Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp
TCCS - Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, góp phần giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hầu hết môi trường quanh khu vực này đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự ô nhiễm đến từ lượng nước thải, rác thải và khí thải mà doanh nghiệp thải ra môi trường. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác.
Báo động trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải hằng ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.
Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp điển hình là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Bởi vậy không có gì lạ khi nhiều kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… đang được coi là những dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng vì dòng chảy chở theo lượng nước thải khổng lồ và rác thải đủ loại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt.
Ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp cũ, do các khu công nghiệp này đang xử dụng công nghệ cũ, lạc hậu hay chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải ra môi trường. Trong khi các khu công nghiệp mới do được đầu tư công nghệ hiện đại, nên hệ thống xử lý nước thải ra môi trường được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, tất cả do ý thức con người mà tình trạng ô nhiễm không có xu hướng giảm. Ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp chủ yếu là bụi, một số khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn.
Nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường
Trong những năm qua, việc bảo vệ môi trường khu công nghiệp vẫn là một vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu công nghiệp được thành lập để thực hiện thu hút các dự án đầu tư công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện một số khu công nghiệp thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận. Nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp có thể đó là:
Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan trong khi khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư thấp, năng lực tài chính còn hạn chế dẫn đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Các khu công nghiệp chưa có sự ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý chất thải, một số khu công nghiệp thậm chí còn không có hệ thống xử lý rác thải mà đổ trực tiếp ra môi trường.
Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp còn hạn chế, nhiều chủ cơ sở hiểu chưa rõ, chưa chính xác và thậm chí không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cam kết bảo vệ môi trường nhưng lại không thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn. Ban quản lý môi trường tại các địa phương chưa có sự quan tâm đầy đủ đến vấn đề này. Hầu hết Ban quản lý, khu công nghiệp mới chỉ tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư, chưa quan tâm đến công tác quản lý môi trường khu công nghiệp. Các công tác thanh tra giám sát còn chưa hiệu quả, các cơ quan còn chậm trễ trong việc kiểm soát và đôn đúc các chủ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường đối với các khu công nghiệp, thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Nhanh chóng hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong đó quan tâm sửa đổi, bổ sung một số nhóm cơ chế, chính sách: Quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó tính đến yếu tố bảo vệ môi trường khu công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường phục vụ lựa chọn loại hình, công nghệ sản xuất, bảo đảm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát, đánh giá, điều chỉnh công cụ kinh tế, thuế, phí về môi trường đang áp dụng cho phù hợp với nguyên tắc thị trường; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, cộng sinh công nghiệp...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện rà soát, sửa đổi một số luật có liên quan, như Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư... để phát huy hiệu lực, hiệu quả của các quy định trong Luật bảo vệ môi trường.
Ngoài việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, cần tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Khẩn trương tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch cấp tỉnh, bao gồm quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Tăng cường quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; sớm khắc phục tình trạng vi phạm. Áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với khu công nghiệp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Bảo đảm việc thành lập và phát triển khu công nghiệp tuân thủ đúng với quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiên quyết không cho mở rộng khu công nghiệp hiện có, hoặc đầu tư thêm các khu công nghiệp mới tại địa phương khi còn khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp; không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thứ cấp khi khu công nghiệp chưa có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Cân đối nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tăng cường nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam theo hướng đầu tư, xây dựng công trình bảo vệ môi trường khu công nghiệp tại địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Tổ chức thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại địa phương. Giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các khu công nghiệp và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các khu công nghiệp.
Hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp, cam kết về bảo vệ môi trường;
Tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ mội trường khu công nghiệp; huy động các nguồn vốn đầu tư, vốn viện trợ quốc tế để thực hiện các giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp, trong đó tập trung nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; có các giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường và khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường./.
Huyện Thuận Thành duy trì và nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường  (17/03/2021)
Một số vấn đề và giải pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp  (15/11/2020)
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới, có tính đột phá  (10/11/2020)
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới  (03/11/2020)
Phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (02/09/2020)
Bảo vệ môi trường từ bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập  (20/08/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển