Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nếu có được sự chia sẻ khó khăn của người lao động với chủ doanh nghiệp và ngược lại thì mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Hội thảo quốc gia với chủ đề “Quan hệ lao động lành mạnh: một yếu tố then chốt để vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hướng tới tương lai” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Đại sứ quán Na Uy phối hợp tổ chức, đã khai mạc sáng nay (12-3) tại Hà Nội.

Đương đầu với nhiều thách thức

Cuộc khủng hoảng trong thị trường tài chính đã nhanh chóng lan ra và trở thành khủng hoảng về lao động trên toàn thế giới. Thất nghiệp và giảm việc làm đã gây ra phân chia trong xã hội, đói nghèo gia tăng, hiện tượng di cư lao động ngày càng nhiều và nhập cư ngược, gia tăng tranh chấp và xung đột lao động, bất ổn xã hội và rối loạn chính trị. Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm, đó là đưa ra những giải pháp tập thể giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng này với ít thiệt hại và đau thương nhất.

Theo ILO, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo khoảng 23 triệu người có thể bị thất nghiệp trong năm 2009 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 6% lực lượng lao động

Theo ông William Salter, Giám đốc Văn phòng tiểu vùng của ILO, tốc độ tăng GDP ở châu Á giảm từ 7% năm 2007 xuống còn 5% năm 2008 và có thể sẽ giảm xuống 2,3% năm 2009. Ngân hàng Thế giới (WB) đã ước tính rằng, cuộc khủng hoảng có thể sẽ làm gia tăng số người nghèo đói sống dưới mức chuẩn nghèo lên con số 20 triệu người trong khu vực. Những con số về người lao động nghèo có thể tăng lên khoảng 140 triệu người vào năm 2010. Vì vậy, ông đã nhấn mạnh về cơ chế ba bên và đối thoại xã hội có ảnh hưởng tốt với việc đưa ra quyết định kinh doanh trong thời điểm hiện nay.

Còn ông Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kế hoạch hỗ trợ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đưa ra các thách thức trong việc xây dựng quan hệ lao động lành mạnh. Đó là, khung pháp lý và các thiết chế về quan hệ lao động ngày càng được hoàn thiện, nhưng chưa được thực thi một cách đầy đủ trong các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số văn bản pháp luật về lao động còn chưa thật phù hợp với đối tượng ở khu vực kinh tế này; mối quan hệ ba bên trong các tổ chức này chưa được quan tâm chú ý; nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức công đoàn.

Trong khi đó, các vụ tranh chấp lao động đang có nguy cơ bùng phát ngày càng nhiều ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và không loại trừ các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa có nhiều điều kiện tiếp cận các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động ba bên; họ chưa hiểu hết và thấy được tầm quan trọng của vấn đề này trong ngăn ngừa và giải quyết các phát sinh tranh chấp lao động.

Những kinh nghiệm hay

Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Kwong Lung-MEKO, khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ lại cho rằng, công đoàn bảo đảm tất cả mọi người lao động đều được hưởng đầy đủ những quyền lợi đã được pháp luật quy định như: lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cùng những khoản phúc lợi khác như tiền ăn, tiền xe, tiền thưởng. Công đoàn cũng đã thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp và đưa vào nội dung của thoả ước lao động tập thể để thực hiện đầy đủ. Đó là sự chia sẻ của doanh nghiệp đối với các khó khăn của người lao động. Riêng đối với lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn cũng sẽ động viên người lao động không nên đòi hỏi thêm bất cứ khoản trợ cấp hoặc phúc lợi nào và dự định sẽ ký kết lại thoả ước lao động tập thể, trong đó các khoản phúc lợi vẫn như cũ dù giá cả thị trường có biến động. Đó là sự chia sẻ khó khăn của người lao động với lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Dũng cho biết thêm, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nếu doanh nghiệp và người lao động cùng thông cảm, hiểu biết các khó khăn để chia sẻ cho nhau thì việc sản xuất sẽ được ổn định; tránh được những cuộc đình công gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm cho tình hình thêm khó khăn.

Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương bin và Xã hội nhấn mạnh: “Hội nghị sẽ là một cơ hội để đề cập và nâng cao tính đồng thuận cấp quốc gia về tầm quan trọng của quan hệ lao động tại Việt Nam nhằm đạt được hai mục tiêu về phát triển xã hội và kinh tế cạnh tranh toàn cầu”.

Ông John Hendra, điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, đây là một vấn đề mà Chính phủ Việt Nam, những người sử dụng lao động và người lao động vẫn luôn đặc biệt ưu tiên trong nhiều năm qua.

Ông Hendra cũng tuyên bố rằng, các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam rất sẵn lòng hỗ trợ để nâng cao năng lực của các bên đối tác xã hội Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức mới trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu và những ảnh hưởng xã hội của nó./.