TCCSĐT - Ngày 12-12 tại trụ sở Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã diễn ra buổi thông tin khoa học chuyên đề về Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và Xin-ga-po - Những kiến nghị đối với Việt Nam do Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Hội đồng khoa học các ban Đảng Trung ương phối hợp tổ chức.

 
 Quang cảnh buổi thông tin chuyên đề.

Tham gia buổi thông tin chuyên đề có GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ biên tập của Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Hội đồng Khoa học các ban Đảng Trung ương. Diễn giả chính của buổi thông tin chuyên đề là GS, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Hành chính công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Xin-ga-po, người đã tham gia thỉnh giảng những môn về kinh tế và chính sách tại nhiều trường đại học ở Mỹ, Nhật Bản, Xin-ga-po,…

Theo GS, TS. Vũ Minh Khương, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đặt vấn đề xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Đây là việc làm rất kịp thời, cần thiết, thể hiện sự nhạy bén trong đổi mới tư duy về lãnh đạo và quản lý; đáp ứng yêu cầu, thách thức của thời đại trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ cũng như sứ mệnh cầm quyền của Đảng, Nhà nước đối với đất nước, dân tộc.

Tuy còn những điểm bàn luận, tuy nhiên, GS, TS. Vũ Minh Khương cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước đặt mục tiêu phát triển đất nước lên hàng đầu, nhà nước ấy có hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức có năng lực và phẩm chất thực hiện mục tiêu phát triển và quan trọng là phải cộng hưởng được các nỗ lực chung của cả xã hội vì mục tiêu phát triển đó. Đặt mục tiêu xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển trước hết phải xác định được mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược phát triển tương đối rõ ràng, cụ thể; tìm kiếm biện pháp kiên định thực hiện mục tiêu và huy động, khuyến khích, cộng hưởng năng lực của cả đất nước để thực hiện mục tiêu đó.

Trong phần trình bày của mình, GS, TS. Vũ Minh Khương đã trình bày khái quát về xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, đi từ sự cần thiết (sức ép phải xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển) đến các nguyên tắc, lộ trình, bước đi, thường xuyên liên hệ với kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc biệt là kinh nghiệm của Xin-ga-po, mà theo tác giả rất gần gũi với điều kiện Việt Nam.

GS, TS. Vũ Minh Khương cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Việt Nam, bên cạnh những khó khăn, thách thức cũng có những thuận lợi rất cơ bản. Đó là nước ta có nền kinh tế với hệ thống thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, cả trong lý luận cũng như trong thực tiễn chúng ta không còn băn khoăn với câu hỏi có cần hay không cần kinh tế thị trường; Việt Nam hội nhập quốc tế rất sâu rộng, mạnh mẽ, dám chấp nhận thách thức để hội nhập, để vươn lên và người Việt Nam có tố chất, có ý chí quyết tâm vươn lên, khẳng định mình. Sứ mệnh của nhà nước kiến tạo phát triển là phải hướng tâm được các tiềm năng, thế mạnh đó để đưa đất nước vươn lên, trở thành một nước công nghiệp phát triển trong tương lai.

Trong hội nhập, phát triển đất nước ta hiện nay, GS, TS. Vũ Minh Khương cho rằng muốn thành công cần phải tư duy theo kiểu “cùng thắng”, phải hiểu người và làm cho người hiểu mình, phải xây dựng được hình ảnh, thương hiệu quốc gia trong mắt bạn bè, người dân thế giới. Liên hệ với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư của một số địa phương, GS, TS. Vũ Minh Khương cho rằng một số chính sách làm “méo mó” thị trường và không đạt hiệu quả mong muốn vì nhà đầu tư không đến chỉ bằng tình cảm mà họ đến chủ yếu vì hiệu quả đầu tư.

Tại buổi thông tin, GS, TS. Vũ Minh Khương cũng trao đổi, trả lời các câu hỏi liên quan đến khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển, mối quan hệ nhà nước với thị trường, vai trò của đảng cầm quyền với xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, vai trò doanh nghiệp nhà nước,…

Phong cách trình bày của diễn giả khoa học, mạch lạc, mỗi vấn đề, luận điểm đưa ra đều liên hệ với thực tiễn, với các tình huống, bài toán nên đã rất cuốn hút người nghe. Là người từng kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có vị trí giám đốc doanh nghiệp nhà nước và vị trí trong bộ máy chính quyền thành phố Hải Phòng trước khi chuyển sang sự nghiệp khoa học, bảo vệ tiến sĩ xuất sắc ở Mỹ (tên của tiến sĩ Khương được khắc trang trọng trên bảng vàng của Trường Hành chính Kennedy thuộc Đại học Harvard), thường xuyên có những báo cáo nghiên cứu được những cấp ra quyết định ở Xin-ga-po và nhiều quốc gia khác đánh giá rất cao, những thông tin, phân tích, đánh giá và gợi ý của GS, TS. Vũ Minh Khương về Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và Xin-ga-po - Những kiến nghị đối với Việt Nam có giá trị tham khảo, gợi ý nhất định trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam./.