Lai Châu: Khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế

Lê Phú Hiếu Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu
23:52, ngày 23-01-2018

TCCSĐT - Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, về mùa mưa nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở diễn ra rất phức tạp. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều bản vùng cao, vùng sâu còn hạn chế về nhận thức xã hội, điều kiện kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn nghèo nàn,… đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành y tế.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu, những năm qua, ngành y tế Lai Châu đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, y tế Lai Châu đang đứng trước những thách thức, trở ngại và khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hệ thống những giải pháp khắc phục hiệu quả, đặc biệt là vấn đề giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực y tế hiện nay.

Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng tăng; các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường; xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống; quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng; đặc thù về điều kiện địa lý, thời tiết, giao thông và dân trí… Trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã còn hạn chế, nhất là về khám, chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Hiện nay, ngành y tế Lai Châu có 3.042 cán bộ, công chức viên chức, người lao động, đội ngũ cán bộ y tế của Lai Châu tuy cơ bản đáp ứng về số lượng nhưng trình độ chuyên môn còn hạn chế, tỷ lệ bác sĩ đạt rất thấp. Toàn tỉnh hiện có 407 bác sĩ, đạt mức 9,08 bác sĩ/1vạn dân, tỷ lệ này cao hơn trung bình của cả nước. Mặt khác, do tỉnh có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu nên hoạt động của ngành Y tế càng gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, ngành y tế Lai Châu đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo và đào tạo nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực ngành y tế. Từ nhiều năm trước, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có chính sách đãi ngộ nhằm kêu gọi, thu hút bác sĩ về công tác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều văn bản được ban hành như Quyết định số 42/2004/QĐ-UB, ngày 30-7-2004, của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học và đến công tác tại tỉnh Lai Châu; Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND, ngày 06-10-2011, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức, việc chức đi học và thu hút những người tình nguyện đến Lai Châu công tác; Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND, ngày 29-12-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc ban hành quy định thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu...

Mặc dù có các chính sách đãi ngộ như vậy, nhưng các bác sĩ miền xuôi vẫn chưa mặn mà với Lai Châu. Từ năm 2004 đến nay, ngành y tế Lai Châu chưa thu hút được bác sĩ đào tạo chính quy ở các địa phương khác lên Lai Châu công tác. Số lượng cán bộ có trình độ đại học tăng lên là do các bác sĩ là cán bộ y tế địa phương được cử đi học theo hình thức chuyên tu, cử tuyển. Xét về nhu cầu, toàn ngành y tế Lai Châu cần trên 600 bác sĩ, nhưng hiện nay mới đáp ứng được 60% nhu cầu.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, dù được xây mới với cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư hiện đại, lưu lượng trung bình mỗi ngày điều trị nội trú và khám bệnh cho 500 lượt người, nhưng chuyên khoa nào cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ… Còn với Mường Tè và Nậm Nhùn - là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu thì tình trạng thiếu nhân lực là điều dễ hiểu. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt mức 12 bác sĩ/10 nghìn dân, tương đương toàn tỉnh cần có 608 bác sĩ (phải bổ sung khoảng 200 bác sĩ).

Thực tế rất khó để đạt được mục tiêu đó, không chỉ cần sự vào cuộc của ngành y tế và tỉnh Lai Châu mà cần cả sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần có chính sách đặc thù riêng đối với các tỉnh khó khăn trong công tác tuyển sinh hệ đại học y chuyên tu và đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II để hằng năm có một số lượng tuyển sinh cần thiết được trúng tuyển đầu vào tại các trường đại học y. Đồng thời, xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của tỉnh Lai Châu đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế được cử đi đào tạo. Tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học y đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tại tỉnh Lai Châu, đặc biệt cần có chế độ đãi ngộ đối với người dân tộc thiểu số, kể cả dân tộc Kinh đã sinh ra, lớn lên, công tác và cống hiến tại Lai Châu. Thực hiện chế độ đãi ngộ, thu hút đủ mạnh, “giữ chân” những bác sĩ lên Lai Châu công tác, như đất ở, chế độ tiền lương,… để cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế Lai Châu yên tâm công tác và phục vụ, gắn bó lâu dài với địa phương./