Cải cách thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Những kết quả khả quan của năm 2018
Hà Nội có vị trí đắc địa của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học,… của cả nước. Sau sáp nhập năm 2007, Hà Nội có diện tích 3.324,92 km², trở thành thành phố có diện tích lớn nhất nước và đứng vào hàng ngũ 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Thành phố Hà Nội được tổ chức thành 30 đơn vị hành chính: thị xã Sơn Tây, 12 quận gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 17 huyện gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh.
9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ. GRDP 9 tháng ước tăng 7,17% so với cùng kỳ; khách du lịch tăng 17,6%, trong đó, khách quốc tế tăng 19,8%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 21,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%; giá trị gia tăng nông nghiệp tăng 3,37%. UBND Thành phố đánh giá thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2018: GRDP tăng từ 7,35% trở lên; 20/20 chi tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó 4 chỉ tiêu dự kiến vượt là kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Hết năm 2018, có thêm 30 xã nông thôn mới và 4 huyện nông thôn mới. Trong số các chỉ tiêu, khó khăn nhất là tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, Hà Nội vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Thành phố tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2018 Hà Nội thu hút FDI đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch năm, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
Để có được kết quả này phải kể đến sự đổi mới trong các cơ quan công quyền; trong đó, Hà Nội xem cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Điểm nghẽn thủ tục hành chính
Câu nói đùa “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành quen thuộc, phản ánh thực tế diễn ra lâu này về sự phiền hà, rắc rối, mất thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở Hà Nội. Đây cũng là tác nhân khiến ai đến Hà Nội sinh sống, lao động hay hợp tác đầu tư cũng e ngại; nó kìm hãm sự phát triển ở một mảnh đất đầy tiềm năng và hứa hẹn như Thủ đô. Giải quyết thủ tục hành chính ở Hà Nội từ lâu luôn khó khăn, bởi cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân do khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thủ tục rườm rà, chồng chéo dẫn tới người dân phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành. Chưa kể, những thủ tục rườm rà cũng là cơ sở để cán bộ giải quyết bắt bẻ, gây khó dễ đối với người dân, doanh nghiệp bằng những yêu sách về giấy tờ hoặc là “câu giờ”,không hướng dẫn rõ ràng, khiến người dân đi lại nhiều lần trong môi trường giao thông tắc nghẽn. Mặc dù đã có nhiều hình thức, biện pháp, giải pháp kỷ luật, răn đe, nhưng nạn nhũng nhiễu vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp và ngày một tinh vi hơn nên càng khó phát hiện hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nêu ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt nhấn mạnh là công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ, nội dung cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là các đơn vị cấp hai trực thuộc sở, ngành. Chẳng hạn như công tác quản lý, điều hành ở một số lĩnh vực còn yếu kém, để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc xây dựng quy trình nội bộ của cơ quan, đơn vị; quy chế phối hợp giữa các đơn vị chưa có kết quả rõ nét. Cùng với đó là thủ tục hành chính hiện nay còn thiếu tính liên thông và phối hợp thực hiện chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả, vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ liên thông; có nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục chưa đảm bảo quy trình, thời gian.
Cấp ủy, chính quyền Thành phố xem đây như là vấn đề nan giải, khó đổi mới ở tất cả các cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ ra một trong những kinh nghiệm thành công của Đảng bộ trong thời gian qua là đã: Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của tổ chức và từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị. Nghị quyết xác định một trong 3 khâu đột phá trong thời gian tới là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thành phố đã chủ động triển khai chủ đề công tác của năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Thành ủy chỉ đạo toàn hệ thống chính trị đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; đặc biệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Xác định được trách nhiệm từng người, từng địa phương, từng đơn vị, dựa trên những vấn đề được giao, qua đó đánh giá năng lực cũng như xem xét những vấn đề tồn đọng, bất cập, khó khăn trong giải quyết. Trong năm 2018, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất bằng cách đơn giản hóa thủ tục về đất đai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước, hỗ trợ chuyển giao và đổi mới công nghệ; tổ chức tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ làm con dấu pháp nhân… Ngoài ra, khi thành lập doanh nghiệp chỉ cần kê khai qua mạng, thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả đến doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Thành phố chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch để góp phần duy trì, cải thiện các chỉ số xếp loại cạnh tranh trên cả nước. Ngoài duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính, thành phố tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, quán triệt chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Công tác kiểm tra giám sát cũng được thành phố tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, công sở.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực quản lý nhà nước, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt, tăng cường mua bán trao đổi thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và chính quyền, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Thành phố cũng triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ chế cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, duy trì kết nối hạ tầng kỹ thuật phục vụ họp giao ban trực tuyến mở rộng đến cấp xã; duy trì vận hành hệ thống mạng thông tin điện tử giữa Thành ủy - HĐND - UBND thành phố và triển khai gửi, nhận 100% văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính điện tử, tiến tới giảm tối đa sử dụng văn bản giấy…
Hà Nội triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của thành phố; duy trì và nâng cấp phát triển các ứng dụng cơ bản như thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên địa bàn và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh. Thành phố sẽ triển khai thí điểm mô hình văn phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ hành chính công tại quận Long Biên.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến trình độ, chất lượng, thái độ phục vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, nhất là bộ phận tiếp xúc với nhân dân. Trong thực tế, ý thức một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ chưa cao; việc chấp hành kỷ cương của một số cơ quan chưa nghiêm, một số công chức viên chức chưa thực sự tự giác. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên và hiệu quả nên có nơi còn gây phiền hà đối với người dân. Để khắc phục tình trạng đó, Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính theo hướng đột xuất, không báo trước; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội đang từng bước đạt hiệu quả, gây được thiện cảm tại cơ quan công sở đối với nhân dân và các nhà đầu tư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy vậy, đây mới là những kết quả bước đầu, thành phố đang tiếp tục rà soát, đúc kết kinh nghiệm nhằm triển khai quyết liệt, sâu rộng hơn trong năm 2019./.
Chấn chỉnh tình trạng gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính  (27/12/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ  (27/12/2018)
Lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng  (27/12/2018)
Thông báo Hội nghị lần 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  (27/12/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên