Hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch ở Hà Nội
TCCS - Hiện đại hóa nền hành chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đã mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy thúc đẩy công tác cải cách hành chính của thành phố, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành
Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội được duy trì và giữ vững thứ hạng cao; thành phố tiếp tục được ghi nhận, đánh giá cao về tính năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, có nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt, chỉ số thành phần “hiện đại hóa nền hành chính” của thành phố đạt 10,835/13 điểm (đạt tỷ lệ 83,35%). Từ năm 2016, với mục tiêu đưa thành phố Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Theo đó, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố; từng bước kiện toàn ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố trên cơ sở sáp nhập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn thành phố; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan thường trực; đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương, đơn vị mình.
Ủy ban nhân dân thành phố còn xây dựng và trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND, ngày 1-12-2015, về Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND, ngày 5-12-2017, về việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 1-12-2015 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn thành phố; chuyển đổi từ phương thức triển khai nhỏ, lẻ sang triển khai theo mô hình tập trung, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đồng thời, ban hành các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố hằng năm (từ năm 2016 đến năm 2019) và các kế hoạch chuyên ngành, các quy định, văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Có thể nói, sự quyết liệt, sát sao và bài bản trong công tác chỉ đạo, điều hành việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cấp chính quyền thành phố là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này, từ đó thiết thực hiện đại hóa nền hành chính của Thủ đô, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch.
Những cách làm hay từ thực tiễn hiện đại hóa nền hành chính của thành phố Hà Nội
1- Tập trung đầu tư đồng bộ, thống nhất về phương tiện máy tính, phần mềm cho các cơ quan từ thành phố đến xã, phường, thị trấn để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Về hạ tầng công nghệ thông tin: Thời gian qua, thành phố tiếp tục duy trì Trung tâm Dữ liệu nhà nước Hà Nội, đồng thời thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu hiện đại triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (như trong lĩnh vực giáo dục, y tế). Thành phố đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); hoàn thành kết nối hoạt động mạng tin học của Ủy ban nhân dân thành phố với mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến thành phố; bảo đảm duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin được phát triển đến cấp huyện và cấp xã để phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, về cơ bản, 584 xã, phường, thị trấn của thành phố được trang bị máy tính, máy in, máy quét để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hằng năm, các hệ thống thông tin dùng chung 3 cấp của thành phố vẫn tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ hoạt động điều hành nội bộ: Đến nay, 100% số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của thành phố đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 96% số văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). Thành phố đã ứng dụng chữ ký số trong hệ thống quản lý văn bản điều hành phục vụ giao dịch hành chính điện tử giữa các cơ quan trong thành phố; 100% số cán bộ, công chức tại các cơ quan của thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin trong công việc; 100% số cán bộ, công chức tại cơ quan đảng các cấp của thành phố cũng được cấp hộp thư điện tử công vụ.
Triển khai, duy trì hoạt động hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung cho 3 cấp của thành phố kết nối với cổng dịch vụ công thành phố, từng bước kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Triển khai kết nối liên thông hệ thống họp trực tuyến của thành phố với hệ thống họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, ngày 12-7-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước”, thành phố đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành của thành phố, tạo nền tảng kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo chuẩn kết nối 2.0. Từ ngày 3-6-2019, Ủy ban nhân dân thành phố chính thức thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia, và kể từ ngày 15-6-2019, toàn bộ các cơ quan, đơn vị trong thành phố sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng trong gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) trong giao dịch hành chính điện tử của thành phố.
2- Xây dựng Trung tâm dữ liệu thành phố; tích hợp cơ sở dữ liệu về dân cư, kiến trúc, quy hoạch, đầu tư, hạ tầng kỹ thuật đô thị để phục vụ chính quyền điện tử; triển khai cơ sở dữ liệu dân cư và dịch vụ công theo lộ trình; hoàn thành việc lắp đặt mạng, thiết bị, đào tạo cơ bản, sử dụng phần mềm tại tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, triển khai hình thức thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ.
Thành phố tiếp tục duy trì Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội, đồng thời bổ sung 9 máy chủ cấu hình mạnh cho Trung tâm và thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu hiện đại để bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp, an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ các cơ sở dữ liệu cốt lõi, ứng dụng, hệ thống thông tin dùng chung.
Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi: Thành phố triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi theo hướng tập trung, tích hợp tại trung tâm dữ liệu, làm nền tảng cho việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từng bước hình thành dữ liệu lớn (Bigdata); bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Từ năm 2016, Thành phố tập trung triển khai 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, như cơ sở dữ liệu dân cư cho trên 7,5 triệu người dân Hà Nội; cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp của thành phố; cơ sở dữ liệu quản lý bảo hiểm.
Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Thành phố triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực, như: giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; xây dựng; y tế; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp; lao động, thương binh và xã hội; thanh tra; thuế, tài chính, ngân hàng; hải quan đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép đầu tư qua mạng. Cùng với việc tiến hành lắp đặt mạng diện rộng, các phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến, thành phố còn quan tâm đào tạo việc sử dụng phần mềm và hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tổ chức 647 lớp đào tạo, tập huấn trực tiếp cho 17.800 cán bộ, công chức, viên chức về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; tập huấn cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về các hệ thống thông tin dùng chung, như dịch vụ công trực tuyến, “một cửa” điện tử dùng chung cho 3 cấp, các ứng dụng của ngành giáo dục và đào tạo, y tế…
Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố, thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của thành phố. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Công an thành phố, các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong tiếp nhận các thông tin cảnh báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng, hướng dẫn khắc phục lỗ hổng gây mất an toàn thông tin trên các cổng thông tin điện tử, website của các đơn vị trong thành phố.
3- Rà soát và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 tại tất cả các cơ quan, đơn vị theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin (ISO điện tử).
Thực hiện quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015, thành phố đã hướng dẫn các cơ quan trực thuộc áp dụng tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 với lộ trình chuyển đổi hoàn thành trước ngày 30-6-2020. Theo đó, thành phố triển khai điện tử hóa các quy trình xử lý công việc để giải quyết các thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung của thành phố. Trong lộ trình chuyển đổi, các cơ quan, đơn vị tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, 100% số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, trên 75% số xã, phường, thị trấn và 85% số đơn vị trực thuộc các sở, ngành (đơn vị cấp 2) thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.
Đầu tư xây dựng trụ sở, cung cấp trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Để phục vụ mục tiêu hiện đại hóa công sở, thành phố quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới hệ thống trụ sở và cung cấp các trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại cho cơ quan hành chính các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Trong đầu tư cải tạo, xây dựng trụ sở, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thiết kế mẫu phương án kiến trúc, phê duyệt tổng thể dự án cải tạo, xây dựng trụ sở đảng ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố chấp nhận phương án thiết kế, căn cứ phân cấp nhiệm vụ đầu tư, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động đầu tư./.
Cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Những điểm sáng từ thực tiễn Hà Nội  (26/09/2020)
Tiếp cận khái niệm “địa - chiến lược” trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đến năm 2030  (18/09/2020)
Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam  (09/09/2020)
Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó  (03/09/2020)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm