Để nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19
TCCS - Khi làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4-2021 và trở nên khó lường, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và của, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, làm suy giảm sự tăng trưởng nền kinh tế. Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, cùng với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch, Thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại tình hình phòng, chống dịch COVID-19
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, trong khi điều kiện về nhân lực, vật lực phục vụ công tác phòng, chống đại dịch của Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phát huy tinh thần chủ động, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh trên thế giới, trong nước, các địa phương lân cận; phân tích mặt mạnh, mặt yếu của Thành phố để xây dựng kịch bản, đưa ra phương án phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, với các biến thể mới vô cùng nguy hiểm, đại dịch COVID-19 đã gây nên nhiều thiệt hại nặng nề về người và của đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Các tỉnh, thành phố trong cả nước nêu cao tinh thần đoàn kết, hướng về tâm dịch, cử nhiều đội phản ứng nhanh là bác sĩ, y sĩ có chuyên môn và có kinh nghiệm để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Nhìn lại những tháng của quý II và quý III năm 2021, khi tình hình đại dịch COVID-19 ở tình trạng vô cùng phức tạp, diễn biến khó lường, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội một cách triệt để, nghiêm ngặt ở mức độ cao hơn các lần trước để phòng, chống dịch, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 86/NQ-CP, ngày 6-8-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV” đề ra. Trong bối cảnh đó, một mặt, các bộ, ngành của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước luôn kề vai, sát cánh, hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh; mặt khác, Thành phố chủ động tập trung cao độ các nguồn lực tại chỗ cho công tác phòng, chống dịch; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp chống dịch, bất kể ngày đêm với tinh thần khẩn trương dồn sức, quyết tâm kìm chế tốc độ lây lan và sự gia tăng số ca tử vong, chuyển biến nặng do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong đó, nhanh chóng thành lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị, các trạm y tế lưu động, cấp phát thuốc và ôxy điều trị F0 tại từng hộ gia đình; tổ chức triển khai xét nghiệm trên diện rộng trong thời gian giãn cách, khẩn trương xét nghiệm cho các hộ dân trong “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), vùng cam (vùng có nguy cơ cao) để phát hiện sớm nhất ca dương tính, kịp thời ngăn chặn sự lây lan.
Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 7-2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc và tử vong gia tăng mạnh, đỉnh điểm là ngày 23-8-2021, có 340 ca tử vong, đây là thời điểm Thành phố phải quản lý, chăm sóc cho hơn 104.000 ca F0, trong đó có gần 40.000 ca F0 nặng. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hàng chục ngàn cán bộ, y, bác sĩ giàu kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm khắp cả nước đã nỗ lực “chia lửa” với Thành phố Hồ Chí Minh để đẩy nhanh công tác xét nghiệm, tiêm chủng, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến với mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu suất điều trị, giành lại sự sống cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Cùng với việc ưu tiên nguồn vắc-xin cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, người dân trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài, nhiều doanh nhân cùng đồng lòng góp sức người, sức của, tùy theo khả năng của mỗi người hướng về đồng bào của mình trong vùng dịch đang bị phong tỏa, cách ly y tế. Cùng với đó, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến đầu năm 2022, số ca mắc mới và tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm sâu, từ trung tuần tháng 1-2022, số ca tử vong được kéo giảm xuống dưới 10 ca, số ca mắc mới còn dưới 1.000 ca. Đến trung tuần tháng 2-2022, đại dịch COVID-19 với biến thể mới là Omicron đã lây lan nhanh trên diện rộng, nhưng số ca tử vong mỗi ngày cũng chỉ từ 1 đến 2 ca, có ngày không có ca nào. Đến tháng 5-2022, trong bối cảnh hầu hết người dân đã tiêm đủ các liều vắc-xin, tình hình số ca mắc mới giảm, số ca nặng và tử vong giảm sâu, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch giải thể các bệnh viện dã chiến đã tạm ngưng hoạt động trước đó; ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động và một số bệnh viện dã chiến còn lại, nhưng tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thành phố vẫn phải vừa khám bệnh, vừa lập khoa COVID-19.
Theo số liệu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-1 đến ngày 24-12-2021, Thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ và chi phòng, chống dịch tổng giá trị hơn 6.726 tỷ đồng, với gần 30.000 nhân lực trong cả nước được điều động, hỗ trợ cho Thành phố phòng, chống dịch. Thành phố đã thành lập và đưa vào hoạt động 31 bệnh viện dã chiến với 44.000 giường bệnh, huy động gần 6.000 y, bác sĩ. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 4-2022, nhu cầu kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trên địa bàn Thành phố là 32,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, khả năng cân đối ngân sách hơn 17,2 nghìn tỷ đồng, kinh phí còn thiếu hơn 15,2 nghìn tỷ đồng.
Nền kinh tế bị “tổn thương” nghiêm trọng
Do diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh phải giãn cách xã hội trên diện rộng với một thời gian dài trong năm 2021, vì nếu không sớm kiểm soát dịch bệnh thì sự tổn thất tính mạng và tài sản của nhân dân, của nền kinh tế sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Thành phố thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội không chỉ cắt đứt mối liên kết kinh tế với bên ngoài, mà cả sự liên kết các hoạt động kinh tế trong nội bộ Thành phố. Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể dẫn đến việc Thành phố không còn đủ nguồn lực phục vụ phòng, chống lại dịch bệnh; chuỗi sản xuất bị đứt gãy, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nhiều và khả năng mất thị trường rất lớn.
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị suy giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, nhất là tháng 8 và 9-2021 khi xuất nhập khẩu giảm sâu, lần lượt là 39,3% và 15% so với tháng 6-2021; doanh số thương mại dịch vụ tháng 8-2021 chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hằng tháng trong điều kiện bình thường; ngành công nghiệp thời điểm này cũng giảm sâu tới 22,4% so với tháng trước. Phân tích về những khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực này, Hiệp hội ngành hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu, khoảng 20% doanh nghiệp thực hiện được mô hình “3 tại chỗ”, còn lại đa số phải tạm ngừng sản xuất. Mặc dù, các doanh nghiệp chấp nhận không có doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản phí lớn như thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, trả lương chờ việc cho người lao động... Đơn cử như, một số nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã phải ngừng một phần dây chuyền sản xuất do không bảo đảm được nguồn cung phụ tùng từ Việt Nam, vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thành viên do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số các địa phương chịu tác hại nặng nề nhất của đại dịch COVID-19; từ cuối quý II-2021, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hầu như ngưng trệ; các doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại, chờ cơ hội hồi sinh. Hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra khiến quy mô nền kinh tế của Thành phố trong tháng 9-2021 ở mức dưới 50% - là sự suy giảm tăng trưởng chưa từng có, vì nếu như năm 2019 đạt 7,8%, năm 2020 là 1,36%, thì năm 2021 là -5%. Ước tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, mỗi ngày, Thành phố thu khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng tháng 7 và tháng 8-2021, mức thu mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng, đến tháng 9-2021 giảm còn hơn 600 tỷ đồng. Tính chung, GRDP quý III-2021 của Thành phố suy giảm gần 25%, quý IV-2021 tiếp tục suy giảm hơn 12%. Đối với một đô thị có hơn 10 triệu người như Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp khoảng 27% nguồn thu ngân sách của cả nước, được xem là đầu tàu tăng trưởng của cả khu vực phía Nam, rõ ràng đó là thách thức không chỉ đối với Thành phố, mà còn đối với nền kinh tế của cả nước.
Để phục hồi và tạo đà cho nền kinh tế phát triển sau đại dịch COVID-19
Nhiệm vụ đầu tiên trong 13 nhiệm vụ chủ yếu được Nghị quyết số 99/NQ-CP, ngày 30-8-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” là: “Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết và bảo đảm an sinh xã hội”. Thực tế cho thấy, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực hành động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tích cực hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tín dụng, cũng như thực hiện một loạt các biện pháp tài khoá khác để nền kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi. Vì vậy, quý I-2022, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng dương trở lại (1,88%) so với tăng trưởng âm của quý III và quý IV-2021. Tính đến hết quý I-2022, sản xuất công nghiệp của Thành phố đã khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 5,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 3,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 10.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 145.931 tỷ đồng; 17.335 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 137.044 tỷ đồng, tăng 16,26% so với cùng kỳ. Vốn tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố có 10.533 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn gần 53 tỷ USD, dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về số dự án còn hiệu lực. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I-2022 ước thực hiện hơn 121.000 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Đây là tiền đề, khởi đầu tốt đẹp trong năm 2022, cho thấy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cho tổng thu ngân sách quốc gia, đòi hỏi Thành phố cần sớm phục hồi nền kinh tế, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển mạnh mẽ trở lại, theo đó, tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế; tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời điểm phù hợp.
Thứ hai, Thành phố đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi thứ 3 cho người dân và cần tích cực, chủ động hơn nữa để có thêm nguồn vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, hoàn thành trước tháng 9-2022 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, tiến tới miễn dịch trong cộng đồng, đưa Thành phố trở lại phát triển mạnh mẽ trong trạng thái bình thường mới. Chú trọng củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế xã, phường, thị trấn; có chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ mồ côi và những đối tượng yếu thế.
Thứ ba, để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Thành phố cần thực hiện các giải pháp củng cố, xây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp. Thực tế đã khẳng định, sự phát triển của Thành phố gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các doanh nghiệp và việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quyết định đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế, giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng do đại dịch, tận dụng cơ hội mở cửa nền kinh tế để doanh nghiệp phục hồi, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chú trọng triển khai hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đến hết quý II-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đạt khoảng 40%; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là nghiên cứu việc hỗ trợ tài chính (sự hỗ trợ cần mang tính cấu trúc có tính dài hạn) cho doanh nghiệp. Cụ thể là các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, như: phối hợp, chỉ đạo hệ thống ngân hàng xây dựng bộ quy tắc áp dụng chung về thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thống nhất tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thẩm định và xét duyệt; giảm lãi suất vay vốn và giãn nợ đối với các khoản vay hiện hữu; cho doanh nghiệp vay ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần chi phí trả công cho lao động để doanh nghiệp duy trì được bộ máy nhân sự hiện có, thu hút lao động lành nghề và lao động có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm./.
Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới  (24/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại lễ Phật đản tại Thành phố Hồ Chí Minh  (14/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (12/05/2022)
Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI  (28/04/2022)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay