Kỳ họp thứ sáu Hội đồng Lý luận Trung ương

KHÔI NGUYÊN
10:41, ngày 16-12-2022

TCCS - Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 14-12-2022, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ sáu để cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết năm 2022, phương phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Hội đồng Lý luận Trung ương và thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào hai dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của Hội đồng phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (dự kiến họp vào tháng 5-2023).

Các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì kỳ họp.

Toàn cảnh kỳ họp _ Ảnh: Khôi Nguyên

Tham dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia tư vấn cấp cao của Hội đồng, cùng các cơ quan báo chí ở Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ sáu để cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Hội đồng Lý luận Trung ương và thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào hai dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của Hội đồng phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII, gồm: 1- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; 2- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”.

1- Về tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương trong năm 2022, đã bám sát chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, kế hoạch công tác toàn khóa và năm 2022 của Hội đồng, đạt được một số kết quả nổi bật:

- Hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng 5 báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời phục vụ các Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6 khóa XIII, đang tập trung xây dựng 2 báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII; chủ động phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan hoàn thành xây dựng 3 báo cáo tư vấn chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

- Chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả với các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong tổ chức triển khai nghiên cứu và đã hoàn thành 18/18 chuyên đề phục vụ công tác học tập, nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

- Tích cực triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20-7-2021, của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và đã hoàn thành với chất lượng cao 2 chuyên đề trình Ban Chỉ đạo Đề án theo đúng tiến độ.

- Khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị (Chương trình KX.04/21-25), phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị luận cứ khoa học cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại kỳ họp _ Ảnh: Khôi Nguyên

- Chủ trì, phối hợp tổ chức biên soạn và giới thiệu cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; tích cực, chủ động xây dựng tờ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn 40 năm đổi mới đất nước (từ năm 1986 - năm 2026).

Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng Lý luận Trung ương, như trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thẩm định các đề án, chương trình của các cơ quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc.

2- Về dự thảo 2 báo cáo tư vấn, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với các dự thảo Báo cáo, đồng thời đã nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, về “Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về “Xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Các ý kiến cũng phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững; trong đó nhấn mạnh, cần có sự liên thông giữa các chính sách, kết hợp tốt hơn các nguồn lực trong triển khai chính sách. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách quản lý phát triển xã hội bền vững, nhằm tạo sự thống nhất và gắn kết, nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách xã hội; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển. Một số ý kiến cho rằng, cần phân tích kỹ hơn sự biến đổi cơ cấu xã hội, giai tầng xã hội, cũng như sự tác động của các vấn đề an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống đến quá trình xây dựng và thực thi chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Các ý kiến cũng phân tích làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra hiện nay, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, như vấn đề nhận diện về trí thức và đội ngũ trí thức, vấn đề thu hút và sử dụng trí thức, vấn đề môi trường tự do, dân chủ trong sáng tạo, hợp tác quốc tế...; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng, thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới.

Kết luận kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những ý kiến trao đổi tại Kỳ họp thứ sáu của Hội đồng Lý luận Trung ương, đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều căn cứ lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh dự thảo 2 báo cáo tư vấn phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị nội dung phục vụ cho Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII./.