Năm 2008, kinh tế thế giới đã trải qua những diễn biến đầy bất ngờ. Các chỉ số kinh tế - tài chính, đặc biệt là giá các hàng hoá như dầu, gạo, sắt thép …, đã thay đổi theo các cách thức mà không ai có thể dự đoán được chính xác. Nếu như vào đầu năm, nhiều chuyên gia vẫn còn lạc quan về triển vọng của kinh tế toàn cầu, thì đến cuối năm, sau những đổ vỡ chưa từng thấy trong vòng gần 80 năm qua trên thị trường tài chính Mỹ, hầu hết đều tỏ ra bi quan. Suy thoái kinh tế đã xảy ra tại các nước phát triển. Các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới cũng đã và đang áp dụng những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, mức độ suy thoái của các nền kinh tế trên thế giới sẽ sâu rộng đến đâu hiện vẫn chưa có được những câu trả lời thuyết phục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2008 chỉ tăng trưởng 3,7% so với 5,0% năm 2007, và sẽ chỉ còn 2,2% năm 2009(1). Nhưng chắc chắn đây chưa phải là những con số cuối cùng...

I. Những xu hướng kinh tế - tài chính trên thế giới

1. Tốc độ tăng trưởng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng

Mặc dù sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu (thậm chí là sự suy thoái kinh tế) đã được dự báo từ cuối năm 2007, nhưng tình hình tại nhiều nước vẫn xấu đi không ngờ.

Nền kinh tế Mỹ, sau khi tăng trưởng ở mức 0,9% trong quý I/2008, đã có bước đột phá trong quý II/2008 với mức tăng trưởng 2,8% nhờ vào đồng USD yếu dẫn đến tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, sang quý III/2008, những đổ vỡ trên thị trường tài chính đã khiến các hoạt động tín dụng bị thắt chặt mạnh. Nhiều công ty lâm vào cảnh thiếu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh, thua lỗ, thậm chí vỡ nợ. Kết quả là GDP trong quý III/2008 của Mỹ đã bị suy giảm tới 0,5%. Mặc dù vậy, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2008, nhưng sẽ bị suy giảm trong năm 2009.

Tại khu vực đồng ơ-rô, sau khi tăng trưởng 0,7% trong quý I/2008, đã rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm 0,2% trong 2 quý tiếp theo. Nguyên nhân do sự tăng giá của đồng ơ-rô cũng như giá năng lượng và chi phí tăng cao. Tuy nhiên, theo dự báo của IMF, khu vực đồng ơ-rô sẽ vẫn tăng trưởng 1,2% năm 2008 và mới bị suy giảm 0,5% năm 2009.

Tình hình kinh tế tại Nhật Bản cũng không có gì sáng sủa. Trong quý I/2008, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức 3,2%. Nhưng sang quý II và III/2008, tăng trưởng GDP bị âm. Những nguyên nhân chính do sự suy giảm xuất khẩu; giảm nhu cầu trong nước; đầu tư của tư nhân vào khu vực địa ốc giảm do Chính phủ Nhật Bản thắt chặt các tiêu chuẩn xây dựng. Dự báo quý IV/2008 không có nhiều tín hiệu lạc quan, khi đồng Yên tăng giá mạnh so với đồng USD (hiện ở mức 93 JPY = 1USD), đồng thời các nền kinh tế lớn trên thế giới rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại. Nhưng theo IMF, GDP của Nhật Bản năm 2008 sẽ tăng trưởng 0,5% và năm 2009 GDP sẽ bị suy giảm 0,2%.

Các nền kinh tế đang phát triển châu Á dự báo sẽ không tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh như năm 2007 (10%), do xuất khẩu suy giảm cùng với sự suy thoái kinh tế tại nhiều nước. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những đầu tàu của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn khủng hoảng này với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 dự báo đạt 9,7% và 7,8%. Mặc dù vậy, sang năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của 2 nước này sẽ chỉ ở mức 8,5% và 6,3%. Các nước đang phát triển châu Á nói chung sẽ tăng trưởng 8,3% năm 2008 và 7,1% năm 2009, trong đó các nước ASEAN tăng trưởng 5,4% và 4,2%.

Nền kinh tế Nga, theo IMF, sẽ vẫn tăng trưởng 6,8%. Tuy nhiên, với việc giá dầu đang giảm mạnh, cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2009 sẽ chỉ còn 3,5%.

Tốc độ tăng trưởng của các nước Trung Đông được dự báo cũng sẽ sụt giảm trong năm 2009 do giá dầu hạ, còn 5,3% so với mức 6,1% năm 2008.

Các nước Mỹ - La tinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái toàn cầu, trong năm 2008 chỉ tăng trưởng 4,5% so với mức 5,6% năm ngoái. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực, dự báo, sẽ chỉ còn 2,5%.

2. Giá hàng hóa biến động khó lường

Giá cả các loại hàng hoá trong năm 2008 đã biến động mạnh mẽ và khó lường chưa từng thấy trong gần 3 thập kỷ trở lại đây. Trong giai đoạn nửa đầu năm, sự trốn chạy khỏi đồng USD đang mất giá đã khiến giá vàng, giá dầu và giá hàng hoá khác gia tăng dữ dội. Tuy nhiên, kể từ quý III/2008, tình hình tín dụng bị thắt chặt do những khó khăn trên thị trường tài chính Mỹ cùng với sự suy thoái kinh tế tại nhiều nước và khu vực khiến giá các loại hàng hoá lao dốc không phanh.

Thị trường dầu

Ngày 11-7-2008 giá dầu thô thế giới đã đạt mức kỷ lục hơn 147 USD/thùng, tăng gấp rưỡi mức giá hồi đầu năm. Bên cạnh việc đồng USD yếu và những bất ổn về chính trị tại Trung Đông, thì đầu cơ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá dầu tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2008. Thời điểm dự trữ dầu trên toàn thế giới đã lên đến 5 tỉ thùng (khoảng 2 tháng sử dụng), do không chỉ các quỹ đầu tư, mà còn có cả các quốc gia cũng tham gia tích trữ dầu.

Tuy nhiên, khi những đổ vỡ trên thị trường tài chính Mỹ ngày càng gia tăng trong quý III/2008, đồng thời sự suy giảm kinh tế ngày càng lan rộng tại nhiều nước, các hoạt động đầu cơ đã đẩy giá dầu tụt dốc, có lúc còn 40,81 USD/thùng, và đã xuống dưới 40 USD/thùng vào cuối tháng 12 - 2008.

Bên cạnh một số dự báo giá dầu sẽ hạ xuống còn 25-30 USD/thùng, lại có dự báo khác ngược hẳn lại, cho rằng, mức giá trên 40 USD/thùng sẽ khó tồn tại lâu, bởi các nước OPEC cắt giảm mạnh sản lượng. Còn Cơ quan năng lượng quốc tế IEA vừa dự báo, giá dầu trung bình trong năm 2009 sẽ ở mức 63,5 USD/thùng.

Thị trường vàng

Giá vàng liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2008. Sau khi đạt mức kỷ lục 1033,9 USD/ounce vào ngày 17-3-2008 (tăng 24% kể từ đầu năm đến thời điểm này), giá vàng thế giới đã biến động theo xu hướng giảm, nhưng không giảm mạnh do khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Tuy nhiên, giá vàng cũng không thể tăng mạnh do sự thắt chặt tín dụng khiến đồng USD trở nên khan hiếm và tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Trong khi đó, nhu cầu vàng, đặc biệt từ Ấn Độ, lại không mạnh do các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Mức 900 USD/ounce dường như vẫn là ngưỡng cản vững chắc đối với giá vàng trong ngắn hạn.

Thị trường gạo

Trong xu thế chung của thị trường hàng hoá, giá gạo cũng liên tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2008 và đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 ở mức trên 1.000 USD/tấn, gấp 3 lần so với đầu năm. Ngoài những nguyên nhân chung như đồng USD mất giá, thiên tai tại nhiều nước, việc giá dầu tăng đã thúc đẩy sự phát triển các nhiên liệu thay thế có nguồn gốc từ nông sản. Chính vì vậy, sau khi giá dầu hạ, giá gạo và giá nhiều nông sản khác cũng hạ theo.

Lạm phát

Giá hàng hoá tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2008 khiến lạm phát đã trở thành một vấn đề lớn đối với các nền kinh tế, nhất là đối với các nước đang phải chống chọi với sự suy giảm kinh tế. Trong tháng 7- 2008, lạm phát tại Mỹ đã lên mức 5,6% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất trong 17 năm qua. Tại khu vực đồng ơ-rô, mức lạm phát trong tháng 7-2008 là 4%, gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đặt ra. Nhật Bản từ lâu vẫn diễn ra tình trạng giảm phát, thì đến tháng 6-2008, lạm phát giá tiêu dùng đã lên tới 2%. Tình trạng lạm phát trong nửa đầu năm 2008 cũng gia tăng ở nhiều nước châu Á khác (Trung Quốc: 7,1%; Ấn Độ: 12,44% trong tháng 7-2008 - mức cao nhất trong vòng 13 năm; Hàn Quốc: 5,9%, mức cao nhất trong 10 năm qua). Mặc dù vậy, với việc giá dầu và giá lương thực giảm mạnh trong nửa cuối năm 2008, lạm phát đã giảm dần và không còn là mối quan tâm chính tại các nước trên thế giới. Dự kiến tốc độ tăng giá của các nền kinh tế phát triển vào khoảng 3,6% trong năm 2008 và giảm còn 1,4% trong năm 2009. Tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, các con số tương ứng là 9,2% và 7,1%.

3. Thị trường tài chính thăng trầm, chao đảo

Thị trường tiền tệ

Kể từ đầu năm 2008, đồng USD đã trải qua 3 giai đoạn thăng trầm. Giai đoạn thứ nhất từ đầu năm đến giữa tháng 4-2008 đồng USD đã liên tục mất giá do FED liên tục hạ lãi suất để cứu thị trường bất động sản và kích thích nền kinh tế.

Giai đoạn thứ hai từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, đồng USD đã phục hồi nhẹ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tạm dừng chu kỳ giảm lãi suất do lạm phát đã tăng quá cao. Thêm vào đó, việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý II/2008 so với Nhật Bản và châu Âu, cũng như nhiều nhận định cho rằng: cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã đi vào hồi kết cũng là những yếu tố hỗ trợ cho đồng USD.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi những đổ vỡ trên thị trường tài chính Mỹ ngày càng gia tăng mạnh mẽ khiến FED và Chính phủ Mỹ bơm thêm USD vào nền kinh tế. Mặc dù vậy, so với nhiều đồng tiền mạnh như ơ-rô và bảng Anh, đồng USD vẫn lên giá mạnh (hiện chỉ còn chưa đến 1,3 USD = 1 EUR) do ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào lưu thông. Hơn nữa, các nền kinh tế này cũng đang rơi vào suy thoái như Mỹ. Việc tín dụng tại Mỹ bị thắt chặt cũng khiến đồng USD trở nên khan hiếm. USD chỉ mất giá so với đồng JPY của Nhật Bản, bởi lãi suất của nước này không thể hạ thêm nhiều nữa (hiện ở mức 0,3%).

Nhiều dự báo cho rằng, đồng USD sẽ bị mất giá do FED bơm tiền vào lưu thông, đồng thời thâm hụt ngân sách lớn sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư mất lòng tin vào trái phiếu chính phủ.

Thị trường chứng khoán

Những rối loạn lớn trên thị trường tín dụng bất động sản tại Mỹ (điển hình là vụ ngân hàng Bear Stearns bị thâu tóm) đã khiến các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới suy giảm trong những tháng đầu năm 2008.

Mặc dù các thị trường tài chính đã đạt được sự ổn định đôi chút vào tháng 4 và tháng 5 năm 2008 khi đồng USD phục hồi nhẹ và kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong quý II/2008, nhưng giá dầu tăng cao sau đó (tháng 6 và 7-2008) cùng với những đổ vỡ lớn trên thị trường tài chính vào các tháng 10-11/2008(2) đã khiến các chỉ số chứng khoán tiếp tục lao dốc. Các thị trường chứng khoán khác tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và châu Á cũng đã chịu chung cảnh tụt dốc thảm hại như thế.

4. Chính sách tài chính - tiền tệ của các nước: thắt chặt rồi lại nới lỏng

Nếu như trong nửa đầu năm 2008, khi lạm phát tăng cao, nhiều nước đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc ít nhất là giữ nguyên lãi suất (ngoại trừ Fed vẫn hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đến tháng 4-2008), thì trong nửa cuối năm, đặc biệt từ tháng 10-2008 nới lỏng tiền tệ để đối phó với suy thoái kinh tế là xu hướng chủ đạo tại hầu hết các nước trên thế giới.

Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương trên thế giới còn bơm thêm hàng trăm tỉ USD vào thị trường tài chính nhằm bảo đảm tính thanh khoản của các tổ chức tài chính. Fed còn mua gần 300 tỷ thương phiếu để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh các nguồn tín dụng ngân hàng bị thắt chặt. Cơ quan này còn sẵn sàng mua các khoản nợ liên quan đến thế chấp trị giá 600 tỉ USD, thiết lập một khoản dự phòng 200 tỉ USD để hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.

Mặc dù vậy, các chính sách tiền tệ không đủ để cứu các tổ chức tài chính trong bối cảnh giá các tài sản sụt giảm nhanh chóng tạo nên một vòng xoáy: giá tài sản sụt giảm – ngân hàng mất thanh khoản - vỡ nợ. Vì vậy, Chính phủ các nước còn phải dùng tiền ngân sách để mua lại cổ phần của các ngân hàng, đồng thời cam kết bảo lãnh cho các khoản nợ.

Anh là nước đi đầu với chương trình quốc hữu hóa một phần của 8 ngân hàng nước này (RBS, HBOS, Abbey, Barclays Plc, HSBC Holdings Plc, Lloyds TSB Group Plc, Nationwide Building Society và Standard Chartered Plc). Theo kế hoạch, tổng số tiền được tung vào thị trường là 87 tỉ USD. Ngân hàng Trung ương Anh cũng tuyên bố sẽ dành ít nhất khoảng 200 tỷ bảng cho các ngân hàng thông qua chương trình hỗ trợ thanh khoản đặc biệt. Chính phủ cũng sẽ cung cấp khoảng 250 tỉ bảng để giúp thanh toán các khoản nợ. Bộ Tài chính Mỹ sẽ duy trì khoản tiền 250 tỉ USD để mua cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ, tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính để hỗ trợ khối này, đồng thời sẽ hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng, bơm vốn cho các khoản vay mua ôtô và cho sinh viên vay. Các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã nhất trí thông qua một kế hoạch giải cứu tập thể trị giá khoảng 2.000 tỉ USD, dành cho các ngân hàng trong khu vực.

Ngoài những hỗ trợ cho khu vực tài chính, các nước còn thực thi các chính sách “kích cầu” đối với khu vực sản xuất. Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch trị giá 4.000 tỉ NDT (khoảng 586 tỉ USD) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma và những thành viên thuộc Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế nước này với tổng kinh phí dự kiến lên tới 700 tỉ USD, được thực hiện trong thời hạn 2 năm và tạo ra 2,5 triệu việc làm. Ủy ban châu Âu cũng chuẩn bị đưa ra kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế cho 27 nước trong khu vực trị giá 200 tỉ ơ-rô (259 tỉ USD). Đó là chưa kể đến các chính sách hỗ trợ khác trị giá hàng chục tỉ USD của các nước như Ấn Độ (60 tỉ USD), Hàn Quốc (10,8 tỉ USD)…

II. Tác động đối với Việt Nam và giải pháp

Trong nửa đầu năm 2008, sự gia tăng dữ dội của giá hàng hoá trên thế giới, đặc biệt là giá dầu và giá gạo, đã góp phần đẩy lạm phát của Việt Nam vào tháng 6-2008 lên đến mức 27% (tính theo cùng kỳ năm trước). Xu thế tăng giá này còn khuyến khích một làn sóng nhập khẩu nguyên vật liệu để tích trữ và dẫn đến nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2008 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 14,7 tỉ USD, vượt mức nhập siêu của cả năm 2007. Lạm phát và nhập siêu gia tăng đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp chuyển tài sản từ VND sang USD. Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do có lúc đã lên đến mức 19.000 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải thi hành một loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ, từ việc nâng lãi suất cơ bản lên mức 14%, hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 30% đến việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) mua 20.300 tỉ VND tín phiếu bắt buộc. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một chính sách tiền tệ “giật cục” và “hà khắc”. Nhưng rõ ràng là trong bối cảnh lạm phát và nhập siêu ở mức cao, hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn với những khoản nợ xấu liên quan đến chứng khoán và bất động sản, hệ quả của việc mở rộng tín dụng trước đó, đây là giải pháp bất khả kháng.

Trong nửa cuối của năm 2008, khi lạm phát đang có xu hướng giảm cùng với giá cả hàng hoá trên thế giới và dẫn đến giảm tình trạng đầu cơ tích trữ nguyên vật liệu và nhập siêu thì nền kinh tế Việt Nam lại phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác - nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế do tác động của suy thoái toàn cầu dẫn đến giảm xuất khẩu.

Nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, Chính phủ cũng đã đưa ra gói 5 giải pháp, trong đó có các bước đi cụ thể như đưa ra gói kích cầu trị giá 117.000 tỉ đồng (tương đương 6 tỉ USD), trong đó bao gồm 1 tỉ USD lấy từ ngân sách dự phòng, phần còn lại là tiền cộng dồn từ các nguồn thông qua chính sách kích cầu, như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp 30% trong quý 4/2008, giãn thời hạn nộp thuế và các chính sách thuế khác tương ứng với không thu 13.000 - 15.000 tỉ đồng, thực chất là để lại tiền cho doanh nghiệp đầu tư. Các khoản chi năm 2008 chi không hết, lẽ ra phải hoàn trả thì nay được tiếp tục giải ngân tới tháng 6-2009, rồi tạm hoãn thu hồi các khoản ứng trước cho năm 2009; nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện khoảng 20.000 tỉ đồng; cộng dồn lại trên 110.000 tỉ đồng từ chính sách.

Mặc dù vậy, khoảng trống cho việc nới lỏng tài khoá là không nhiều. Nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu ở mức thấp và thu từ thuế xuất, nhập khẩu có thể cũng giảm cùng với quy mô của ngoại thương. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách đã ở mức giới hạn 5%. Bởi vậy, việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ sẽ vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đối phó với những tác động tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, lãi suất cơ bản đã được hạ xuống còn 10%.

Tuy nhiên, việc nới lỏng tiền tệ đã khởi động lại làn sóng tích trữ USD và tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng trở lại, có lúc đạt mức 17.400 VND/USD. Do mức giảm lãi suất và điều chỉnh tỷ giá chưa đạt đến kỳ vọng của thị trường (xuất phát từ việc VND bị mất giá mạnh trong những năm qua và nguồn cung ngoại tệ có nguy cơ bị giảm sút do suy thoái kinh tế toàn cầu), tâm lý chờ đợi vẫn phổ biến trên thị trường tiền tệ - tín dụng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu nắm giữ USD vẫn cao và các doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc vay vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó các ngân hàng cũng chưa thật mặn mà với việc cho vay, bởi đầu tư vào trái phiếu có thể mang lại một khoản lợi nhuận lớn, nhanh chóng và ít rủi ro trong bối cảnh lãi suất được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.

Trong hoàn cảnh này, Chính phủ cần chủ động điều chỉnh mạnh hơn nữa tỷ giá hối đoái theo hướng làm mất giá VND so với USD. Một sự điều chỉnh tỷ giá dứt khoán tới mức kỳ vọng của thị trường (khoảng 5-6%, tương đương với mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD) sẽ loại bỏ tâm lý đầu cơ tích trữ USD cũng như trái phiếu, giải phóng một luồng tiền vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản, cho phép Ngân hàng Nhà nước hạ mạnh lãi suất để khuyến khích đầu tư. Nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng nhờ đó sẽ được giảm bớt. Không kém phần quan trọng, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khuyến khích xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ thay thế nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, ổn định các cân đối vĩ mô với bên ngoài. Điều chỉnh tỷ giá còn tăng chi phí của việc rút vốn ra khỏi Việt Nam, đồng thời giảm rủi ro đối với các dòng vốn vào.

Hiện nay đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh mạnh tỷ giá. Lạm phát và thâm hụt thương mại đang ở mức thấp, các doanh nghiệp vừa trải qua một giai đoạn biến động mạnh về giá hàng hoá cũng như tỷ giá hối đoái và do đó có khả năng thích nghi tương đối cao đối với việc điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, giá hàng hoá thế giới, trong đó có giá nguyên vật liệu, đang trong xu hướng giảm sẽ bù đắp lại sự gia tăng chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu mà việc điều chỉnh tỷ giá gây nên.

Điều chỉnh mạnh tỷ giá sẽ là giải pháp đột phá trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bởi nó cho phép Ngân hàng Nhà nước rảnh tay thi hành một chính sách tiền tệ mở rộng, hướng vào các mục tiêu kinh tế vĩ mô bên trong nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát và thất nghiệp./.

 

(1) Xem: IMF: World Economic Outlook Update, November 6, 2008 http://www.imf.org/external/pubs/ft/weo/2008/update/03/index.htm

(2) Hàng loạt định chế tài chính hùng mạnh của Mỹ bị Nhà nước tiếp quản (2 quỹ đầu tư Fannie Mae và Freddie Mac, công ty bảo hiểm AIG); bị buộc phải sáp nhập hoặc phá sản (2 Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch và Lehman Brothers, Ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual, Ngân hàng Wachovia); hay phải xin chuyển đổi mô hình hoạt động thành tập đoàn ngân hàng mẹ để có thể thu hút tiền gửi tiết kiệm và tiếp cận tới các khoản vay khẩn cấp của Fed (Goldman Sachs và Morgan Stanley)