Giữ gìn, phát huy truyền thống kết chạ trong nông thôn ngoại thành Hà Nội
TCCS - Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu trọng tâm “Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc”. Để đạt mục tiêu đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có tục kết chạ - nét văn hóa đặc sắc của làng xã Việt Nam.
Kết chạ - một truyền thống lâu đời, mang nhiều giá trị tốt đẹp
Kết chạ, còn được gọi là Kết nghĩa, Ăn chạ, Đi chạ, Đi nước nghĩa, Giao hiếu, Ăn giải..., là một nghi thức, tập tục mang tính truyền thống giao hảo giữa các làng Việt cổ có những mối quan hệ về nguồn gốc, về sự cùng thờ phụng các vị thần thành hoàng, về sự giúp đỡ lẫn nhau, có cùng một hoạt động nghề nghiệp kinh tế hay cùng chung loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống…(1). Từ xa xưa, gần như ở tất cả các địa phương đều tồn tại tục kết nghĩa giữa các làng xã. Trong đó, khu vực ngoại thành Hà Nội gây ấn tượng bởi số lượng làng kết chạ đông đảo; hình thức, nội dung kết chạ phong phú; hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng và những câu chuyện kết chạ, những quy ước vô cùng độc đáo, hấp dẫn.
Làng Việt truyền thống ở Bắc Bộ là một cơ cấu tổ chức hết sức linh hoạt. Tính chất khép kín, tự trị, tự quản của làng với lũy tre làm biểu tượng, có hương ước, có lệ làng riêng (“phép vua thua lệ làng”), hội làng riêng, Thành Hoàng làng riêng “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, đời sống kinh tế của làng mang tính tự cung, tự cấp. Bên cạnh đó, làng xã còn có quan hệ liên làng, siêu làng: liên kết chống lũ lụt, chống ngoại xâm, tục kết chạ, quan hệ hôn nhân ngoài làng, về kinh tế có sự giao lưu, buôn bán giữa các làng qua các phiên chợ. Như vậy, có thể thấy, trong đa số hoạt động mang tính chất đóng, thì tục kết chạ là một trong không nhiều minh chứng về tính mở của làng Việt xưa.
Khảo sát tại 17 huyện ngoại thành Hà Nội, tục kết chạ rất phổ biến. Ở các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hoà có tới 30-50 làng có tục kết nghĩa; huyện Đông Anh có tới 70 làng có tục lệ kết chạ.
Ở một số xã, tất cả các thôn đều có tục kết chạ, như xã Bột Xuyên, Mỹ Thành, Tuy Lai (huyện Mỹ Đức)… Có hiện tượng một thôn kết nghĩa với một số thôn khác với các lý do, mối quan hệ khác nhau, các quy định, nội dung khác nhau. Nhiều trường hợp 3, 4 thôn cùng kết chạ với nhau (như tục kết chạ giữa thôn Nội, thôn Thượng, thôn Phương Khê - đều thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) và thôn Thổ Nghĩa (nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai); kết nghĩa giữa các làng trong Thập tam trại thờ chung thần Linh Lang; làng Đông Phù Liệt kết nghĩa với 2 làng Đam Uyên và Đông Trạch vì cùng thờ thần Nguyễn Siêu, song lại kết nghĩa với 9 làng khác trong việc thờ “Nhị vị công chúa” thời Lý…
Hầu hết là kết chạ với các thôn lân cận, thường là trong cùng một tổng trước đây; nhưng cũng có nhiều trường hợp kết nghĩa giữa các làng khác huyện, khác tỉnh, có khoảng cách địa lý khá xa, như làng Nga My (huyện Thanh Oai) với làng Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); Tiên Lữ (huyện Chương Mỹ) với Bối Khê (huyện Thanh Oai); giữa làng Võng La (huyện Đông Anh) với làng Đại Lan(huyện Thanh Trì). Kết nghĩa nội thành với ngoại thành (làng Quan Nhân, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai kết nghĩa giao hảo với làng Quan Nhân, xã Nhân Chính, huyện Thanh Xuân từ năm 2000); kết chạ giữa làng Thuý Lai (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) và làng Kim Quan (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Ở huyện Mỹ Đức, thôn Vĩnh Xương Trung vừa kết chạ với thôn Vĩnh Xượng Thượng, thôn Vĩnh An, xã Hồng Sơn và với thôn Giữa Quýt, xã Tuy Lai.
Tục kết chạ ở các làng ngoại thành Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của chính các làng xã trong quá trình hình thành và phát triển. Có thể thấy rõ điều này qua các lý do, nguyên nhân của việc kết chạ: Về tâm linh, cùng thờ một vị thành hoàng hoặc các vị thành hoàng có mối quan hệ với nhau; về an ninh, cùng đoàn kết, phối hợp phòng, chống trộm cướp, chống giặc ngoại xâm; về kinh tế, cùng hỗ trợ, phối hợp với nhau trong sản xuất, nhất là trong đắp đê, chống lũ lụt, bảo vệ đồng điền, nguồn nước, gia súc; về cuộc sống, giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn, bênh nhau, cùng đối phó với sự ức hiếp của làng khác; về văn hoá, tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội…
Nhìn chung, lý do - nguyên nhân - mục tiêu của việc kết chạ giữa các làng rất phong phú, cả những chứng tích, lý do rõ ràng, cả những lý do rất ly kỳ, mang tính huyền thoại. Song dường như đó chỉ là duyên cớ ban đầu của cả một quá trình dân làng lưu giữ, tự hào, trân trọng, không ngừng vun đắp cho mối quan hệ ấy theo thời gian; và sâu xa, nó phản ánh mong muốn, nhu cầu mở rộng quan hệ, tăng cường đoàn kết của cư dân làng xã. Kết chạ được thực hiện tự nguyện, các làng tìm đến với nhau, không ép buộc, không có sức ép từ trên và những giá trị ấy được các thế hệ dân làng bồi đắp từ đời này qua đời khác.
Nét đặc biệt chung của các làng kết chạ là hai bên đều khiêm nhường, tôn kính nhau, đa số đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh. Từ cách xưng hô, cử chỉ đến trong sâu thẳm tâm hồn, các làng kết chạ đều trân trọng nhau, chan hoà cởi mở như người trong một nhà. Vì coi nhau là anh em, nên cùng tôn trọng phong tục, tập quán, nguồn gốc, nghề nghiệp của nhau; đặc biệt là cùng sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng, tôn thờ thành hoàng của nhau; tham gia hội làng của nhau. Nhiều nơi, xuất phát từ quan niệm là “anh em” nên trai gái giữa hai làng kết nghĩa không kết hôn với nhau. Họ cùng quy ước không gây bất hoà, đối xử với nhau thân tình, giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, cuộc sống…
Kết chạ được cư dân các làng ở khu vực ngoại thành Hà Nội duy trì lâu bền qua hàng nghìn năm bất chấp những tác động của thiên tai, chiến tranh, thay đổi về địa giới hành chính… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều làng kết chạ cùng phối hợp kháng chiến, giúp đỡ nhau khi giặc đóng bốt, lập tề. Thời kỳ bao cấp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, vẫn có các hình thức liên hệ, hỗ trợ trong sản xuất. Ở một số nơi, phong tục, nghi lễ kết chạ bị ngắt quãng từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng những năm gần đây đã được khôi phục lại. Cá biệt, có những cặp làng gần đây mới thực hiện việc kết nghĩa (như làng Quan Nhân, huyện Thanh Oai với làng Quan Nhân, quận Thanh Xuân). Đặc biệt, người dân những làng kết nghĩa khi gặp nhau ở nơi xa vẫn luôn tôn trọng tập quán cũ của làng, gần gũi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Những biến đổi trong quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới
Tục kết chạ hình thành và tồn tại trong những bối cảnh lịch sử cụ thể. Thường là trong xã hội nông thôn truyền thống, với điều kiện giao thông hạn hẹp, các phương tiện, hình thức quan hệ, giao lưu hạn chế nên một đặc điểm nổi bật là sự khép kín, hạn hẹp trong quan hệ với bên ngoài. Trong bối cảnh nông thôn mới hiện nay, xã hội nông thôn với kết cấu ngày càng đa dạng; quan hệ làng xã ngày càng rộng mở, xa hơn, đa chiều và phong phú hơn; cuộc sống hiện đại thâm nhập và tạo nên nhiều biến đổi, giao thông phát triển, các phương tiện và phương thức thông tin ngày càng đa dạng, nhanh chóng và tiện ích. Những biến đổi làng Việt ở vùng nông thôn dưới tác động của thời đại cũng ghi dấu rõ nét trên biến đổi của tục kết chạ. Song nhiều giá trị tốt đẹp của tục kết chạ vẫnđược duy trì, phát triển trong xã hội đương đại.
Hầu hết các cặp làng kết nghĩa đến hiện nay vẫn duy trì việc thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong dịp lễ, tết; thực hiện các nghi lễ trong lễ hội của từng làng hoặc của cặp làng. Nhiều nơi đã đưa thành văn bản việc kết chạ trong quy ước làng văn hoá. Bên cạnh đó, quy mô kết chạ cũng được duy trì, đa dạng hơn, từ trước đây là làng với làng, nay được nâng lên cấp độ xã kết nghĩa với xã hoặc đi sâu thànhkết nghĩa giữa các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên. Đáng chú ý là những năm gần đây việc tổ chức kết nghĩa diễn ra phổ biến giữa các quận, huyện của Hà Nội với các địa phương vùng “Kinh tế mới”, nơi có nhân dân địa phương mình đến lập nghiệp.
Ngoài việc tiếp tục duy trì những phong tục, nghi lễ truyền thống tốt đẹp, nhất là sự tôn trọng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong bối cảnh hiện nay đã có những hình thức mới của tục kết chạ, như cùng phối hợp xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phối hợp phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Bên cạnh những việc kết nghĩa truyền thống, làng Bát Tràng đang mở rộng “kết chạ” theo hướng giao lưu văn hóa và giao thương với các làng nghề khác ở Hà Nội, Hải Phòng. Tại lễ hội, người làng Bát Tráng bố trí nhiều gian hàng ngay tại khu vực đình làng mình để giao lưu, phối hợp với 15 làng nghề truyền thống, tạo thành một quần thể chợ quê, làng cổ như lụa Vạn Phúc, dệt Phùng Xá, hương Xà Kiều, rèn Đa Sỹ, miến Cự Đà, thêu ren An Dương (Hải Phòng), khảm trai Chuôn Ngọ… Ngoài ra còn có chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ của Câu lạc bộ Văn nghệ của làng nghề Vạn Phúc, Giang Cao, Kim Lan. Đây được xem là một hình thức “kết chạ” mới thông qua các giao lưu văn hóa, kinh tế, với cả những làng cách nhau xa về địa lý. Sự kết hợp này không chỉ tăng cường sự thân thiết, đồng cảm giữa các làng nghề với nhau, giới thiệu các sản phẩm của làng mình cho làng kia, mà còn là “nền tảng” để có thể cho ra những sản phẩm mới có sự kết hợp, kết tinh những nét tinh xảo giữa các làng nghề với nhau, tạo sự đa dạng cho thị trường, gia tăng thu nhập cho các làng “kết chạ” thời hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp cần duy trì, phát triển, thì vẫn có những nguyên tắc, quy ước,thủ tục, nghi lễ kết chạ đã lạc hậu, cần thay đổi, thậm chí là loại bỏ để phù hợp hơn với bối cảnh nông thôn mới.
Thứ nhất, loại bỏ sự ngăn cấm trong tình cảm yêu đương và hôn nhân. Theo quan niệm trước đây, kết chạ là kết nghĩa anh em giữa các cộng đồng dân cư, có sự sắp xếp, ghi nhận, chứng kiến và ủng hộ của thần linh. Khi hai làng đã kết chạ, mọi người tôn trọng và coi nhau như những người anh em ruột thịt. Cũng bởi vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cặp làng kết chạ đặt ra lệ trai gái giữa các làng kết chạ không được yêu đương và lấy nhau. Người vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, mọi người không tham dự các nghi lễ cưới hỏi, chịu áp lực dư luận trong cộng đồng làng xóm, thậm chí còn bị quy kết là nguyên nhân dẫn đến những điều xui xẻo của dân làng.
Song, đến nay, nhận thức của người dân, nhất là của thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi. Họ thấy rõ sự vô lý của quy định cũ mang nặng tính tâm linh, thiếu căn cứ thực tế. Thế hệ trẻ của các làng kết chạ vốn đã sự hiểu biết lẫn nhau, có tình cảm gần gũi, lại cùng sinh sống, học tập gần như suốt tuổi ấu thơ, nhiều người nảy sinh tình cảm đôi lứa và không chấp nhận sự cấm cản của tục lệ cũ. Tình trạng cấm đoán về hôn nhân giữa các làng kết chạ dần được bãi bỏ. Qua khảo sát, hầu hết các làng kết chạ đã bãi bỏ tục lệ này, song tình cảm giữa hai làng, các nghi thức khác vẫn được duy trì, thậm chí, khi quan hệ hôn nhân được thiết lập thì tình cảm giữa các làng kết chạ lại càng được củng cố, quan hệ bền chặt hơn.
Thứ hai, những thay đổi trong việc xưng hô. Nhìn chung, dân làng vẫn nhớ và tôn trọng những quy định truyền thống về chạ anh, chạ em. Song việc xưng hô nghi lễ như vậy chỉ tồn tại trong việc tế lễ, mà ngày nay còn có cả hình thức diễn văn khi khai mạc lễ hội. Còn trong sinh hoạt đời thường, trong các giao tiếp xã hội, kể cả chào hỏi nhau thì thường theo tuổi tác và vai vế trong xã hội.
Thứ ba, loại bỏ những quy định về quan hệ kinh tế khi điều kiện thực tế đã thay đổi. Như trường hợp kết chạ giữa 2 làng Đông Phù và Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Trước đây, dân 2 làng thỏa thuận, dân Đông Phù sang cắt cỏ ở Yên Mỹ về chăn nuôi trâu bò không phải nộp lệ phí, trái lại dân Yên Mỹ đi chợ Nhót không phải nộp thuế chợ. Không rõ thỏa thuận này được hình thành từ bao giờ, song duy trì cũng khá lâu cho tới khi chợ Nhót bị giặc Pháp phá hủy và đóng bốt ở Đông Trạch vào năm 1947; việc nuôi trâu bò ở Đông Phù cũng giảm bớt, đồng thời với việc giao lưu kinh tế rộng hơn do đó mọi liên kết xưa cũng tự mất đi.
Thứ tư, trong nhiều trường hợp, điều kiện để thực hiện các nghi lễ xưa không còn thuận lợi hoặc không thật phù hợp trong cuộc sống thường nhật cũng như trong đời sống lễ hội, những nghi lễ xưa cũng vì vậy mà mai một dần. Nhiều hoạt động văn hóa xoay quanh phong tục này chỉ còn mang ý nghĩa về tinh thần, hình thức và tượng trưng. Như trường hợp kết nghĩa giữa các làng trong Thập tam trại thờ chung thần Linh Lang trên địa bàn Cầu Giấy. Cả 13 trại tôn Linh Lang làm thần thành hoàng chung của tổng Nội. Mỗi năm, dân 13 trại rước bài vị thần Linh Lang từ đền Voi Phục về đình làng Vạn Phúc (được gọi là đình tổng) để tế lễ; tế xong lại trả bài vị về đền. Đám rước qua dãy núi Vạn Bảo muốn giữ cho kiệu được thăng bằng, những người khiêng có lúc phải kiễng chân, có lúc lại phải cúi xuống bò, vì thế núi Vạn Bảo được gọi là núi Bò. Gần đây, việc rước thần cũng đã được tổ chức cho thích hợp vì các trại xưa đã thành phường và phố xá quá đông đúc không phù hợp với tổ chức rước như thời trước.
Thứ năm, loại bỏ những nghi thức, quy định quá cầu kỳ, rườm ra, hình thức. Giờ đây, việc tổ chức thăm hỏi, tham dự các nghi lễ tín ngưỡng của nhau vẫn thường xuyên diễn ra. Nhưng mật độ cũng giảm bớt bởi hầu hết các làng đều tổ chức hội làng vài năm một lần chứ không tổ chức hằng năm như trước; thành phần đoàn cũng không chặt chẽ như trước, thường có mặt của lãnh đạo (chi bộ, trưởng thôn,…); những quy định về thời gian, địa điểm, đón - tiễn cũng không cầu kỳ như trước; việc tổ chức cỗ bàn cũng không nhất thiết phải theo quy định mà tuỳ từng lễ hội, cụ thể thế nào thì đãi khách như vậy.
Nhìn chung, sự mai một của những hình thức, nội dung kết chạ không xuất phát từ bản chất tốt đẹp của phong tục truyền thống này và cũng không ảnh hưởng đến tình cảm giữa các làng kết chạ. Những nghi thức, nội dung kết chạ truyền thống được hình thành và tồn tại có những căn nguyên lịch sử và trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nên sự mai một của những nội dung đó cũng có những lý do lịch sử cụ thể. Và nhìn chung, đó là sự thay đổi phù hợp, cần thiết trong bối cảnh xã hội nông thôn hiện đại vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay.
Bảo tồn và phát huy giá trị tục kết chạ ở Hà Nội hiện nay
Tục kết nghĩa giữa các làng chạ ở ngoại thành Hà Nội thể hiện một phần nét đẹp văn hóa làng của người Việt xưa, đồng thời có thể khai thác được những tinh hoa của mỹ tục này trong việc xây dựng làng văn hóa hiện nay. Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, tục kết chạ ở ngoại thành Hà Nội cần phát huy điều gì,điều gì là lạc hậu cần thay đổi?… Ngoài ra, cần văn bản hóa thành những quy định kết chạ trong hương ước mới, trong quy định xây dựng làng văn hóa. Cần có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp và hạn chế những hủ tục trong kết chạ, từ đó nhân rộng những giá trị tốt đẹp, phù hợp của tục kết chạ trong việc xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của tục kết chạ trong văn hóa truyền thống và trong xã hội đương đại.
Trong bối cảnh mới, để duy trì văn hóa kết chạ, cần nâng cao vai trò, ý nghĩa, ảnh hưởng tích cực của các hoạt động kết chạ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa trên mỗi địa bàn. Cần ghi chép lại, tập hợp thành kỷ yếu về kết nghĩa giữa các làng, dùng trong công tác nghiên cứu, quản lý và đặc biệt trong truyền thông, giúp người dân có ý thức với việc duy trì, phát huy mỹ tục kết chạ ở địa bàn mình.
Tục kết chạ không chỉ mang giá trị tinh thần, mà nếu biết cách khai thác và có tác động phù hợp, nó có thể trở thành nguồn lực văn hóa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các làng có mối quan hệ kết nghĩa anh em với nhau. Ví dụ, hội Bát Tràng với hội rước đặc sắc kết hợp với làng Đuốc - làng kết chạ của Bát Tràng - là một trong hoạt động văn hóa góp phần giúp làng nghề Bát Tràng xây dựng thương hiệu và dấu ấn đặc sắc. Hay như làng Nga My, huyện Thanh Oai và làng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì đã có kết nghĩa giao hảo hàng trăm năm. Nga My nổi tiếng với nghề truyền thống nấu rượu nếp, có vườn trái cây và trồng cây cảnh, trong khi Vạn Phúc có chợ đầu mối hoa quả, có nghề truyền thống mây tre đan, có di tích đình chùa Vạn Phúc. Với điều kiện giao thông thuận lợi như hiện tại, sự giao lưu, kết hợp về kinh tế giữa hai làng có thể làm phong phú hơn tiềm năng phát triển du lịch giữa hai vùng.
Thứ hai, tăng cường hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các làng kết chạ; gắn tục kết chạ với thực tiễn xây dựng nông thôn mới, xây dựng và nhân rộng phù hợp những mô hình duy trì và phát huy văn hóa làng kết chạ trong bối cảnh nông thôn mới.
Mỗi làng, địa bàn ở ngoại thành Hà Nội có những lợi thế phát triển kinh tế - xã hội riêng, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Nhưng có thể thấy hiện tại, chúng ta chưa khai thác hết nguồn lực văn hóa của các làng nghề truyền thống để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Gia tăng kết chạ, giao hảo, hợp tác giữa các làng có mối quan hệ kinh tế mật thiết như kết chạ giữa các làng nghề, kết chạ giữa các làng trong mô hình sinh thái văn hóa - du lịch… để tăng cường sự gắn kết, tạo thành những liên kết cộng đồng có mối quan hệ chặt chẽ kinh tế sẽ là tiền đề vững chắc để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của tục kết chạ. Hoạt động kinh tế của làng này có thể hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy kinh tế của làng khác chứ không chỉ dừng lại giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh các hoạt động kinh tế, các hoạt động giao lưu văn hóa cần mở rộng hơn, không chỉ dừng lại ở các lễ hội làng, mà có thể mở rộng giao lưu các hoạt động văn nghệ, thể thao, thi đấu,… trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, trên cơ sở khẳng định tục kết chạ là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp phải gìn giữ, phát huy, cần đưa tục kết chạ vào trong các chính sách, chiến lược,quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy phát triển văn hóa của Thủ đô. Trong triển khai Kế hoạch số 165/KH, thực hiện Chương trình số 04-CTr, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội, “Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, cần cụ thể hóa những nội dung liên quan tới phát triển văn hóa ở khu vực ngoại thành và đề cao vai trò của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy những tục lệ, truyền thống tốt đẹp, trong đó có tục kết chạ. Hà Nội có lợi thế với hàng nghìn di tích lịch sử, mỗi di tích lịch sử gắn với những truyền thuyết đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách. Tục kết chạ với các di sản vật thể đại diện cho tình kết nghĩa hàng nghìn năm, những hình ảnh đón rước, giao hảo tốt đẹp giữa người dân các làng có thể coi là những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá, giúp hình ảnh Thủ đô hiện lên trong mắt du khách thêm nghĩa tình, nhân văn, đồng thời điểm tô thêm những giá trị tâm linh cho các di tích lịch sử.
Thứ tư, huy động nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực từ cộng đồng nhằm đa dạng hóa hoạt động kết chạ trong xã hội đương đại. Việc đa dạng hóa và nhân rộng những giá trị tốt đẹp của văn hóa kết chạ trong đời sống xã hội hiện đại, như lồng ghép trong các hoạt động trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử; các hoạt động lễ hội; làm phim tư liệu lịch sử, xuất bản sách; thi viết, thi tìm hiểu về lịch sử hay tìm hiểu văn hoá truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng..., góp phần quan trọng vào việc định hướng lối sống, đạo đức và chuẩn giá trị xã hội, nhất là đối với giới trẻ./.
------------------------------
(1) Bùi Xuân Mỹ, Phạm Minh Thảo: Từ điển lễ tục, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2010
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh  (06/09/2020)
Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó  (03/09/2020)
Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô  (28/08/2020)
Nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (26/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển