Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ mới
TCCS - Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt, góp phần thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa và xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.
1- Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên một Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước. Hiện nay, trước những yêu cầu của thời kỳ mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình số 06-CTr/TU) với mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chương trình chỉ rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 được xác định gồm các nội dung, như bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU toàn diện trên nhiều lĩnh vực, như tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch thông qua tổ chức xét chọn, biểu dương người tốt, việc tốt, danh hiệu công dân ưu tú; hướng dẫn triển khai thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố tiếp tục tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện phân cấp công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số lễ hội lớn, trọng điểm (như lễ hội tại chùa Hương, chùa Phúc Khánh, chùa Hà, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền bà Tấm, đền Phù Đổng, đền Và, đền Tây Đằng, Phủ Tây Hồ). Thành Đoàn Hà Nội tổ chức Chương trình “Tinh hoa Việt Nam” - “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” cho 18 cặp đôi trẻ ngày 15-10-2022 tại khu vực đền Bà Kiệu và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đoàn viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về việc cưới theo nếp sống văn minh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ; góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 25-3-2022, “Về việc thực hiện nếp sống văn minh, trang trí, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31”; tổ chức cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” triển khai đến các quận, huyện, thị xã (từ tháng 5 đến tháng 11-2022), tạo nên sự sôi nổi thi đua và hiệu quả thực tế ở cơ sở; ban hành Kế hoạch số 305/KH-UBND, ngày 27-12-2021, về “Kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” và Kế hoạch số 306/KH-UBND, ngày 27-12-2021, về “Kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ quan trực thuộc thành phố. Năm 2022, thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử tại 20 đơn vị (gồm các sở, ngành, quận huyện); phát động cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về quy tắc ứng xử; tổ chức tuyên truyền quy tắc ứng xử trên nền tảng công nghệ số; nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hóa người Hà Nội, văn hóa ứng xử trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, góp phần đưa các quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức cán bộ và người dân trong ứng xử nơi công sở và các điểm công cộng.
Trong năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh văn hóa đọc, như Phố sách Xuân Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Cánh én chào xuân - Nâng tầm tri thức”, Lễ phát động phong trào đọc sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (ngày 21-4-2022); phối hợp triển khai kế hoạch tổ chức Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II và Cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến,… Thư viện thành phố Hà Nội phục vụ bạn đọc 35.453 lượt; 42.267 lượt tài nguyên thông tin; tổ chức nhiều đợt trưng bày triển lãm sách, báo. Thành phố triển khai kế hoạch giảng dạy đại trà tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho cấp học mầm non, kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học”; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường, nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương, trong đó tiêu biểu là quận Hoàn Kiếm với việc tổ chức “Ngày hội sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh”…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V - năm 2022, tiếp nhận 265 tác phẩm của 40 đơn vị, cơ quan báo chí; trong đó có 96 tác phẩm báo in, 113 tác phẩm báo điện tử, 17 tác phẩm phát thanh, 39 tác phẩm truyền hình. Hội đồng chấm giải đã thống nhất bình chọn được 2 cơ quan báo chí đồng hạng xuất sắc và 33 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải. Mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được triển khai rộng khắp thành phố. Đến hết năm 2022, có 9.608 mô hình, trong đó cấp thành phố là 348 mô hình, cấp quận, huyện, thị và tương đương là 2.302 mô hình; cấp xã, phường, thị trấn là 6.958 mô hình; qua đó bồi dưỡng tinh thần yêu nước; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; cán bộ, đảng viên, đoàn viên xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa… Qua triển khai phong trào, nhiều việc mới, việc khó phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư được tổ chức thành công với 4.748 khu dân cư/tổ dân phố tổ chức (đạt 99% tổng số khu dân cư/tổ dân phố trên toàn thành phố), khen thưởng 13.975 tập thể tiêu biểu và 48.670 hội gia đình tiêu biểu trong các cuộc vận động, phong trào.
Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” được đẩy mạnh với hơn 3.000 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia; qua đó tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của lực lượng công nhân lao động của thành phố. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục tổ chức cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” với nhiều hoạt động, như triển khai hội thi dân vũ thể thao, tổ chức cuộc thi “Nữ doanh nhân tâm tài - thanh lịch”, ngày hội “Áo dài xuống phố”, Hội khỏe Phụ nữ Thủ đô năm 2022… cùng hàng trăm buổi tuyên truyền, ra mắt nhiều mô hình “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát huy tinh thần “Hà Nội nghĩa tình”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” Thành đoàn Hà Nội phát động, triển khai chiến dịch “Xuân tình nguyện - Tết sẻ chia” với nhiều chuỗi hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa, vận động ủng hộ Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam, phát huy tinh thần xung kích trong hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tham gia phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31... Trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân, như Xây dựng nông thôn mới; Tự quản bảo đảm trật tự và văn minh đô thị; Tiếp sức mùa thi; Vì đàn em thân yêu; Chuyển đổi số cộng đồng; Tuyên truyền quảng bá văn hóa, lịch sử, du lịch Thăng Long Hà Nội; Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tình nguyện quốc tế… với nhiều hoạt động ý nghĩa.
2- Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác xây dựng văn hóa và người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa và người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở một số địa phương của thành phố Hà Nội còn hình thức, chưa có sự đổi mới nội dung để phù hợp với thực tiễn nên chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến chồng chéo, buông lỏng, giảm hiệu lực, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào xây dựng văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tổ chức thực hiện chưa đồng đều; một số địa phương còn thực hiện một cách hình thức, chưa thực chất. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô chưa thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở, còn biểu hiện nhũng nhiễu nhân dân, tham ô, lãng phí. Tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, nhất là ở tầng lớp thanh, thiếu niên. Một số giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội bị mai một trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế...
Trước thực trạng đó, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng văn hóa, con người trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”; nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động, như “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”...
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của các cấp ủy và chính quyền Thủ đô trong xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa Thủ đô phong phú, lành mạnh; chú trọng vai trò và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội.
Ba là, tiếp tục nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Phát huy vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên tại cơ quan, công sở; vai trò nêu gương của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tại cộng đồng dân cư; vai trò nêu gương của ông bà, bố mẹ tại gia đình trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử ở công sở và nơi công cộng, đồng thời tích cực phê phán những cái xấu, cái phản văn hóa trong cuộc sống; qua đó tạo tác động tích cực, lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong xã hội.
Bốn là, tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 176/KH-UBND, ngày 30-7-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Kế hoạch thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm giai đoạn 2021 - 2025””. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghiên cứu, xây dựng tầm nhìn chiến lược mới nhằm tạo đột phá trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô, hướng tới tạo dựng “thương hiệu” mới cho Hà Nội trong quá trình hội nhập và phát triển, bảo đảm kế thừa và phát huy xứng đáng giá trị văn hóa hàng nghìn năm của đất Thăng Long - Hà Nội.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhằm nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục quan tâm, bổ sung chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức; xây dựng cơ chế thu hút tài năng trẻ; tạo môi trường, điều kiện tốt để trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân và toàn thể nhân dân Thủ đô phát huy tài năng, sức sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước./.
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ cuối): Để báo chí định hướng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô  (22/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 3): Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả  (12/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 2): Chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo  (05/06/2023)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm