TCCSĐT - Ngày 12-12- 2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Đến dự Hội thảo có GS,TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS,TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Đến dự Hội thảo còn có đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương và phóng viên các đài, báo Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS,TS. Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ yêu cầu, mục đích của Hội thảo: Phát hiện, lý giải, làm rõ những vấn đề của văn hóa Việt Nam, gồm cả những vấn đề lý luận và thực tiễn, về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, cốt lõi là vai trò của văn hóa trong phát triển mà ngày nay là phát triển bền vững, tức là phát triển không làm nảy sinh các vấn đề xã hội, phát triển đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.

Kể từ khi tham gia “Thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển” (1986 - 1997); qua các thời kỳ đại hội, Nghị quyết các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mà tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI); Đại hội XII của Đảng xác định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với 23 tham luận tham gia Hội thảo và 13 ý kiến phát biểu trực tiếp, nhiều vấn đề đã được Hội thảo làm rõ như: Văn hóa trong các lý thuyết phát triển; vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển phát triển đất nước; Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển; Những rào cản từ thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam; Kinh nghiệm một số nước trong việc sử dụng văn hóa để xây dựng triết lý phát triển.

Từ khái niệm văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò, vị trí của văn hóa thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, văn hóa và đổi mới ở Việt Nam, kinh nghiệm lịch sử thế giới cho thấy từ Đông sang Tây, từ cổ đại đến hiện đại, muốn phát triển phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, mà trước hết là tư duy về văn hóa, đổi mới phải từ văn hóa, về văn hóa chứ không phải ở bề nổi. Trước tiên cần phải đổi mới tư duy về văn hóa chính trị, vì chủ thể của văn hóa chính trị là Đảng và Nhà nước có văn hóa sẽ có tầm quan trọng chi phối toàn xã hội. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, 27 vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là vấn đề của văn hóa. Tức là xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị để chính trị vì dân và do dân, đó chính là sức mạnh đổi mới để phát triển đất nước. Để làm được điều đó phải xây dựng chuẩn mực giá trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của văn hóa trong nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp, tiến tới xây dựng chuẩn mực văn hóa của nền kinh tế thị trường hiện đại. Văn hóa trở thành động lực phát triển, ở mỗi con người trách nhiệm xã hội được đề cao, tạo ra sự phát triển hài hòa, phát triển bền vững, phát triển vì con người.

Muốn đất nước phát triển theo đổi mới tư duy văn hóa, bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thể chế kinh tế, chính trị hiện đại đòi hỏi phải có sự phát triển đột phá về văn hóa trong giai đoạn tiếp theo. Sự đột phá về văn hóa phải thấm sâu vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý từ Trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng con người có văn hóa, hiểu văn hóa và làm văn hóa để tránh những hiện tượng văn hóa kìm hãm sự phát triển trong xã hội. Khắc phục và vượt qua những lệch chuẩn về văn hóa trong tất cả mọi lĩnh vực, trong tất cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và trong từng con người, đến tới xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Kết luận Hội thảo, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh rất nhiều chủ đề đặt ra trong Hội thảo cần được tiếp tục nghiên cứu và bàn thảo trong các hội thảo tiếp theo. Những vấn đề của Việt Nam và của thế giới đang đặt ra về vai trò của văn hóa trong đổi mới, trong phát triển trong đó có trách nhiệm của văn hóa chính trị: Văn hóa phải gắn với số phận của mỗi người dân, gắn với sự phát triển của đất nước. “ Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”./.