Phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Phú Yên: Kết quả, thách thức và giải pháp thực hiện

Huỳnh Tấn Việt Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên
23:07, ngày 13-07-2017

TCCS - Kinh tế tư nhân được Đại hội XII của Đảng khẳng định là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây được xem là quá trình phát triển tư duy lý luận, nhận thức của Đảng trên con đường tìm kiếm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế của đất nước. Thực tế ở Phú Yên cho thấy, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển đột phá và đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế của địa phương.

Quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân

Ở Phú Yên, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định: “Tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, biểu dương người sản xuất, kinh doanh giỏi, chấp hành tốt pháp luật; xóa bỏ mọi trở ngại, rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 khẳng định: “Tiếp tục kiện toàn, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế hợp tác được tiếp tục giúp đỡ phát triển, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định quan điểm: “Khuyến khích kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển KTTN, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTN. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngay từ đầu năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU chọn năm 2016 là Năm doanh nghiệp Phú Yên, với mục tiêu mỗi năm thành lập mới khoảng 500 doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 3.500 đến 4.000 doanh nghiệp hoạt động, theo đó tỉnh xác định 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm:

Thứ nhất, quán triệt nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển doanh nghiệp; về thông tin đối ngoại, thông tin về hội nhập quốc tế, nhất là về các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết.

Chú trọng công tác biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh; phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm hay trong quản lý doanh nghiệp, mô hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực, nhất là thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về quy chế hoạt động, quy trình công tác thẩm định, cấp phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thành lập doanh nghiệp..., bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính bằng hoặc ít hơn thời gian quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 18-3-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh; Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 3-6-2013, về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, kịp thời xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp về: đất đai, tài chính, tín dụng, thông tin, xây dựng thương hiệu, gia nhập thị trường, trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, tham gia cung ứng các dịch vụ công, dự án đầu tư công... Xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với quy định hiện hành.

Nghiên cứu phân cấp quản lý để nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và địa phương trong việc thu hút, kêu gọi, cấp phép triển khai và quản lý các dự án đầu tư.

Thứ tư, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ngành và ủy ban nhân dân (UBND) các cấp. Nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, như thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký sử dụng đất..., thành lập một số hội hoặc câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tăng cường sự kết nối, hỗ trợ, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp thuộc hội, câu lạc bộ có thương hiệu đạt tầm quốc gia, từng bước vươn ra khu vực và quốc tế.

Thứ năm, tạo nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp; công khai số điện thoại “đường dây nóng”; tổ chức đối thoại trực tiếp định kỳ hằng tháng giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành, phòng liên quan và hằng quý giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về hoạt động của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hoạt động Năm doanh nghiệp Phú Yên 2016, chỉ đạo triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong Năm doanh nghiệp Phú Yên 2016 đã được UBND tỉnh và các cấp, các ngành tích cực triển khai bằng nhiều hình thức, như thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp và Doanh nhân tiêu biểu tỉnh; tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư; tổ chức chương trình “Cà-phê doanh nhân” vào thứ bảy hằng tuần nhằm tạo môi trường để các doanh nghiệp và khách mời gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường, thực hiện giao dịch, đồng thời tạo kênh thông tin đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Yên, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành công bố số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành thường xuyên nghiên cứu, rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, phấn đấu rút ngắn khoảng 35% - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương đối với các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới doanh nghiệp không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (giảm 1 ngày so với quy định), đồng thời đối với các hồ sơ đăng ký thay đổi thì giải quyết ngay (không quá 3 giờ) khi nhận được hồ sơ hợp lệ (theo quy định là 3 ngày); Sở Công Thương cắt giảm hơn 28% - 35% thời gian giải quyết 11 thủ tục thuộc lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước và xúc tiến thương mại, cắt giảm 6,6% - 10% thời gian giải quyết 9 thủ tục thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm và hóa chất...

Những kết quả đạt được

Nhờ những hoạt động tích cực nêu trên, việc phát triển KTTN trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả bước đầu khá tích cực:

Một là, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của thành phần KTTN trong nền kinh tế được nâng lên, tạo sự thống nhất cao trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KTTN. Các tầng lớp nhân dân được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đã chủ động, tích cực hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất và địa bàn hoạt động.

Hai là, khu vực KTTN đã có bước phát triển đáng kể về số lượng và quy mô. Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho gần 1.830 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 4.900 tỷ đồng; thành lập mới 899 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có hơn 2.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1.300 doanh nghiệp so với năm 2010. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động thường xuyên năm 2014 là 1.455 doanh nghiệp, tăng 45,5,% so với năm 2010; với tổng giá trị tài sản cố định gần 6.000 tỷ đồng, tăng 72,9%; vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hằng năm hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 65,3% so với năm 2010.

Nhiều doanh nghiệp đã phát triển và khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, như Công ty cổ phần Pymepharco trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Công ty cổ phần An Hưng trong lĩnh vực may mặc; Công ty Hải Thạch là một trong những đơn vị thi công chính hầm đường bộ Đèo Cả (nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, vừa được thông hầm trong tháng 7-2016, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch); các doanh nghiệp vận tải khách đường dài; Doanh nghiệp Thủy sản tư nhân Đắc Lộc...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ thủ tục thành lập đến cải cách quản lý thuế theo hình thức khoán, không cần tập hợp hóa đơn, ghi chép sổ sách... Trong giai đoạn 2010 - 2015 có hơn 9.900 hộ kinh doanh cá thể đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có hơn 55.140 cơ sở kinh tế cá thể, tốc độ tăng số hộ kinh doanh bình quân hằng năm là 24%; tạo việc làm cho hơn 84,5 nghìn lao động (tăng 16,6% so với năm 2010).

Ba là, khu vực KTTN bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân đã và đang hoạt động trong hầu hết các ngành, nghề theo quy định của pháp luật, trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ và trải khắp trên toàn địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển rộng khắp và ngày càng lớn mạnh của KTTN đã góp phần quan trọng vào quá trình phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Bốn là, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng bình quân hằng năm 11,5%, trong đó KTTN là thành phần quan trọng đóng góp phần lớn vào GRDP (năm 2010 chiếm hơn 73% GRDP, năm 2015 chiếm hơn 70% GRDP của tỉnh).

Năm là, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 17,2%/năm, đến năm 2015, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt hơn 3.350 tỷ đồng(1), trong đó thu từ doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh năm 2015 chiếm 40,7%.

Sáu là, về giải quyết việc làm, bình quân hằng năm giải quyết việc làm mới khoảng 22 nghìn lao động, riêng năm 2014 các doanh nghiệp thuộc thành phần tư bản tư nhân giải quyết việc làm cho hơn 29,4 nghìn lao động, tăng 5,7% so với năm 2010, chiếm hơn 81% tổng số lao động trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngoài ra, KTTN cũng đã có đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, chủ trương xóa đói, giảm nghèo, công tác an sinh xã hội của tỉnh thông qua việc trao tặng “Nhà tình nghĩa”, xây dựng trường mầm non, tặng học bổng...

Khó khăn, thách thức và kiến nghị

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc phát triển KTTN trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như:

- Do quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, làm “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp khác phát triển.

- Thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp tuy được giảm bớt, nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp. Quy chế phối hợp “một cửa liên thông” bước đầu đáp ứng được yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính ở khâu chủ trương đầu tư, tuy nhiên ở các khâu tiếp theo để giải quyết thủ tục hành chính (như công tác quy chủ, đền bù giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, thuê đất...) mất khá nhiều thời gian.

- Việc huy động vốn và tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao (nguồn vốn kinh doanh chủ yếu của hộ cá thể là dựa vào lợi nhuận để lại (nếu có) và tín dụng chủ yếu huy động từ bạn bè, người thân...).

- Ngoài ra, tự bản thân KTTN cũng bộc lộ nhiều hạn chế vốn có của thành phần kinh tế này, như phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít; tính tự phát cao, manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh còn yếu; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; trình độ quản trị doanh nghiệp chưa tốt...

Từ thực tiễn phát triển KTTN những năm qua, Phú Yên đề xuất một số kiến nghị về giải pháp, cơ chế, chính sách để KTTN tiếp tục phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế như sau:

1- Xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tương xứng, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng hơn để phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của KTTN. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, miền núi hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thì cần phải có sự hỗ trợ đặc thù mạnh mẽ hơn.

2- Phần lớn doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, chúng ta cũng cần có những chính sách, cơ chế về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường... cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa.

3- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra sau khi chấp thuận chủ trương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý những sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Kiên quyết thu hồi các dự án cố tình kéo dài nhưng không triển khai.

4- Đối với hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ, ngoài các cơ chế, chính sách chung nêu trên, cần có một số cơ chế, chính sách cụ thể hơn, như:

- Nhà nước cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ kinh doanh cá thể.

- Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh cá thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay. Các chính sách vay vốn cũng cần phù hợp với ngành, nghề kinh doanh và linh hoạt về thời gian vay cũng như các tài sản thế chấp.

- Cần có chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các hộ kinh doanh cá thể với nhau thành các hiệp hội ngành, nghề hoặc mở rộng sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhà nước cần có chính sách phù hợp khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể nếu đủ điều kiện thì chuyển đổi mô hình hoạt động với quy mô lớn hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

- Tăng cường việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các hộ kinh doanh cá thể về quan niệm và nhận thức truyền thống trong kinh doanh cá thể, tiểu chủ; từ đó nhanh chóng, chủ động tiếp cận và nâng cao trình độ quản trị tài chính, mạnh dạn trang bị các công cụ quản trị tài chính chuyên nghiệp giúp ra các quyết định đầu tư tốt hơn, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, xây dựng các chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, chiến lược tiếp thị, mở rộng thị trường, tiếp cận với các mô hình tài chính tiên tiến để áp dụng cho các hộ kinh doanh cá thể./.

-------------------------------------------

(1) Gồm các khoản: Thu nội địa, thu hải quan, thu kết dư ngân sách năm trước, thu chuyển nguồn và thu huy động đầu tư theo khoản 3, Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước