Từ góc nhìn lịch sử - văn hóa, Tây Nguyên là một vùng văn hóa có lịch sử phát triển lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và di sản văn hóa truyền thống của nhiều thành phần dân tộc, đã và đang có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với giới nghiên cứu. Mấy thập kỷ qua, ngày càng có nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất đầy sức hấp dẫn, được phát hiện trên khắp địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Thực tế ấy luôn nhắc nhở và khích lệ chúng ta quan tâm hơn nữa đến vùng văn hóa đặc sắc này.

Từ khi thực hiện Nghị quyết lần thứ V của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề kế thừa và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được đặc biệt quan tâm trên phạm vi cả nước. Thực tế cho thấy, để kế thừa và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc một cách hiệu quả, chúng ta cần có sự hiểu biết đầy đủ hơn nữa về vốn văn hóa đó. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hướng các dân tộc Tây Nguyên hòa nhập nhanh và bền vững vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất, trước hết phải giúp cho đồng bào các dân tộc ở đây hiểu biết chân thực về quá khứ và những giá trị văn hóa mà nhiều thế hệ trước đã sáng tạo ra. Thời gian gần đây, việc triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát trên các bình diện của văn hóa Tây Nguyên ngày một gia tăng và tiếp tục gặt hái được những kết quả mới.

Lịch sử - văn hóa của một vùng đất được bắt đầu từ khi ở đó có con người cư trú. Theo đó, lịch sử - văn hóa Tây Nguyên đã trải qua những chặng đường dài nhiều nghìn năm từ thời tiền sử đến ngày nay.

Cuốn sách gồm 7 chương:

Chương I: Tổng quan về địa lý, dân cư vùng Tây Nguyên.

Điều kiện địa lý tự nhiên của Tây Nguyên đã từng được nghiên cứu và trình bày khá rõ trong các công trình chuyên khảo đã công bố (như Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1977; Nguyễn Văn Chiển chủ biên. Tây Nguyên, các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Nxb, Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1985; Nguyễn Trọng Lân và Huỳnh Thị Cả. Tây Nguyên thiên nhiên và con người. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1987 ...). Kế thừa những kết quả nghiên cứu đã công bố và tiếp cận những phát hiện mới, trong chương này, tác giả đã cố gắng làm rõ thêm về địa danh, vị trí địa lí, tính phong phú, đa dạng trong môi trường thiên nhiên của các khu vực thuộc địa bàn Tây Nguyên; làm rõ thêm về đặc điểm đa cấu trúc (thành phần dân tộc, tôn giáo, ...) và quá trình chuyển biến trong cộng đồng dân cư vùng Tây Nguyên, đặc biệt là thời gian gần đây. Bởi vì, vấn đề vị trí địa lý, môi trường tự nhiên và dân cư luôn gắn liền với vấn đề lịch sử - văn hóa của một vùng đất.

Chương II: Tây Nguyên trước Công nguyên

Chương này đề cập đến đặc điểm lịch sử - văn hóa thời kỳ trước Công nguyên. Đây là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, tìm hiểu về một chặng đường lịch sử rất dài mà tài liệu hiện nay có được chưa nhiều. Để thực hiện nội dung này, chủ yếu dựa vào các tài liệu về nhân chủng học, dân tộc học, đặc biệt là tài liệu khảo cổ học mới thu được trong mấy thập kỷ vừa qua. Đó là những tài liệu đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) công bố, kết hợp với những tài liệu đang lưu giữ tại Sở Văn hóa - Thông tin các tỉnh Tây Nguyên.

Chương III: Tây Nguyên từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XV

Chương này được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tài liệu thư tịch (sử học, văn hóa học, khảo cổ học, địa chí, v.v...) kết hợp với tài liệu điền giã dân tộc học, nhằm tìm hiểu đặc điểm lịch sử - văn hóa Tây Nguyên trong một chặng đường nhiều thế kỷ của các cư dân bản địa Tây Nguyên - chủ nhân của văn hóa cổ truyền tây Nguyên, thể hiện rõ nét trong qúa trình sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ mà độc đáo, cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú và đa dạng của các công xã. Ở đây, những loại hình công xã mang nhiều tên gọi khác nhau theo ngôn ngữ của từng thành phần dân tộc (kon, bon, buôn, plei, v.v...). Tác giả dùng khái niệm chung “buôn - làng” để chỉ các loại hình công xã. Văn hóa buôn - làng Tây Nguyên lúc này rất đặc sắc nhưng cũng tương đối khép kín.

Chương IV: Tây Nguyên từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX.

Chương này tìm hiểu đặc điểm lịch sử - văn hóa Tây Nguyên trên một chặng đường dài khoảng 4 thế kỷ. Thời gian này có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra, sinh hoạt cộng đồng công xã có những động thái mới và văn hóa truyền thống Tây Nguyên đứng trước nhiều thử thách bởi những tác động của nhiều yếu tố bên ngoài. Trong khi các quan hệ giữa cư dân bản địa Tây Nguyên với cư dân Việt đang diễn ra một cách “tiệm tiến” và theo chiều hướng tích cực, thì có sự xâm nhập của tôn giáo phương Tây và sự can thiệp của chủ nghĩa thực dân. Trong bối cảnh ấy, văn hóa truyền thống Tây Nguyên thể hiện khá rõ bản sắc và bản lĩnh của mình.

Chương V: Tây Nguyên từ cuối thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945

Chương này tìm hiểu đặc điểm một chặng đường lịch sử - văn hóa Tây Nguyên, tuy thời gian không dài, nhưng khắp Tây Nguyên có nhiều biến động lịch sử, dẫn đến những chuyển biến đáng kể về hình thái văn hóa. Đó là thời kỳ người Pháp đã tác động vào kinh tế và xã hội cổ truyền Tây Nguyên theo phương thức thực dân, nhằm cai trị dân bản xứ, khai thác thuộc địa, ngăn chặn và đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân. Vào thời gian này, tuyệt đại đa số cư dân Tây Nguyên vẫn là nông dân, du canh du cư và duy trì nếp sinh hoạt cộng đồng công xã cổ truyền; tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, kiến trúc phương Tây và sinh hoạt đô thị bắt đầu du nhập vào một số ít địa bàn ở Tây Nguyên.

Trong bối cảnh ấy, ánh sáng cách mạng tiên tiến của thời đại, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã được chiếu rọi vào Tây Nguyên, và cư dân Tây Nguyên đã cùng đồng bào các dân tộc Việt Nam đứng lên làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Chương VI: Tây Nguyên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945

Chương này nghiên cứu một chặng đường rất sôi động và phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong tiến trình lịch sử - văn hóa Tây Nguyên.

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), những giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên được khơi dậy và tiếp sức dưới ánh sáng đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, góp phần cùng cả nước đánh đuổi quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Sau năm 1975, sức mạnh của các giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên tiếp tục được phát huy cao độ trong sự nghiệp giữ gìn thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Những giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên tiếp tục vượt qua những thử thách để khẳng định những tinh hoa của mình, đồng thời tiếp nhận và sáng tạo nên những nét văn hóa mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Chương VII: Bàn về vấn đề tiếp nối và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa Tây Nguyên

Ở chương này, sau khi khái quát lại những nội dung của các chương trên làm cơ sở cho một số nhận xét về đặc điểm và xu hướng vận động của lịch sử - văn hóa Tây Nguyên như một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa Việt Nam trong suốt các chặng đường lịch sử, tác giả nêu lên một vài ý tưởng về những việc cần làm trong công tác bảo tồn và phát triển văn hóa, thống nhất và chuẩn hóa địa danh, củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên.