TCCSĐT - Đó là đề nghị của các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) khu vực miền Trung và miền Nam, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 07-11-2016.

Tham dự và chủ trì Hội nghị gồm có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết; cùng đại diện lãnh đạo 38 tỉnh, thành khu vực miền trung, miền Nam (từ tỉnh Thanh Hóa trở vào).

Nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một công việc đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi vậy, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (Nghị quyết Trung ương 3) - là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng, thể hiện quan điểm xuyên suốt, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sau 10 năm triển khai, thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí đã có những bước chuyển biến tích cực, quan trọng, góp phần ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, tham nhũng, lãng phí hiện vẫn còn nghiêm trọng, biểu hiện rất tinh vi, phức tạp, xẩy ra ở trên mọi lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành làm suy giảm uy tín của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

Tiếp đó, trình bày dự thảo báo cáo Đề án Tổng kết 10 triển khai Nghị quyết Trung ương 3, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết cho biết: Với việc quán triệt sâu rộng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3, hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu. Đồng thời, việc thực hiện Chỉ thị số 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” với Nghị quyết Trung ương 3 đã đem đến nhiều kết quả quan trọng, bước đầu cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và sự suy thoái trong Đảng.

Trong 10 năm qua công tác phát hiện xử lý tham nhũng, lãng phí và thu hồi tài sản tham nhũng được các cơ quan hữu quan triển khai một cách quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện; mở rộng điều tra cả hành vi và đối tượng; xử lý nghiêm minh, kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ đại hội XI của Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 3.730 đảng viên. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 2.270 vụ/6.480 bị can; Tòa án nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Đến nay, riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đã đưa ra xét xử sơ thẩm 19 vụ/220 bị cáo, với 08 án tử hình/07 bị cáo (01 bị cáo bị tuyên 02 án tử hình), 12 án chung thân, 05 án tù 30 năm, 183 án tù có thời hạn từ 02 đến 25 năm.

Thông tin về tổng hợp kết quả xử lý, đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế gây ra được phát hiện khoảng 59.750 tỷ đồng và trên 400 héc ta đất; số tiền đã khắc phục và thu hồi là 4.676 tỷ đồng và trên 219 héc ta đất.

Tham nhũng trong cán bộ chưa được ngăn chặn, đẩy lùi

Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn; tham nhũng vẫn còn và thậm chí rất tinh vi, trong khi đó những chế tài, luật pháp chưa đủ tính nghiêm khắc để răn đe, cảnh tỉnh. Đáng chú ý nữa là, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu, chưa quản lý tốt đảng viên, phát hiện chưa kịp thời những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, sự bất cập trong cơ chế hiện nay của chúng ta đã gây cản trở quá trình xử lý nạn tham nhũng, lãng phí. “Mặc dù Hiến pháp đã quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, đảng viên hoạt động theo Hiến pháp và phát luật, nhưng chưa có cơ chế để dân giám sát cán bộ, đảng viên. Đây là một câu hỏi đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần giải quyết thỏa đáng, khi làm được điều này thì nhân dân sẽ tham gia giám sát tích cực hơn”, tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất. Nói về sự lỏng lẻo của sự quản lý, tiến sĩ Trần Du Lịch đặt câu hỏi “một sở tại một địa phương mà có 44/46 lãnh đạo, vậy liệu tình trạng này có xảy ra chỉ ở một địa phương hay không và các bộ, ngành ở Trung ương thì sao?”. Chia sẻ về những hạn chế, yếu kém, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao Đinh Văn Quế cho rằng: Các bộ luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất cao, nên gây khó khăn cho cơ quan chuyên trách khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong việc xác định tội phạm.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác nhận định, do thể chế về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, lãng phí. Nhiều quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn chậm sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn xã hội; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, nhưng vẫn chậm sửa đổi. Công tác giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chưa thường xuyên, có lúc, có nơi còn hình thức; cơ chế giám sát thiếu cụ thể nên vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với phòng chống tham nhũng, lãng phí không được phát huy; chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là sự tham gia của người dân.

Công khai minh bạch - khắc tinh của tham nhũng, lãng phí

Theo đồng chí Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, muốn chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi những người làm công tác này có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực cao. Đặc biệt, phải có chế tài về công khai, minh bạch, bởi đây là khắc tinh của tham nhũng; ở đâu có tham nhũng thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm; phát huy dân chủ, tạo điều kiện để người dân tham gia vào việc tố cáo tham nhũng, lãng phí; những thông tin được công bố trên báo chí phải rõ ràng, bảo đảm tính minh bạch. Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Trần Du Lịch còn đề nghị các cơ quan liên quan cần rà soát lại các đạo luật, từng điều khoản và chú ý việc phối hợp giữa các cơ quan về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu phải coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; biểu dương, khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài, định hướng đúng đắn dư luận xã hội về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng, chống cho tốt với phương châm: Cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng./.