Sau vài tháng đầu năm gần như đóng băng, sản xuất công nghiệp đã phục hồi và tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6-2009 ước đạt 58,4 nghìn tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 8,5% (trung ương tăng 10,9%, địa phương giảm 0,2%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,9%. Tính chung 6 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 324,2 nghìn tỉ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nhà nước tăng 1,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5%. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn mức chung của toàn ngành như điều hòa nhiệt độ (44,7%), xi măng (24,1%), dầu thô khai thác (17,9%).

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của cả nước đạt 27,6 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008. Mặc dù lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh so với cùng kỳ như: sắn và các sản phẩm sắn tăng hơn 3 lần, gạo: 56,2%, hạt tiêu: 40,4%, cà phê: 22,3%, chè: 10,9%, nhưng do giá bình quân hầu hết mặt hàng đều giảm (dầu thô giảm 53%, cao su: 44%, cà phê: 28,3%, gạo: 21,6%, than đá: 7,5%...) nên kim ngạch xuất khẩu cả nước bị giảm. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 10,7%, giày dép: 8,7%, dệt may: 1,3%... Trong đó, các mặt hàng chủ lực như gốm sứ, cao su, dây điện và cáp điện, dầu thô… giảm mạnh nhất.

Cũng trong 6 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 29,7 tỉ USD, giảm 34% so với cùng kỳ. Hầu hết mặt hàng nhập khẩu đều giảm cả về lượng và kim ngạch, trong đó các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu giảm từ 10 đến 20%. Riêng trong tháng 6, nhập siêu lên tới 1 tỉ USD. Như vậy, tháng 6 là tháng thứ ba liên tiếp, nước ta nhập siêu trở lại sau 3 tháng đầu năm xuất siêu do đột biến của kim ngạch xuất khẩu vàng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu hơn 2,1 tỉ USD./.