Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 22-6-2009 đến 28-6-2009)
1. Tưởng niệm những người đã hy sinh trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại ở Nga
Ngày 22-6-2009, trên khắp các vùng lãnh thổ của Liên bang Nga diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm các quân và dân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại cách đây 68 năm (22-6-1941). Từ 4 giờ sáng, hàng nghìn người dân Thủ đô Mát-xcơ-va đã thắp lên các ngọn nến để tưởng niệm những người đã mất. Tiếp đó là lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ vô danh, tượng đài các Anh hùng Liên Xô tại Mát-xcơ-va. Các hoạt động đặt hoa tại các đài tưởng niệm Chiến tranh giữ nước vĩ đại, gặp gỡ cựu chiến binh, mít-tinh, hòa nhạc, triển lãm, chiếu phim... đã diễn ra trên nhiều thành phố và địa phương của Nga. Các tổ chức xã hội của Nga phát động phong trào quốc tế mang tên "Ngọn nến tưởng niệm". Đây là hoạt động được tổ chức lần đầu tiên để kỷ niệm sự kiện quân đội Hít-le tấn công Liên bang Xô-viết vào ngày 22-6 cách đây 68 năm. Hoạt động thắp nến được tiến hành cả ở Bê-la-rút và U-crai-na.
2. Ngân hàng thế giới (WB) công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009
Ngày 22-6-2009, WB công bố báo cáo nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 giảm xuống âm 2,9%, so với dự báo âm 1,7% được WB đưa ra tháng 3 vừa qua. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 1,2% năm nay; các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng ơ-rô lần lượt là -3%, -6% và -4,5%. GDP của các nước giàu giảm khoảng 4,5% GDP; Mỹ la-tinh giảm 2,2%, trong khi vốn đầu tư tư nhân giảm 10,1%. GDP toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 2% năm 2010 và lên 3,2% năm 2011. WB đánh giá kinh tế thế giới chỉ thật sự tăng trưởng trở lại vào năm 2011. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng truyền thông ABC của Ốt-xtrây-li-a, chuyên gia dự báo uy tín người Mỹ Ha-ry Đen (Harry Dell) cảnh báo, trong hai năm tới kinh tế thế giới đối mặt một cuộc khủng hoảng mới, thậm chí trầm trọng hơn cuộc suy thoái hiện nay. Ông này bác bỏ ý kiến cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế thế giới đã qua.
3. Đối thoại quân sự Trung - Mỹ
Trong hai ngày 23 và 24-6-2009, các quan chức quốc phòng của Trung Quốc và Mỹ đã nhóm họp tại Bắc Kinh để tham dự cuộc đàm phán đầu tiên về vấn đề quân sự kể từ khi chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bắt đầu đi vào hoạt động. Cuộc đàm phán quân sự Trung - Mỹ đã bị hoãn lại sau khi chính quyền của Tổng thống Bu-sơ bán 6,5 tỉ vũ khí cho Đài Loan vào năm 2008. Đài Loan là một phần của Trung Quốc, vì vậy việc bán vũ khí là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trong cuộc đối thoại quân sự cấp cao lần này, các phái đoàn Trung Quốc và Mỹ đã tập trung tìm kiếm giải pháp ngăn chặn đối đầu trên biển giữa hai bên sau khi xảy ra các vụ va chạm nhỏ giữa tàu hải quân hai nước ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Hai bên cũng bàn thảo vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, theo đó, phía Trung Quốc chia sẻ những quan ngại của khu vực đồng thời thúc giục các bên tiếp tục tiến trình đối thoại để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Kết thúc cuộc đối thoại quân sự cấp cao hàng năm lần thứ 10, Trung Quốc và Mỹ đã thỏa thuận sắp xếp các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng hai nước trong năm nay.
4. Tổng thống B.Ô-ba-ma thông báo một số vấn đề đối nội và đối ngoại chủ yếu của Mỹ
Ngày 23-6-2009, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thông báo một số vấn đề đối nội và đối ngoại chủ yếu của Mỹ. Về đối nội, ông Ô-ba-ma tiếp tục làm rõ những biện pháp kích thích nền kinh tế Mỹ đang hồi phục chậm chạp, trợ giúp người thất nghiệp và thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách chương trình bảo hiểm y tế. Về đối ngoại, Tổng thống B.Ô-ba-ma nhấn mạnh các thách thức lớn chính quyền Mỹ đang phải đối mặt, gồm tình hình I-ran sau bầu cử và chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông Ô-ba-ma cũng đề cập các biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu và phối hợp các nước trong G8 nhằm vực dậy nền kinh tế thế giới tại hội nghị của nhóm này diễn ra tháng tới tại I-ta-li-a.
5. Tổng Thống Nga Đ.Mét-vê-đép thăm 4 nước châu Phi
Từ ngày 23-6 đến 26-6-2009, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép thăm 4 quốc gia châu Phi gồm Ai Cập, Ni-giê-ri-a, Na-mi-bi-a và Ăng-gô-la, nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, một Tổng thống Nga đến thăm các nước ở châu Phi. Tại Ai Cập, Tổng thống Mét-vê-đép và Tổng thống Mu-ba-rắc đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược trong 10 năm. Sau chuyến thăm Ai Cập, Tổng thống Mét-vê-đép tới Ni-giê-ri-a; thăm Na-mi-bi-a và ký một số thoả thuận hợp tác như thoả thuận khuyến khích và bảo vệ nguồn vốn đầu tư và thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Na-mi-bia. Ăng-gô-la là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Tổng thống Mét-vê-đép. Kết thúc chuyến thăm, hai bên ký một số văn kiện hợp tác thư thoả thuận khuyến khích và bảo vệ nguồn vốn đầu tư, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đề ra chương trình hợp tác trung hạn giai đoạn 2009-2013 trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và thương mại.
6. Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc với chủ đề "Khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và những tác động tới phát triển"
Ngày 24-6-2009, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc với chủ đề "Khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và những tác động tới phát triển" đã khai mạc tại Niu Oóc (Mỹ) với sự tham dự của đại diện cấp cao hơn 120 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu thảo luận tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới hiện nay, trao đổi biện pháp đối phó khủng hoảng trong tương lai, nhất là với những nước và khu vực dễ bị tổn thương. Số đông ý kiến nhất trí rằng, Liên hợp quốc cần đóng vai trò trung tâm đối với sự phát triển của thế giới; các nước giàu phải tỏ rõ trách nhiệm đối với nước nghèo hiện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng xuất phát từ chính nước giàu. Dẫn ý kiến của Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Ðức Thúy kiến nghị tạo điều kiện để các nước đang phát triển tiếp cận nguồn tài chính đã cam kết tại Hội nghị cấp cao G20 mới đây tại Luân Ðôn (Anh); kêu gọi các nước tăng nỗ lực nhằm sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha về thương mại tự do.
7. Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Sự lựa chọn Bô-li-vi-a cho châu Mỹ
Ngày 24-6-2009, tại thành phố Ma-ra-cây (Maracay) của Vê-nê-xu-ê-la, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Sự lựa chọn Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) đã quyết định đổi tên tổ chức thành Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ, song vẫn giữ nguyên tên viết tắt. ALBA là cơ chế hợp tác với ưu tiên chống đói nghèo và thúc đẩy hội nhập kinh tế, xã hội và chính trị giữa các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (Caribe), do Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba khởi xướng năm 2004 như là một sự lựa chọn thay thế Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất. Theo Tổng thống H.Cha-vét, cùng với sự lớn mạnh của ALBA, thế giới đa cực không còn là một ước mơ mà đang trở thành hiện thực. Hội nghị cũng thông qua đề xuất của Tổng thống Ê-cu-a-đo Ra-pha-ên Cô-rê-a (Rafael Correa) về việc thành lập các hội đồng chính trị, kinh tế và xã hội nhằm theo dõi và thúc đẩy các dự án hội nhập của khối. Các hội đồng trên sẽ tổ chức họp hàng tháng và cuộc họp đầu tiên của Hội đồng chính trị, với sự tham gia của các ngoại trưởng ALBA, dự kiến sẽ diễn ra ngày 27-7 tới tại thủ đô Ki-tô (Quito) của Ê-cu-a-đo. Cũng tại cuộc họp đột xuất này, ALBA đã kết nạp thêm Ê-cu-a-đo, Xanh Vi-xen và Grê-na-đin, An-ti-goa và Bác-bu-đa, nâng tổng số thành viên chính thức của tổ chức này lên 9 nước.
8. Trung Quốc và Nhật Bản đối thoại chiến lược lần thứ 10
Ngày 24-6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 10. Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Quang Á nhấn mạnh: "Bằng những nỗ lực chung, Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt tiến bộ mới trong việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giai đoạn nửa đầu năm nay". Theo ông Vương Quang Á, cuộc đối thoại lần này là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm nhằm thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi. Về phần mình, ông Mi-tô-gi đánh giá cuộc đối thoại này rất quan trọng "trong tình hình hiện nay". Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các quan chức hai bên dự kiến trao đổi sâu quan điểm về các mối quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách giải quyết tranh chấp về các mỏ khí đốt ở biển Hoa Đông. Tại cuộc đối thoại lần thứ 9 hồi tháng giêng vừa qua ở Tô-ki-ô, hai bên không đạt được tiến bộ nào trong vấn đề này.
9. Ngày quốc tế Phòng, chống lạm dụng và Buôn bán ma tuý bất hợp pháp
Ngày 26-6-2009, Ngày quốc tế Phòng, chống lạm dụng và Buôn bán ma tuý bất hợp pháp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun gửi Thông điệp khẳng định lạm dụng ma tuý có thể phòng ngừa, điều trị và kiểm soát được. Ông Ban Ki-mun kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy mạnh các biện pháp can thiệp dự phòng và lồng ghép chương trình điều trị cai nghiện với các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Phòng, chống ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với chính phủ các nước và các đối tác khác để mở rộng các chương trình điều trị cai nghiện trên phạm vi toàn thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cũng kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Đây là những công cụ hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến ma tuý đang đe dọa nghiêm trọng tới vấn đề an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới.
10. Nga và NATO nối lại quan hệ quân sự
Ngày 27-6-2009, trong cuộc gặp các ngoại trưởng ở Hy Lạp, NATO và Nga nối lại hợp tác chính thức về các vấn đề an ninh nhưng thất bại trong thu hẹp những bất đồng về vấn đề Gru-di-a tạicuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ cuộc chiến ở vùng Cáp-ca năm 2008. Đây là thời điểm mà hai bên phải thúc đẩy các nỗ lực chống lại quân nổi dậy ở Áp-ga-ni-xtan, những kẻ buôn thuốc phiện, hải tặc Xô-ma-li, khủng bố và phổ biến hạt nhân. Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn bất đồng về vấn đề Gru-di-a nhưng quyết tâm không để nó ảnh hưởng tới những vấn đề khác. Trong vài năm gần đây, quan hệ giữa NATO và Nga đã xấu đi do Mát-xcơ-va phản đối khối này mở rộng về phía đông và mọi việc trở nên trầm trọng hơn vào năm 2008 khi Nga có cuộc xung đột ngắn với Gru-di-a. Ông Hốp Sếp-phơ cho biết, hiện hai bên vẫn bất đồng về vấn đề Gru-di-a nhưng quyết tâm không để nó ảnh hưởng tới những vấn đề khác. Tuy vậy, Tổng thư ký NATO cho biết, dù sao hai phía sẽ vẫn nối lại hợp tác. "Chúng tôi đã tái kích hoạt quan hệ ở cấp chính trị và đã nhất trí tái khởi động tiếp xúc quân sự, vốn bị đóng băng từ tháng 8 năm ngoái"./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 15-6-2009 đến 21-6-2009)
Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  (29/06/2009)
Khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khoá X  (29/06/2009)
Trà Vinh vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục phát triển bền vững  (28/06/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay