Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn nước ta hiện nay
Yêu cầu đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn
Người làm công ăn lương ở nông thôn là những lao động xuất phát từ nông thôn, làm ngành nghề phi nông nghiệp trên các địa bàn cả ở nông thôn và đô thị. Hiện nay, chỉ tính riêng số lượng lao động nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp và đô thị trên cả nước (thường được biết qua các thuật ngữ lao động nhập cư hay lao động ngoại tỉnh) ước tính cũng phải gần hai triệu người. Ngoài ra, còn hàng triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp “ly nông bất ly hương”, đặc biệt tập trung tại các làng nghề.
Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới làm cho sản phẩm làng nghề tiêu thụ chậm, giá bán giảm sút, sản xuất gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Hiện có một số làng nghề đã phá sản và nhiều làng nghề khác đang cầm cự sản xuất. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến cả thị trường trong nước. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, trong năm 2010-2013 khoảng 5 triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp ở các làng nghề không có đủ việc làm.
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua - theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn tại 8 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Đăk Lăk và An Giang - đã khiến cho 17,8% lao động nông thôn di cư vào thành phố hoặc làm việc trong các doanh nghiệp tại địa phương mất việc làm. Có tới 71% số xã trong tổng số các xã được khảo sát có lao động mất việc trở về. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến mức độ mất việc làm ở lao động nông thôn nhập cư vào đô thị cao hơn các nhóm lao động khác là do tay nghề thấp hoặc không có nghề chuyên môn cụ thể.
Hậu quả cắt giảm nhân công tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ đã đẩy số lớn lao động trở về khu vực nông thôn; từ đó làm chậm lại quá trình chuyển dịch lao động, đồng thời tạo thêm sức ép cho khu vực nông thôn vốn thiếu việc làm. Những tác động tiêu cực diễn ra cũng tạo khó khăn, thách thức lớn cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Theo kết quả điều tra về việc làm, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nước ta tăng dần qua các năm và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn luôn lớn hơn ở khu vực thành thị.
Số lượng nhân lực đã qua đào tạo còn thấp, chất lượng lại không cao, do vậy lao động nông thôn thường thiếu kinh nghiệm trong công việc. Cơ cấu nguồn nhân lực đã qua đào tạo trong các lĩnh vực nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, còn mất cân đối với đặc điểm “thừa thầy - thiếu thợ” hoặc “thiếu tổng thể - thừa cục bộ”. Cho đến nay, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tuy thu được một số kết quả nhất định, nhưng về tổng thể, chưa đáp ứng được yêu cầu hình thành những ngành, nghề mới ở nông thôn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nghề riêng cho đối tượng những người nông dân có đất sản xuất bị thu hồi để phát triển công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng.
Hệ thống đào tạo nghề chuyên môn kỹ thuật nước ta hiện có 300 cơ sở, mỗi năm đào tạo được từ 85 nghìn đến 90 nghìn lao động. Năng lực đào tạo các khóa ngắn hạn theo nhu cầu chính sách đối với lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người tàn tật và những đối tượng khác hằng năm mới đạt khoảng từ 110 đến 120 nghìn người. Cùng với hệ đào tạo lao động kỹ thuật, cả nước hiện có 345 trường đại học cao đẳng, 273 trường trung học chuyên nghiệp. Hệ thống đào tạo này cung cấp cho nền kinh tế nguồn nhân lực theo một cơ cấu trình độ: 1 đại học, 0,8 trung học và 3,7 công nhân. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia, cơ cấu lao động kỹ thuật hợp lý phải là: 1 đại học, 4 trung học chuyên nghiệp và 15 - 20 công nhân (lao động kỹ thuật). Những tính toán của chuyên gia Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCEIF) vào năm 2009 cho thấy, nếu tiếp tục đào tạo theo hệ thống hiện hành, đến năm 2015 Việt Nam sẽ thiếu từ 3,8 triệu đến 5,12 triệu lao động kỹ thuật, thiếu từ 3,14 triệu đến 3,4 triệu lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và thừa từ 3,6 triệu đến 3,68 triệu lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Nếu tính riêng khu vực nông thôn, thì mức độ thừa đại học và cao đẳng còn lớn hơn, và mức độ thiếu lao động kỹ thuật cũng cao hơn.
Tình hình trên đây đòi hỏi phải triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động làm công ăn lương nói riêng, trên diện rộng, từ những nghề nông, lâm, ngư nghiệp cho đến các ngành, nghề tiểu - thủ công nghiệp và dịch vụ,...
Một số dự báo về tình hình lao động
Theo dự báo cung cầu lao động đến năm 2015 của NCEIF, lực lượng lao động xã hội nước ta sẽ tăng từ 49,9 triệu năm 2010 lên 55,9 triệu vào năm 2015. Từ kết quả phân tích xu thế tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP và chuyển dịch lao động trong những năm 2001 - 2008, Trung tâm này dự báo: trong những năm 2010 - 2015, tỷ trọng lao động nông nghiệp sẽ giảm từ 49,1% xuống 40,7%; tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng sẽ từ 23,1% tăng lên 29,4% và đối với dịch vụ sẽ tăng từ 27,8% lên 29,9%.
Nếu theo phương án kinh tế Việt Nam hồi phục và tăng trưởng khả quan, đạt bình quân từ 6,8% đến 7,4%/năm thì đến năm 2015, nhu cầu lao động sẽ tăng lên 52,2 triệu. Nhu cầu này sẽ là 53,5 triệu nếu tìm được giải pháp đột phá để tăng trưởng bình quân 8%/năm. Trong trường hợp tăng trưởng chỉ đạt từ 6,2% đến 6,6% hằng năm thì nhu cầu lao động sẽ là 51,6 triệu người. Với các kịch bản tăng trưởng thấp hơn, nhu cầu lao động sẽ thấp hơn. Trong dài hạn, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế sẽ phát triển theo hướng giảm dần đối với sản xuất nông nghiệp, gia tăng trong công nghiệp và dịch vụ. Nghĩa là số lượng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ sẽ gia tăng mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng của lao động làm công ăn lương trong các nghành công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn nước ta.
Dự báo cung cầu lao động giai đoạn 2010 - 2015 cho thấy, đến năm 2015 cung lao động vẫn tăng trội hơn nhiều so với nhu cầu. Điều đó sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực việc làm, và sẽ khó giảm được tỷ lệ thất nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, một phương hướng để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ thất nghiệp là đào tạo khả năng cho lao động làm công ăn lương ở nông thôn có thể tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội.
Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 91% lao động nông thôn chưa qua đào tạo, chỉ 3% được đào tạo ở mức sơ cấp và trung cấp kỹ thuật. Vì thế, khả năng chuyển đổi nghề, tự tìm việc làm có thu nhập cao hơn là rất khó đối với họ(1).
Phương hướng và giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Phương hướng chung là không đào tạo tràn lan, mà phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của lao động tại từng địa phương (huyện, tỉnh), có kết nối với chương trình việc làm quốc gia. Phương hướng này được triển khai thông qua các giải pháp sau:
Một là, xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị
Đây là một giải pháp có tính cấp bách, cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Mấu chốt là từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài “hàng rào” các khu công nghiệp, khu đô thị mới,... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất.
Hai là, tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư
Đây là các hình thức đào tạo đã khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo. Và nhờ đó những người làm công ăn lương ở nông thôn có thể phát triển được kinh tế gia đình, giảm cường độ và mức độ làm thuê.
Ba là, hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động
Nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung đã và sẽ tiếp tục hướng về xuất khẩu. Do đó, đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một phương hướng thực hành nghề rất quan trọng cho lao động nông thôn.
Ngay lĩnh vực xuất khẩu lao động, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (ngày 29-04-2009). Trong đó có những chính sách: hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Đối với các lĩnh vực xuất khẩu khác cũng cần thiết có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như vậy.
Bốn là, liên kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề
Đây là giải pháp có tính xã hội hóa, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm “đầu ra” của công tác đào tạo.
Năm là, kết hợp “truyền nghề” với đào tạo chính quy
Truyền nghề là hình thức đào tạo vẫn rất phổ biến tại các làng nghề. Nên có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, những người thợ lành nghề, nhất là tại các làng nghề, mở các lớp đào tạo theo kiểu truyền nghề; hoặc liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo theo kiểu bán chính quy.
Sáu là, hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo
Chi phí cho việc học nghề, hoặc chuyển đổi nghề là một vấn đề lớn đối với người dân nghèo. Vì vậy, cần có chính sách giảm chi phí học nghề, ví dụ bằng cách hỗ trợ cho vay vốn để đào tạo nghề cho hộ nông dân nghèo. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân sau khi đi học nghề có thể có việc làm phù hợp ở địa phương, hoặc việc làm tại các doanh nghiệp được xây dựng trên đồng ruộng trước đây của họ./.
--------------------------------------------------------------------
(1) TS. Lê Đăng Doanh, “Đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế” - Bản tin Phát triển và Hội nhập số 23-24
Tổng thống Cộng hòa Namibia thăm chính thức Việt Nam  (19/11/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Ấn Độ  (19/11/2013)
Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khắc phục lũ lụt miền Trung  (19/11/2013)
Đối thoại An ninh Việt Nam - Myanmar cấp Thứ trưởng lần thứ nhất  (19/11/2013)
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt  (19/11/2013)
Tuyên bố chung của mạng lưới thành phố lớn châu Á  (19/11/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên