TCCS - Những năm gần đây, tỉnh An Giang quyết liệt thực hiện chủ trương xây dựng có hiệu quả chuỗi liên kết từ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đến tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tỉnh xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Từ không thất học đến không thất nghiệp

Với dân số gần 2,2 triệu người, An Giang là một tỉnh đông dân số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm trước đây, An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn vùng về sản xuất lúa, thủy sản. Tuy nhiên, trong xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động để thích ứng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, An Giang nhận ra một trong những điểm yếu là còn hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một đòi hỏi vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính lâu dài nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới. Trước đòi hỏi đó, tỉnh đã bước đầu thực hiện tốt chuỗi liên kết từ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đến tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Giảm học sinh bỏ học...

Ngày 19-5-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; ngày 16-7-2008, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Các chỉ thị, kế hoạch này đã được truyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các ngành, các cấp trong toàn tỉnh và sau đó được triển khai thực hiện tốt ở nhiều địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong việc huy động học sinh đến trường, giảm tình trạng học sinh bỏ học.

Để giảm trình trạng học sinh bỏ học, các trường đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác chống bỏ học; tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân và ngành giáo dục - đào tạo các huyện, thị xã để xây dựng kế hoạch vận động và thành lập các đoàn vận động học sinh đến lớp; vận động hỗ trợ quần áo, tập, sách giáo khoa,... giúp các học sinh vì nghèo khó phải bỏ học có điều kiện trở lại trường. Ngành giáo dục - đào tạo các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho học sinh yếu kém có nguy cơ bỏ học; phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học các cấp trong việc tổ chức xét cấp học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh có sổ hộ nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh con gia đình thương binh - liệt sĩ;...

Song song đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cơ sở phân công từng thành viên phụ trách các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cụ thể. Trong công tác vận động, các tổ chức, cá nhân chú trọng việc hướng dẫn cho cha mẹ học sinh thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con em; chú trọng tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh, của học sinh để từ đó đưa ra những biện pháp vận động, hỗ trợ phù hợp.

Nhờ đó, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU, tình trạng học sinh bỏ học ở hầu hết các cấp học giảm dần qua từng năm học. Nếu như trong năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc tiểu học là 1,97%, bậc trung học cơ sở là 7,48% và bậc trung học phổ thông là 9,88% thì đến năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh bỏ học tương ứng ở các cấp học này lần lượt là: 0,34%, 1,54% và 1,37%.

Tăng đào tạo nghề

Song song với việc nỗ lực giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỉnh An Giang chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án số 572/ĐA-UBND về việc sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020. Theo đề án này, tỉnh sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vào trường trung cấp, trung cấp nghề đối với các huyện có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, An Giang còn thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo theo Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, người học được miễn 100% học phí; hỗ trợ học bổng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng theo thời gian thực học và không quá 10 tháng/năm học khi học các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 442 lớp đào tạo nghề cho 13.260 học viên (đạt 102% kế hoạch năm), với kinh phí hỗ trợ dạy nghề trên 10 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức 275 lớp, đào tạo nghề cho trên 8.500 học viên, kinh phí hỗ trợ đào tạo trên 7,5 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp tổ chức 167 lớp, đào tạo cho 4.700 học viên, với kinh phí hỗ trợ dạy nghề trên 2,5 tỷ đồng. Người lao động sau khi học nghề xong được doanh nghiệp tiếp nhận bố trí việc làm tại doanh nghiệp chiếm trên 80%.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 30 cơ sở đào tạo nghề gồm 2 trường cao đẳng (Cao đẳng nghề, Cao đẳng Y tế An Giang); 5 trường trung cấp có chức năng giáo dục thường xuyên; 8 trung tâm có chức năng đào tạo nghề (trong đó 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện) và 15 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề. Năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 59.900 người, đạt 100,8% so với kế hoạch (trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng là 1.765 sinh viên, trung cấp là 1.509 học sinh, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 56.626 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 38,8% năm 2016 đã tăng lên 42,5% năm 2017, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53,3% lên 56,6%.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm

Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nên số lượng người lao động tìm được việc làm tương đối cao. Giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 208.689 người, đạt 101,8% kế hoạch. Kết quả này đã góp phần kiềm chế, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3% và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được nâng dần lên đạt khoảng 84%.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Trường Trung cấp Nghề ở các địa phương đã hướng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội; gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường và xem đây là hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững. Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh An Giang cũng đã huy động nhiều nguồn lực để giải quyết việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đều có việc làm.

Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 31.000 lao động. Năm 2018, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị mức dưới 4%. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Một số hạn chế, bất cập

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng việc tổ chức thực hiện chuỗi liên kết từ giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đến tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Một là, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp của các cấp, các ngành, xã hội và người lao động chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan và giữa các địa phương trong việc tuyên truyền, tư vấn và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa chặt chẽ. Mạng lưới các trường đào tạo nghề, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô và chất lượng. Các trường chưa đa dạng được ngành nghề đào tạo cho phù hợp với địa phương và nhu cầu của thị trường lao động.

Hai là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động phối hợp với các trường trung học trong việc thực hiện tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề đào tạo cho học sinh nên chưa thu hút được học sinh tham gia học nghề. Một bộ phận học sinh, do gia đình khó khăn, học lực yếu,... có tâm lý chán học. Nhiều em trong số này chỉ có thể tham gia các lớp đào tạo nghề trong thời gian ngắn, không thể tham gia các lớp dài hạn (vì phải phụ giúp gia đình). Do vậy, trình độ tay nghề khi tốt nghiệp còn yếu, khó tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao.

Ba là, công tác hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông, nhìn chung, vẫn còn nặng về lý thuyết; chưa giúp học sinh nắm được những lĩnh vực, ngành nghề mà xã hội có nhu cầu tuyển dụng ở từng thời điểm... Vì thế, nhiều học sinh chưa có nhận thức rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề học phù hợp với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xã hội hóa lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp chưa đủ sức hút các tư nhân đầu tư. Nhiều nhà đầu tư còn ngại đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bốn là, cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đồng đều, chưa tạo được niềm tin để phụ huynh an tâm gửi con em vào học loại hình này. Một số cơ sở giáo dục thường xuyên trong tỉnh do phải tự chủ về tài chính nên hoạt động dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Ngành giáo dục - đào tạo chưa kết nối được các đơn vị liên quan và chưa đề ra giải pháp cụ thể, cũng như chưa phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị tham gia thực hiện chuỗi liên kết từ giảm bỏ học đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Năm là, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hiện nay chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông (chỉ yêu cầu biết đọc, biết viết) nên đã thu hút nhiều lao động chưa qua đào tạo, dẫn đến tình trạng các đối tượng lao động này tuy dễ tìm việc nhưng việc làm không bền vững. Trong khi đó, số lao động qua đào tạo nghề vẫn còn thấp, chất lượng nguồn lao động của tỉnh, nhìn chung còn hạn chế về chuyên môn, tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động..., chưa đáp ứng yêu cầu của nhiều nhà tuyển dụng.

Một số giải pháp nhằm phát triển bền vững chuỗi liên kết

Nhóm giải pháp giảm học sinh bỏ học

Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 15/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

Ngành giáo dục - đào tạo, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, ban giám hiệu, giáo viên các trường học, phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong công tác huy động học sinh đến trường, chống bỏ học; nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tận tâm, tận lực giúp đỡ học sinh; không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm thân thiện, thu hút học sinh gắn bó với trường, lớp.

Tạo các dự án, mô hình kinh tế hiệu quả của địa phương để nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho cha mẹ học sinh tại địa phương; làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo; phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh gặp khó khăn trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn học sinh bỏ học.

Có chính sách hỗ trợ cho học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ ăn trưa tại trường, trợ cấp học bổng... để thu hút học sinh đến trường. Nhà trường cần phối hợp với các đoàn thể xã hội trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ cho trường trong công tác giảm tình trạng học sinh bỏ học. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục - đào tạo tăng cường huy động sự tham gia đóng góp của xã hội để đầu tư cho giáo dục - đào tạo; vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục - đào tạo.

Nhóm giải pháp đào tạo nghề

Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề trên địa bàn tỉnh chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động; khuyến khích các nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để hỗ trợ nhau về chuyên môn, trang thiết bị đào tạo.

Triển khai thực hiện tốt, kịp thời các chính sách hỗ trợ và gắn kết công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn nhân lực có chất lượng tại địa phương đáp ứng trình độ đi làm việc ở trong và ngoài nước. Tạo điều kiện khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trước hết là ở các trường được xác định có các ngành, nghề trọng điểm.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, năng lực quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năng lực của giáo viên dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nhóm giải pháp giải quyết việc làm

Các cấp, các ngành chú trọng thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn vay để giải quyết việc làm cho người lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm để tạo thêm nhiều chỗ làm mới.

Chú trọng đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày để tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Song song đó, thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, điểm hẹn việc làm, các diễn đàn về nghề nghiệp, việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực và trình độ.

Tỉnh cần xây dựng và hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về cung lao động, nhất là bản đồ lao động và số hóa bản đồ này để thông tin trên mạng in-tơ-nét phục vụ công tác quản lý lao động trên toàn tỉnh; tổ chức công tác dự báo về thị trường lao động định kỳ trên địa bàn tỉnh để định hướng phát triển và có chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng tích cực. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.