Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay
TCCS- Một trong những thành tựu to lớn của chính sách phát triển bảo hiểm y tế ở nước ta trong những năm qua là đã mở rộng độ bao phủ đối với nhóm người cao tuổi. Trong những năm tới, để thực hiện mục tiêu “phát triển bao trùm - không ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là với nhóm người cao tuổi, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục cải cách chính sách bảo hiểm y tế.
Vai trò của bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Chăm sóc sức khỏe là vấn đề trọng tâm để bảo đảm cuộc sống hạnh phúc đối với người cao tuổi. Quá trình già hóa làm thay đổi các đặc trưng về mặt sinh học, dẫn đến hạn chế các chức năng nghe, nhìn, vận động, làm gia tăng các loại bệnh tật và nguy cơ tử vong ở nhóm người cao tuổi. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tổn hại về mặt tinh thần, tính tự chủ và độc lập trong cuộc sống, “là một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn tới nguy cơ bần cùng hóa cuộc sống của nhóm người cao tuổi cũng như gia đình của họ”(1).
Nhận thức chăm sóc sức khỏe là quan trọng, nhưng bảo đảm khả năng tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe luôn là thách thức lớn với nhiều người cao tuổi và gia đình họ, bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thường cao hơn so với chi phí khám, chữa bệnh của nhóm người trẻ tuổi. “Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp tám đến mười lần so với người trẻ; mặc dù người cao tuổi chiếm hơn 10% số dân nhưng sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm”(2). Vì vậy, bảo đảm khả năng tài chính nhằm chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là chính sách quan trọng mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng đến.
Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý, nhiều quốc gia đã bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi thông qua bảo hiểm y tế. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế với người dân nói chung, với người cao tuổi nói riêng giúp các quốc gia thực hiện được ba mục tiêu cơ bản: “(i) Bảo đảm công bằng (khám, chữa bệnh theo nhu cầu, chứ không theo khả năng chi trả); (ii) Bảo vệ tài chính (bảo đảm để việc khám, chữa bệnh không dẫn tới tình trạng bần cùng hóa); (iii) Tiếp cận hiệu quả, toàn diện các dịch vụ y tế có chất lượng (bảo đảm thầy thuốc chẩn đoán chính xác, kê đơn, điều trị phù hợp, hợp lý)”(3).
Ở Việt Nam, quá trình già hóa dân số đang tăng nhanh, đặt ra yêu cầu phải cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, giúp họ phòng ngừa được các bệnh mãn tính, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho y tế, tránh bần cùng hóa các gia đình có người cao tuổi, đồng thời giúp thực hiện mục tiêu “phát triển bao trùm - không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc xây dựng và thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế phù hợp mang đến cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, đồng thời đem lại nhiều cơ hội “phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”(4), nhằm mục tiêu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.
Thực trạng mức độ bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi ở Việt Nam những năm qua
Hiện nay, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% tổng dân số. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già và tỷ lệ người cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra những thách thức lớn về chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
Phát triển bảo hiểm y tế cho người cao tuổi là một chủ trương lớn của Việt Nam. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi. Tại khoản 2, Điều 17 và khoản 1, Điều 18, Luật Người cao tuổi, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước. Với điều luật này, cùng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cho đến nay, tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng: “Riêng năm 2019 - 2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, đa số là người cao tuổi, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên”(5). Số lượng người cao tuổi được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp thẻ bảo hiểm y tế đã tăng từ 8,8 triệu người năm 2016 lên đến 12,1 triệu người năm 2020(6). Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, trong số gần 13 triệu người cao tuổi đã có 12,1 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế với người cao tuổi ở nước ta là khá lớn, số lượng người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ khá nhỏ là trên, dưới 5% tổng số người cao tuổi(7).
Cùng với mức độ bao phủ rộng là mức độ sử dụng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh của người cao tuổi liên tục tăng. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, “năm 2017, có 52,8 triệu lượt khám, chữa bệnh của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc), chi phí 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt khám, chữa bệnh của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt khám, chữa bệnh trên toàn quốc)(8).
Trong thời gian qua, nhờ những cải tiến liên tục của chính sách bảo hiểm y tế nên quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe của nhóm người cao tuổi ngày càng được mở rộng. Theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, quyền lợi đối với việc sử dụng các trang thiết bị vật tư y tế, như thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật y tế... được xác định trên cơ sở mức đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế. Kể từ ngày 1-1-2021, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, việc thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tại bệnh viện tuyến tỉnh, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100% (trước chỉ được thanh toán 60%) chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng cho người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh, điều trị không đúng tuyến. Việc liên tục cải tiến, hoàn thiện chính sách đã tạo cơ hội cho quyền lợi của người dân có thẻ bảo hiểm y tế nói chung, người cao tuổi nói riêng được mở rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách bảo hiểm y tế cho người cao tuổi còn có những hạn chế nhất định. Một là, có những người trong danh sách được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng trên thực tế, họ vẫn chưa nhận được thẻ, ảnh hưởng đến quyền lợi nếu chẳng may bị bệnh tật tại thời điểm đó. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020 còn “khoảng hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế”(9). Hai là, còn một tỷ lệ khá lớn người cao tuổi không thuộc diện được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn trong mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, trong đó, chủ yếu là khó khăn về tài chính, bởi đây là những “đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo hoặc chưa đủ tuổi để được hỗ trợ 100% (80 tuổi)”(10). Ba là, người cao tuổi, đặc biệt là những người nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người sống đơn thân, không có điều kiện để có thể tận dụng các lợi ích của bảo hiểm y tế. Họ không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi có triệu chứng của bệnh tật và lúc đó thường là bệnh nặng, làm gia tăng chi phí điều trị thuốc men và thời gian chữa bệnh.
Như vậy, một trong những thành tựu to lớn của chính sách phát triển bảo hiểm y tế ở nước ta những năm qua là diện bao phủ đối với nhóm người cao tuổi ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, dù mức độ bao phủ ngày càng rộng, song không phải lúc nào cũng đồng nhất với hiệu quả của việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Hơn nữa, dù tần suất sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh ở người cao tuổi là cao hơn so với các nhóm tuổi khác, nhưng việc khám, chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế lại không đồng nhất giữa các nhóm người cao tuổi nếu phân theo giới tính, khu vực, địa bàn cư trú. “Bảo hiểm y tế… có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa”(11).
Một số giải pháp thời gian tới
Trong những năm tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế, cần nâng cao hiệu quả sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”(12). Để thực hiện mục tiêu này, cần tập trung vào một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế. Hiện tại, Nhà nước đã trợ cấp toàn bộ 100% chi phí bảo hiểm y tế cho người nghèo và các đối tượng khó khăn, trợ cấp mua bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo là 70%. Để thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế như Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nhà nước cần tiếp tục duy trì mức trợ cấp 100% với đối tượng người nghèo, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên; hướng tới cân nhắc hạ độ tuổi của người cao tuổi được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí xuống 75 tuổi; tăng mức trợ cấp cho đối tượng cận nghèo lên mức 100%, bởi hiện tại nhiều người cao tuổi thuộc nhóm cận nghèo vẫn không có đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế với mức trợ cấp hiện hành. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm cho người cao tuổi cần nhanh chóng, áp dụng số hóa để thuận lợi cho việc quản lý, cấp phát, gia hạn thẻ, hạn chế tối đa tình trạng chậm trễ cấp phát thẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, nhằm giảm bớt thủ tục, sự đi lại của người cao tuổi và những người chăm sóc họ.
Thứ hai, tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi để người cao tuổi và những người chăm sóc họ hiểu biết về những quyền lợi được hưởng, cũng như hiểu biết về các quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh nhằm sử dụng hiệu quả hơn thẻ bảo hiểm y tế. Tăng cường thông tin về vai trò của bảo hiểm y tế đối với việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm tài chính, các gói quyền lợi mà người có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng... Công tác truyền thông không chỉ hướng đến đối tượng là người cao tuổi, mà cần tập trung vào người chăm sóc họ với các hình thức phù hợp với từng đối tượng theo giới tính, vùng, miền, dân tộc. Để nâng cao chất lượng truyền thông, cần có các chỉ số giám sát, đánh giá để định lượng những thay đổi về kiến thức, thái độ, hành vi của đối tượng đã được truyền thông.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tài chính thúc đẩy sự tham gia bảo hiểm y tế bằng việc phát triển bảo hiểm y tế hộ gia đình, giúp giảm tỷ lệ người cao tuổi không có thẻ thông qua cơ chế khuyến khích người lao động trẻ có thu nhập hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi không có thu nhập hoặc thu nhập thấp trong phạm vi hộ gia đình. Nâng cao tỷ lệ hỗ trợ với người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.... Gắn việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, với Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 13-10-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030”. Bảo đảm thực hiện đồng bộ bảo hiểm y tế với ba chiều bao phủ: theo chiều rộng (dân số), theo chiều sâu (gói dịch vụ) và theo chiều cao (bảo vệ tài chính) đối với người cao tuổi.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe thích ứng với tình trạng già hóa dân số nhanh, thực hiện tốt đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT, ngày 22-6-2020, của Bộ Y tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là các tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, với trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại hơn, đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn tốt nhằm thu hút người cao tuổi đi khám bệnh định kỳ, chữa bệnh ngay từ khi mới phát sinh, giảm tỷ lệ bệnh mãn tính, bệnh nặng, qua đó, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. Mở rộng gói quyền lợi chăm sóc sức khỏe với người cao tuổi thông qua bảo hiểm y tế và các loại hình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, như khám sức khỏe định kỳ, dịch vụ hỗ trợ tư vấn sức khỏe, dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tại cộng đồng, tại nơi cư trú. Hỗ trợ, tạo điều kiện, có chính sách thuế ưu đãi để xây dựng, phát triển các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và phát triển các dịch vụ bảo hiểm y tế tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe./.
--------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học năm 2021: “Chính sách bảo hiểm y tế cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì
(1) Xem: Teramoto Minoru và các đồng nghiệp: “Tiếp cận bảo hiểm y tế của người cao tuổi thuộc diện nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh (nghiên cứu trường hợp một xã huyện Bình Chánh)”, 2019
(2) Đào Quang Vinh, Nguyễn Mai Hường: “Tăng tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tang-ty-le-nguoi-cao-tuoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-321433/, truy cập ngày 12-5-2021
(3) Xem: Aparnaa Somanathan, Ajay Tandon, Đào Lan Hương, Kari L. Hurt, và Hernan L. Fuenzalida-Puelma: Tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam: Đánh giá và giải pháp, Ngân hàng Thế giới, 2014
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170
(5) Đình Nam: “Năm 2021: Tất cả người cao tuổi đều có BHYT”, https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/33723/nam-2021-tat-ca-nguoi-cao-tuoi-deu-co-bhyt, truy cập ngày 11-5-2021
(6) Xem: Hoa Quỳnh: “Bảo hiểm y tế: Điểm tựa về sức khỏe cho người cao tuổi”, https://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/bao-hiem-y-te-diem-tua-ve-suc-khoe-cho-nguoi-cao-tuoi-306523.html, truy cập ngày 26-5-2021
(7) Đào Quang Vinh, Nguyễn Mai Hường: “Tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tang-ty-le-nguoi-cao-tuoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-321433/, truy cập ngày 12-5-2021
(8) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Bảo hiểm y tế góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, https://baohiemxahoi.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=12517&IsTA=False, truy cập ngày 26-5-2021
(9) Đình Nam: “Năm 2021: Tất cả người cao tuổi đều có bảo hiểm y tế” , Tlđd
(10) Bảo hiểm y tế: “Điểm tựa về sức khỏe cho người cao tuổi”, https://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/bao-hiem-y-te-diem-tua-ve-suc-khoe-cho-nguoi-cao-tuoi-306523.html, truy cập ngày 26-5-2021
(11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 86, tr. 271
Phát huy những kết quả đạt được, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững  (21/08/2021)
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực đưa tỉnh Phú Thọ tăng trưởng nhanh và bền vững  (16/07/2021)
Cơ chế chuyển hóa năng lượng tinh thần tích cực của con người trong phát huy vai trò động lực và điều tiết của văn hóa, góp phần phát triển bền vững đất nước  (12/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh  (13/05/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển