Trong bối cảnh tự do hóa đầu tư và tự do hóa thương mại đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ cùng với sự gia tăng từng ngày của cạnh tranh toàn cầu, các quốc gia và giới đầu tư luôn phải cân nhắc, lựa chọn các đồng tiền mạnh để dự trữ và để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước diễn biến mới trong quan hệ cạnh tranh giữa hai đồng tiền mạnh nhất thế giới hiện nay – đồng đôla Mỹ và đồng euro, nhiều trung tâm phân tích tài chính và báo chí ở các nước phương Tây đã nhận định rằng, các nhà đầu tư quốc tế đang và sẽ gia tăng chuyển vốn từ USD sang euro.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, xu hướng trên được thúc đẩy bởi các nhân tố dưới đây:

­- Euro tăng giá mạnh so với USD: Tại Luân Đôn, ngày 17-4-2007, lúc mở cửa phiên giao dịch, một euro đã đổi được 1,3520 USD, tăng 1,2% so với đầu tháng 4-2007; và nếu so với cùng kỳ năm trước, euro hiện nay đã tăng 9,8% đối với USD.

- Chính sách lãi suất linh hoạt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): Tại cuộc họp thường kỳ đầu tháng 4-2007, ECB tuyên bố, nếu tình hình ổn định, họ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 3,75%; nhưng theo dự đoán của các nhà phân tích, rất có thể ECB sẽ xem xét việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 6 sắp tới.

- Nền kinh tế Đức và Pháp, hai đầu tàu của khu vực đồng euro, đang hồi phục khả quan.

- Nền kinh tế Mỹ vẫn có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản trầm lắng. Thị trường cổ phiếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đang có xu hướng giảm mạnh. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút; một trong những nguyên nhân chính là do thị trường nhà đất của Mỹ đang xuống dốc. Nếu năm 2006, Mỹ đạt mức tăng trưởng 3,3%, thì theo dự báo, năm 2007 chỉ ở mức 2,2% và năm 2008 có thể nhích lên đôi chút, là 2,8%. Mặt khác, giới đầu tư quốc tế cũng đang theo dõi sát sao cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ lo ngại rằng, khi Mỹ khiếu nại lên WTO về chính sách bản quyền của Trung Quốc, rất có thể Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách gia tăng bán trái phiếu của chính phủ Mỹ. Trung Quốc hiện là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều thứ 2 (sau Nhật Bản). Xuất khẩu của Mỹ đầu năm 2007 tuy có được cải thiện so với cùng kỳ năm trước; song chỉ tính riêng cho 2 tháng đầu của năm này, thâm hụt thương mại của Mỹ đã là 117,3 tỉ USD. Nước Mỹ có cải thiện được cán cân thương mại hay không, một mặt phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế của các nước đối tác; mặt khác, chính phủ Mỹ buộc phải tiếp tục dùng chính sách “đồng đôla yếu” so với các ngoại tệ khác để kích thích xuất khẩu.

Nguồn: Bản tin Hội đồng Lý luận Trung ương số 60, tháng 4 năm 2007