Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam
TCCS - Trên thế giới, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, với nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.
Nền kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản, liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn gắn liền với các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có những thuận lợi sau:
Thứ nhất, về chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ mội trường, như Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” , “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”…
Thứ hai, kinh tế tuần hoàn đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Với sự phát triển của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là cơ hội lớn nhằm tìm tòi, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Kinh tế tuần hoàn phát triển sẽ làm giảm áp lực của việc thiếu hụt tài nguyên, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa. Điều này góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu và thu hồi gần như triệt để các chất gây hiệu ứng nhà kính, không phát thải ra môi trường. Do mang lại nhiều lợi ích như vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Thứ ba, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Có thể kể đến mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Công ty Nestlé sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại và sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Nestlé cũng có kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025. Heineken Việt Nam có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4/6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu không phát thải carbon. Unilever Việt Nam triển khai chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn…
Bên cạnh những cơ hội, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: (1)- Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải. Kinh tế tuần hoàn là mô hình khép kín khi sử dụng chất thải của chu kỳ này cho đầu vào của chu kỳ mới. Ở Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với các nước đã và đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước hiện đang chiếm khoảng 8% - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng rác thải nhựa không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ra môi trường xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tỷ lệ rác thải cao gây khó khăn trong việc quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác. (2)- Các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn chưa phổ biến, đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với các mục tiêu tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi kinh tế tuần hoàn là mô hình tạo ra giá trị dài hạn. (3)- Các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào vốn và lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, chỉ đạo.
Bốn là, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải.
Năm là, đưa vào chương trình giáo dục - đào tạo ở các cấp học những kiến thức về kinh tế tuần hoàn nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao./.
Phát triển kinh tế tuần hoàn - Hướng đi tất yếu nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững  (27/05/2022)
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường  (04/05/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
Bảo vệ môi trường và những vấn đề pháp lý đặt ra theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (25/02/2022)
Bảo đảm an ninh môi trường làng nghề ở nước ta hiện nay  (06/12/2021)
Ngành điện bảo vệ môi trường nhìn từ vấn đề xử lý tro, xỉ  (05/11/2021)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay