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 13-11-2015.
Là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất tại châu Âu với khoảng 5 triệu người, hiện tại ở Pháp có tới hơn 20.000 nhà thờ Hồi giáo, trong đó nhiều nhà thờ lớn nhận trợ tài chính từ Saudi Arabia và nhiều quốc gia châu Phi khác. Từ lâu vốn là quốc gia có truyền thống ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Pháp luôn đề cao các giá trị tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái”. Do vậy, nước Pháp sẽ giữ vững những giá trị của quốc gia. Không vì những cuộc tấn công của những kẻ khủng bố cực đoan mà nước Pháp quay lưng lại với cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp, cũng như đối đầu với cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố vừa qua tại Pháp, vụ việc một lần nữa cho thấy nhiều sơ suất trong phòng chống khủng bố tại Pháp. Trước những chỉ trích của dư luận về các lỗ hổng an ninh để lọt hàng loạt vụ tấn công khủng bố, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã thừa nhận “thất bại” khi lực lượng an ninh Pháp để một phần tử cực đoan đang trong thời gian giám sát chờ xét xử, tiến hành cuộc tấn công tại nhà thờ vùng Normandie vừa qua. Và mặc dù tuyên bố sẽ cân nhắc lệnh cấm tạm thời đối với hoạt động hỗ trợ tài chính từ nước ngoài dành cho các nhà thờ Hồi giáo tại Pháp, song Thủ tướng M. Valls kêu gọi xây dựng quan hệ với cộng đồng Hồi giáo theo “mô hình” mới.
Trên tinh thần đó, ngày 26-7, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ kêu gọi của phe đối lập siết chặt thêm nữa luật chống khủng bố trong bối cảnh nước Pháp chứng kiến hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong hai tuần qua. Trong tuyên bố phát đi từ Paris, Tổng thống F. Hollande khẳng định, các điều luật chống khủng bố hiện hành của Pháp đã trao cho giới chức đầy đủ công cụ để thực thi các biện pháp chống khủng bố. Ông F. Hollande nhấn mạnh, “siết chặt tự do sẽ không mang lại hiệu quả hơn cho cuộc chiến chống khủng bố”. Tổng thống F. Hollande đưa ra tuyên bố trên sau khi người tiền nhiệm Nicolas Sarcozy, thủ lĩnh đảng Cộng hòa đối lập, đề nghị Chính phủ Pháp thông qua dự thảo luật chống khủng bố mới do đảng này soạn thảo, trong đó quy định sẽ bắt giữ những đối tượng tình nghi bị “cực đoan hóa” và các đối tượng khủng bố bị kết án sau khi mãn hạn tù sẽ không được trả tự do nếu vẫn bị coi là nguy hiểm. Tổng thống F. Hollande khẳng định, Chính phủ Pháp sẽ huy động mọi nguồn lực để chống lại mối đe dọa khủng bố. Ông cho rằng, đây sẽ là cuộc chiến kéo dài; đồng thời, kêu gọi người dân và chính phủ cùng đoàn kết, tránh chia rẽ, nghi ngờ lẫn nhau để có thể chiến thắng khủng bố.
Ngày 28-7, Tổng thống F. Hollande cũng khẳng định, sẽ thành lập lực lượng vệ binh quốc gia từ các lực lượng dự bị hiện tại. Tổng thống F. Hollande cho biết, các cuộc tham vấn Quốc hội về việc thành lập lực lượng vệ binh quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 9, để lực lượng này có thể nhanh chóng được thành lập nhằm bảo vệ người dân Pháp.
Ngay sau đó một ngày, ngày 29-7, giới chức Pháp thông báo chính thức truy tố tội danh khủng bố đối với hai đối tượng tình nghi là thành viên của nhóm khủng bố gây ra loạt vụ tấn công đẫm máu tại Paris hồi tháng 11-2015, khiến 130 người thiệt mạng. Hai đối tượng gồm Adel Haddadi, 29 tuổi, người Algeria và Mohamad Usman 35 tuổi, người Pakistan, bị buộc tội cấu kết cùng các phần tử khủng bố. Cả hai mới được nhà chức trách Áo dẫn độ sang Pháp. Các nhà điều tra cho rằng, cả hai tên này cùng với hai thủ phạm người Iraq đã gây ra vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân vận động Stade de France, một trong các địa điểm bị tấn công tại Paris ngày 13-11-2015. Cả hai tên này từng bị giới chức Hy Lạp tạm giữ 25 ngày vì sử dụng hộ chiếu giả. Sau khi được thả, các đối tượng cũng theo dòng người di cư để tới Áo và bị bắt giữ tại đây sau khi cơ quan an ninh nước này nhận được cảnh báo từ phía Pháp. Giới chức Áo cũng cho biết hai đối tượng luôn “giữ liên lạc” với IS trong suốt quá trình trà trộn vào dòng người di cư. Sau khi Pháp phát lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu đối với hai đối tượng, một tòa án tại Salburg (Áo) hồi đầu tháng 7 đã ra phán quyết dẫn độ hai tên này về Pháp để xét xử. Cũng trong ngày 29-7, cảnh sát Pháp đã bắt giữ hai đối tượng bị tình nghi liên quan đến khủng bố trên một chuyến tàu cao tốc ở Toulon, miền Nam nước Pháp. Như vậy, phần lớn các đối tượng khủng bố tại Pháp đều xuất phát từ nhóm người di cư.
Nước Đức cũng không ngoại lệ. Hung thủ của vụ nổ bom lớn đã xảy ra tại nhà khách Eugens Weinstube trên đường Pfarrstraße ở thành phố Ansbach, bang Bayern, Đông Nam nước Đức, là người Syria, 27 tuổi. Theo Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern, Joachim Herrmann, đối tượng này xin tị nạn ở Đức một năm trước nhưng đã bị từ chối. Tuy nhiên, tên này vẫn được ở lại Đức sau khi được xét tới tình hình bất ổn ở Syria. Cơ quan chức năng Đức còn cho biết đã tìm thấy một video trên điện thoại di động của Herrmann, trong đó tên này đã “thề trung thành” với thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi và tuyên bố hành động trả thù người Đức vì cho rằng người Đức đang cản đường người Hồi giáo.
Ít nhất 3 trong 4 vụ tấn công tại Đức vừa qua đều do người tị nạn tiến hành. Chính điều này đã làm dấy lên lo ngại chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể mở đường cho những đối tượng với tư tưởng Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào nước này, gây bất ổn an ninh. Đây là nguyên do khiến nhiều người Đức muốn gây sức ép đối với chính sách nhập cư của Thủ tướng A. Merkel. Tuy nhiên, Thủ tướng A. Merkel vẫn tỏ ra kiên định, từ chối thay đổi chính sách nhập cư đối với người tị nạn sau những vụ tấn công trên. Thủ tướng A. Merkel nhấn mạnh, đây đang là “giai đoạn thử thách lịch sử” đối với nước Đức và châu Âu, bởi chưa từng có làn sóng di cư và tị nạn lớn như giai đoạn vừa qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Thủ tướng Đức, các hành động tấn công khủng bố đã thử thách “mối tương quan giữa tự do và sự an toàn”, reo rắc sự thù hận và nỗi sợ hãi giữa các nền văn hóa cũng như trong xã hội Đức.
Đứng trước trách nhiệm bị cho là đã “dung dưỡng” những người nhập cư, trong đó có không ít phần tử bị cực đoan hóa, Thủ tướng A. Merkel tái khẳng định, nước Đức hùng mạnh sẽ tiếp tục đối diện với thách thức và trung thành với những nguyên tắc cơ bản của mình, đặc biệt liên quan tới chính sách tiếp nhận người tị nạn, trong đó sẽ tiếp tục đón nhận các trường hợp bị truy bức cũng như chạy nạn do chiến tranh. Bà A. Merkel khẳng định, nước Đức có thể giải quyết được những thách thức hiện nay, hỗ trợ những trường hợp cùng quẫn, chống khủng bố, bảo đảm an ninh cho người dân cũng như thúc đẩy các biện pháp hội nhập.
Một thông điệp được Thủ tướng A. Merkel đưa ra rõ ràng là: Nước Đức sẽ đối phó với những hiểm họa khủng bố hiện hữu bằng cái đầu lạnh và trái tim nóng. Điều đó có nghĩa là nước Đức với một bộ máy an ninh, quân đội và tinh thần khoa học sẽ chuẩn bị lực lượng đặc biệt để chống lại lực lượng khủng bố với cam kết sẽ làm tất cả mọi việc có thể để bảo đảm an ninh, sau khi Đức phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công bạo lực và khủng bố thời gian qua. Theo đó, kế hoạch 9 điểm nhằm tăng cường an ninh ở Đức được thông qua, trong đó có các điểm như: giảm bớt rào cản trong việc trục xuất người tị nạn; lập một hệ thống cảnh báo sớm liên quan tới vấn đề cực đoan hóa của người tị nạn; thực hiện diễn tập chung giữa lực lượng cảnh sát và quân đội, cũng như đẩy mạnh việc xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin về an ninh, nhằm giải mã thông tin internet.
Điều khiến thế giới càng thêm lo ngại vì mức độ tàn bạo của các vụ tấn công khủng bố ngày càng dã man và hơn thế, những kẻ khủng bố đã không ngần ngại thề trung thành với IS. Cộng đồng quốc tế cần hơn hết sự đoàn kết trên toàn cầu khi thế giới vẫn hằng ngày đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ an ninh quốc gia và khu vực. Các vụ tấn công khủng bố đã diễn ra, gây hậu quả về sự bất ổn an ninh, chính trị, xã hội bên cạnh tâm lý lo ngại kéo dài trong người dân. Và sự thách thức đó vẫn tiếp tục tồn tại khi mới đây, hãng thông tấn RT (Nước Nga ngày nay) của Nga, ngày 28-7, đưa tin IS đang tuyển mộ các công dân Anh tham gia tấn công khủng bố nhằm vào các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô London như tháp Big Ben. Theo RT, một kẻ tuyển mộ của IS đã hướng dẫn một nhà báo nằm vùng thuộc tờ “The Sun” (Mặt Trời) của Anh cách lên kế hoạch tấn công tại một khu vực đông đúc ở London, đồng thời gửi cho nhà báo này các tin nhắn được mã hóa thông qua ứng dụng Telegram trong hai tháng qua. Nhà báo này cũng được hướng dẫn cách chế tạo bom, kiếm những vật liệu có sẵn, trong đó có bình ga và pháo hoa, để chế tạo một quả bom xe. “The Sun” cho biết, các bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra đã được chuyển cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố và Cơ quan Tình báo Nội địa Anh (MI5)./.
Cuba yêu cầu Mỹ bồi thường hơn 300 tỷ USD vì cấm vận kinh tế  (31/07/2016)
Khả năng EU dỡ bỏ trừng phạt đối với một bộ phận của nền kinh tế Nga  (31/07/2016)
Tổng thống Obama muốn Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm nay  (31/07/2016)
Tổng thống Obama muốn Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm nay  (31/07/2016)
Văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ về tiền lương và nộp thuế  (31/07/2016)
Hàng nghìn người tuần hành yêu cầu Scotland độc lập  (31/07/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên