Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam, suy nghĩ về sự kiên định, sáng tạo và phát triển
TCCS - “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn bản có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt ở giai đoạn 1943 - 1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đây cũng là tác phẩm khai mở, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam. Sau 80 năm, nhiều luận điểm của Đề cương đã được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung, sáng tạo và phát triển để phù hợp với bối cảnh mới.
1- Trong nghiên cứu về tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam (được viết năm 1943, gọi tắt là Đề cương), nhiều nhà khoa học đã thống nhất nhận định rằng, Đề cương là nền móng vững chắc, sự khai phá, mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở nước ta. Kể từ năm 1943 đến nay, Đề cương về văn hóa Việt Nam hoàn toàn có giá trị như là một cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta thời hiện đại, bởi những luận điểm chính yếu nhất trong Đề cương trở thành nguyên tắc, định hướng chính trị - văn hóa cho sự nghiệp xây dựng văn hóa mới. Thực tiễn phát triển lý luận văn hóa của chúng ta trong suốt 80 năm qua cho thấy, những thành quả lý luận được thực tiễn chứng minh là đúng đắn đều là kết quả của quá trình xử lý biện chứng giữa sự kiên định với những nguyên tắc cơ bản, định hướng chủ yếu vốn có trong Đề cương và phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo để tiếp tục phát triển, làm phong phú, toàn diện và ngày càng hoàn thiện hơn lý luận về văn hóa. Ở những giai đoạn nhất định, việc tách rời hai yêu cầu trên dẫn tới tình trạng bảo thủ, máy móc, hoặc chệch hướng, lệch lạc trong quá trình phát triển. Đây là một trong những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ qua 80 năm, mà còn có ý nghĩa lớn cho thời kỳ mới với nhiều sự biến đổi, biến động nhanh chóng, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống trong nước và quốc tế, trong đó văn hóa là “hàn thử biểu” của chính các biến đổi phong phú, phức tạp đó.
2- Đọc lại Đề cương, chúng ta nhận thấy rõ, không phải tất cả vấn đề đa dạng, phong phú, phức tạp của đời sống văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, biến đổi của nó (đến năm 1943) đều được đề cập. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị - văn hóa, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành một sự nghiệp khó khăn và lâu dài: cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới. Vì vậy, đường lối, quan điểm văn hóa, văn nghệ của Đảng từ sau Đề cương, mặc dù đã phát triển ở trình độ mới, nhưng vẫn kiên định giữ vững các luận điểm cốt lõi trong Đề cương.
Thứ nhất, Đề cương khẳng định văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tư tưởng đó được quán xuyến sâu sắc, nhất quán trong hệ thống quan điểm cốt lõi về văn hóa của Đảng ta từ năm 1943 đến nay. Đặc biệt, tính tất yếu và sức thuyết phục của tư tưởng đó được thể hiện sáng rõ trong sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh, văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy với nhiệm vụ đặc thù, tất cả đều hướng tới mục tiêu phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân. Tư tưởng trên không chỉ minh chứng văn hóa thực sự trở thành một vũ khí tinh thần, một sức mạnh đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống xâm lược để bảo vệ và thống nhất Tổ quốc, mà còn trở thành một yêu cầu, một đòi hỏi cấp thiết trong hiện tại, khi văn hóa phát triển chưa “tương xứng” với chính trị, kinh tế, khi những dấu hiệu xuống cấp đáng lo ngại, đáng báo động ở một số lĩnh vực của văn hóa đã xuất hiện, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, Đề cương nhận định, mặt trận văn hóa là nơi mà “ở đó người cộng sản phải hoạt động”(1). “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(2). Đây là bài học về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa. Kiên định bài học này thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của Đảng, nhất là khi sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, phức tạp của văn hóa đòi hỏi Đảng phải tự nâng mình lên một trình độ mới để tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo văn hóa. Mục đích lớn nhất của Đề cương là phát huy sức mạnh, tính ưu việt của văn hóa, giúp việc tuyên truyền cách mạng của Đảng có hiệu quả, qua đó tập hợp những người ưu tú hoạt động sáng tạo trên các lĩnh vực văn hóa vào đội ngũ cách mạng do Đảng lãnh đạo. Kiên định sự lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, đồng thời là một thách thức đối với Đảng. 80 năm qua, Đảng ta đã làm trọn sứ mệnh đó.
Thứ ba, Đề cương nhấn mạnh đến ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa mới, đó là “dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa”(3). Ba nguyên tắc vận động này, trong thực tiễn phát triển của văn hóa Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã từng bước trở thành ba tính chất, ba giá trị của văn hóa, tạo nên sự biến đổi sâu sắc của nền văn hóa mới. Cách thể hiện có thể thay đổi, như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã chuyển thành “dân tộc, hiện thực và nhân dân”, nhưng tư tưởng cốt lõi của Đề cương về ba tính chất cơ bản của văn hóa cách mạng Việt Nam vẫn là những định hướng đúng đắn, khoa học cho sự phát triển văn hóa. Cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến, hội nhập quốc tế về văn hóa, tính dân tộc của nền văn hóa Việt Nam hiện đại càng được nhấn mạnh, coi trọng, tạo nên tính độc đáo, bản sắc của văn hóa dân tộc.
Thứ tư, Đề cương đưa ra một luận điểm rất quan trọng, như là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, đó là: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành cuộc cải tạo xã hội”(4). Sự khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát trên đây chỉ ra cho chúng ta một bài học, một nhận thức sâu sắc: Không nên ảo tưởng rằng làm xong cách mạng chính trị, giành và giữ vững chính quyền, độc lập cho dân tộc hay chỉ tập trung cho phát triển kinh tế đã là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc. Chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo và xây dựng xã hội bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương gọi là “ba mặt trận”. Nội dung cơ bản của Đề cương đều xuất phát từ luận điểm gốc trên đây, mà triết lý của nó là phép biện chứng trong xử lý quan hệ giữa ba mặt trận đó. Việc chỉ nhấn mạnh mặt trận này, coi nhẹ mặt trận kia đều dẫn tới tình trạng bất lợi cho sự phát triển, thậm chí có thể dẫn tới sự chệch hướng, xung đột, khủng hoảng xã hội. Sự kiên định với quan điểm này đã và đang đặt ra một cách trực diện và gay gắt đối với chúng ta hiện nay cũng như trong nhiều năm tới.
3- Kiên định không phải là cố định, càng không phải là rập khuôn, máy móc, giáo điều. Thực tiễn mới đòi hỏi sự đúc kết lý luận mới, bổ sung và phát triển cho lý luận “mở đường”. Trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi mà Đề cương đã xác định, trong thực tiễn lãnh đạo, xây dựng văn hóa 80 năm qua, Đảng ta đã có những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo mới, thể hiện rõ việc xử lý biện chứng giữa kiên định và sáng tạo.
Thứ nhất, về phạm vi và nội hàm của văn hóa.
Trong Đề cương, Đảng đã xác định văn hóa gồm ba lĩnh vực “tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”(5). Cách hiểu này chỉ nhấn mạnh các lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, lần đầu tiên, văn hóa được hiểu bao gồm 8 lĩnh vực rộng lớn: tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa; văn học, nghệ thuật; môi trường văn hóa; giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và văn hóa các dân tộc thiểu số; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; hoàn thiện thể chế văn hóa. Đối chiếu với Đề cương, chúng ta thấy rõ sự kế thừa và phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa. Ba lĩnh vực trong Đề cương vẫn được khẳng định, đồng thời sự tổng kết thực tiễn đã mở rộng nội hàm của văn hóa theo hướng bao trùm và toàn diện hơn. Nhận thức mới đó đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa phải vươn lên ở tầm cao hơn, nâng cao hơn năng lực phát huy sức mạnh tổng hợp của các lĩnh vực, loại hình văn hóa cũng như sự tác động, lan tỏa của văn hóa đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Thứ hai, về vị trí và vai trò của văn hóa.
Xuất phát từ yêu cầu của cuộc vận động cách mạng, đấu tranh giải phóng đất nước, Đề cương khẳng định văn hóa là một mặt trận. Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tư tưởng đó tiếp tục được khẳng định, văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành vũ khí tinh thần sắc bén trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Danh hiệu nghệ sĩ - chiến sĩ trở thành niềm tự hào của giới văn hóa, văn nghệ. Nguyên tắc, quan điểm của Đề cương tiếp tục được khẳng định trong thời kỳ đổi mới. Đó là sự kiên định, tỉnh táo trước những tác động đa chiều, phức tạp của những “lý thuyết mới”, luận điểm mới. Tuy vậy, qua quá trình nghiên cứu, khám phá vai trò văn hóa trong tiến trình lịch sử, cùng với việc khẳng định quan điểm cốt lõi trên, chúng ta đã có một nhận thức rộng hơn, bao trùm hơn về văn hóa. Văn hóa là nhu cầu thiết yếu, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người. Văn hóa được đặt trong toàn bộ tiến trình lịch sử của con người. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Theo tinh thần đó, xây dựng và phát triển kinh tế nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Như vậy, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa văn hóa và phát triển, đặt văn hóa vào vị trí trung tâm, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.
Thứ ba, bước phát triển trong nhận thức về tính chất, đặc trưng cơ bản của nền văn hóa mới.
Năm 1943, Đề cương xác định “văn hóa Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”(6). Như vậy, nội dung này được thể hiện theo hướng diễn đạt của cặp phạm trù nội dung và hình thức. Về nội dung, yêu cầu mới là “tân dân chủ”, tức là phải vượt qua văn hóa phong kiến, văn hóa nô dịch để trở thành nền văn hóa dân chủ mới - một trào lưu đang phát triển mạnh mẽ của văn hóa thế giới giai đoạn lịch sử đó. Đồng thời, Đề cương coi tính dân tộc của văn hóa thuộc phạm trù hình thức. Cách hiểu đó ít nhiều chưa thể hiện được chiều sâu tính dân tộc của văn hóa, bởi tính dân tộc không chỉ là những biểu hiện hình thức, mà còn thấm sâu vào toàn bộ nội dung của văn hóa.
Tại Đại hội III của Đảng (năm 1960), luận điểm trên đã được điều chỉnh và phát triển thành nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc để làm rõ hơn đặc trưng tổng quát của nền văn hóa khi chúng ta xác định con đường phát triển của đất nước theo mục tiêu và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Khái niệm “nội dung xã hội chủ nghĩa” được thay thế cho “tân dân chủ về nội dung” là sự khẳng định mục tiêu và lý tưởng mới, cao hơn giai đoạn trước của nền văn hóa khi chế độ mới đang bắt đầu được thiết lập. Thuật ngữ “dân tộc về hình thức” đã được thay thế bằng “tính chất dân tộc”, có nghĩa là tính dân tộc của văn hóa đã bao hàm cả nội dung và hình thức. Đó là sự điều chỉnh quan trọng và cần thiết trong quan điểm về văn hóa.
Nghị quyết số 05-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 28-11-1987, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới” đã có sự điều chỉnh cơ bản: xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc. Như vậy, khái niệm “nội dung xã hội chủ nghĩa” sử dụng trong nhiều năm trước đây đã được thay thế bằng khái niệm “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” mang tính khái quát rộng hơn, chỉ mục tiêu và tính chất chung của toàn bộ nền văn hóa. Cụm từ “tính chất dân tộc” được chuyển thành “đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm tô đậm, khắc sâu hơn yêu cầu về tính dân tộc của văn hóa Việt Nam đương đại trên cơ sở sự nhận thức sâu hơn đặc tính, phẩm chất dân tộc của một nền văn hóa.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), cụm từ “văn hóa xã hội chủ nghĩa” trong Nghị quyết số 05-NQ/TW đã được thay thế bằng “văn hóa tiên tiến” và giữ lại cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc”. Có thể thấy, làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa thì cùng với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, còn có những giá trị dân chủ, nhân văn, tiến bộ, khoa học của văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới. Theo đó, tính tiên tiến của nền văn hóa là sự bổ sung, làm phong phú thêm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Như vậy, tất cả cụm từ “tân dân chủ”, “nội dung xã hội chủ nghĩa”, “văn hóa xã hội chủ nghĩa”, “hình thức dân tộc”, “tính chất dân tộc”, sau gần 50 năm, đã được thay thế bằng luận điểm mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và các nghị quyết sau đó đến nay, luận điểm này đã được làm rõ nội hàm của nó. Có thể khẳng định, quá trình tìm tòi trên gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học, sáng tạo. Đó là sự kế thừa khoa học từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện tiếp theo.
Thứ tư, về phương pháp sáng tác, để “tranh đấu về tông phái văn nghệ” đang thịnh hành những năm 30, 40 thời kỳ đó, Đề cương đã chỉ ra một nhiệm vụ: “làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”(7). Từ quan điểm được xác định trong Đề cương đến nhiều năm sau, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được thực thi, vận dụng và chi phối nền văn nghệ nước ta. Những thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật giai đoạn này đã khẳng định tính đúng đắn của quan điểm này, đặc biệt là sức mạnh cổ vũ tinh thần lớn lao, giúp con người vươn lên đấu tranh vì lý tưởng cao cả. Song, trước thực tiễn hiện thực đời sống và số phận con người đang vận động vô cùng phong phú, phức tạp, đa chiều,... đã gợi mở một hệ hình tư duy mới với hai nội dung quan trọng: một là, khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của công chúng; hai là, tự do sáng tác là điều kiện để tạo nên giá trị đích thực của văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng. Sự bổ sung và phát triển, như đã nêu ở trên, chỉ là những minh chứng cụ thể và tiêu biểu cho việc xử lý đúng đắn, biện chứng quan hệ giữa kiên định với sáng tạo và phát triển trên lĩnh vực văn hóa.
Sau 80 năm nhìn lại, có thể khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá, mở đường, có ý nghĩa như một cương lĩnh vắn tắt đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. Từ thực tiễn của đất nước hôm nay, có thể thấy những giá trị lịch sử của Đề cương và ý nghĩa thời sự của nó, nhất là khi chúng ta đang đứng trước không ít thách thức và yêu cầu cần kiên định, kế thừa và sáng tạo để phát triển trên tất cả lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng thời kỳ mới, trong đó có văn hóa. Việc nhận thức đúng và giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước./.
------------------------
(1), (2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 316, 316, 319
(4), (5) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 318, 316
(6) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 320
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 320
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời  (31/03/2023)
Đẩy mạnh kết nối các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, góp phần tạo sức hấp dẫn cho văn hóa Việt Nam  (27/03/2023)
Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện mang tầm cương lĩnh của Đảng ta về văn hóa  (28/02/2023)
Vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc  (13/01/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam