Ngày 18- 9 - 2007 tại Hà Nội, Viện khoa học Tài chính phối hợp cùng UNDP tổ chức hội thảo quốc tế: “Cải cách cơ cấu ngân sách nhà nước”. Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia của các tổ chức quốc tế ở trong và ngoài nước. Tới dự hội thảo gồm lãnh đạo các cục, vụ, viện của Bộ Tài chính; các nhà khoa học của các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước; đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế, UNDP Việt Nam, các chuyên gia tư vấn quản lý tài chính Anh, Nhật Bản; đại diện các báo chí Trung ương và Hà Nội. PGS, TS, Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện khoa học Tài chính và PGS, TS, Đặng Văn Thanh chủ trì hội thảo.

Các ý kiến trong Hội thảo đã tập trung vào các nội dung: Ngân sách nhà nước là một trong những công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô toàn bộ các quan hệ kinh tế thông qua tổng mức động viên và cơ cấu động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách nhà nước cũng như cơ cấu thu, cơ cấu chi, cơ cấu đầu tư từ Ngân sách nhà nước. Mức động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách nhà nước là một chỉ tiêu hết sức quan trọng, không những thể hiện mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa Nhà nước với nhân dân, giữa các khu vực trong nền kinh tế, mà còn có ý nghĩa về đối ngoại trong các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Hội thảo đề xuất, tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách nhà nước nên chỉ được tính đối với các khoản thuế, phí và lệ phí, trừ các khoản thuế, phí từ các nguồn thu từ bán tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu thô. Năm 2006, nước ta tổng thu Ngân sách nhà nước đạt mức 18% (cả nguồn thu dầu thô 23%). Đối với các nước phát triển tỷ lệ động viên này thường ở mức trên 30%, còn các nước đang phát triển là khoảng 14%- 17%. Việc bóc tách số thu từ dầu thô sẽ làm rõ hơn về tổng mức động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách nhà nước và nó mang tính tương đồng với các nước trên thế giới để dễ so sánh hơn. Đối với trong nước, nó giúp người dân có được cái nhìn xác thực hơn về tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào Ngân sách nhà nước chỉ dưới 20%.

Các ý kiến trong Hội thảo cho rằng, tỷ lệ động viên vào Ngân sách nhà nước dưới 20% là hợp lý. Nếu bóc tách nguồn thu từ bán tài nguyên sẽ nâng cao ý thức tiết kiệm của mỗi người dân, tránh lãng phí nguồn tài nguyên hữu hạn đang ngày càng khan hiếm. Trong thời gian tới, phải có cơ chế thu hợp lý sao cho cơ cấu thu Ngân sách nhà nước nên tăng tỷ trọng thuế trực thu và giảm tỷ trọng thuế gián thu để bảo đảm việc động viên các nguồn thu Ngân sách nhà nước công bằng, hợp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ cấu chi Ngân sách nhà nước nên được thực hành triệt để tiết kiệm mới có thể vừa dành nhiều cho đầu tư, vừa có đủ nguồn để thực hiện cải cách tự chủ tài chính, chi cải cách tiền lương, chi cho xóa đói giảm nghèo, cho phát triển khoa học công nghệ, cho sự nghiệp giáo dục và y tế, cải cách hành chính...