1 - Người cộng sản kiên cường - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 4 năm đó, đồng chí bị địch bắt và kết án 20 năm tù cầm cố, lần lượt bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cộng sản trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Từ Côn Đảo trở về, bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù và sức khỏe giảm sút do tù đày, đồng chí lặn lội khắp miền Trung để gây dựng cơ sở cách mạng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng góp phần vào thắng lợi của phong trào dân chủ (1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 1937, đồng chí được giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1939, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí đã góp phần cho sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương (11-1939) - chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở nước ta sang một thời kỳ phát triển mới.

Tháng 1-1940, đồng chí lại bị địch bắt, kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng, Chính phủ đón về đất liền và tham gia lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ.

Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm đó, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tháng 2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng bầu đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Từ năm 1946 đến 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, phối hợp tích cực với chiến trường chính, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong điều kiện địch khủng bố khốc liệt, đồng chí vẫn lặn lội khắp các địa bàn Nam Bộ, từ bưng biền đến các đô thị để nắm tình hình, ổn định lại các tổ chức đảng, củng cố các cơ sở cách mạng để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược mới.

Là người chịu trách nhiệm trước Đảng về cách mạng miền Nam, trước sự phá hoại hiệp định đình chiến và khủng bố ác liệt của kẻ thù, lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta ở Nam Bộ, đồng chí đã suy nghĩ khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cách mạng miền Nam... Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam lúc đó, sự ra đời của Đề cương cách mạng miền Nam (8-1956) đã góp phần chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương (1-1959) xoay chuyển tình thế, tạo ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, đóng góp to lớn vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Giữa năm 1957, được Trung ương cử lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Phó Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ III của Đảng, trực tiếp chỉ đạo bộ phận chuẩn bị nghị quyết về cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị những quyết sách chiến lược về nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước cũng như về nhiệm vụ cụ thể của cách mạng hai miền để báo cáo với Bộ Chính trị trước khi đưa ra trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục trong 26 năm, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và đã chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế trong những năm 60 và trước kẻ thù xâm lược khổng lồ, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (1960 - 1976), chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Duẩn không chỉ thể hiện là một kiến trúc sư chiến lược của Đảng, mà còn là một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trở thành và làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn và vững chắc của cả nước, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chỉ đạo tổ chức cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở tiền tuyến lớn miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc ta - một sự kiện có ý nghĩa quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ và văn hóa dân tộc được phát huy tối đa trong suốt 30 năm đấu tranh anh dũng và đầy hy sinh của quân và dân cả nước. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo tài trí, sáng suốt, kiên quyết của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời cũng gắn liền với Bộ tham mưu tối cao của cách mạng, gồm những nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài năng, mưu lược, dũng cảm, mà người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tại các Đại hội lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là việc xây dựng được những cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội; là sự bảo đảm vững chắc về chính trị và an ninh - quốc phòng của Tổ quốc; là những thành tựu về văn hóa, đạo đức, lối sống, cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ xã hội chủ nghĩa đem lại. Nhờ những thành tựu đó, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh với bao biến động chính trị quốc tế to lớn của thời cuộc để tiếp tục tiến lên theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Là một nhà yêu nước lớn và là một chiến sĩ quốc tế trong sáng, suốt đời trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí đã thay mặt Đảng ta tham gia nhiều hội nghị quốc tế, đề xuất với các đảng cộng sản anh em, với phong trào cách mạng thế giới những luận điểm quan trọng về giải quyết các mối quan hệ mang tính thời đại như: chiến tranh và hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tình hữu nghị giữa các dân tộc,... Những luận điểm và thái độ đúng đắn của Đảng ta về chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, về sự cần thiết phải đoàn kết phong trào cộng sản, thành lập mặt trận nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, v.v... là những đóng góp vào việc củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, góp phần vào việc hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Suốt đời kiên cường đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, tự do - hạnh phúc cho nhân dân, "lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn".

Đó là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta.

2 - Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ở các cương vị khác nhau cho đến khi là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn không chỉ là một chiến lược gia, một nhà tổ chức tài năng mà còn là một nhà lý luận xuất sắc với một tư duy sáng tạo của Đảng ta.

Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi trên tinh thần độc lập, tự chủ, tư duy sáng tạo để trả lời cho được những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Điều đó thể hiện trước hết trong việc đồng chí đã góp phần chỉ ra những vấn đề lý luận để xây dựng Đảng ta thành một Đảng trí tuệ, thống nhất và chặt chẽ về tổ chức mà biểu hiện đầu tiên là đề ra được đường lối chính trị, những vấn đề lý luận cốt yếu nhằm nâng cao tính tiên phong, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn.

Đánh giá công lao và tài năng của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: "Là một nhà mác-xít - lê-nin-nít chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp" (1).

Những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn về lý luận được thể hiện cả trong việc hình thành đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp và nghệ thuật cách mạng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, cũng như trong việc tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Điều ấy được thể hiện ở hàng loạt tác phẩm giàu tính lý luận, khái quát từ thực tiễn cách mạng phong phú, có tính đến những biến đổi phức tạp của thế giới, của thời đại; hơn nữa còn được kiểm nghiệm bằng một hiện thực cách mạng vô cùng sinh động. Đó là những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc xác định chính sách mới của Đảng ở Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (năm 1939), vào đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân qua bản kiến nghị quan trọng với Đại hội II của Đảng (năm 1951), vào việc hoạch định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam qua bản Đề cương cách mạng miền Nam, cũng như việc chuẩn bị Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959). Những tư tưởng ấy được bổ sung và phát triển một cách toàn diện trong những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX và đã là những đóng góp có ý nghĩa quyết định vào sự lãnh đạo của Đảng để đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975.

Nổi bật nhất là những cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là lý luận góp phần hoạch định chiến lược và quyết tâm chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là lý luận hình thành tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo trong đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết bắt đầu, biết điều khiển và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất cho cách mạng. Đó là lý luận của chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là lý luận của chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp: sức mạnh của cả nước đánh giặc, sức mạnh dân tộc gắn liền với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại. Đó là lý luận của chiến lược đánh địch trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; trên ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận...

Những đóng góp lý luận nói trên đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - chiến công lịch sử oanh liệt, có ý nghĩa thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp lý luận trong việc tìm tòi con đường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam. Đó là quan điểm về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; về thực chất của chuyên chính vô sản và chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Đó là những quan niệm về thời kỳ quá độ, về bước đi ban đầu, về chặng đường đầu tiên và nhiệm vụ lịch sử của chặng đường này. Đó là quan điểm về công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa IV, và được phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, với những chủ trương về đổi mới cơ chế phân phối lưu thông mà trước hết là chính sách giá, lương, tiền.

Đảng ta khẳng định đồng chí Lê Duẩn đã "góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã kiên trì nguyên tắc kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (2).

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí làm sáng tỏ về mặt lý luận, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, sáng tạo; cũng có những vấn đề đồng chí mới đặt ra còn đòi hỏi có thời gian để bổ sung, phát triển, hoàn thiện thêm.

Cho đến những ngày cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn nung nấu, trăn trở suy nghĩ về nhiều vấn đề quan trọng để hoàn chỉnh quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội, về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, vấn đề mà đồng chí coi là "cốt tử", điều kiện quyết định bảo đảm thành công trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, có phương thức thích hợp để lãnh đạo Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực vĩ đại cho sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, đó vẫn đang là một vấn đề quan trọng bậc nhất đối với Đảng ta.

Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt những tư tưởng sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng thế giới.

3 - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gần sáu mươi năm kiên trung chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng sau khi Người qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần cùng toàn Đảng lãnh đạo quân và dân ta mang ngọn cờ độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích thắng lợi và quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương (1939), đưa đường lối cách mạng nước ta trở về đúng với những quan điểm cơ bản trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng.

Trong những năm 1946-1957, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí không chỉ đã thống nhất được tổ chức đảng mà còn xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc ở Nam Bộ, huy động được các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã góp phần xây dựng đường lối cách mạng đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước và đưa Tổ quốc Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã thể hiện sinh động những đức tính cao quý: Đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản. Đó là phẩm chất cách mạng cao quý thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, luôn xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, bất chấp mọi thử thách khốc liệt của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, của những năm tháng hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát; nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đó là một nhân cách trung thực và giản dị, không ham danh lợi và địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí bằng tình thân yêu tha thiết, chân thành, bằng tình thương và lẽ phải. Đối với đồng chí: Con người sống phải có lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý sống.

Ước mong cháy bỏng và là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời đồng chí là xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân dân no đủ, hạnh phúc, trong đó con người giàu tình thương yêu đối với nhau.

Tấm gương đồng chí Lê Duẩn mãi mãi tỏa sáng.

* GS, TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Điếu văn - Báo Nhân Dân, ngày 16-7-1986
(2) Điếu văn, đd