Phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Nghệ An hiện nay
TCCS - Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Nghệ An không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thực trạng hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Nghệ An
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam của cả nước, kết nối thuận lợi với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, tỉnh Nghệ An được coi là một trong những địa bàn chiến lược của Việt Nam về an ninh, chính trị và văn hóa. Mặc dù xét về kinh tế, tỉnh Nghệ An chưa trở thành “đầu tàu” của khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng với lợi thế vị trí địa - chiến lược, tỉnh Nghệ An đang nắm giữ tiềm năng to lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30-7-2013, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ…”, Nghệ An tích cực thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ngày càng được mở rộng. Năm 2021, quy mô GRDP đạt 155.425 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với năm 2013 (đứng thứ hai vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đứng thứ 12 trong cả nước), đóng góp 12,43% GRDP của vùng(1) và 1,85% GDP cả nước. Năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có thêm 92 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 28.390 tỷ đồng.
Về dịch vụ thương mại, trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 497,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,09%/năm (bình quân vùng tăng 9,22%, cả nước tăng 9,63%); trong đó, giai đoạn 2011 - 2019 đạt 406,83 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,26%/năm. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85,56 nghìn tỷ đồng (xếp thứ hai của vùng). Những năm gần đây, Nghệ An liên tục là một trong những tỉnh được xếp hạng nhóm khá của cả nước và trong nhóm đầu khu vực Bắc Trung Bộ về chỉ số thương mại điện tử (2).
Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Nghệ An đạt 2,428 tỷ USD, vượt xa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD) và cao gấp 3,82 lần so với năm 2013, cao thứ hai của vùng (trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, cao gấp 5,95 lần so với năm 2013). Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh và có xu hướng ngày càng tăng (từ 54,8% năm 2013 lên 83,6% năm 2020).
Năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Nghệ An đạt 2,52 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 7,2% so với kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021, vượt 8,4% so với kế hoạch năm. Nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2021, như các sản phẩm linh kiện điện thoại (tăng 35,4%), dệt may (tăng 19,6%), dây điện và cáp điện (tăng 219,5%), hoa quả chế biến (tăng 17%), bột đá vôi trắng siêu mịn (tăng 17,3%), viên nén gỗ (tăng 320%), giày dép (tăng 531%),...
Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng thuận lợi mang lại từ những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết. Các doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An xuất khẩu hàng hóa sang hơn 127 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là các thị trường lớn, như Trung Quốc (chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), Hàn Quốc (chiếm 13%), Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc) (chiếm 11,3% và 7,8%), Hoa Kỳ (chiếm 11,3%). Bên cạnh đó, năm 2022 còn có một số thị trường xuất khẩu mới như Costa Rica, Guinea xích đạo, Nigeria, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia, Comoros, Vanuatu, Cộng hòa Congo…
Về phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại qua biên giới, tỉnh Nghệ An hiện có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở biên giới; 5 chợ biên giới đang hoạt động. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung đầu tư phát triển kinh tế vùng biên giới phía tây, như quy hoạch các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy, Thông Thụ; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, quản lý xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho xuất, nhập khẩu qua biên giới được thông suốt; đồng thời, hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2022, tỉnh Nghệ An thu hút được nguồn vốn FDI với mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau những tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2022, tỉnh Nghệ An lần đầu tiên nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10-11-2022 là 935,22 triệu USD. Tỉnh Nghệ An xác định nguồn vốn FDI phải được triển khai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên ba khu công nghiệp, gồm Tập đoàn VSIP (VSIP Nghệ An), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt (Hoàng Mai I). Cả ba khu công nghiệp này đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư vào Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Tính đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 740 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 107.000 tỷ đồng. Với dòng vốn FDI lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 102 dự án FDI còn hiệu lực, với số tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 1.450 triệu USD, trong đó có một số tập đoàn lớn đến từ Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử với những thương hiệu lớn, như Luxshare, Goertek, Everwin…
Về thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức đầu tư đạt 9.620 tỷ đồng; giải ngân vốn nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 68,694 tỷ đồng, đạt 14,25% kế hoạch được giao (kế hoạch của cả năm 2022 đề ra là 482,140 tỷ đồng). Trong nhiều năm qua, các dự án ODA đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải cũng thu hút được nhiều dự án ODA… Có thể thấy, quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới để tỉnh Nghệ An đón nhận thêm các nguồn vốn ODA nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã vận động và triển khai thực hiện 31 chương trình, dự án ODA, với tổng vốn đầu tư đạt 15.050 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương huy động được nhiều chương trình, dự án ODA nhất cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Tốc độ giải ngân vốn các chương trình, dự án ODA trong giai đoạn này đạt 3.676,9 tỷ đồng, bằng 40,18% số vốn cam kết. Một số dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện, như Phát triển đô thị Vinh (vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới - WB) với tổng mức đầu tư đạt 3.181 tỷ đồng, khôi phục hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) với tổng mức đầu tư đạt 5.204 tỷ đồng, khôi phục vùng ngập lũ Nghệ An (vốn vay ODA từ Quỹ Saudi Arabia) với 672 tỷ đồng, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (giai đoạn 3), các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thoát nước thải, hạ tầng giao thông của các nhà tài trợ lớn, như WB, JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…
Công tác vận động, quản lý viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; có 18 dự án và 7 phi dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng số vốn cam kết viện trợ là 4,09 triệu USD. Nhìn chung, các chương trình, dự án và phi dự án có ý nghĩa nhân đạo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác thông tin đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Công tác văn hóa đối ngoại được triển khai tích cực với các hoạt động đa dạng, nhằm quảng bá về mảnh đất, con người và văn hóa Nghệ An đến du khách trong và ngoài nước.
Về phát triển du lịch, nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch và mở rộng quảng bá hình ảnh, ngành du lịch tỉnh Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong gần 10 năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch COVID-19, nên số lượng khách và doanh thu du lịch của tỉnh có nhiều biến động. Trong các năm 2020, 2021, số lượng khách du lịch giảm sâu, trong đó năm 2020 giảm còn 3.525.500 lượt khách. Tuy nhiên, mức chi tiêu bình quân mỗi lượt khách du lịch đến tỉnh Nghệ An có xu hướng tăng lên. Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế được mở rộng, du khách từ các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á, châu Âu ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch ngày một đa dạng hơn, chất lượng được đổi mới, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh(3), du lịch sinh thái(4), du lịch cộng đồng(5)…
Về dịch vụ tài chính, ngân hàng, các hoạt động tài chính, ngân hàng từng bước phát triển mạnh, mạng lưới được phủ rộng với nhiều loại hình tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân về dịch vụ ngân hàng. Tỉnh Nghệ An hiện đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động vốn và dư nợ tín dụng, đứng thứ sáu cả nước về huy động vốn và đứng thứ tư về dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp, từ 1,1% (năm 2013) xuống còn 0,6% (năm 2021). Giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng trưởng huy động vốn là 16,2%; tổng số vốn huy động đến ngày 31-12-2021 đạt 175.466 tỷ đồng, tăng 213% so với thời điểm cuối năm 2013. Dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi khách hàng(6).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Nghệ An vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Một là, lĩnh vực xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Môi trường đầu tư mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững; việc giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, tiến độ triển khai các dự án sau cấp phép hầu hết còn chậm, một số dự án được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã đăng ký dẫn đến việc phải gia hạn tiến độ hoặc chấm dứt mọi hoạt động của dự án.
Hai là, nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào một số dự án sản xuất công nghiệp lớn; các dự án thuộc lĩnh vực khác có thế mạnh của tỉnh lại chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, dự án du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Ba là, trên thực tế, một số dự án ODA trong quá trình triển khai thực hiện vẫn bị chậm so với tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng chưa bố trí kịp thời, năng lực của một số ban quản lý dự án còn hạn chế… Bên cạnh đó, do số lượng các dự án ODA trên địa bàn tỉnh khá lớn nên nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án cũng gia tăng. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và đề ra giải pháp để huy động, ưu tiên bố trí vốn đối ứng kịp thời cho các dự án từ các nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương và cân đối với ngân sách địa phương. Đối với một số dự án lớn quan trọng, tỉnh chỉ đạo cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù về huy động vốn đối ứng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh Nghệ An
Thứ nhất, về công tác quy hoạch. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia; tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực; các kết nối liên vùng, liên ngành cần có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình hợp lý. Tập trung rà soát, nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ việc tạo lập, thẩm định các loại quy hoạch theo quy định, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch. Trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, về chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, chất lượng và tính hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, cơ cấu lao động sang những ngành, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả cao.
Trong phát triển công nghiệp, cần đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, phát triển nhanh, bền vững. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; các ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là FDI từ các tập đoàn lớn, như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ... Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, như các nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo đầu tư phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phân bố không gian công nghiệp hợp lý gắn với các hành lang kinh tế, hình thành các vùng sản xuất công nghiệp, trọng tâm là tại địa bàn Khu kinh tế Đông Nam.
Trong phát triển khu vực dịch vụ, thúc đẩy phát triển với tốc độ nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm các dịch vụ cơ bản có chất lượng ngày càng cao, đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong phát triển thương mại, tỉnh Nghệ An chú trọng phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững; đưa thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo bên cạnh các loại hình thương mại truyền thống; khuyến khích phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa; chú trọng xây dựng và phát triển các thương hiệu hàng hóa của tỉnh mang tầm vóc quốc gia và quốc tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics đa dạng, hiện đại, trở thành ngành dịch vụ chủ lực; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển.
Trong dịch vụ tài chính, ngân hàng, chuyển dần sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chú trọng phát triển thanh toán điện tử, phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị khác.
Trong dịch vụ thông tin và truyền thông, ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ứng dụng công nghệ số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị theo định hướng phát triển đô thị thông minh; ưu tiên triển khai các ứng dụng, mô hình quản lý thông minh về giáo dục, y tế, giám sát an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, năng lượng, chiếu sáng đô thị, nước sinh hoạt, thoát nước,...
Thứ ba, thúc đẩy phát triển các vùng trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác liên kết vùng. Thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế; tranh thủ tối đa các FTA thế hệ mới và các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên để đưa sản phẩm của tỉnh Nghệ An tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế. Chủ động hội nhập trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, lao động, khoa học - công nghệ... Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong xây dựng Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Nâng cao sức cạnh tranh của các ngành kinh tế biển trọng yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương giáp biển khác của cả nước; tập trung ưu tiên các ngành: 1- Du lịch biển; 2- Kinh tế hàng hải; 3- Công nghiệp ven biển; 4- Nuôi trồng và khai thác hải sản; 5- Khai thác khoáng sản biển. Trong đó, phát triển du lịch biển, kinh tế hàng hải và công nghiệp ven biển là các lĩnh vực trọng tâm; Khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) là khu vực trọng điểm; thực hiện liên kết vùng với các địa phương ven biển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cần tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cảng nước sâu và sân bay Vinh.
Thứ sáu, liên quan tới các cơ chế, chính sách, các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển. Cần hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện theo hướng cạnh tranh vượt trội để tạo sự đột phát phát triển; huy động tối đa nguồn lực của tỉnh, tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13-11-2021, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An”; tăng cường công tác vận động, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với khả năng vay, trả nợ của địa phương.
Thứ bảy, về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14-12-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030”, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế đối ngoại sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Nghệ An trong sự phát triển chung của cả nước./.
--------------------------------------
(1) Bao gồm 14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).
(2) Trong ba năm 2019, 2020, 2021, chỉ số thương mại điện tử của Nghệ An xếp hạng lần lượt thứ 15,12,18 cả nước; trong đó, năm 2019, 2020 đứng đầu và năm 2021 đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ
(3) Một số điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn khách du lịch, như Khu di tích lịch sử Truông Bồn, chùa Đại Tuệ, chùa cổ Am, đền Chung Sơn...
(4) Cánh đồng hoa hướng dương, du lịch trải nghiệm vườn cam (Con Cuông, Quỳ Hợp), vườn hồng Nam Đàn, thung lũng hoa Phủ Quỳ, Trương Gia Trang, khu du lịch sinh thái Hòn Mát…
(5) Mô hình du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An, như Bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng (Con Guông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Cọ Muồng, bản Long Thắng (Quế Phong)…
(6) Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, với các hình thức Internet Banking, Mobile Banking, phát triển thẻ (đặc biệt đẩy mạnh phát triển thẻ liên kết đồng thương hiệu), ví điện tử (Momo, Payoo, Moca...) công nghệ QR Pay cũng được triển khai rộng rãi tại các ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại di động, các sản phẩm, dịch vụ số phát triển mạnh mẽ như Tpbank Livebank - Ngân hàng trực tuyến, Onebank điểm giao dịch tự động NamAbank, mở tài khoản qua eKYC được thực hiện ở nhiều ngân hàng
Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức thành phố Hà Nội trong giai đoạn hội nhập quốc tế  (23/07/2023)
Du lịch Nghệ An: Tầm nhìn và khát vọng phát triển  (15/06/2023)
Lựa chọn các khâu đột phá, chăm lo đời sống nhân dân làm mục tiêu, động lực quan trọng trong thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nghệ An  (14/06/2023)
Lựa chọn các khâu đột phá, chăm lo đời sống nhân dân làm mục tiêu, động lực quan trọng trong thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nghệ An  (14/06/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nghệ An phải giàu hơn, mạnh hơn  (25/05/2023)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay