Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - một góc nhìn từ Việt Nam
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất của loài người đã có bước phát triển nhảy vọt, tính chất xã hội hóa của nền sản xuất đã vượt ra khỏi biên giới các quốc gia riêng rẽ, và do đó, đã làm cho toàn cầu hóa trở thành xu thế không thể đảo ngược, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, rồi từ kinh tế, dần dần lan tỏa ra các lĩnh vực khác.
Toàn cầu hóa về kinh tế đã đưa lại nhiều thành tựu quan trọng, nhưng đồng thời cũng gây ra không ít hệ quả tiêu cực, khiến cho toàn cầu hóa được nhìn nhận như “một thanh gươm hai lưỡi”, có cả tác động tốt và tác động xấu đối với các quốc gia ở những trình độ phát triển khác nhau.
Riêng trên lĩnh vực văn hóa, các phương tiện truyền thông, liên lạc hiện đại, nhất là các “siêu lộ” thông tin với mạng Internet, đã tạo ra những điều kiện thuận lợi chưa từng có để các dân tộc, các cộng đồng người ở mọi chân trời góc biển có thể nhanh chóng trao đổi với nhau về ý tưởng, kiến thức, phát minh, sáng chế, dữ kiện..., qua đó góp phần mở rộng sự hiểu biết về các nền văn hóa của nhau. Nhưng mặt khác, quá trình trên cũng làm nảy sinh nguy cơ ghê gớm về sự đồng nhất hóa các hệ thống giá trị, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo đa dạng của các nền văn hóa - nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của từng dân tộc và của cả nhân loại.
Nguy cơ nói trên lại càng tăng lên khi một số thế lực nào đó tự xem những giá trị văn hóa của dân tộc mình là “kiểu mẫu”, là có tính “phổ quát”, từ đó nảy sinh thái độ ngạo mạn và ý đồ áp đặt những giá trị ấy cho các dân tộc khác, cộng đồng khác bằng một chính sách có thể gọi là “xâm lược văn hóa” với nhiều thủ đoạn - cả trắng trợn và tinh vi.
Nằm trong bối cảnh chung ấy của thế giới, nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của hơn 50 dân tộc anh em cùng sống chung trên dải đất Việt Nam, được hình thành và phát triển qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng đang đứng trước cả những cơ hội lớn và những thách thức lớn. Cơ hội là khả năng xây dựng và phát triển thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và mở rộng tiếp xúc, giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác trên thế giới, qua đó, những giá trị ưu tú của văn hóa Việt Nam có dịp tỏa sáng ra bên ngoài, đồng thời chúng ta lại có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu đẹp thêm nền văn hóa dân tộc. Còn thách thức là nguy cơ đánh mất bản sắc, cốt cách riêng của mình, bị hòa tan vào một thứ “văn hóa thế giới đồng phục”, bị tha hóa, biến chất và cuối cùng mất gốc về văn hóa.
Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay là cần kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta như thế nào, cũng như cần vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm hay của thế giới ra sao để có thể bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc, tránh cho nó khỏi bị xói mòn bởi những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, và để cho tiềm năng sáng tạo của nền văn hóa Việt Nam - vốn bắt rễ sâu từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngày càng phát huy vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm tốt nhất cho hòa bình và phát triển bền vững của đất nước.
Để góp phần đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề này, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách "Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - một góc nhìn từ Việt Nam" của GS,TS. Phạm Xuân Nam.
Nội dung của cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1: Nhận thức về sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa
Chương 2: Những hoạt động sáng tạo giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc ở thời đại Văn Lang - Âu Lạc
Chương 3: Kết hợp đối thoại văn hóa với nhiều hình thức đấu tranh khác trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
Chương 4: Đối thoại giữa văn hóa Đại Việt với một số nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới thời trung đại
Chương 5: Tiếp xúc, giao lưu, đối thoại ngày càng rộng mở giữa văn hóa Việt Nam với nhiều nền văn hóa trên thế giới thời cận - hiện đại
Chương 6: Bài học lịch sử và vấn đề đương đại của việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động tham gia đối thoại giữa các nền văn hóa trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay
Tác giả đã đi sâu phân tích những đặc trưng, những cơ hội và thách thức; dự báo chiều hướng phát triển của văn hóa Việt Nam đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, qua đó đề xuất phương châm, nguyên tắc và hệ quan điểm định hướng cho việc thực hiện sự cam kết với tính đa dạng văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tăng cường tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác trong thế giới đương đại./.
Một số vấn đề về xây dựng Đảng và công tác cán bộ  (31/05/2008)
Vấn đề lao động trẻ em  (31/05/2008)
Vấn đề lao động trẻ em  (31/05/2008)
Một kỳ thi có nhiều chuyển biến tích cực  (31/05/2008)
Một kỳ thi có nhiều chuyển biến tích cực  (31/05/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên