Lấy cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc

Là một huyện vùng cao biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, Bắc Hà vốn có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Đợt rét lịch sử tháng 2 năm 2008 đã làm 2000 con gia súc gia cầm trên địa bàn bị chết rét, gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện Bắc Hà đã có nhiều biện pháp tích cực, chủ động phòng chống rét, bảo vệ gia súc. 

Trong những năm gần đây, chăn nuôi ở Bắc Hà đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng cũng như chất lượng vật nuôi. Từ chỗ chỉ có khoảng trên 10.000 con vào những năm 2000, đến nay toàn huyện đã có trên 20.000 con gia súc, trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%. Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXI đã xác định chăn nuôi đại gia súc là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho bà con nhân dân các dân tộc tại địa phương. Bởi vậy, Bắc Hà đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển chăn nuôi.
 
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, Bắc Hà chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung mà chỉ dừng lại ở phương thức tự phát, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng phòng trừ dịch bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, người dân vùng cao của huyện vẫn nặng nề tập quán chăn thả tự nhiên trên núi đồi, người dân chưa có ý thức phòng chống đói rét như làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho gia súc. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng gia súc bị chết hàng loạt mỗi khi có dịch bệnh hoặc gặp thời tiết khắc nghiệt như rét đậm, rét hại.
 
Thiệt hại từ vụ rét lịch sử đầu năm 2008 là một minh chứng cụ thể và trở thành bài học đắt giá cho người dân nơi đây. Để tránh bị động như đợt rét đầu năm, gây tổn thất kinh tế của người dân, và để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với vật nuôi, nhất là đại gia súc trên địa bàn, huyện Bắc Hà đã tích cực, chủ động phòng chống rét, bảo vệ gia súc. Ngoài việc có biện pháp hỗ trợ cần thiết, huyện đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tập trung hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con nông dân dự trữ thức ăn cho gia súc bằng cách tận dụng thức ăn tự nhiên, tăng cường diện tích trồng cỏ, cắt cỏ ủ hoặc phơi khô để dự trữ. Chuồng trại nuôi gia súc cần được làm kiên cố, kín gió, cao ráo và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của huyện cũng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể.

Ông Lê Văn Khiêm - Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: để đảm bảo cho phát triển chăn nuôi đại gia súc của các hội viên nông dân được phát triển ổn định, đặc biệt là bảo vệ đàn đại gia súc không bị chết rét trong mùa đông năm nay, ngay từ tháng 7, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ cho các hộ nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện làm chuồng trại kiên cố ở thôn Sừ Mần Khang, xã Tả Van Chư. Hội đã phát động phong trào quyên góp, thu được 10 triệu đồng mua tấm lợp prô-xi-măng cho 10 hộ; 100 cây gỗ các loại và hằng trăm ngày công lao động giúp các gia đình làm trình tường và chuồng trại kiên cố. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào này trên toàn bộ các xã, thị trấn.

Nét nổi bật trong việc tạo nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông năm nay, là huyện đã đưa vào gieo trồng thử nghiệm cây ngô vụ đông chỉ để làm thức ăn cho gia súc trên địa bàn xã Bản Phố, được bà con nông dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, đến nay, cây ngô đã phát triển tốt và đang được nhân rộng trên địa bàn. Việc làm này đã góp phần quan trọng tạo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông khi các đồng cỏ tự nhiên trên địa bàn huyện khan hiếm dần, giá cỏ trên thị trường lại quá cao, trung bình từ 1000 -1200 đồng/1kg cỏ tươi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Phương - Trạm trưởng Trạm thú y huyện khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chuồng trại, thức ăn dự trữ…., nhưng Trạm thú y sẽ chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng và bà con nhân dân trong huyện sẽ quyết tâm chủ động, phòng chống rét, tiếp tục triển khai tốt công tác vệ sinh tiêu độc, kiểm dịch, xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch bệnh…. để bảo vệ đàn gia súc.

Với những chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, triển khai các hoạt động của các cấp, các ngành và sự chủ động của người dân, việc phòng chống rét, chăm sóc cho đàn gia súc trên địa bàn huyện sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2006 -2010./.