TCCSĐT - Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, cùng với các hoạt động thăm hỏi, tri ân thân nhân các gia đình liệt sỹ là các hoạt động tôn vinh đóng góp của các thương binh cho bản thân, gia đình và xã hội, thực hiện lời dạy của Bác đối với thương binh: “tàn nhưng không phế”. Họ là những tấm gương sáng để những người xung quanh học hỏi.

Nuôi ong làm giàu

 
 Ông Phong trao đổi kinh nghiệm nuôi ong.

Xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 25%, người lính Cụ Hồ ấy quyết tâm vượt qua mọi đau đớn về thể xác để vươn lên, ổn định cuộc sống bằng nhiều nghề và sau cùng ông chọn nghề nuôi ong. Nỗ lực và tâm huyết của ông không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bản thân mà còn giúp nhiều đồng đội thoát nghèo. Ông là Đặng Đình Phong, thương binh hạng 4/4, quê ở thôn Ngoại Độ, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Lên đường nhập ngũ cuối năm 1970 khi 18 tuổi, Đặng Đình Phong học trường hạ sĩ quan một thời gian, sau đó làm lính Pháo binh mặt đất và chuyển thẳng vào chiến trường. Ông Phong nhớ lại: “Đơn vị tôi hơn 500 người, hành quân ròng rã 8 tháng dọc Trường Sơn rồi qua Lào, Campuchia. Cuối cùng tôi được đưa vào chiến trường Long Châu Hà làm lính địa phương quân. Trong một trận chống càn ở Hòn Đất (Kiên Giang), tôi bị thương khắp cơ thể nhưng nặng nhất là ở đầu và vai. Trải qua hàng trăm trận đánh, đồng đội trong đơn vị hi sinh gần hết, chỉ còn khoảng 100 người còn sống. Đó là những năm tháng không thể nào quên”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Phong trở về với hai mảnh đạn trong đầu và vô số vết thương trên cơ thể. Sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, ông tích cực lao động sản xuất kiếm tiền duy trì cuộc sống và nuôi con. Ông quyết định nhận thầu đất ruộng làm trang trại theo mô hình VAC và thu được những thành công đáng kể. Có tiền nuôi con ăn học nhưng ông vẫn trăn trở làm sao để vừa nâng cao thu nhập vừa cải thiện sức khỏe của bản thân.

Tìm hiểu thông tin trên sách báo, ti vi, năm 1980, ông Phong bắt đầu làm quen với nghề nuôi ong. Ông bảo, khi ấy ông chỉ nặng 40 kg, bị bệnh dạ dày, khớp, lại thấy nuôi ong không cần nhiều vốn, lãi lớn, cải thiện sức khỏe nên ông quyết định chọn nghề nuôi ong để vươn lên. Nói là làm, ông lăn lộn học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học, những người đã nuôi ong thành công ở khắp cả nước.

Mới đầu nuôi ong ông thất bại nhiều do không có kinh nghiệm. Nhưng với bản lĩnh của người lính, lại được vợ và các con ủng hộ, ông Phong quyết tâm tiếp tục sự nghiệp nuôi ong. Tự tích lũy kinh nghiệm và luôn nhắc mình liên tục học hỏi, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các nhà khoa học, sách vở, mạng Internet và ông đã thành công.

Đến nay, ông đã có 3 trại nuôi ong quy mô lớn, gồm trại ở đỉnh dốc Chồng Mâm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình với hơn 800 đàn ong chuyên lấy mật; trại ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với gần 100 đàn ong chuyên khai thác phấn hoa và trại ở Đà Lạt (cùng góp cổ phần với hai người bạn) chuyên khai thác sữa ong chúa. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Phong thu hơn 25 tấn mật ong, phấn hoa và sữa ong chúa, thu lãi hàng năm trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm trại của ông còn bán ra hàng nghìn đàn ong giống với giá từ 500.000 - 800.000 đồng/đàn, vào mùa hoa nhãn là hơn 1 triệu đồng/đàn.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của ông Phong còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động là các cựu chiến binh và con thương binh, bệnh binh đang sinh sống tại địa phương. Ông sẵn sàng cho họ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc và thu mua lại sản phẩm của họ làm ra.

Ông Phong tâm sự: “Mình sống ổn đã đành, xung quanh còn nhiều đồng đội cần giúp đỡ. Trong chiến tranh giúp nhau thế nào, giờ trong cuộc sống đời thường cũng như thế. Đó cũng là tình nghĩa của những người cùng chung chí hướng”.

Điều trăn trở lớn nhất của ông Phong hiện nay chính là đầu ra của các sản phẩm từ con ong. Ông chia sẻ: "Mong mỏi lớn nhất của tôi là mô hình nuôi ong sẽ được nhân rộng, sản phẩm của Hợp tác xã nuôi ong xã Đội Bình được nhiều người biết đến và trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp mật ong, phấn hoa và sữa ong chúa chất lượng cho thị trường".

Nhìn ánh mắt sáng rạng rỡ của người thương binh 46 năm tuổi Đảng Đặng Đình Phong trong ánh nắng chiều trên đỉnh Chồng Mâm, tin chắc rằng, với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông sẽ còn thành công hơn nữa, là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo, học hỏi.

Nữ thương binh tích cực tham gia công tác thiện nguyện

Năm nay đã 80 tuổi, bà Huỳnh Thị Ngân, thương binh hạng 4/4 ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là một gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực hoạt động xã hội.

Sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Quý, năm 16 tuổi, bà Ngân tham gia cách mạng, phụ trách tuyên truyền thiếu nhi. Sau đó, bà được giao nhiệm vụ giao liên, liên lạc. Bà kể, mỗi lần được chỉ huy giao nhiệm vụ đưa súng về căn cứ địa cách mạng, bà phải tính toán kế hoạch thật cẩn thận bởi mỗi lần đi như thế gặp rất nhiều nguy hiểm. Thế nhưng nhờ tinh thần dũng cảm, nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành.

Năm 1967, sau khi lập gia đình, vợ chồng bà Ngân được cấp trên giao nhiệm vụ làm công tác y tế. Ngoài công việc nữ hộ sinh, bà Ngân còn bí mật nuôi và chăm sóc cán bộ, chiến sỹ bị thương, sau đó đưa họ về căn cứ. Vợ chồng bà còn tích góp mua lương thực, thuốc men để gửi về căn cứ, hỗ trợ đắc lực cho cách mạng.

Trong quá trình hoạt động, do bị lộ cơ sở, nhiều lần bị bắt tù đày, bị địch tra tấn dã man nhưng bà Ngân vẫn quyết không khai báo. Giờ đây những vết thương bị địch tra tấn vẫn khiến bà bị đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Chiến tranh qua đi, trở về đời thường nữ thương binh Huỳnh Thị Ngân tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội. 20 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phước, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực làm công tác từ thiện. Ngoài việc gây quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo, bà Ngân còn nhận bảo trợ 4 học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn, hỗ trợ các em có điều kiện đến trường, không phải bỏ học giữa chừng. Hằng năm, bà còn nhận giúp đỡ 2 trẻ em mồ côi có mẹ nhiễm HIV đã mất và ủng hộ hàng chục suất quà cho các em nhiễm chất độc da cam. Bằng tiền tiết kiệm của bản thân và vận động con cháu, bà Ngân đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4 ngôi nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ chính sách trong xã. Mỗi dịp lễ, Tết, bà và gia đình lại tích cực đóng góp các phần quà gửi đến những cụ già neo đơn, hộ gia đình chính sách khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Ngân là một trong những điển hình của huyện Hòa Vang trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa". Bà đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Kỷ niệm chương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Năm 2008, bà được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học.

Giờ đây đã ở tuổi 80, sức khỏe đã giảm sút, chồng lại bị tai biến nhưng bà Ngân vẫn tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Bà chia sẻ: May mắn của bà là luôn luôn được chồng và các con nhiệt thành ủng hộ mọi công tác thiện nguyện mà bà tham gia.

Cựu chiến binh thoát nghèo từ mô hình kinh tế nông trại

Ông Nguyễn Công Tiệm, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1974 và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam giúp bạn Campuchia giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng. Năm 1987, ông Tiệm xuất ngũ do sức khỏe yếu theo chế độ bệnh binh. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Tiệm đã vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới phục viên để xây dựng kinh tế. Đến nay, gia đình ông có thu nhập ổn định với gần 500 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế nông trại.

Ông Nguyễn Công Tiệm quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, năm 1991, ông cùng gia đình chuyển về vùng kinh tế mới nay là thị trấn Nông trường Thái Bình thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Những ngày đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới không tránh khỏi khó khăn vất vả, sức khỏe bản thân có hạn, vốn liếng hầu như không có. Qua nhiều ngày trăn trở, ông bàn với vợ phải tích cực tìm hiểu cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.

Qua tìm hiểu từ chính quyền địa phương, ông Tiệm mạnh dạn đăng ký vay vốn phát triển sản xuất. Ông Tiệm sử dụng vốn vay đầu tư làm chuồng trại, chăn nuôi lợn với 10 con lợn thịt ban đầu. Nhờ tích cực tìm hiểu kinh nghiệm, đồng thời mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn lợn của gia đình ông Tiệm phát triển nhanh chóng, đến nay đã lên đến 500 con. Trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 300 con lợn, trừ chi phí thu lãi trên dưới 200 triệu đồng.

Song song với phát triển đàn lợn, áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng, ông Tiệm tiếp tục vay mượn mở rộng sản xuất, nuôi thêm dê, gà, cá… Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 20 con dê, thu lãi khoảng 22 triệu đồng; 100 con gà và 2 tấn cá thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Bên cạnh mô hình hình vườn - ao - chuồng, ông Tiệm còn mở rộng diện tích cây trồng với cây chủ lực là chè, đạt năng suất trung bình trên 10 tấn/ năm, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng 2 ha thông cho tổng thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Với mô hình kinh tế nông trại như hiện nay, gia đình ông Tiệm đã có cuộc sống ổn định với tổng thu nhập gần 500 triệu đồng/ năm. Ông Nguyễn Công Tiệm cho biết: “Gia đình tôi cũng là gia đình chính sách nhưng không vì thế mà trông chờ, ỉ lại vào sự ưu đãi của Nhà nước. Từ khó khăn, chúng tôi đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo và cùng người dân xung quanh xây dựng thôn xóm ngày càng giàu đẹp”.

Ngoài làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho từ 10 đến 15 lao động địa phương với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông cũng luôn sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và con giống cho người thân, bà con xung quanh cùng phát triển kinh tế.

Hết lòng vì quê hương

Từng anh dũng trong chiến đấu, giờ đây trong thời bình nhiều thương binh ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, được người dân ở địa phương tin yêu, cảm phục.

Từ năm 2011 đến nay, thương binh Võ Văn Quý (65 tuổi) hiện là trưởng thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã vận động nhân dân mở rộng 15 tuyến đường ở địa phương với kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, 3 nghìn ngày công lao động.

Ông Quý đã họp dân và phân tích để người dân hiểu được sự cần thiết của việc mở đường, những lợi ích lâu dài của việc mở đường, sau đó hàng chục hộ dân ở dọc tuyến đường đã tự nguyện hiến đất và đóng tiền để làm đường. Giờ đây, con đường đã sắp hoàn thành và tuyến mương chính đang dẫn nước tưới về cho 30 ha ruộng Gò Than.

Nói về bí quyết huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, trưởng thôn Võ Văn Quý chỉ nói giản dị: Sự chân thành, nhiệt tình và tiên phong cống hiến trong mọi trường hợp sẽ thuyết phục được người dân; nhưng hơn cả cần có sự chia sẻ, quan tâm đến từng gia đình trong thôn, xóm. “Muốn bà con làm gì thì trước tiên mình và những người trong gia đình phải tiên phong làm trước, có như vậy vận động bà con mới dễ dàng. Hơn nữa, khi quan tâm đến ai, đến vấn đề gì và muốn làm gì thì mình cũng phải làm bằng cái tâm, sự nhiệt tình và cố gắng hết sức. Làm được những điều đó sẽ được bà con nhân dân ủng hộ”.

Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Duy An ( 71 tuổi, trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) hiện là Chủ tịch Hội khuyến học xã Phổ Thạnh cũng là một tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho quê hương. Ông được chọn là người có công của tỉnh Quảng Ngãi tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu trong toàn quốc năm 2017.

Phổ Thạnh là một xã vùng biển. Những năm gần đây cuộc sống của người dân đã được cải thiện nhiều nhưng trên địa bàn xã vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Ông An đã tích cực xây dựng Hội khuyến học ở các thôn, các dòng họ. Hiện xã Phổ Thạnh có 9 chi hội cơ sở, 2 chi hội khuyến học dòng họ với 2500 hội viên. Ông còn cùng với các thành viên Hội khuyến học xã tích cực huy động sự đóng góp từ các nguồn để giúp học sinh nghèo và biểu dương những học sinh học tập đạt kết quả khá, giỏi. Sự nhiệt tình của ông An cùng các đồng nghiệp đã gây dựng được nguồn quỹ đóng góp cho công tác khuyến học tại địa phương lên đến 300 triệu đồng. Xã Phổ Thạnh trở thành mô hình điểm của tỉnh về mô hình xã hội học tập năm 2016.

Ông Nguyễn Duy An chia sẻ: Ngày xưa kháng chiến, còn sức là còn chiến đấu thì bây giờ còn sức, còn minh mẫn phải góp chút công sức làm việc có ích cho xã hội. Ông cũng luôn chỉ dạy các con, cháu phải sống sao cho phải đạo, hữu ích./.