Asean - những cột mốc trên tiến trình phát triển
Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (viết tắt là ASEAN). Trong quãng thời gian đó, ASEAN đã trải qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu để tiến tới một tổ chức khu vực ngày càng hoàn thiện, đầy triển vọng như ngày nay.
Năm 1967 - thành lập ASEAN, sự ra đời của một tổ chức khu vực ở Đông - Nam Á
ASEAN chính thức thành lập ngày 8-8-1967. Về mặt thời gian từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, ASEAN là tổ chức thứ ba mang tính khu vực ra đời sau Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC - 1957), Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU - 1963) và trước các tổ chức khác ở Nam Á (SAARC - 1985), Nam Mỹ (MERCOSUR - 1991), Bắc Mỹ (NAFTA - 1992) v.v.. Điều đó cho thấy việc thành lập ASEAN là đi theo đúng xu hướng khu vực hóa, tạo nên sự liên kết khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mở rộng và chi phối mọi hoạt động trên toàn thế giới.
Nhưng bối cảnh lịch sử ra đời của ASEAN có đôi nét khác biệt. Trong khi các tổ chức ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Á được thành lập trong điều kiện hòa bình, mục tiêu chủ yếu là hợp tác phát triển kinh tế thì Đông - Nam Á lại là một điểm nóng trong thời kỳ "chiến tranh lạnh". Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành từ Việt Nam lan ra toàn Đông Dương và có tác động mạnh mẽ đến toàn khu vực. Do vậy, tuy đề ra mục tiêu hợp tác về kinh tế và xã hội, nhưng do tình hình chiến tranh Đông Dương, vấn đề chính trị và an ninh khu vực lại trở thành mục tiêu đặc biệt quan trọng, chi phối hoạt động của ASEAN trong một phần tư thế kỷ tiếp theo.
Bản Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ năm 1971 về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) cho thấy mối quan tâm hàng đầu của 5 nước sáng lập ASEAN khi đó là xây dựng Đông - Nam Á thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập. Nó giải tỏa những bất đồng đã xảy ra giữa các nước thành viên như phản ứng của In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin đối với việc thành lập Liên bang Ma-lai-xi-a, làn sóng biểu tình ở Gia-các-ta chống bản án của Xin-ga-po hành hình hai sĩ quan thủy quân In-đô-nê-xi-a về tội làm gián điệp... Song, điều quan trọng hơn là nó phản ánh nỗi lo ngại về khói lửa chiến tranh Đông Dương sẽ lan sang các nước trong khu vực. Trong bối cảnh trật tự thế giới hai cực thì nội dung đó cũng ẩn chứa ý đồ muốn ngăn chặn ảnh hưởng cách mạng đối với các nước Đông - Nam Á ngoài Đông Dương, "ngăn chặn làn sóng cộng sản" theo cách nói của chính khách và học giả phương Tây hồi đó. Cho nên ngay từ đầu, ASEAN đã gây nên tâm lý nghi ngại giữa hai khối nước ở Đông - Nam Á, nhất là khi trước đó đã có tổ chức quân sự SEATO của Mỹ với sự tham gia của 2 thành viên ASEAN. Trong 7 - 8 năm đầu tiên, bản thân ASEAN chưa hoạt động được bao nhiêu, mối quan hệ Việt Nam - ASEAN còn đang trong giai đoạn thăm dò và lạnh nhạt. Tuy nhiên, sự thành lập ASEAN cũng đánh dấu một bước khởi động quan trọng cho một tổ chức toàn khu vực, nhất là sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Năm 1976 - Hiệp ước Ba-li, bước khởi đầu của sự hợp tác khu vực
Tình hình chiến tranh Đông Dương diễn biến rất nhanh với những tiến triển của cách mạng Việt Nam: năm 1973 Hiệp định Pa-ri được ký kết, năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi.
Đông - Nam Á bước sang một thời kỳ mới, quân Mỹ rút khỏi Đông Dương, tổ chức SEATO chuẩn bị giải thể (chính thức cuốn cờ vào năm1977). Đứng trước tình hình mới của một Đông - Nam Á hòa bình, cả hai phía đều tính đến việc điều chỉnh chính sách khu vực. Tháng 2-1976 các nguyên thủ ASEAN ký bản "Hiệp ước Thân hữu và Hợp tác" (thường gọi là Hiệp ước Ba-li). Tháng 7 cùng năm, chính phủ Việt Nam ra bản "Tuyên bố về Chính sách bốn điểm đối với Đông - Nam Á". Nội dung cơ bản của hai văn kiện đó có nhiều điểm giống nhau: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình, xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác. Điều đó cho thấy cả hai bên đều hướng tới một Đông - Nam Á hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng phát triển. Đây chính là mẫu số chung phản ánh nguyện vọng chính đáng và lợi ích thiết thực của các nước Đông - Nam Á mặc dù có sự khác biệt về chế độ chính trị và xã hội. Tiếp sau đó, trong những năm 1976 - 1978, quan hệ Việt Nam - ASEAN được cải thiện đáng kể, hé mở những khả năng đầy triển vọng. Nhưng từ cuối năm 1978, do tác động từ các nước lớn bên ngoài, Đông - Nam Á mất đi không khí hòa bình vừa mới xuất hiện, rơi vào tình trạng mất ổn định, có lúc đứng bên bờ của nguy cơ chiến tranh mới. Rõ ràng tâm lý lo ngại, thiếu tin cậy vốn đã ăn sâu trong thời "chiến tranh lạnh" nay lại được khơi dậy, bị lợi dụng và hai khối nước Đông - Nam Á lại rơi vào thế đối đầu.
Phải đến giữa thập niên 80, khi tình hình thế giới bắt đầu thay đổi theo xu hướng hòa dịu thì Đông - Nam Á cũng chuyển biến theo chiều hướng mới. Cả hai phía đi tìm giải pháp để gỡ rối cho "vấn đề Cam-pu-chia", khôi phục các hoạt động giao lưu, mở đường tiến tới sự hòa giải chính trị trong quan hệ quốc tế ở khu vực.
Năm 1995 - Việt Nam gia nhập ASEAN, mở ra thời kỳ hòa nhập cùng phát triển ở Đông - Nam Á
Tháng 7-1995 Việt Nam chính thức là thành viên ASEAN. Đây là sự kiện mới, kết thúc thời kỳ căng thẳng và đối đầu, mở ra thời kỳ hòa nhập cùng phát triển. Tiếp sau Việt Nam là các nước Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia lần lượt gia nhập ASEAN. Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á trở thành một tổ chức liên kết toàn khu vực đúng như tên gọi của nó.
Đối với Việt Nam, sự việc này là thành quả của quá trình Đổi mới được khởi động từ năm 1986. Giữa hai kỳ đại hội lần thứ VI và thứ VII của Đảng, Đảng ta đã từng bước hoạch định đường lối đối ngoại Đổi mới, đặt trọng tâm giải quyết tình hình Cam-pu-chia và giải tỏa mối quan hệ láng giềng trong khu vực, thực hiện phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ với các nước. Theo đường hướng đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được cải thiện cơ bản với Trung Quốc, Mỹ, EU và nhiều nước khác. Trong không khí hòa dịu ở Đông - Nam Á, năm 1992, Việt Nam (và Lào) tham gia Hiệp ước Ba-li, mở đầu cho giai đoạn tích cực chuẩn bị gia nhập ASEAN. Hoạt động này nhằm tạo dựng một môi trường khu vực thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, đồng thời bắc cầu vào những sân chơi có tầm vóc rộng lớn hơn.
Tiếp tục theo đuổi mục tiêu gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, ASEAN khởi xướng việc thiết lập Diễn đàn khu vực (ARF -1993), ký kết Hiệp ước về Đông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ - 1995), thành lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM - 1996) và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử Biển Đông (2002) |
Về phía các nước ASEAN, một Đông - Nam Á yên bình cũng là điều mong mỏi để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Họ nhận thấy Việt Nam là một nhân tố cùng họ gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; hơn nữa, cùng có mối quan tâm chung về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Việt Nam lại là một thị trường đầy tiềm năng chưa khai thác, hấp dẫn về sức mua, tài nguyên và nhân lực mà các nước làng giềng có trình độ cao hơn nhìn thấy ở đó những điều kiện thuận lợi, những khả năng sinh lời đầy hứa hẹn.
Tuy vậy, cũng có những băn khoăn là khi kết nạp một thành viên mới có chế độ chính trị khác, có khoảng cách lớn về kinh tế thì nguyên tắc đồng thuận của ASEAN liệu có còn giữ vững, việc thực hiện lộ trình AFTA liệu có thành công hay là ASEAN sẽ rơi vào tình trạng bất đồng và trì trệ, sẽ không đạt được những mục tiêu của Tuyên bố Băng-cốc khi thành lập và lại càng xa vời những ước vọng của Tầm nhìn 2020.
Những điều lo ngại trên có căn cứ nhất định song thực tiễn phát triển của ASEAN trong hơn mười năm qua đã trả lời câu hỏi đó. Từ đây, kinh nghiệm rút ra được chính là các quốc gia thành viên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, khi cùng đứng trong một tổ chức, đã tìm ra mục tiêu chung về một Đông - Nam Á hòa bình và thịnh vượng mà trong đó mỗi quốc gia vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền lợi thì sự hợp lực cùng tiến tới là con đường có lợi nhất. Hơn nữa, lịch sử hiện đại Đông - Nam Á cho thấy không xảy ra các cuộc chiến tranh giữa ngay chính các nước trong khu vực (ngoài một số vụ xung đột nhỏ) mà tình hình căng thẳng, chia rẽ, đối đầu thường bắt nguồn từ các nước lớn bên ngoài tác động vào, coi Đông - Nam Á như một bàn cờ dính líu đến lợi ích của họ. Nhận thức được điều này chính là để tìm cách để giải mã các nhân tố bất lợi bên ngoài, tăng cường sự liên kết khu vực đồng thời mở rộng sự hợp tác có hiệu quả với các cường quốc.
Rõ ràng là đến nay, hơn 15 năm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh và "ngòi nổ Cam-pu-chia" được tháo gỡ, Đông - Nam Á trở thành một khu vực hòa bình và ổn định, mối quan hệ giữa các nước thành viên được củng cố, ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, có vị thế trên trường quốc tế. Tinh thần ZOPFAN và Hiệp ước Ba-li đi vào thực tế cuộc sống, ngày càng phát huy tác dụng.
Những sáng kiến của ASEAN nhận được sự hưởng ứng và tham gia của các nước lớn và nhiều nước khác bởi vì hòa bình và ổn định khu vực là mối quan tâm chung do vị trí địa chiến lược, do nguồn lợi của thị trường thương mại và đầu tư của khu vực này liên quan đến lợi ích của nhiều nước.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và tình hình Đông - Nam Á đi dần vào ổn định, ASEAN bắt đầu quan tâm hơn đến các hoạt động kinh tế. Điều đó được đánh dấu bằng sự thành lập Khu vực thương mại tự do (AFTA - 1992) theo thời hạn hoàn thành là 2003 với 6 thành viên đầu tiên, vào những năm tiếp theo trên nguyên tắc ASEAN - x với các thành viên mới gia nhập. Cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông - Nam Á năm 1997 đã để lộ ra những yếu kém của kinh tế ASEAN, cho thấy đó là sự liên kết giữa các nền kinh tế nghèo ở mức độ khác nhau. ASEAN không có được thành viên cỡ G7, cũng không có những nền công nghiệp mạnh như các nước Âu Mỹ, và cuối cùng không thể cứu được nhau trong cơn hoạn nạn. Cơ chế ASEAN+3 được chính thức từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần VI (Hà Nội - 1998) mở ra khả năng vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh sự liên kết có hiệu quả.
Năm 2003 - hướng tới Cộng đồng ASEAN trên tiến trình thực hiện Tầm nhìn 2020
Bước vào thế kỷ XXI, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ASEAN đứng trước nhiều thách thức. Sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ, làn sóng khủng bố lan nhanh ở Đông - Nam Á, từ Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a đến miền nam Thái Lan. Cùng với nó là xu hướng ly khai, xung đột sắc tộc đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực. Vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ, kinh tế Đông - Nam Á dần khởi sắc nhưng những điểm yếu đã bộc lộ đặt ra những đòi hỏi mới. AFTA đi được một chặng đường trong nhóm 6 nước đầu tiên nhưng khuôn khổ khu vực tỏ ra chật chội đối với những nền kinh tế phát triển hơn nên đã ra đời các hiệp ước FTA song phương với các nước ngoài Đông - Nam Á. Việc hình thành khu vực thị trường tự do ASEAN - Trung Quốc mở ra những cơ hội mới đồng thời đặt ra những thách thức không kém phần gay gắt. Và tiếp theo sẽ là những hiệp ước tương tự giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Khoảng cách về trình độ giữa hai nhóm nước ASEAN vẫn là một trở ngại để tiến tới sự phát triển đồng đều, bền vững. Cơ chế lỏng lẻo của tổ chức cùng "phương thức ASEAN" đặt ra yêu cầu cần đổi mới để thích ứng với bước phát triển cao hơn, hiệu quả hơn, thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn.
Hội nghị Cấp cao lần IX tại Ba-li (10-2003) được tiến hành dưới chủ đề "Hướng tới một cộng đồng kinh tế và an ninh ASEAN".
Tuyên bố Hòa hợp ASEAN 2 (Hòa hợp Ba-li 2) tái khẳng định những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, tăng cường đoàn kết tiến tới việc hình thành một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ, tự cường và năng động, hành động hiệu quả như đã nêu trong văn kiện Tầm nhìn 2020 và Chương trình Hành động Hà Nội 1998, thích ứng với những thách thức mới trong sự biến đổi tình hình nhanh chóng ở khu vực và thế giới. Tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN được đẩy mạnh trong chương trình nghị sự với việc soạn thảo bản Hiến chương ASEAN, thời hạn được rút ngắn, đạt Tầm nhìn 2020 vào năm 2015.
ASEAN đã thành công trong việc thực thi sáng kiến về Cộng đồng Đông Á (EAC), đã hai lần đóng vai chủ nhà trong việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Ma-lai-xi-a (2005) và Phi-lip-pin (2007). Tại đây, vai trò lãnh đạo EAC của ASEAN được tất cả 13 nước thành viên xác nhận. Điều đó, một mặt, thể hiện vị thế quốc tế ngày càng vững vàng của ASEAN, thêm nhiều nước tham gia Hiệp ước Ba-li, quan hệ hợp tác được mở rộng thành ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân). Mặt khác, đó là giải pháp trung hòa dễ chấp nhận trong tình huống 2 thành viên lớn là Trung Quốc và Nhật Bản không thể nhường nhau địa vị đứng đầu Cộng đồng. Do vậy, với thực lực có phần yếu hơn, ASEAN phải đóng vai trò đầu tầu nên không tránh khỏi nhiều thách thức đón đợi phía trước.
Một vài kết luận
Một, con đường 40 năm của ASEAN phải trải qua nhiều thác ghềnh, có khúc quanh co nhưng cuối cùng đã và đang đạt được những mục tiêu ban đầu đề ra trong Tuyên bố Băng-cốc 1967. Một trong những nhân tố dẫn đến sự thành công chính là nhận thức đúng sự thay đổi xu thế phát triển của thế giới để có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý chính sách của từng nước, các mối quan hệ giữa các quốc gia Đông - Nam Á cũng như với các nước bên ngoài khu vực, cùng theo đuổi mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, thiết lập quan hệ hợp tác cùng phát triển. Nhờ vậy, từ mối quan hệ nghi ngại ban đầu, thậm chí có lúc căng thẳng đối địch, ASEAN dần dần trở thành một tổ chức toàn khu vực, bao gồm đầy đủ 10 thành viên với chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trình độ kinh tế chênh lệch và màu sắc văn hóa đa dạng.
Năm 2020, sẽ hình thành một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN |
Hai, vấn đề đã và đang đặt ra đối với ASEAN vẫn là tình trạng phát triển không đồng đều, khoảng cách khá xa nhau về trình độ kinh tế. Nó là trở ngại lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư nội khối, làm chậm tiến trình thực hiện AFTA và gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các cam kết FTA với bên ngoài. ASEAN nhận thức đầy đủ sự yếu kém này, thành lập Diễn đàn hợp tác phát triển sáng kiến hội nhập ASEAN, đề ra các dự án về Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phray-a - Mê-công (ACMECS), khu vực tăng trưởng kinh tế Đông ASEAN (BIMP - EAGA), xây dựng Hành lang Tây Đông cùng nhiều chương trình, dự án khác... ASEAN phát huy vai trò hỗ trợ của 6 thành viên cũ, của Quỹ ASEAN và các tổ chức khác. Đương nhiên, yếu tố quyết định phải là thành quả phát triển kinh tế - xã hội của bản thân các nước thuộc nhóm ASEAN 4 mà cho tới nay có sự tăng trưởng đáng kể, đang tỏ ra có nhiều triển vọng tốt đẹp. Chắc chắn rằng việc tiến tới sự phát triển bền vững và đồng đều ở Đông - Nam Á đòi hỏi sự nỗ lực phi thường trong một khoảng thời gian không ngắn.
Ba, Đông - Nam Á là một khu vực không lớn với số dân không đông (khoảng 500 triệu người), có trình độ kinh tế không cao. Nhưng Đông - Nam Á lại có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, có tiềm năng tài nguyên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào. Những điều kiện đó khiến Đông - Nam Á trở thành địa bàn thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn, là nơi đã từng xảy ra tranh chấp bằng vũ lực trong quá khứ và cũng là nơi giành giật ảnh hưởng trong hiện tại. Điều đó khiến cho ASEAN đứng giữa những mối quan hệ quốc tế hết sức chằng chéo, mỗi quốc gia thành viên lại có quan hệ thân sơ với từng đối tác cụ thể của riêng mình. Do vậy, ASEAN phải giải bài toán trước hết từ bên trong, tôn trọng mối quan hệ sẵn có của từng quốc gia và sử dụng quan hệ của mỗi quốc gia với các đối tác, đối thoại trong tư cách là người đại diện cho Hiệp hội. Đồng thời, ASEAN chú trọng phát huy ảnh hưởng trong vai trò người chủ thể các diễn đàn do mình đề xướng: ARF, ASEM, AEC... Các diễn đàn này đều là sáng kiến của ASEAN, có sự tham gia của nhiều nước ngoài Đông - Nam Á và tùy từng phạm vi, có mặt hầu hết các nước lớn. Trong khuôn khổ các diễn đàn, ASEAN là nơi tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao, khởi xướng các đề án và dàn xếp các khúc mắc để các quan điểm tiếp cận thuận lợi hơn. Qua đó, ASEAN phát huy vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực, tìm giải pháp cho các vấn đề đụng chạm về lợi ích, phối hợp trong cuộc đấu tranh chống khủng bố và chống tội phạm, thúc đẩy sự hợp tác kinh tế một cách sống động và hiệu quả hơn. Những thành quả đó đã nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế và ngược lại, vị thế được thừa nhận của ASEAN lại chính là điều bảo đảm chủ quyền quốc gia và ổn định khu vực. Cho nên, thành công của ASEAN trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với các nước lớn là một trong những kinh nghiệm đáng quý trên tiến trình 40 năm.
Bốn, bằng thiện chí của mình, Việt Nam đã nhanh chóng xóa bỏ những thành kiến của các nước thành viên đối với một nước mới gia nhập có chế độ chính trị khác, xóa bỏ những nghi ngại của thời "chiến tranh lạnh". Việt Nam đã hòa nhập bằng thiện chí và những đóng góp cụ thể vào các hoạt động của ASEAN, đã và đang trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm trong vai trò một hạt nhân đoàn kết, một nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và hợp tác, là nhân tố đáng tin cậy của sự phát triển và hội nhập trong khu vực và thế giới. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hoàn toàn phù hợp với đường hướng phát triển của Việt Nam trên bước đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Rút ngắn khoảng cách về trình độ kinh tế, giữ vững độ tăng trưởng nhanh, bảo đảm sự phát triển đồng đều, bền vững và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết "là bạn và là đối tác tin cậy" với các nước là những mục tiêu trên lộ trình xây dựng đất nước và cũng là đóng góp thiết thực vào sự lớn mạnh của ASEAN.
Vượt qua chặng đường 40 năm đầy gian nan, đến nay, Việt Nam và ASEAN sẵn sàng bước tiếp trên con đường tiến tới một Cộng đồng ASEAN vững mạnh và phồn vinh.
10 gương mặt Bộ trưởng mới  (03/08/2007)
TÓM TẮT TIỂU SỬ Đồng chí Vũ Văn Ninh. Bộ trưởng Bộ Tài chính  (03/08/2007)
Cộng đồng kinh tế ASEAN nhìn từ góc độ an ninh khu vực  (03/08/2007)
Động hướng mới trên bàn cờ chiến lược thế giới  (03/08/2007)
Quốc hội phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ  (02/08/2007)
Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân  (02/08/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay