Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và tham gia tích cực các phong trào yêu nước. Gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có gần 30 năm giữ các cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn là một tấm gương mẫu mực về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Nghĩa tình của Đồng chí Lê Duẩn đối với tỉnh Quảng Trị vô cùng sâu nặng. Sinh thời, mặc dù hoạt động cách mạng xa quê hương nhiều năm, lúc bí mật cũng như khi gánh vác trọng trách do Đảng và nhân dân giao phó, đồng chí vẫn luôn nhớ về Quảng Trị, thường xuyên theo dõi sát sao phong trào cách mạng của tỉnh và dành nhiều tình cảm ưu ái cho mảnh đất mình đã sinh ra. Đồng chí tâm sự: "Đối với tất cả chúng ta quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng, riêng tôi ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay như thế nào". Trong những chuyến về thăm quê hương, đồng chí thường ân cần chỉ bảo: "Trong gia đình phải yêu thương nhau, phải sống nhẹ nhàng êm ái với nhau, gia đình yêu thương nhau, cả xã hội, cả làng, cả huyện... đều thương yêu nhau... chúng ta sống với nhau có tình nghĩa anh em, giúp đỡ lẫn nhau..."

- Bất cứ người nào cũng phải có lao động.

- Phải có tình thương...

- Phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải.

Như vậy, một con người phải có ba cái: "Lao động - tình thương và lẽ phải".

Đồng chí luôn nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải tìm mọi cách để phát huy tiềm năng lao động, đất đai để nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời góp phần ngày càng nhiều vào sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí chỉ rõ: "Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp và lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng... Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở thêm những ngành nghề mới. Cố gắng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu..."

Tự hào về đồng chí Lê Duẩn, người con mẫu mực của quê hương, thực hiện lời di huấn của đồng chí, thời gian qua, nhất là những năm sau khi tái lập tỉnh (1989), Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ xây dựng quê hương và đạt được nhiều kết quả quan trọng:

- Nền kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) giai đoạn 2001 - 2005 đạt 8,7% tăng 2,7% so với giai đoạn 1991 - 1995. Riêng năm 2006 đạt 11,54%. Cơ cấu kinh tế từ thuần nông đã từng bước chuyển dịch dần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 8,9% năm 1990 lên 23,7% năm 2005; ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 65,7% xuống còn 36,8% và ngành dịch vụ từ 25,4% tăng lên 39,5%. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và liên tục đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu trong nội bộ ngành có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp truyền thống giảm từ 83,1% năm 1990 xuống còn 79,1% năm 2005, lĩnh vực thủy sản tăng từ 7% lên 16%. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế không ngừng được mở rộng và nâng cao cả về diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, sản xuất lương thực tăng bình quân hằng năm 1,7%, góp phần đưa tỉnh từ chỗ trước đây Trung ương phải trợ cấp lương thực, đến nay không những bảo đảm an ninh lương thực, mà còn dư để bán ra thị trường. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2006, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 20,8% giá trị ngành nông nghiệp. Thủy sản, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Diện tích nuôi trồng tăng bình quân 18,8%/ năm, giá trị xuất khẩu tăng 16,2%. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2005 toàn tỉnh có 191.429 ha rừng, đạt độ che phủ 38,85%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành mô hình kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại. Đến năm 2006, cả tỉnh có 1.012 trang trại các loại, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.870 lao động và mỗi năm tạo ra giá trị sản phẩm trên 45 tỉ đồng.

Công nghiệp những ngày lập lại tỉnh chưa có gì đáng kể, đến nay phát triển tích cực, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng... Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh đầu tư xây dựng như: Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang... đã và đang phát huy được hiệu quả. Các sản phẩm mới như: vải sợi, giấy, nước giải khát, săm lốp xe máy, tinh bột sắn... bước đầu được thị trường chấp nhận. Nhiều ngành nghề truyền thống trong tỉnh được khôi phục: dệt thổ cẩm, xăm lưới, thêu ren, làm nón, chế biến nông - lâm - thủy sản... đồng thời phát triển thêm một số ngành nghề mới: mây giang tre, mộc mỹ nghệ, cơ khí... đã tạo ra những gam màu tươi sáng cho bức tranh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương. Thương mại - dịch vụ liên tục phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng đổi mới, bước đầu thu hút được nhiều dự án cho đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân hằng năm 20,5%. Lượng khách du lịch đến tham quan tăng từ 10% - 11% mỗi năm.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ chỗ thấp kém, thiếu thốn đến nay đã có tiến bộ vượt bậc, tạo tiền đề cơ bản cho phát triển của thời kỳ trước mắt, chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển lâu dài. Một số kết cấu hạ tầng quan trọng như quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông về trung tâm xã và cụm dân cư miền núi, hệ thống các công trình thủy lợi, đê kè được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, cải tạo môi trường sinh thái. Hệ thống chợ được đẩy mạnh xây dựng. Điện lưới quốc gia, bưu chính - viễn thông, trường học, cơ sở y tế khám chữa bệnh, các di tích lịch sử và các kết cấu hạ tầng khác được tăng cường đáng kể, góp phần nâng cao năng lực phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những tiến bộ đáng kể. Giáo dục - đào tạo tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng, nhất là ở bậc trung học và dạy nghề. Năm 1996, Quảng trị được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, gần đây Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở và hiện nay tỉnh đang phấn đấu thực hiện phổ cập trung học phổ thông. Hệ thống y tế trong tỉnh ngày càng mở rộng, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Đến năm 2005, 66,7% trạm y tế xã trong tỉnh có bác sỹ; các trung tâm y tế tuyến tỉnh và huyện đều có trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống cách mạng với quy mô lớn như: lễ hội "Nhịp cầu xuyên á", "50 năm truyền thống Vĩnh Linh", lễ hội "Thống nhất non sông" vào 30-4-2005... Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2006, có 71.076 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 53,7 % tổng số hộ toàn tỉnh, 753 cơ quan, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa. Công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo thuộc các đối tượng khác trong xã hội, chính sách đối với gia đình có công, thương binh - liệt sĩ, lão thành cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... được toàn xã hội quan tâm, tích cực thực hiện. Đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Những chỉ số phát triển trên, đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả và hiệu lực hoạt động của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng không ngừng đổi mới. Đoàn kết nội bộ chuyển biến tích cực góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, bảo đảm duy trì có hiệu quả các mối quan hệ tốt đẹp của người dân ở cơ sở...

Những thành tựu đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra thế và lực mới để Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.

Có được những kết quả trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ to lớn của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các địa phương trong cả nước, Quảng Trị còn vận dụng một số bài học kinh nghiệm mang tính đặc thù địa phương như sau:

Một là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, vai trò kiểm tra, giám sát, phối hợp hành động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Hai là, phát huy tốt truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Điều này thể hiện rõ qua các giai đoạn phát triển của tỉnh, nhất là những năm gần đây. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nhờ tinh thần đồng tâm hiệp lực, tỉnh đã sớm ổn định và bước đầu phát triển. Đây còn là bài học quý về công tác xây dựng đảng, công tác vận động quần chúng của Đảng bộ, mà sinh thời đồng chí Lê Duẩn thường nhắc nhở, căn dặn.

Ba là, phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết... đưa công tác quy hoạch đi trước một bước làm cơ sở xác định kế hoạch đầu tư phát triển cho từng thời kỳ, tạo môi trường thu hút đầu tư nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Bốn là, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Coi trọng việc phát huy nội lực, trước hết là lao động, tài nguyên, đất đai, trí tuệ cũng như mọi nguồn lực của các tầng lớp nhân dân. Gắn phát huy nội lực với tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương; liên doanh, liên kết từ bên ngoài để tạo thêm nguồn lực mới, tạo bước đột phá, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương trong cả nước.

Năm là, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển nguồn nhân lực phải được xác định là nhiệm vụ chiến lược, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Tuy đạt được những thành tựu khả quan, nhưng Quảng Trị vẫn đang còn là tỉnh nghèo, chậm phát triển, có nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với bình quân chung của cả nước. Nhằm khắc phục tình trạng tụt hậu, phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong cả nước, đáp ứng sự mong mỏi của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong những năm tới, tỉnh xác định: Tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; vai trò hoạt động và giám sát của mặt trận và các đoàn thể nhân dân, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo. Phấn đấu giai đoạn 2006 - 2010 bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục bình quân 5 năm đạt 11% - 12%. Đến năm 2010, thu nhập GDP bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng (khoảng 620 - 650 USD), tăng hơn 2 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn dưới 15%. Tạo việc làm mới hằng năm cho 7.500 - 8.000 lao động.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1 - Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Hình thành các vùng kinh tế hàng hóa chuyên canh về cây công nghiệp xuất khẩu và rau, hoa quả sạch phục vụ cho tiêu dùng và du lịch. Đầu tư khai thác vùng đất đỏ bazan trên trục đường 9 (Cùa, Tân Lâm, Hướng Hóa) theo hướng phát triển cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu. Quy hoạch một số vùng nguyên liệu tập trung để đáp ứng cho công nghiệp chế biến. Tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho người sản xuất và tăng nhanh giá trị sản phẩm.

2 - Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, giải quyết được nguồn nhân lực của địa phương. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, khu công nghiệp Nam Đông Hà, khu công nghiệp Quán Ngang. Tạo môi trường thuận lợi khuyến khích và thu hút đầu tư các dự án công nghiệp: chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, sản xuất vật liệu... Trước mắt, cùng với việc sớm đưa các cơ sở công nghiệp đã được đầu tư đưa vào sản xuất, tỉnh khẩn trương xây dựng nhà máy bia 15 triệu lít/năm tại Khu công nghiệp Quán Ngang, nhà máy xi măng 35 vạn tấn/năm tại Cam Lộ, nhà máy may xuất khẩu tại Đông Hà...

3 - Phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo bước đột phá cho thời kỳ sau 2010. Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ Đông Hà, Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của cả nước. Xây dựng các trung tâm dịch vụ tổng hợp dọc tuyến đường 9 và các cụm thương mại - dịch vụ tại các huyện, thị xã. Hình thành mạng lưới chợ nông thôn; nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình dịch vụ; quy hoạch phát triển các tua, tuyến du lịch, lấy du lịch sinh thái làm nền tảng, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa lịch sử, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch mua sắm thành một chỉnh thể du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch thương mại như: Hội chợ, triển lãm, hội nghị, lễ hội văn hóa. Tạo cơ chế thuận lợi cho các đoàn khách Ca-ra-van từ Thái Lan vào du lịch.

4 - Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hệ thống đô thị. Tập trung đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cho giao thông và các khu kinh tế trọng điểm thương mại - dịch vụ - du lịch. Xây dựng chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kết cấu hạ tầng dọc tuyến hành lang Đông - Tây. Xây dựng thị xã Đông Hà thành thành phố, trở thành đô thị trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đầu mối kinh tế quan trọng của tỉnh.

5 - Giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa tiên tiến, thực hiện văn hóa trong kinh doanh, dịch vụ. Gắn công tác nghiên cứu, bảo tồn với phát huy văn hóa truyền thống của địa phương. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp với các chương trình, dự án phát triển kinh tế để giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Huy động mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân phối hợp hành động thực hiện nhiệm vụ phòng chống các tệ nạn xã hội.

6 - Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

7 - Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch vững mạnh. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ gắn với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Có chương trình và kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch gắn với công tác cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007), Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tiếp tục học tập và làm theo gương sáng, hy sinh, tận tụy hết lòng vì dân, vì nước của đồng chí. Theo những lời di huấn, nguyện vọng sâu nặng nghĩa tình của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị ra sức thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng Quảng Trị giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, đẹp về văn hóa, xã hội, mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị