Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09-5 đến ngày 15-5-2016)
TCCSĐT - Ngày 13-5-2016, Lầu Năm Góc đã trình Quốc hội Mỹ Báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm 2015, trong đó chỉ rõ sự phát triển mạnh về tiềm lực quân sự của Trung Quốc và tham vọng của nước này trong việc khẳng định chủ quyền đối với các đảo, đá có tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kỷ niệm 71 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức
Hơn 10 nghìn binh lính Nga tham gia diễu hành mừng 71 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Ảnh: Reuters |
Ngày 09-5-2016, Liên bang Nga đã tổ chức duyệt binh diễu hành truyền thống nhân kỷ niệm 71 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là 71 năm ngày chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại (09-5-1945 - 09-5-2016). Cuộc diễu hành có sự tham gia của hơn 10 nghìn binh lính, hơn 100 thiết bị kỹ thuật quân sự như xe quân sự Tigr, xe tăng T-90, thiết giáp BTR-82A, tên lửa phòng không Buk-M2, tổ hợp pháo tên lửa phòng không Panshir-S, tên lửa chiến lược Yars, tăng Armata. Ngoài ra, trên bầu trời Moskva là màn trình diễn ngoạn mục của 71 máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên lễ duyệt binh có sự tham gia của các nữ quân nhân quân đội Liên bang Nga.
Trước đó, phát biểu ngày 08-5, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Aldo Rebelo nhấn mạnh nhân loại mang ơn những người lính Liên Xô và Nga vì những đóng góp của họ cho chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Trong khi đó, để tưởng nhớ công lao của Hồng quân Liên Xô trong công cuộc “đập tan” chủ nghĩa phát xít, Tổng thống Slovakia Andrej Kiska ngày 08-5 đã tới đặt vòng hoa tại đài tượng niệm Hồng quân Liên Xô ở thành phố Sered ở phía Tây Slovakia; Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới đặt vòng hoa trước tượng đài Charles de Gaulle và Khải Hoàn Môn. Đáng chú ý, một trong những hoạt động lớn được tiến hành nhân Ngày Chiến thắng năm nay là hoạt động của phong trào xã hội “Trung đoàn bất tử” được tổ chức tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, như Canada, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha,... Phong trào này bắt đầu từ năm 2007 nhân Ngày Chiến thắng tại tỉnh Tyumen miền Trung nước Nga, khi mọi người, nhất là thanh niên, mang ảnh của người thân đã tham gia Chiến tranh giữ nước vĩ đại tuần hành trên đường phố trong sự kiện gọi là “Cuộc diễu hành của những người chiến thắng”.
Liên hợp quốc đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu
Dòng người tị nạn Syria đổ ra khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để chờ được sang châu Âu. Ảnh: Reuters |
Ngày 10-5-2016, theo truyền thông khu vực Trung Đông, Liên hợp quốc đã đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay, theo đó tái định cư cho ít nhất 10% số người tị nạn mỗi năm và yêu cầu các nước mở cửa biên giới đón những người tị nạn và di cư từ các khu vực chiến tranh và thảm họa. Đề xuất trên có tên gọi “Hiệp ước toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm” do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, với khoảng 60 triệu người tị nạn và di cư trên toàn cầu hiện nay. Liên hợp quốc hy vọng thỏa thuận mới này sẽ giúp chia sẻ một phần gánh nặng với các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng di cư, chủ yếu do chiến tranh ở Syria và các cuộc xung đột khác gây ra. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ với việc chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng, các nước tiếp nhận người di cư sẽ không phải đối mặt với bất kỳ khủng hoảng nào.
Kế hoạch của Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) bị sa lầy trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tháng 3 vừa qua, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận về người di cư, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trở lại những người di cư, đổi lại Ankara sẽ nhận được hỗ trợ tài chính và một số nhượng bộ quan trọng khác từ EU. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn đang tranh cãi về cách thức chia sẻ gánh nặng trong vấn đề tái định cư cho người tị nạn và di cư.
Giới phân tích nhận định kế hoạch giải quyết khủng hoảng di cư của Liên hợp quốc sẽ định rõ trách nhiệm của mỗi nước. Hiện 8 quốc gia, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Liban, Iran, Ethiopia, Jordan, Kenya và Uganda đang “cưu mang” hơn một nửa số người tị nạn và di cư của thế giới. Trong khi đó, EU cùng với 9 nước gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Kuwait, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan chịu trách nhiệm 75% ngân sách của Liên hợp quốc để hỗ trợ người tị nạn.
Hơn 80% cư dân thành thị hít thở không khí ô nhiễm
Không khí ô nhiễm đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. Ảnh minh họa: theguardian.com |
Ngày 12-5-2016, dựa trên số liệu thu thập được về tình trạng không khí ngoài trời của 795 thành phố tại 67 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. Theo báo cáo, cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi có tới 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra.
Điều phối viên về mảng môi trường và y tế công cộng của WHO, Carlos Dora đã chỉ ra một số yếu tố cốt lõi định hình chất lượng không khí tại một thành phố và điều đầu tiên là vấn đề giao thông vận tải. Ông C. Dora nhấn mạnh các thành phố cải thiện được chất lượng không khí chủ yếu là nhờ thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu các phương tiện giao thông bằng cách khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe hoặc sử phương tiện công cộng. Trong khi đó, việc sử dụng không hợp lý năng lượng, cùng thực tế lạm dụng các máy móc thiết bị chạy bằng dầu diesel thay vì sử dụng các nguồn năng lượng khác sạch hơn lại là hai yếu tố đáng kể khác gây ô nhiễm không khí. Thêm một nguyên nhân quan trọng tác động tới chất lượng không khí, đặc biệt tại các nước đang phát triển, đó là việc quản lý rác thải và khí thải được tạo ra từ việc đốt rác - yếu tố gây ô nhiễm hàng đầu.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Âu: Khẳng định đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo các nước Bắc Âu ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Bắc Âu, ngày 13-5-2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 13-5-2016, sau 1 ngày nhóm họp tại Washington, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Âu đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh dân chủ, pháp quyền, bình đẳng giới, tôn trọng nhân quyền và đối xử công bằng bất kể sắc tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính là những giá trị nền tảng cho sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia Bắc Âu, gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland và Đan Mạch. Tuyên bố cũng cho rằng sự minh bạch, quản lý hiệu quả, các nền kinh tế thị trường vững mạnh, tự do thương mại, thịnh vượng chung và phát triển bền vừng là những yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định chính trị và xã hội phồn vinh.
Về an ninh - quốc phòng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Bắc Âu cam kết tăng cường đầu tư cho các khả năng quân sự và quốc phòng, cũng như ngoại giao và hợp tác khu vực trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng thách thức. Về vấn đề nhập cư và người tị nạn, Mỹ và các nước Bắc Âu cam kết hợp tác để đáp ứng những nhu cầu nhân đạo khẩn cấp, thúc đẩy các giải pháp xử lý tận gốc tình trạng nhập cư trái phép, buôn người và tìm kiếm những giải pháp toàn cầu theo hướng tôn trọng quyền tị nạn. Liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu và năng lượng, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường an ninh năng lượng tại châu Âu và thực thi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, bảo vệ và khôi phục các cánh rừng, đồng thời tiếp tục triển khai những bước đi mang tính khoa học nhằm bảo vệ Bắc Cực và người dân sống tại khu vực này. Đối với vấn đề việc làm, tăng trưởng và thương mại, Tuyên bố chung cho rằng tự do kinh tế - thương mại, các thị trường mở và những yếu tố cơ bản để có được sự thịnh vượng lâu dài.
Báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại bãi ngầm Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Ngày 15-5-2016, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân bày tỏ sự “bất bình mạnh mẽ” và “kiên quyết phản đối” báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015. Ông Dương Vũ Quân cho rằng báo cáo “thổi phồng” mối đe doạ từ quân đội Trung Quốc, thiếu minh bạch, “cố tình bóp méo” chính sách quốc phòng Trung Quốc và mô tả “không công bằng” hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, đã làm “tổn hại nghiêm trọng sự tin cậy lẫn nhau”. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc các công trình này được xây dựng nhằm phục vụ hầu hết là mục đích dân sự, giúp Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế.
Trước đó, ngày 13-5, Lầu Năm Góc đã trình Quốc hội Mỹ Báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm 2015, trong đó chỉ rõ sự phát triển mạnh về tiềm lực quân sự của Trung Quốc và nỗ lực của nước này trong việc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Báo cáo cho biết, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp ở Biển Đông trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ một cách bất hợp pháp. Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đã triển khai máy bay và tàu tuần tra đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku (do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông. Báo cáo nhận định “Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật cưỡng bức nhằm thúc đẩy những lợi ích của họ theo cách tránh gây ra xung đột”. Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định mặc dù Trung Quốc đang tập trung phát triển các năng lực nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài trong bất kỳ cuộc xung đột nào, song dường như muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ ở châu Á vì nguy cơ thiệt hại về kinh tế. Lầu Năm Góc đồng thời nhấn mạnh Mỹ vẫn mong muốn tiếp tục xây dựng một quan hệ quân sự “bền vững và độc lập” với Trung Quốc./.
Hội nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc đơn phương cấm biển  (16/05/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga  (16/05/2016)
Ủy ban bầu cử quốc gia giám sát bầu cử tại Bình Phước  (16/05/2016)
Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo  (16/05/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đại biểu doanh nhân Việt Nam  (16/05/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên