Khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế bền vững ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay
TCCS - Hoạt động kinh tế văn hóa góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo cơ hội việc làm, giảm khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Nhận thức rõ điều đó, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cần được khắc phục bằng các giải pháp phù hợp, đột phá trong thời gian tới.
Một số vấn đề trong sử dụng yếu tố văn hóa để phát triển kinh tế
Các hoạt động kinh tế văn hóa được hệ thống dựa trên hai khía cạnh là “lĩnh vực văn hóa” và “lĩnh vực liên quan”. Lĩnh vực văn hóa gồm tập hợp chung các hoạt động kinh tế (như sản xuất hàng hóa, dịch vụ và sự tham gia vào các hoạt động văn hóa)(1), như các buổi biểu diễn và lễ kỷ niệm (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, lễ hội và hội chợ), hoạt động nghệ thuật thị giác (mỹ thuật, nhiếp ảnh và thủ công), xuất bản sách và các ấn phẩm (báo, tạp chí, các tài liệu in khác và thư viện), dịch vụ thiết kế và sáng tạo (thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội bộ, dịch vụ kiến trúc và dịch vụ quảng cáo), di sản văn hóa phi vật thể (phong tục và truyền thống, tín ngưỡng, lễ hội, nghi lễ, lễ kỷ niệm và ngôn ngữ),... Lĩnh vực liên quan là khái niệm được hình thành từ việc mở rộng định nghĩa văn hóa (bao hàm các hoạt động xã hội và giải trí), gồm du lịch, thể thao và giải trí; dù được coi là các hoạt động chứa yếu tố văn hóa (mang tính chất văn hóa), nhưng thành tố cấu thành cơ bản lại không mang tính văn hóa. Ngoài ra, có ba lĩnh vực bổ sung liên quan đến lĩnh vực văn hóa có vai trò quan trọng trong chu trình văn hóa là giáo dục và đào tạo, lưu trữ và bảo tồn, thiết bị và vật liệu hỗ trợ(2).
Xây dựng kinh tế văn hóa cũng được hiểu là tập hợp các hoạt động nhằm thương mại hóa sự sáng tạo nghệ thuật, thẩm mỹ thông qua các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ văn hóa thể hiện tài sản trí tuệ và truyền đạt ý nghĩa biểu tượng(3). Trong đó, “văn hóa” xuất hiện với tư cách đầu vào hoặc đầu ra của quá trình sản xuất bằng sự tích hợp giá trị biểu tượng vào các sản phẩm thông qua thiết kế, thương hiệu (văn hóa hóa sản phẩm) hoặc mở rộng các ngành công nghiệp và tiếp thị hàng hóa, dịch vụ văn hóa (hàng hóa văn hóa), như sản phẩm nghệ thuật, phim, sách, âm nhạc,... Các ngành công nghiệp văn hóa được tổ chức theo mô hình vòng tròn: Hoạt động cốt lõi (nghệ thuật sáng tạo như khiêu vũ, âm nhạc, nghệ thuật thị giác) ở trung tâm, các hoạt động trung gian (xuất bản, truyền hình và phát thanh), và các hoạt động ngoại vi (quảng cáo, du lịch hoặc kiến trúc).
Trong quá khứ, ở Việt Nam, các định nghĩa về sự phát triển chủ yếu gắn với chỉ số kinh tế, đến những năm 70 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước xác định các chỉ số kinh tế là chưa đủ để tạo ra sự phát triển và văn hóa được coi như nguồn động lực cho kinh tế phát triển, nhất là kinh tế du lịch - dịch vụ; mặt khác, một khi văn hóa trì trệ, thì sẽ không có bất cứ sự phát triển kinh tế - xã hội nào(4). Khái niệm kinh tế văn hóa dần phổ biến hơn khi có những đổi mới trong các ngành và lĩnh vực văn hóa (phương tiện nghe nhìn, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, du lịch, văn hóa ảo,...); dù ra đời muộn, nhưng các ngành công nghiệp văn hóa có tốc độ phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển bởi sự phù hợp với xu thế của thời đại(5). Hiện các hoạt động kinh tế văn hóa có thể được nhóm thành bốn nhóm: di sản văn hóa, nghệ thuật, truyền thông (phim, phát thanh, truyền hình, âm nhạc, báo chí, xuất bản) và dịch vụ sáng tạo (thiết kế, quảng cáo, phương tiện truyền thông mới, kiến trúc và phần mềm). Đại hội XIII của Đảng xác định, cần “Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”(6).
Thế mạnh và điều kiện thuận lợi của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố (gồm các tỉnh, thành phố duyên hải từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên), thời gian qua, các tỉnh tập trung khai thác tiềm năng về du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái,...; ban hành những nghị quyết, chỉ thị riêng về xây dựng quy hoạch phát triển du lịch và tiến hành quy hoạch chi tiết một số điểm du lịch quan trọng. Ngoài ra, hằng năm, ngân sách của Trung ương và địa phương chú trọng đầu tư cho các tỉnh hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch,... Như vậy, kết hợp văn hóa với kinh tế để tạo động lực phát triển mới ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên là hướng đi phù hợp, tiềm năng nhằm khai thác, phát huy những thế mạnh và điều kiện thuận lợi về văn hóa để phát triển kinh tế:
Thứ nhất, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa với những nét độc đáo trải dài từ thời kỳ tiền sử, sơ sử, như văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Sa Huỳnh, sau đó là văn hóa Chăm, văn hóa Việt(7),... tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, đặc sắc không thể hòa lẫn với nơi khác, biểu hiện ở nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (những công trình kiến trúc cung đình, đền đài nổi tiếng và độc đáo ở Huế, Mỹ Sơn, Tây Nguyên,...); hệ thống nhã nhạc, ca múa cung đình, cồng chiêng và trường ca Tây Nguyên hay những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số; nhiều di chỉ khảo cổ học thu hút du khách, như kinh đô Trà Kiệu, Thành Hoàng Đế, chùa Thập Tháp,... Với sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng, các di sản văn hóa không chỉ được biết đến từ các chương trình nghị sự của Nhà nước về thúc đẩy bản sắc dân tộc, văn hóa và quyền công dân, mà còn được coi là động lực kích thích, thúc đẩy phát triển nền kinh tế; bảo tồn di sản văn hóa vừa duy trì các giá trị lịch sử, truyền thống, vừa hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân bằng các lợi ích kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, văn hóa trở thành công cụ chính để phổ biến, quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, cũng là cơ sở, cơ hội để khu vực miền Trung - Tây Nguyên (cội nguồn của nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa và tâm linh) xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiệu quả.
Thứ hai, tài sản văn hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên có tính ổn định, bền vững. Mặc dù hoạt động khai thác các tài nguyên du lịch một số nơi tương đối vội vã, nhất thời, không có quy hoạch và kế hoạch dài hạn khiến môi trường du lịch, văn hóa ít nhiều bị tổn hại; một số tài sản, truyền thống văn hóa dần bị mai một do chưa được bảo tồn và phát huy đúng cách,..., nhưng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nỗ lực duy trì những giá trị văn hóa địa phương (hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo). Tuy nhiên, để tận dụng được nguồn lực đó, chính quyền cần có những cải cách hành chính cần thiết, các thỏa thuận pháp lý với một tầm nhìn chiến lược nhất quán nhằm thúc đẩy và cải thiện các ngành công nghiệp văn hóa, hỗ trợ tạo lập vốn văn hóa với chính sách dài hạn để nuôi dưỡng sức sáng tạo trong sản xuất kinh tế.
Thứ ba, nhìn chung, tuy các địa phương chưa có sự kết nối, bổ trợ và mang tính cạnh tranh trong xây dựng kinh tế văn hóa; chỉ khai thác những nguồn lực sẵn có, chưa có sự đầu tư chuyên sâu,..., nhưng khu vực miền Trung - Tây Nguyên có thế mạnh đặc biệt về vị trí địa lý cùng nhiều điều kiện thuận lợi trong xây dựng các cụm sản xuất văn hóa và các địa điểm văn hóa.
Về xây dựng các cụm sản xuất văn hóa: Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều có những điểm du lịch thiên nhiên và văn hóa; khoảng cách địa lý giữa các trung tâm văn hóa và du lịch thuận lợi trong di chuyển; hội đủ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam với 14 di sản thế giới, hơn 3.000 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận và cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế, 10 cảng biển loại 1, tuyến đường Hồ Chí Minh và các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ dần được nâng cấp; có đường bờ biển dài với những bãi tắm nổi tiếng (tập trung hơn 80 bãi biển có thể khai thác du lịch); nhiều rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú (riêng các tỉnh vùng Tây Nguyên, có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá, như vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung,...). Đó là cơ sở để phát triển các cụm sản xuất văn hóa (các mạng lưới văn hóa) theo phong cách riêng có sức hấp dẫn văn hóa ở các trung tâm và các thành phố dễ tiếp cận, quy mô đáp ứng những yêu cầu của du khách; cho phép kết nối với văn hóa và nghệ thuật, các hoạt động văn hóa được tổ chức dưới các hình thức ăn sâu vào cấu trúc xã hội và nhờ đó, có thể trở nên tự bền vững theo thời gian và bản sắc văn hóa được bảo tồn trong quá trình tăng trưởng.
Cụm sản xuất văn hóa có thể kết hợp các hoạt động văn hóa “truyền thống” (phi lợi nhuận) với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ văn hóa (các ngành công nghiệp sáng tạo hoạt động nghệ thuật và sản xuất hoặc tiếp thị); không gian văn hóa không bị chia cắt và khách du lịch chỉ cần dịch chuyển về mặt địa lý đến các khu vực khác để bắt đầu một quá trình trải nghiệm mới, với các ý tưởng mới dựa trên “di sản” gắn liền với hoạt động kinh tế.
Xây dựng văn hóa địa điểm: Mối liên hệ giữa các sản phẩm văn hóa với vùng lãnh thổ đóng vai trò rất quan trọng. Nhận diện một vùng văn hóa hoặc một nền văn hóa cần dựa vào hai bộ công cụ quan trọng: Hệ tọa độ ba chiều (chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa) và các đặc trưng văn hóa (tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử)(8). Hoạt động khai thác giá trị từ những địa điểm di sản văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc được thực hiện ở nhiều thành phố nổi tiếng thế giới, như Viên (Áo), Pa-ri (Pháp) hoặc Niu Oóc (Mỹ),...; các sản phẩm văn hóa ít nhiều được sản xuất tại một địa điểm nhất định trước khi được thương mại hóa trên thị trường (như điện ảnh, truyền hình ở Lót An-giơ-lét (Mỹ), Mum-bai (Ấn Độ); âm nhạc ở Li-vơ-pun (Anh); xuất bản ở Niu Oóc (Mỹ) hoặc Luân-đôn (Anh); quảng cáo ở Pa-ri (Pháp) hoặc Am-xtéc-đam hay kiến trúc ở Rốt-xtéc-đam (Hà Lan),... là những kinh nghiệm, gợi ý thiết thực cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Xây dựng phong cách riêng là cần thiết để phát triển kinh tế văn hóa trong bối cảnh các dịch vụ du lịch nói riêng và dịch vụ văn hóa nói chung ngày càng bão hòa, không có sự khác biệt quá nhiều và khó tạo ra dấu ấn. Các hàng hóa văn hóa cũng bị chi phối bởi thị trường và cần liên tục đổi mới trong khi các hàng hóa tại chỗ cần được bảo tồn và lưu truyền. Khách hàng văn hóa ngày càng đa dạng hơn, cẩn thận hơn về chất lượng và sự độc đáo; tích cực khám phá và tìm kiếm cái “mới”, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và các công nghệ kỹ thuật số trong mô hình mới về sự tương tác giữa khách và địa điểm. Sự hấp dẫn phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh các hàng hóa văn hóa theo khẩu vị toàn cầu trong khi vẫn mang phong cách riêng được thiết kế trong các cụm sản xuất văn hóa địa phương, vì vậy, các sản phẩm văn hóa cũng phải được coi là “hàng hóa bản sắc”, cả ở cấp độ xã hội và cấp độ cá nhân. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện đã có một số sản phẩm văn hóa gắn với địa điểm (ẩm thực Huế - Đà Nẵng, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, di tích văn hóa dân tộc Chăm (tỉnh Quảng Nam),...); việc xây dựng thương hiệu địa điểm có thể thông qua việc sử dụng kiến trúc mang tính biểu tượng, những kiến trúc hoành tráng và hiện đại hoặc thông qua những sản phẩm, lễ hội văn hóa địa phương.
Một số khó khăn, hạn chế
Nhìn chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có sự phát triển chưa cân xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tận dụng, khác thác các nguồn lực văn hóa, thể hiện chủ yếu ở một số nội dung sau.
Một là, quá trình phát triển kinh tế văn hóa thiếu cơ chế điều phối chung đủ quyền lực và linh hoạt, trong khi điều kiện tiên quyết để xây dựng các cụm sản xuất văn hóa và văn hóa địa điểm là sự điều phối hiệu quả việc liên kết giữa các địa phương. Mặc dù khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ lâu đã xác định được không gian vùng, nhưng tư duy phát triển một số nơi vẫn mang nặng tính địa phương, manh mún, nhỏ lẻ; chủ yếu quan tâm đến cơ hội, thách thức và kế hoạch phát triển nội tại mà ít đóng góp vào tìm kiếm cơ hội, giải quyết thách thức và kế hoạch phát triển của địa phương khác. Việc thiếu sự điều phối chung cũng khiến quá trình ra quyết định trở nên phức tạp; bên cạnh đó, các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hình thức, mới dừng ở quyết tâm chính trị và chưa chuyển hóa thành các dự án, đề án thực tiễn.
Thứ hai, các địa phương trong khu vực chưa tạo được điểm nhấn, sự độc đáo ở những sản phẩm và dịch vụ trong xây dựng kinh tế văn hóa bởi sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa, phương thức sản xuất,...; chỉ tập trung tận dụng những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ. Thực tế, văn hóa, nghệ thuật, du lịch,... là vấn đề của sự khai sáng, giải trí dẫn đến quan điểm rằng văn hóa, nghệ thuật, du lịch khám phá,... phải phụ thuộc vào nhu cầu của công chúng; do đó, chưa chú trọng đúng mức đến việc tạo ra các nhu cầu về văn hóa, nghệ thuật cho các đối tượng khác nhau.
Thứ ba, khu vực miền Trung - Tây Nguyên thiếu nguồn nhân lực đủ mạnh để xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa; năng lực đào tạo nhân lực phổ thông và trình độ cao chưa đáp ứng được nhu cầu hiện có của thị trường nhân lực tại chỗ(9). Kinh tế văn hóa đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên nghiệp, sáng tạo, có năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ, tư duy đột phá; hiểu biết sâu sắc và toàn diện về văn hóa của khu vực và cách thức vận hành kinh tế văn hóa. Tuy nhiên, việc kết nối trong đào tạo và sử dụng lao động chưa có định hướng; chưa đáp ứng quy mô vùng và đầu tư chưa có trọng tâm, trọng điểm; các ngành, nghề đào tạo cũng như trình độ đào tạo hiện chưa gắn với nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế văn hóa; phải cạnh tranh với các khu vực khác để thu hút tài năng và “tầng lớp sáng tạo”.
Thứ tư, thiếu sự đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực kinh tế văn hóa; thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan điều phối trong vùng, gây khó khăn cho việc chọn lựa các dự án hay đánh giá quá trình, hiệu quả các hoạt động kinh tế văn hóa trong vùng, hạn chế hiệu quả quảng bá các cụm sản xuất văn hóa và xây dựng văn hóa địa điểm đặc sắc,... Do đó, hoạt động kết nối đầu tư cho kinh tế văn hóa trở nên khó khăn, rời rạc, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Nhằm xây dựng kinh tế văn hóa phát triển hiệu quả, mang lại lợi ích thực tế ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế điều phối chung để bảo đảm tính chất liên kết vùng trong phát triển kinh tế văn hóa. Trong liên kết, phát triển vùng, một mặt, từng địa phương cần có chính sách, biện pháp để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh kết nối chặt chẽ các sản phẩm, dịch vụ du lịch với nhiều hệ giá trị văn hóa địa phương; mặt khác, giảm thiểu được việc đầu tư dàn trải, trùng lặp tại các địa phương trong vùng.
Thứ hai, tăng cường sáng tạo, quảng bá các sản phẩm, hoạt động của kinh tế văn hóa; nghiên cứu, học hỏi, chọn lọc những giá trị có thể vận dụng của các phương pháp tiếp cận, kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Thực hiện quảng bá hình ảnh cả bên trong lẫn bên ngoài các ngành văn hóa truyền thống, như điện ảnh, âm nhạc và xuất bản hay các phương tiện truyền thông (báo chí, đài phát thanh và truyền hình); các lĩnh vực sáng tạo (thời trang, nội thất và thiết kế sản phẩm); du lịch văn hóa và lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và di sản). Ngoài ra, cần tìm kiếm đối tác phù hợp, đủ tầm nhằm duy trì động lực, chất lượng sáng tạo nghệ thuật, văn hóa; tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa. Hiện nay, đối tượng của các ngành công nghiệp văn hóa khu vực miền Trung - Tây Nguyên hướng đến đã được mở rộng ra quốc tế; do đó, cần tìm kiếm các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm và tiềm năng, góp phần đưa hình ảnh văn hóa ra khu vực và thế giới; đồng thời, tạo cảm giác thân thuộc nhằm thu hút bạn bè quốc tế đến với vùng văn hóa đẹp, độc đáo, huyền bí và hấp dẫn.
Thứ ba, khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa cao cấp, độc đáo; dù việc sản xuất văn hóa phục vụ nhu cầu thị trường là không thể tránh khỏi, nhưng sản xuất hàng hóa cần thấm nhuần hệ giá trị biểu tượng và nghệ thuật, tránh việc “hàng hóa hóa” văn hóa; cung cấp một hệ sinh thái văn hóa trên các lĩnh vực, để có sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, cần xác định lại các cấp bậc nhu cầu trong du lịch, thoát ly tư duy “khách du lịch đại chúng” và thường xuyên nâng cao chất lượng hình ảnh văn hóa, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại để duy trì sự hấp dẫn trước làn sóng mới của khách du lịch đam mê, yêu thích văn hóa.
Thứ tư, duy trì cách tiếp cận tổng thể đối với không gian sống khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bởi môi trường tự nhiên luôn là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế văn hóa. Cần xác định tác động của văn hóa đến môi trường kinh tế ở nhiều góc độ, như văn hóa tác động trực tiếp đến kinh tế thông qua tạo việc làm hoặc “giá trị” trong các ngành công nghiệp văn hóa; ảnh hưởng đến chất lượng của các địa điểm (hiệu ứng nam châm), từ đó thu hút khách du lịch, thúc đẩy chi tiêu bổ sung,... Do áp lực phát triển kinh tế, đôi khi, các địa phương đưa ra nhiều kế hoạch và dự án phản ánh hệ thống giá trị không tương thích với các giá trị của văn hóa địa phương; do đó, các dự án cần gắn với sự hiểu biết sâu sắc về địa phương và tôn trọng các giá trị văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng mà không làm gián đoạn cấu trúc xã hội và văn hóa để có thể phát triển bền vững./.
---------------------------
(1) Xem: Khung thống kê văn hóa UNESCO, Viện Thống kê UNESCO, Ca-na-đa, 2009, tr. 10, https://uis.unesco.org/sites/default/files/documents/unesco-framework-for-cultural-statistics-2009-vi.pdf
(2) Xem: Hilal Yýldýrýr Keser: “Culture Economy for Economic Development: Assesments on Cultural Heritage in Turkey” (Tạm dịch: Nền kinh tế văn hóa đối với sự phát triển kinh tế: Đánh giá về di sản văn hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ), European Scientific Journal, tháng 10-2016, tr. 40
(3) Xem: David Throsb: “Modelling the Cultural Industries” (Tạm dịch: Mô hình hóa các ngành công nghiệp văn hóa), The International Journal of Cultural Policy, tháng 8-2008, tr. 217-232, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10286630802281772
(4) Nguyễn Trọng Chuẩn: “Vai trò của nguồn lực văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-4-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821721/vai-tro-cua-nguon-luc-van-hoa-voi-qua-trinh-phat-trien-kinh-te---xa-hoi.aspx,
(5) Xem: Phùng Quốc Hiển: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 23-3-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-va-hoi-nhap-quoc-te-o-viet-nam
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 264
(7) Ngô Thị Thu Hương: “Văn hóa biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (85) - 2014, tr. 100
(8) Uông Thái Biểu: “Bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 22-5-2021, https://nhandan.vn/tro-chuyen-cuoi-tuan/bao-ton-phai-gan-lien-voi-khai-thac-phat-huy-von-van-hoa-truyen-thong-647254/,
(9) Xem: Phạm Văn Giang: “Thực trạng liên kết đào tạo nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 31-5-2016, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/1481-thuc-trang-lien-ket-dao-tao-nhan-luc-o-cac-tinh-duyen-hai-mien-trung.html
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế - 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách  (08/12/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay