TCCSĐT - Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học, gây ra làn sóng phẫn nộ kêu gọi Quốc hội Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Tuy nhiên, chính ý kiến của công chúng đã khiến cho việc thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn trở nên khó khăn hơn ở Quốc hội.

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ - Chưa có câu trả lời

 
 Vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ còn nhiều tranh cãi. Ảnh: TTXVN

Ngày 23-02, phát biểu với tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), Tổng thống Mỹ D. Trump công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) và Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý với kế hoạch của ông. Tuy nhiên, việc cho ra đời một đạo luật về kiểm soát súng đạn ở Mỹ ngay vào thời điểm hiện nay khá khó khăn.

Trong các cuộc tranh luận về vấn đề kiểm soát súng, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết, 90% người Mỹ ủng hộ thúc đẩy dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch của người mua súng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại các biện pháp kiểm soát súng an toàn mở rộng. Một phần của những gì đang xảy ra là do quan điểm của cử tri về kiểm tra lý lịch của người mua súng không thực sự là quan điểm đại diện về chính sách súng tổng thể. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, quyền sở hữu súng đạn là vấn đề ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri. Ông D. Trump đã giành được phiếu bầu của các gia đình sử dụng súng ở tất cả các bang, ngoại trừ Vermont, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các gia đình không sử dụng súng ở tất cả các bang, trừ Tây Virginia. Như vậy, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa sẽ không có động thái gì đối với việc kiểm soát súng vì họ đang làm theo mong muốn của cử tri.

Theo các nhà phân tích, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ hiện vấp phải những trở ngại lớn: Thứ nhất là Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA). Đây là một trong các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trên chính trường Mỹ, không chỉ bởi số tiền mà họ sử dụng để vận động các chính khách mà còn bởi sự tham gia của 5 triệu thành viên. Tổng ngân sách hằng năm của NRA là khoảng 250 triệu USD, được phân bổ cho các chương trình giáo dục, súng đạn, chương trình hội viên, học bổng, vận động các nhà lập pháp và các nỗ lực liên quan. Tuy nhiên, hơn cả các con số đơn thuần đó, NRA đã nổi danh tại Mỹ như là một thế lực chính trị có thể “tạo dựng hay hạ bệ” các chính khách quyền lực nhất. Thứ hai là Hạ viện Mỹ. Hầu hết các nỗ lực gần đây để thông qua các luật liên bang mới nhằm kiểm soát súng đạn đã bị dập tắt trước khi được bắt đầu, đặc biệt bị ngăn chặn tại Hạ viện Mỹ, vốn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa kể từ năm 2011. Thứ ba là Thượng viện Mỹ. Nếu dự luật kiểm soát súng đạn được thông qua tại Hạ viện, thì nó vẫn đối mặt với thách thức tại Thượng viện, nơi sự chia rẽ giữa thành thị và nông thôn cũng có ảnh hưởng ở cấp độ tiểu bang. Các thủ tục trong Thượng viện cũng có thể dập tắt các nỗ lực nhằm ban hành một quy định kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Do thủ tục “filibuster” (quyền được tranh luận không giới hạn trong nghị trường), nên hầu hết các quy định cần tới 60/100 phiếu ủng hộ tại Thượng Viện để được thông qua, thay vì đa số 51 phiếu. Thứ tư là các tòa án. Với việc Quốc hội có xu hướng giảm bớt các quy định kiểm soát súng đạn hiện hành thay vì thực thi các quy định mới, các bang theo cánh tả của Mỹ đã đóng vai trò lớn hơn trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát súng đạn. Thứ năm là sự khác biệt trong việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Có thể trở ngại lớn nhất đối với các đạo luật kiểm soát súng đạn mới ở cấp quốc gia, đó là những người phản đối các đạo luật này thường kiên quyết bảo vệ quan điểm của họ, trong khi sự ủng hộ các quy định mới thường có xu hướng giảm mỗi khi có các cá nhân bị tấn công. Chiến lược của NRA và của các chính khách ủng hộ việc sở hữu súng đạn đó là chờ đợi “bên ngoài tâm bão” - trì hoãn các nỗ lực lập pháp cho đến khi sự chú ý của dư luận chuyển hướng và sự phản đối phai nhạt dần. Sau đó, một cách lặng lẽ, các nỗ lực lập pháp đó bị trì hoãn và cuối cùng “trật bánh”.

Chiến sự leo thang đẩy Syria vào tình cảnh rối ren

 
 Cảnh đổ nát ở thị trấn Douma, phía đông Ghouta, Syria. Ảnh: TTXVN

Trong những ngày gần đây, chiến sự liên tục bùng phát dữ dội tại vùng Afrin ở miền Bắc Syria và khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus. Chiến sự bùng phát dữ dội đã đẩy Syria rơi vào tình cảnh rối ren hơn khi mà cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này đã kéo dài 7 năm mà chưa có hồi kết.

Chiến sự tại Syria bùng phát từ ngày 18-02 khi quân đội Chính phủ Syria tiến hành chiến dịch tấn công ồ ạt vào tỉnh Đông Ghouta do phiến quân kiểm soát và hiện đang diễn ra hết sức dữ dội. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), khoảng 250 dân thường đã bị thiệt mạng trong các đợt không kích tại Đông Ghouta trong tuần này và đến nay đã có hơn 1.200 người dân thương vong, trong đó có nhiều trẻ em. Hiện có hàng trăm nghìn dân thường vẫn mắc kẹt tại khu vực này. Người dân đang phải sống trong cảnh cùng cực, thiếu thực phẩm, nước uống, hệ thống chăm sóc y tế không bảo đảm.

Theo ghi nhận tại thủ đô Damascus, ngày 21-02, nhiều người dân đã đóng gói hành lý để đề phòng có thể một chiến dịch sắp xảy ra. Trong khi đó, cùng ngày, Trung tâm Nga về hòa giải các bên đối địch tại Syria thông báo nỗ lực giải quyết hòa bình tình hình căng thẳng tại Đông Ghouta của Syria đã thất bại khi các tay súng phiến quân tại đây không cho dân thường rời khỏi khu vực chiến sự, cũng như không chấp nhận chấm dứt giao tranh và hạ vũ khí. Ngày 24-02, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria, để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực này. Tuy nhiên, ngày 25-02, các cuộc không kích và giao tranh hạng nặng vẫn diễn ra tại khu vực Đông Ghouta do quân nổi dậy kiểm soát bất chấp việc Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, thủ lĩnh các nhóm vũ trang đang âm mưu khiêu khích thông qua việc sử dụng các chất độc nhằm đổ tội cho chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Bộ này nhận định tình hình tại Đông Ghouta đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Căng thẳng chiến sự bùng phát tại Đông Ghouta diễn ra giữa lúc tình hình hiện tại tại Syria đang hết sức rối ren khi ngày 20-01 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự “Nhành ôliu” nhằm đánh bật các tay súng thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát vùng Afrin của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở nước này. Chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, nhiều nước lo ngại chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria.

Thực tế cho thấy, Syria đang trong nằm trong tâm điểm của một cuộc xung đột địa - chính trị phức tạp và rộng lớn, khó có thể giải quyết bằng vũ lực. Do vậy, đợt giao tranh và thương vong kinh hoàng tại Đông Ghouta cho thấy cuộc nội chiến tại Syria vẫn rất phức tạp, bất chấp các nỗ lực ngoại giao quốc tế.

Venezuela phát hành đồng tiền điện tử

 
 Trong ngày đầu tiên bán đồng tiền Petro điện tử chính phủ đã thu về khoảng 735 triệu USD. Ảnh: vtv.vn

Nhằm thu hút nguồn tiền trong bối cảnh nền kinh tế nước Nam Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng ngoại tệ và chống lại “sự phong tỏa” từ phía Mỹ, chính phủ Venezuela đã quyết định phát hành đồng Petro điện tử. Đây là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới do một chính phủ phát hành được định giá trên cơ sở nguồn dự trữ dầu khí dồi dào, nguồn vàng và kim cương của Venezuela.

Chính phủ Venezuela đã chính thức bán đồng tiền điện tử mang tên Petro được hậu thuẫn bởi dầu mỏ từ ngày 20-02 và đồng tiền điện tử thứ 2 mang tên “Petro vàng” do chính kim loại vàng hậu thuẫn sẽ được tung ra trong vài ngày tới. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Tổng thống N. Maduro nhấn mạnh, tiền điện tử “Petro vàng” thậm chí sẽ mạnh hơn đồng Petro và được đưa ra nhằm hỗ trợ cho đồng Petro. Việc phát hành hai loại đồng tiền này được cho là sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế, củng cố hệ thống tín dụng và an sinh xã hội Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại nước này.

Đồng tiền điện tử Petro sẽ được vận hành nhờ vào việc sử dụng công nghệ một chuỗi khối (blockchain), tương tự như những đồng tiền điện tử khác như bitcoin. Sự khác biệt giữa petro và các đồng tiền điện tử khác đó là việc chính phủ Venezuela sẽ kiểm soát hoạt động của đồng tiền này, với giá trị ban đầu tương đương với giá một thùng dầu. Hiện Chính phủ Venezuela đang triển khai việc thành lập Blockchain với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, tiền tệ và pháp lý để xây dựng cơ sở và nền tảng vững chắc cho đồng Petro.

Chính phủ Venezuela định giá Petro dựa trên việc “thế chấp” một trong những mỏ dầu với trữ lượng dầu ở mỏ Ayacucho, một phần của dải Orinoco ở miền Nam Venezuela. Mỏ dầu này chứa 5.342 tỷ thùng dầu, tương đương 267 tỷ USD. Chính phủ Venezuela dự báo nước này có thể thu về từ 20 triệu USD đến 200 triệu USD với việc phát hành đồng Petro. Dự kiến trong tháng đầu phát hành, Venezuela sẽ bán được 38,4 triệu đồng Petro, với tỷ giá 1 Petro tương đương giá trị của 1 thùng dầu thô (hiện được giao bán với giá 59 USD). Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên bán đồng tiền Petro điện tử chính phủ đã thu về khoảng 735 triệu USD (tương đương hơn 16,7 nghìn tỷ đồng). Hiện đã có khoảng 52.000 người đăng ký mua Petro thông qua Cơ quan Thống kê điện tử khoáng sản quốc gia.

Kế hoạch phát hành đồng Petro điện tử được Tổng thống N. Maduro công bố vào đầu tháng 12-2017. Nhà lãnh đạo Venezuela hy vọng đồng Petro sẽ mở ra một con đường mới giúp quốc gia này có thể đối phó và sống sót qua khỏi lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Mặc dù vậy, quyết định này đã cũng đã vấp phải rất nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp trong lẫn ngoài Venezuela. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng cảnh báo các nhà đầu tư nước này nên thận trọng với đồng tiền điện tử Petro. Và việc sử dụng đồng tiền này có thể sẽ vi phạm lệnh cấm vận của Nhà Trắng chống lại Chính phủ của Tổng thống N. Maduro.

Hội nghị thượng đỉnh EU chia rẽ vì vấn đề ngân sách hậu Brexit

 
 Lãnh đạo các nước EU tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN


Ngày 23-02, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy sự chia rẽ trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà nước Anh bỏ lại khi rời EU.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo đã nhất trí quan điểm EU sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho mục đích ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp, bảo đảm an ninh quốc phòng, cũng như duy trì chương trình Eramus+. Nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các định hướng về gắn kết xã hội, chính sách nông nghiệp chung, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn EU.

Tuy nhiên, các lãnh đạo EU đã không thống nhất được một cách cụ thể các nước sẽ phải đóng góp nhiều hơn bao nhiêu cho ngân sách chung để lấp đầy khoảng trống 12 tỷ euro do nước Anh để lại sau khi rời EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker cho biết, hiện có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, nghĩa là vẫn còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối. Trong khi Đức, Tây Ban Nha và Pháp cho biết sẵn sàng chi thêm thì các nước đóng góp ròng khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối. Thủ tướng Áo tuyên bố nước này không muốn gia tăng các khoản chi của mình.

Bất chấp những khác biệt thường thấy, các nhà lãnh đạo vẫn sẵn sàng cùng nhau bàn bạc về vấn đề hiện đại hóa ngân sách và các chính sách của EU. Lãnh đạo các nước EU cũng đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán so với lịch trình dự kiến. Nhưng để đạt được một thỏa thuận tại Hội đồng châu Âu ngay trong năm nay có vẻ là một nhiệm vụ thực sự khó khăn. Nhiều khả năng các cuộc thảo luận giữa những người đứng đầu các quốc gia EU chỉ thực sự tiến triển sau thời điểm các đề xuất của Ủy ban châu Âu được đưa ra. Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần nghìn tỷ euro cho thời hạn 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ năm 2021.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập ở Hội nghị lần này là xem xét các thể chế của EU. Trong khi bàn bạc về cơ cấu của Nghị viện châu Âu (EP) sau năm 2019, các nhà lãnh đạo đã ủng hộ rộng rãi ý tưởng, theo đó, số nước thành viên EU giảm thì số ghế nghị sĩ cũng giảm, cụ thể số lượng đại biểu của EP sẽ giảm từ 751 xuống còn 705.

Liên quan đến cách thức chọn người đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông D. Tusk cho biết, lãnh đạo các quốc gia không đồng ý để EP được quyết định chọn chủ tịch cơ quan hành pháp EU sau khi ông Jean-Claude Juncker mãn nhiệm vào năm 2019. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk tuyên bố, Hội đồng không thể bảo đảm trước là sẽ đề cử một trong những “ứng cử viên chính” của EP như trường hợp ông Jean-Claude Junker năm 2014. Trong khi các nghị sĩ đánh giá cách làm trên là dân chủ thì lãnh đạo các quốc gia EU lại cho rằng, phương thức này chỉ phản ánh ý chí của các nhóm chính trị ở Brussels và điều này gây phương hại đến chủ quyền của các quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đề xuất ý tưởng hợp nhất hai chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhưng không được hưởng ứng vì lo ngại điều này sẽ làm suy giảm đáng kể vai trò của các quốc gia thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk cũng thông báo với các nhà lãnh đạo rằng, ông sẽ trình bày dự thảo các phương hướng về tương lai quan hệ giữa Anh và EU tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tháng 3 tới. Mục tiêu là EU sẽ thông qua các đường hướng chính này, bất chấp quan điểm của Anh về mối quan hệ song phương trong tương lai./.