Lạng Sơn là vùng đất cổ và có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nơi có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị quan trọng trong vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung, đầu mối giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc với các nước ASEAN, Đông - Tây Âu; có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, các cửa khẩu phụ phục vụ cho trao đổi hàng hóa của cả nước. Phát triển kinh tế ở Lạng Sơn trong những năm qua đã đồng hành cùng cả nước trong quá trình đổi mới, mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Do những điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, Lạng Sơn có thế mạnh về kinh tế đồi rừng, gắn với các chế biến nông, lâm sản, chế biến hàng xuất khẩu, trong đó đã hình thành một số vùng chuyên canh như hồi, chè, cây thuốc lá, cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả... Ngoài ra, Lạng Sơn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, trong đó phải kể đến các khoáng sản như bôxit, than lửa dài, đá vôi, sắt, măng gan..., có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Lạng Sơn đã từng bước vượt qua khó khăn, phát huy thế mạnh, tạo thế ổn định và phát triển. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá so với bình quân chung của cả nước. GDP giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân hơn 10% mỗi năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng dần. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đúng hướng, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển nhanh. Đặc biệt là những năm gần đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và cải thiện đáng kể, diện mạo thành phố Lạng Sơn, các thị trấn, thị tứ, cửa khẩu biên giới và nông thôn ngày càng thay đổi và khởi sắc.

Kết thúc năm 2006, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, đạt 10,34%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp trong GDP giảm còn 40,24%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 20,88%, ngành dịch vụ 38,88%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt ngưỡng xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Khu vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Các vùng cây ăn quả mở rộng về diện tích và sản lượng (cây vải thiều 7.560 ha, sản lượng 6.300 tấn; cây na 1.990 ha, sản lượng 9.710 tấn; cây quýt diện tích 1.432 ha, sản lượng 1.974 tấn...). Cây công nghiệp, cây đặc sản thế mạnh tiếp tục phát triển (cây thông 76.140 ha, chè 982,5 ha, thuốc lá 3.000 ha với sản lượng trên 4.000 tấn, hồi 33.000 ha...). Số lượng cơ sở chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, nhựa thông, chè, gỗ, hàng tre đan... ngày càng tăng, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Cơ giới hóa, điện khí hóa được tăng cường ở các khâu làm đất, tưới tiêu, vận chuyển... góp phần nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Kinh tế hộ phát triển, hình thành các trang trại và hình thức liên doanh, liên kết giữa nông dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Trong chăn nuôi, đã hình thành các mô hình trang trại vừa và nhỏ, đặc biệt là mô hình nuôi bò nhốt chuồng kết hợp chăn thả tương đối hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, chợ khu vực. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Nhiều năng lực sản xuất mới được đầu tư bổ sung. Nhà máy nhiệt điện Na Dương công suất 100MW cùng với mỏ than Na Dương sản lượng khai thác trên 50 vạn tấn hoạt động ổn định, Nhà máy xi-măng Hồng Phong công suất 8,5 vạn tấn/năm đã đi vào vận hành, phục vụ di chuyển Nhà máy xi-măng hiện nay ra khỏi khu vực thành phố Lạng Sơn; đang tiến hành xây dựng Nhà máy xi-măng Đồng Bành công suất 91 vạn tấn/năm, xúc tiến xây dựng Khu công nghiệp Đồng Bành, thủy điện Khánh Khê và một số công trình công nghiệp quan trọng khác. Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển năng động, đa dạng về quy mô và cơ cấu ngành nghề, một số lĩnh vực sản xuất mới như máy bơm, sản xuất linh kiện xe máy, gốm sứ, bật lửa ga... cũng đã được đầu tư trong thời gian vừa qua.

Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển, ngày càng trở thành ngành kinh tế có vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế. Thị trường hàng hóa phong phú, sức mua tăng mạnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2006 tăng 21%. Thế mạnh kinh tế cửa khẩu tiếp tục được khai thác và phát huy. Thành phố Lạng Sơn cùng với thị trấn Đồng Đăng và các khu kinh tế cửa khẩu giữ vai trò là đầu mối, trung chuyển trong phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và khu vực, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Hoạt động xuất nhập khẩu phát triển ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 doanh nghiệp trong nước thường xuyên tham gia xuất nhập khẩu. Hoạt động du lịch ngày một đa dạng, xu hướng xã hội hóa rõ nét, chất lượng dịch vụ có chuyển biến. Khu vực tư nhân đã tích cực đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, tạo diện mạo mới trong phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch có tiến bộ. Lượng khách du lịch đến Lạng Sơn năm 2006 đạt gần 1,2 triệu lượt người, doanh thu dịch vụ du lịch tăng gần 35%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là: tuy tốc độ tăng trưởng đã khá cao, nhưng chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, một số sản phẩm mang tính tự phát, chưa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa hạn chế; việc hình thành các khu, cụm công nghiệp còn chậm; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao; các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, kêu gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập...

Trong bước đường phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XIV đã đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 là: "Đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2001 - 2005 và phát triển bền vững, từng bước vượt qua tình trạng tỉnh nghèo, rút ngắn dần khoảng cách so với trình độ phát triển chung của cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên giới quốc gia hòa bình, ổn định và hữu nghị; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu trong giai đoạn mới; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân". Các mục tiêu chủ yếu là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 11% - 12%/năm, đến năm 2010, tổng sản phẩm nội tỉnh gấp 1,7 - 1,8 lần năm 2005. GDP bình quân đầu người gấp 1,6 - 1,7 lần so với năm 2005. Về cơ cấu các ngành trong GDP, dịch vụ 45% - 46%; nông, lâm nghiệp 30%-31%; công nghiệp, xây dựng 24%-25%. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân hằng năm tăng 8% - 10%, trong đó thu nội địa tăng 13%-15%. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân 15%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2010 đạt 49% - 51%. Giải quyết thêm việc làm cho 1,1-1,2 vạn lao động mỗi năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2% - 3%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, trong lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ Lạng Sơn xác định tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

1 - Phát triển nhanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu, coi đây là lĩnh vực mũi nhọn, khâu đột phá nhằm đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Khai thác lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế cửa khẩu để phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ. Xây dựng thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng cùng với các Khu kinh tế cửa khẩu liền kề thành Trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch năng động. Chủ động xây dựng và khai thác có hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng theo chủ trương đã được thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc, để mở rộng thương mại, thu hút đầu tư, phát triển nhanh các loại hình du lịch, dịch vụ. Khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, nhất là các dịch vụ mới. Phát triển mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế của tỉnh, hàng thủ công mỹ nghệ, một số nông sản chế biến. Đầu tư xây dựng Khu du lịch Mẫu Sơn thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh và quốc gia; khai thác hiệu quả các quần thể văn hóa du lịch ở các khu vực thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng và Bình Gia, Bắc Sơn...; đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí cho khách du lịch và phục vụ nhân dân trong tỉnh.

2 - Chuyển dịch cơ cấu trong nông, lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn; chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, phù hợp với tiềm năng và lợi thế về khí hậu, đất đai, lao động từng vùng; từng bước hình thành sự liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ và thị trường. Phát triển đa dạng các ngành nghề ở nông thôn, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác để giải quyết việc làm và nâng cao mức sống dân cư. Phát triển mạnh kinh tế hộ, kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn; nhân rộng mô hình cánh đồng có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản, tăng chăn nuôi, giảm trồng trọt; phấn đấu nâng tỷ trọng hàng hóa trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp lên 20%, tỷ lệ rừng kinh tế đạt 60% vào năm 2010. Tiếp tục phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, đỗ tương, lạc, mía, gừng, thạch đen... Chú trọng phát triển một số cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của tỉnh, đưa tổng diện tích cây ăn quả lên hơn 31.000 ha vào năm 2010. Bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tăng cường khoanh nuôi tái sinh rừng.

3 - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, chế biến nông, lâm sản, cơ khí nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu... Khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thủ công nghiệp, để sử dụng lực lượng lao động nông thôn, ưu tiên công nghệ hiện đại, công nghệ sạch. Quy hoạch và xây dựng thêm một số khu, cụm công nghiệp tập trung tại địa bàn thành phố, các huyện, trong đó ưu tiên khu công nghiệp Đồng Bành và khu công nghiệp Na Dương; sớm đưa Nhà máy xi măng Đồng Bành vào sản xuất; xây dựng cơ sở sản xuất gạch men công suất 300 nghìn m2/năm, chế biến thức ăn gia súc 35 nghìn tấn/năm, các cơ sở sản xuất, lắp ráp máy cơ khí nông nghiệp...; sử dụng hiệu quả nguồn than Na Dương phục vụ Nhà máy nhiệt điện Na Dương và các dự án khác; đẩy mạnh khai thác, chế biến khoáng sản ở những nơi có điều kiện; xây dựng thủy điện Khánh Khê công suất 9.000kW, Bản Lải 4.000kW, Thác Xăng 4.170kW và một số dự án thủy điện nhỏ khác để phục vụ sản xuất điện kết hợp phát triển du lịch sinh thái; nghiên cứu khả năng khai thác và chế biến quặng bôxit.

4 - Phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Củng cố, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh và xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường ra các cửa khẩu và cặp chợ biên giới, một số tuyến chính đường nội thị tại thành phố Lạng Sơn, đầu tư mới một số tuyến đường vành đai, phục vụ mở rộng và phát triển các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp. Tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương để đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A từ cửa khẩu Hữu Nghị đến thành phố Lạng Sơn, từ thành phố Lạng Sơn đến Bắc Giang; đầu tư nâng cấp quốc lộ 4A, 4B, 31, 3B, 279; nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn... Coi trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở mới một số tuyến đường liên thôn, liên xã. Mở rộng các loại hình vận tải công cộng như tắc xi, xe buýt liên tỉnh; tăng cường hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ với Quảng Tây (Trung Quốc). Quy hoạch và xây dựng các bến xe khách, bãi xe vận tải, điểm đỗ xe trong thành phố Lạng Sơn và các thị trấn, khu kinh tế cửa khẩu.

5 - Phát triển các vùng kinh tế động lực, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh chủ trương tập trung xây dựng các vùng kinh tế động lực nhằm thúc đẩy các vùng khác phát triển, cụ thể:

- Vùng thành phố Lạng Sơn - Đồng Đăng là vùng kinh tế động lực của tỉnh, có vai trò đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, là khu vực tập trung các hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, các trung tâm thương mại, giao dịch, buôn bán, các cơ sở dịch vụ; là nơi tập trung các cơ sở công nghiệp sản xuất hàng cơ khí, lắp ráp điện tử, gia công, nâng cấp, tái chế hàng xuất khẩu, chế biến nông, lâm sản... Hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng - Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc).

- Vùng Hữu Lũng - Chi Lăng là vùng kinh tế trọng điểm, có khu công nghiệp tập trung Đồng Bành 400 ha; tập trung chủ yếu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất, phân bón, vùng trồng rừng, chuyên canh cây ăn quả và các hoạt động thương mại, dịch vụ.

- Vùng Lộc Bình - Đình Lập là trung tâm tập trung công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, chế biến gỗ, chè, nhựa thông, sản xuất gốm, sứ, gạch, ngói... Là khu vực gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ tại Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma, Bản Chắt; đầu tư hoàn thiện Khu du lịch Mẫu Sơn. Phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại.

- Vùng Văn Quan - Bình Gia - Bắc Sơn có tiềm năng phát triển nông, lâm, công nghiệp và du lịch; có các vùng chuyên canh tập trung như hồi, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày; có khả năng tái sinh rừng nhanh, phát triển mạnh đàn bò. Tập trung phát triển công nghiệp khai thác đá, thủy điện, chế biến thức ăn gia súc... Khu vực này có thế mạnh về du lịch với khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn, khu rừng bảo tồn thiên nhiên Mỏ Rẹ.

- Vùng Văn Lãng - Tràng Định phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến giấy, bột giấy, khai thác nước khoáng, chuyên canh cây lương thực, thủy điện...; phát triển thương mại - dịch vụ.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nỗ lực phấn đấu, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sớm đưa Lạng Sơn thành tỉnh giàu mạnh, là điểm sáng của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn