Chống biến đổi khí hậu: Chung tay hành động trước khi quá muộn
TCCS - Năm 2021 là thời điểm quan trọng để tăng tốc hành động nhằm ngăn chặn những hậu quả “thảm khốc” do biến đổi khí hậu, khi mà những cam kết của các quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon cần quyết liệt hơn sau 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thể hiện tính dễ tổn thương của nhân loại trước những thách thức an ninh không biên giới, đòi hỏi sự phản ứng toàn cầu thống nhất trước khi thế giới tiến tới “điểm không thể quay đầu”.
Nỗ lực trước những thách thức
Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.
Sự đa dạng sinh học cũng đang bị đe dọa với việc hơn 1 triệu loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Diện tích các hoang mạc đang mở rộng, trong khi các đầm lầy lại dần biến mất. Mỗi năm, thế giới mất đi 10 triệu héc-ta rừng. Trên các đại dương, tình trạng đánh bắt hải sản quá mức và lượng khí CO2 do rác thải nhựa hấp thụ cũng đang ở mức báo động, khiến các vùng biển bị axít hóa, trong khi đó các rạn san hô đang bị tẩy trắng và chết dần (1).
Những con số thống kê trong những năm gần đây về thiên tai càng khiến cho bức tranh thiên nhiên thêm màu ảm đạm. Năm 2019, tại châu Mỹ, ít nhất 74.155 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil chỉ trong 8 tháng đầu năm. Ở châu Á, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines... cũng đều hứng chịu các trận bão mạnh, khiến nhiều người thiệt mạng, gây thiệt hại hàng triệu USD. Châu Phi với siêu bão Kenneth san phẳng nhiều vùng ở Mozambique, lũ lụt và hạn hán ở Somalia, Cộng hòa dân chủ Congo... Ở châu Âu, nhiều nước như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... liên tục ban hành báo động đỏ vì nắng nóng có lúc lên tới 45 độ C.
Năm 2020, theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, methane và NO2 tiếp tục tăng dù lượng khí thải đã giảm do tác động của đại dịch COVID-19. Tháng 5-2020 ghi nhận tháng nóng kỷ lục trên toàn thế giới, nhiệt độ đã tăng 0,68 độ C so với mức trung bình trong tháng 5 của giai đoạn 1981 - 2010. Năm 2020 trở thành một trong những năm nóng nhất. Lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp thứ hai trong hơn 40 năm qua, chỉ còn bao phủ 3,74 triệu km2 (2). Bước sang năm 2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra cảnh báo lượng khí thải CO2 trong năm sẽ tăng 5% lên mức 33 tỷ tấn, nhu cầu tiêu thụ than đá sẽ tăng 4,5%, cao nhất kể từ năm 2014 (3).
Trước những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, trong suốt 5 năm qua, cùng với nhận thức và hành động toàn cầu về khí hậu, thế giới đã đạt được những tiến bộ dù còn rất nhỏ so với kỳ vọng. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã góp phần hạn chế những tác động có thể đã xảy ra nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Trước khi Hiệp định được thông qua, Liên hợp quốc dự báo mức nhiệt tăng trên toàn cầu từ 4 đến 6 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Sau khi các nước tham gia Hiệp định và ký cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC), mức nhiệt tăng được dự báo giảm xuống 3,7 độ C. Mặc dù Liên hợp quốc cho rằng đây vẫn là mức “quá nhiều”, nhưng về mặt con số cũng đã có sự cải thiện. Cùng với đó, năm 2020 đã có nhiều nền kinh tế lớn cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon với những mốc thời gian cụ thể.
Bước sang năm 2021, một loạt hội nghị thúc đẩy thế giới hành động vì biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề luôn nằm trong chương trình nghị sự chính trị của các nước - đã được tổ chức trực tuyến. Tiếp nối dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của nhân loại nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - Hội nghị thượng đỉnh thế giới “Tham vọng về khí hậu” (tháng 12-2020) - là các hội nghị trực tuyến, như Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh (tháng 1-2021), Hội nghị thượng đỉnh ba bên về khí hậu (tháng 4-2021), Hội nghị Đối thoại Khí hậu Dublin (tháng 5-2021), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (tháng 5-2021), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (tháng 5-2021). Trong số các hội nghị này, đáng chú ý là Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới do Mỹ tổ chức hồi tháng 4-2021. Hội nghị đánh dấu sự tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho quyết tâm của các nước phát triển trong cuộc chiến cắt giảm khí phát thải nhà kính trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các quốc gia tăng cường hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng 1-2021, Pháp và Đức tuyên bố sẽ cùng Hãng đầu tư BlackRock thúc đẩy chương trình thu hút vốn đầu tư cho các dự án chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển. Theo đó, hai nước này dự định mỗi bên sẽ đóng góp khoảng 30 triệu USD với tư cách là đối tác của chương trình (4). Tháng 4-2021, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí xây dựng “quan hệ đối tác về khí hậu”, thống nhất tăng cường hợp tác quốc tế.
Góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện có hơn 110 nước đã đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải mới vào năm 2050. Một số quốc gia thậm chí đã đẩy thời hạn cam kết trung hòa khí thải carbon lên năm 2030, như Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50% - 52% so với mức năm 2005, con số này của Liên minh châu Âu (EU) là 55% so với năm 1990, Nhật Bản cắt giảm 46% so với mức năm 2013, Hàn Quốc giảm 24,4% so với mức năm 2017,…
Giới tài chính, ngân hàng quốc tế cũng góp phần vào những nỗ lực đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu. Tháng 12-2020, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức gia nhập một mạng lưới toàn cầu cùng các ngân hàng trung ương khác thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các rủi ro môi trường đối với hệ thống tài chính. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã tạo ra Chỉ số chuyển đổi năng lượng để giúp các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp xác định hướng đi để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi năng lượng. Nhiều tập đoàn toàn cầu cũng đã tuyên bố các mục tiêu trung hòa khí carbon như Amazon, Google, Apple, Cenovus Energy, TELUS và Maple Leaf Foods,...
Các doanh nghiệp thế giới cũng hưởng ứng thông qua chiến dịch toàn cầu mang tên “Tham vọng Kinh doanh vì 1,5 độ C” (“Bussiness Ambition for 1.5 degrees Celsiu”). Nỗ lực này đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm thị trưởng thành phố, thống đốc, các nhà đầu tư, các trường đại học và tổ chức xã hội trong chiến dịch toàn cầu mang tên “Chạy đua về 0” (“Race to Zero”) nhằm huy động các doanh nghiệp, chính quyền các thành phố, khu vực và các nhà đầu tư ủng hộ trung hòa carbon (5).
Chính phủ các nước ngày càng nhận thức rõ cần phải tăng cường các chính sách hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2030 hoặc năm 2050. Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu (LIFE) giai đoạn 2021 - 2027 được EU thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với mục tiêu góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, tuần hoàn, hiệu quả năng lượng, carbon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, cũng như ngăn chặn và đẩy lùi sự mất đa dạng sinh học. Tổng ngân sách được phân bổ cho LIFE là 5,4 tỷ euro, trong đó 3,5 tỷ euro dành cho các hoạt động liên quan đến môi trường và 1,9 tỷ euro cho hành động chống biến đổi khí hậu. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ nhiều dự án đa dạng sinh học và dành 7,5% ngân sách hằng năm của EU cho các mục tiêu này từ năm 2024 và 10% vào năm 2026 và năm 2027 (6). Ngoài ra, tháng 5-2021, Nghị viện châu Âu (EP) đã xây dựng một khung pháp lý toàn cầu để thúc đẩy công bằng khí hậu, qua đó giải quyết tình trạng bất công khi những nước và những cộng đồng gây tác động biến đổi khí hậu ít nhất lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Tháng 10-2020, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ đưa hạ tầng năng lượng tái tạo vào trọng tâm các kế hoạch phục hồi hậu khủng hoảng dịch bệnh COVID-19; cam kết thực hiện đầu tư vào năng lượng gió để đẩy nhanh tiến độ hướng tới lượng khí thải trung hòa vào năm 2050. Theo đó, khoản đầu tư trị giá 160 triệu bảng (207 triệu USD) vào các cảng, nhà máy nhằm tăng công suất năng lượng gió gấp 4 lần vào năm 2030, tương đương với một nửa tổng công suất điện của Anh (7). Tháng 5-2021, Pháp thông qua dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” với mục tiêu tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường. Nhằm khẳng định vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Chính phủ Mỹ cũng đã công bố gói kết cấu hạ tầng và khí hậu trị giá 2.250 tỷ USD, trong đó kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào xe điện, hiện đại hóa lưới điện và nhiều mục tiêu quan trọng khác (8); đồng thời, ngừng cho thuê mới các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên các vùng đất và vùng biển công, xem xét các giấy phép hiện hành về phát triển nhiên liệu hóa thạch. Singapore cũng đã khởi động Chương trình Đầu tư xanh trị giá 2 tỷ USD, hỗ trợ phát triển thị trường phát thải carbon, dịch vụ tư vấn phát triển bền vững và quản lý rủi ro môi trường (9).
Biến cam kết thành những hành động quyết liệt
Có thể thấy rằng, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Trên thế giới cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang phải hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hành động của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dường như là chưa đủ, nhiều nước vẫn đặt mục tiêu ngắn hạn hơn là quan tâm tới những lợi ích dài hạn.
Các kế hoạch kích thích phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh COVID-19 của nhiều quốc gia sẽ chứng kiến hàng trăm tỷ USD được “rót” vào các nhiên liệu gây ô nhiễm, nhất là nhiên liệu hóa thạch. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết dành 233 tỷ USD cho các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch, cao hơn rất nhiều so với con số 146 tỷ USD dành cho lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch (10). Không chỉ có vậy, sự thèm khát năng lượng của thế giới tiếp tục tăng và sự gia tăng của năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng tất cả nhu cầu phát sinh. Kết quả là, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhất là khí đốt tự nhiên, tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu còn lại của thế giới. Hiện các nước đang lên kế hoạch tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch thêm 2%/năm trong thập niên này, hậu quả là đến năm 2030, sản xuất nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng hơn gấp đôi, trong khi mục tiêu 1,5 độ C được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đưa ra đòi hỏi sản xuất nhiên liệu hóa thạch phải giảm khoảng 6%/năm từ năm 2020 đến năm 2030 (11).
Các bên tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn chưa thực hiện đầy đủ những cam kết tài chính hỗ trợ các quốc gia chịu nguy cơ cao nhất từ biến đổi khí hậu, dẫn tới sự thiếu hụt tài chính cho các hành động thích ứng. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) ước tính, thế giới sẽ cần khoảng 50 tỷ USD mỗi năm trong một thập niên tới để giúp khoảng 50 quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. IFRC nhấn mạnh, số tiền này đã bị thu hẹp do ngân sách dành để ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 10.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, phần lớn ngân sách dành cho ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đã không đến được các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất (12). Chưa kể, theo ước tính gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các khoản tiền thường được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính (66% kinh phí), hơn là giúp họ tự chuẩn bị càng nhanh, càng tốt trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu (25%) (13). Theo báo cáo gần đây của Trung tâm thích ứng toàn cầu, khoảng cách chênh lệch lớn đang tồn tại giữa các quỹ dành cho thích ứng khí hậu (khoảng 30 tỷ USD mỗi năm) và nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển (300 tỷ USD mỗi năm).
Nhằm giải quyết những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra đối với an ninh và hòa bình, nhất là đối với sự sinh tồn của con người và sự phát triển tiến bộ của thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đặc biệt nhấn mạnh 4 lĩnh vực ưu tiên của cộng đồng quốc tế, đó là: 1- Cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng ngừa thiên tai thông qua hành động khí hậu tham vọng và mạnh mẽ. Theo đó, hướng tới thành lập liên minh toàn cầu thực sự để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ XXI; 2- Cần hành động khẩn trương để bảo vệ các quốc gia, cộng đồng và người dân trước những tác động tiêu cực của khí hậu đang ngày một gia tăng và nghiêm trọng hơn. Cộng đồng quốc tế cần có sự đột phá về khả năng thích ứng và phục hồi, điều đó đồng nghĩa cần nâng mức đầu tư hơn nữa vào các biện pháp cho vấn đề này; 3- Cần kiên trì theo đuổi quan điểm an ninh đặt con người làm trung tâm. Những thiệt hại do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu gây ra cho thấy sự tàn phá khốc liệt của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với an ninh con người trên quy mô toàn cầu; 4- Cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đối tác quốc tế, ngoài Liên hợp quốc, trong hợp tác chống biến đổi khí hậu (14). Bên cạnh đó là 6 hành động bảo vệ môi trường, bao gồm: Đầu tư vào việc làm bền vững; bảo đảm không có thêm gói cứu trợ tài chính cho các đối tượng gây ô nhiễm; chuyển từ đánh thuế thu nhập đối với người nộp thuế sang đánh thuế khí thải carbon đối với đối tượng gây ô nhiễm môi trường; chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá; cân nhắc mọi nguy cơ đối với khí hậu khi ra quyết định và công bố những rủi ro tài chính liên quan tới biến đổi khí hậu; hợp tác vì mục tiêu chung là không bỏ lại ai ở phía sau (15).
Như vậy, chính phủ các nước cần tiếp tục những nỗ lực cần thiết:
Một là, tăng cường năng lực quản lý và lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, chính phủ các nước cần lồng ghép mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào các chính sách và quyết định phát triển để có thể thực sự chuyển đổi sản xuất sạch, xanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, vận tải và năng lượng...
Hai là, thúc đẩy những hành động toàn cầu mạnh mẽ và quyết liệt hơn, những cam kết cần đi cùng với các biện pháp cụ thể và công cụ đa dạng. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển cũng cần tham gia để vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Ba là, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 hướng đến đa dạng hóa nền kinh tế, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các dự án “xanh” cần được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lượng tái tạo, tạo ra nhiều việc làm, mang lại lợi nhuận ngắn hạn cao hơn và tăng tiết kiệm chi phí dài hạn. Theo đó, các nước công nghiệp cần tập trung ủng hộ các dự án “kết cấu hạ tầng sạch”, như các trang trại năng lượng gió và mặt trời, nâng cấp lưới điện, tăng cường sử dụng hydrogen,... Đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, người nông dân cần được hỗ trợ đầu tư vào các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường...
Bốn là, các nước cần tăng cường năng lực phân tích, đánh giá các nguy cơ an ninh tiềm tàng do tình trạng biến đổi khí hậu cùng với các nguy cơ xung đột về kinh tế, xã hội, xung đột giữa các cộng đồng dân cư; thiết lập cơ chế an ninh khí hậu nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu từ nhiều chiều; tăng cường hòa giải các xung đột liên quan đến khí hậu và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng dân cư địa phương trong kiến tạo hòa bình.
Năm là, đối với trách nhiệm thường trực của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương chủ chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu - cần tăng cường nhận thức về các nguy cơ do biến đổi khí hậu trong các phái bộ của tổ chức. Đưa vấn đề thích ứng và giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, chiến lược ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình và có biện pháp giảm thiểu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động của các cơ quan Liên hợp quốc và các phái bộ. Tăng cường cơ chế thông tin cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh. Tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng của Liên hợp quốc ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ năng lực cho các nước dễ bị tổn thương.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua, việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam chủ động lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn bản pháp luật chính thức. Đây là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Mới đây, một số chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được ban hành, như Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ngày 20-7-2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030””,... Trong thời gian tới, nhằm quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Đại hội XIII của Đảng xác định: Việt Nam cần “chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, cácbon thấp… Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế… Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (16). Đây cũng là những hành động thiết thực, đóng góp tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất.
Theo các chuyên gia, quỹ phát thải carbon - lượng khí thải mà các quốc gia còn có thể thải ra đến khi thế giới đạt mức nhiệt tăng 2 độ C - chỉ còn kéo dài đến năm 2028. Các quốc gia phải đưa ra được những kế hoạch phi carbon hóa nền kinh tế một cách nhanh chóng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, để có thể nới rộng thêm quãng thời gian này. Vì vậy, đây là thời điểm thế giới cần đồng sức, chung tay hành động mạnh mẽ vì sự phục hồi xanh và phát triển bền vững./.
-------------------------
(1) Lê Thanh Hương: “Liên hợp quốc kêu gọi hành động quyết liệt”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 3-12-2020
(2) Hà Thị Phương Oanh: “Lượng băng bao phủ ở Bắc Băng Dương giảm xuống gần mức kỷ lục trong hơn 4 thập kỷ”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 28-10-2020
(3) Thanh Hương: “IEA cảnh báo lượng khí CO2 tăng mạnh trở lại trong năm 2021”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 21-4-2021
(4) Lê Ánh: “Pháp và Đức tham gia chương trình thu hút đầu tư vì khí hậu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22-1-2021
(5) Ngô Minh Châu: “Liên hợp quốc kêu gọi hướng tới tương lai không có phát thải ròng”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 9-12-2020
(6) Đoàn Mạnh Hùng: “EP thông qua thỏa thuận đầu tư về khí hậu và môi trường châu Âu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 30-4-2021
(7) Đặng Ánh: “Anh và Đan Mạch công bố các kế hoạch tham vọng về khí hậu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 6-10-2021
(8) Ngô Minh Châu: “Mỹ cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 20-4-2021
(9) Phan Nguyễn Thùy Anh: “Singapore thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 24-4-2021
(10) Bích Liên: “Liên hợp quốc cảnh báo về hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 3-12-2020
(11) Lê Ánh: “Cơ hội cho khí hậu Trái đất”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 12-12-2020
(12) Phan Anh: “IFRC kêu gọi hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu ngang chống đại dịch COVID-19”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 17-11-2020
(13) Lê Thị Ngọc Ánh: “Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27-1-2021
(14) Hà Thị Phương Oanh: “Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu bật 4 lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 24-2-2021
(15) Ngô Minh Châu: “Liên hợp quốc kêu gọi hướng tới tương lai không có phát thải ròng”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 9-12-2020
(16) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 275 - 276
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên bái phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường  (28/06/2021)
Ngành than gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững  (23/06/2021)
Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và các giải pháp  (12/06/2021)
Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt  (05/06/2021)
Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường  (30/05/2021)
Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp  (05/05/2021)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển