Nước Pháp tuyên chiến chống khủng bố
TCCSĐT - Ngày 15-11-2015, các máy bay chiến đấu của Pháp đã tấn công một căn cứ trọng điểm của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại thành phố Raqa (Syria), xóa sổ một sở chỉ huy và một trại huấn luyện của tổ chức khủng bố này. Vụ không kích diễn ra sau 3 ngày thủ đô Paris (Pháp) bị tấn công khủng bố bởi IS - sự kiện gây chấn động toàn nước Pháp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn an ninh, chính trị trên toàn cầu từ những phần tử khủng bố quốc tế.
Nước Pháp - một năm không may mắn
Năm 2015 chứng kiến một năm nước Pháp gặp nhiều biến động về an ninh quốc gia. Nước Pháp nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Ngay từ tháng 01-2015 đã xảy ra một vụ nổ súng gần Porte de Chantillon ở phía Nam thủ đô Paris, khiến một cảnh sát và một dân thường bị thương nặng. Vụ nổ súng ngày 08-01 này do 2 đối tượng, gồm một nam và một phụ nữ gây ra. Hai kẻ này sau đó đã tiến hành vụ bắt cóc con tin tại cửa hàng tạp hóa ở Porte de Vincennes, phía Đông Paris, làm 4 người thiệt mạng.
Ngày 07-01, tòa soạn tờ Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo chứng kiến cảnh tượng đẫm máu, kinh hoàng khi hai tay súng đã bất ngờ xả súng, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có hai cảnh sát, bốn họa sĩ vẽ biếm họa cùng Tổng Biên tập của tờ báo này.
Chưa hết, đến giữa năm 2015, ngày 26-6, vụ tấn công một nhà máy khí đốt ở thị trấn Saint Quentin Fallavier, miền Đông Nam Pháp đã làm một người thiệt mạng và hai người bị thương. Điều đáng chú ý là vụ tấn công khủng bố tàn bạo này ở Pháp xảy ra gần như đồng thời với vụ các tay súng sát hại 38 người tại một khu nghỉ dưỡng du lịch nổi tiếng ở Tunisia, nơi có nhiều du khách châu Âu lưu trú, và vụ đánh bom tự sát ở Kuwait làm 25 người chết.
Tháng 8-2015, nước Pháp một lần nữa xảy ra một vụ nổ súng trên chuyến tàu cao tốc đi từ thành phố Amsterdam (Hà Lan) tới thủ đô Paris (Pháp), khiến ít nhất 3 người bị thương.
Và cách đây 3 ngày, ngày 13-11 (giờ địa phương, rạng sáng 14-11 giờ Việt Nam), hàng loạt các vụ tấn công kinh hoàng đã cùng lúc xảy ra tại 7 địa điểm tại thủ đô Paris (Pháp). Các vụ tấn công bao gồm nổ súng và bắt giữ con tin tại Nhà hát Bataclan; hai vụ nổ gần sân vận động quốc gia Stade de France, nơi đang diễn ra trận giao hữu bóng đá giữa đội tuyển Pháp với đội tuyển Đức; 5 vụ nổ gần nhà hát Bataclan; và một vụ tấn công nhằm vào trung tâm mua sắm Les Halles. Số người thiệt mạng trong đêm đó ít nhất là 128 người, hơn 180 người bị thương, trong đó có 80 người bị thương nặng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào nước Pháp kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thắt chặt an ninh, ban bố tình trạng báo động
Ngay sau khi vụ tấn công khủng bố diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 13-11, hầu hết các nước châu Âu và các nước trên thế giới đều tăng cường an ninh ở mức cao, đồng thời với việc tiến hành nhóm họp chính phủ khẩn cấp.
Trước vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố: “Châu Âu bị tổn thương sẽ biết cách phản ứng trước những kẻ man rợ”. Theo đó, Italy đã nâng mức độ báo động lên mức đỏ, mức thứ 2 trong thang báo động 3 cấp, cho phép huy động tất cả các lực lượng đặc biệt để bảo vệ thủ đô Rome, Tòa thánh Vatican, cũng như các thành phố lớn khác của Italy. Bộ trưởng Nội vụ Italy ngày 15-11 tuyên bố, nước này sẽ điều động một lực lượng quân đội 700 người để bảo vệ các mục tiêu nhạy cảm ở thủ đô Rome, như các điểm giao thông chính gồm nhà ga Termini, sân bay Fiumicino và Ciampino; các cơ quan đại diện và cơ sở văn hóa, giáo dục của Pháp ở Rome và Tòa thánh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên các đường phố của Rome trong những ngày này. Đặc biệt, lực lượng này sẽ được tiếp tục bổ sung 300 quân vào tháng 12 tới.
Phản ứng trước sự kiện khủng bố tại nước láng giềng Pháp, Chính phủ Đức một mặt tiến hành kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới Đức - Pháp nhằm phòng ngừa các đối tượng thực hiện tấn công khủng bố ở Paris có thể chạy trốn sang Đức, tăng cường kiểm soát các sân bay và nhà ga quốc tế; mặt khác, tăng cường nhân lực cho cuộc chiến chống khủng bố và các phần tử cực hữu ở nước này. Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức đã phê chuẩn thêm hàng trăm nhân lực mới cho các cơ quan tình báo và bảo vệ hiến pháp. Theo đó, Cục Tình báo liên bang Đức (BND) sẽ có thêm 225 biên chế, trong đó 125 người sẽ hoạt động tình báo chống khủng bố. Cục Bảo vệ Hiến pháp (BFV) - cơ quan tình báo nội địa của Đức, cũng có thêm một phó cục trưởng và 250 biên chế mới, trong đó 150 người sẽ phụ trách công tác chống chủ nghĩa cực hữu. Ngoài ra, an ninh cũng được tăng cường trên toàn nước Đức, đặc biệt ở các cơ sở trọng yếu và các địa điểm công cộng.
Với việc chủ trì cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp Cobra, Thủ tướng Anh D. Cameron đã quyết định tăng ngân sách nhà nước trong vòng 5 năm cho hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt liên quan tới trong cuộc chiến chống lại IS, cũng như bảo đảm an ninh hàng không. Kinh phí mới sẽ được chuyển cho các cơ quan an ninh và tình báo nước này để tuyển dụng thêm 1.900 nhân viên, tăng 15% quân số, cho Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5), Cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) và Cơ quan tình báo điện tử (GCHQ) nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố quốc tế ngày càng tăng, cũng như các cuộc tấn công không gian mạng hay các mối đe dọa toàn cầu khác. Bên cạnh đó, chính phủ cũng quyết định tăng gấp đôi ngân sách cho an ninh hàng không, trong đó có việc tăng số lượng nhân viên an ninh bảo đảm an ninh ở các sân bay trong nước cũng như các sân bay nước ngoài. Đây là đợt tăng ngân sách an ninh lớn nhất ở Anh kể từ sau vụ đánh bom ở London ngày 07-7-2005 làm hàng chục người thiệt mạng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng tiến hành cuộc họp với các quan chức an ninh tại Madrid. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cân nhắc nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố từ mức 4 lên mức 5, mức cao nhất. Trước đó, nước này đã tăng mức độ cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 sau hàng loạt các vụ tấn công hồi tháng 6 tại Kuwait, Pháp và Tunisia.
Giới chức hai nước Bỉ và Ba Lan đẩy mạnh kiểm soát an ninh tại khu vực biên giới với Pháp và kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác tại các sự kiện lớn. Hà Lan cũng siết chặt an ninh tại các đường biên giới và sân bay. Chính phủ Thụy Sĩ quyết định tăng cường các biện pháp an ninh và thực hiện kiểm soát kỹ lưỡng ở cửa khẩu biên giới với Pháp. Một văn phòng chuyên trách điều phối công việc ở 8 bang ở miền Tây và miền Nam nước này đã được triển khai. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát cũng được tăng cường tại các sân bay và nhà ga ở Thụy Sĩ.
Trong khi đó, tại thành phố New York của Mỹ, nhà chức trách cũng lập tức ban bố tình trạng báo động cao, siết chặt an ninh tại thủ đô Washington và nhiều thành phố khác như Boston, San Francisco, Chicago và Pittsburgh. Sở Cảnh sát Washington đã triển khai lực lượng an ninh tới các địa điểm đặt các cơ quan đại diện Pháp và nhiều địa điểm quan trọng khác.
Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga (NATC) đưa ra thông báo, các cơ quan an ninh quốc gia nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao.Thông báo của NATC có đoạn: “Các cơ quan an ninh nhà nước đang áp dụng các biện pháp thích hợp để đảm bảo an ninh cho người dân và bảo vệ họ trước khủng bố. Trong bối cảnh xuất hiện các mối đe dọa mới, toàn bộ hệ thống an ninh đã được đặt trong tình trạng báo động cao”. Thông báo cũng khuyến cáo các công dân Nga “có tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao” trước nguy cơ khủng bố quốc tế.
Nhiều nước châu Á cũng đã tăng cường các biện pháp an ninh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã đưa ra cảnh báo an ninh và đề nghị các nhà ngoại giao nước này không ra ngoài, đồng thời theo dõi sát thông tin của cảnh sát và báo chí địa phương. Bộ trưởng Nội vụ Singapore K.Shanmugam cho biết: “Vụ tấn công cho thấy không quốc gia nào bị miễn trừ”, đồng thời kêu gọi người dân đề cao cảnh giác và thông báo mọi hoạt động khả nghi cho chính quyền. Bên cạnh đó, Singapore đã tăng cường các biện pháp an ninh và kiểm tra biên giới. Hàn Quốc và Thái Lan đều triển khai mọi biện pháp thắt chặt an ninh.
Tuyên chiến với khủng bố
Trước những bằng chứng về tính chất dã man của chủ nghĩa khủng bố đang thách thức toàn thể nền văn minh nhân loại, Tổng thống Nga V. Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong bức điện gửi Tổng thống Pháp F. Hollande, Tổng thống Putin nêu rõ, nước Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với nước Pháp trong điều tra các vụ tấn công này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định sẽ làm tất cả để hỗ trợ pháp truy tìm các đối tượng đã thực hiện và hỗ trợ tiến hành các vụ khủng bố ở Paris. Trong tuyên bố ngày 14-11, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng chỉ ra rằng, các vụ tấn công tại Paris đã cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố cần một nỗ lực quốc tế để có thể tiêu diệt được chủ nghĩa nguy hiểm và tàn ác này tại tất cả các nước.
Lầu Năm Góc ngày 15-11 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pháp nhất trí về những “bước đi chắc chắn” nhằm tăng cường sự hợp tác chống lại IS. Phát biểu trước báo giới, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Pháp Jean-Yves le Drian đã tập trung thảo luận cách thức mà hai nước sẽ tiến hành để đáp trả các cuộc tấn công khủng bố đêm 13-11. Ông A. Carter tái khẳng định cam kết ủng hộ Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù tuyên bố của Lầu Năm Góc không đề cập đến những biện pháp quân sự cụ thể được tiến hành, nhưng theo giới chức Mỹ, họ sẵn sàng để một vị tướng Pháp tham gia điều hành tại Trung tâm chỉ huy Mỹ, đơn vị giám sát các hoạt động của quân đội Mỹ tại nước ngoài và Trung Đông. Trong khi đó, Pháp cho biết, sẵn sàng tham gia một chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu tấn công vào các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq. Trước đó, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đưa ra thông điệp, nếu Pháp quyết định vận dụng Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), theo đó, tuyên bố nếu một nước thành viên bị tấn công đồng nghĩa với việc tất cả các thành viên liên minh quân sự này đều bị tấn công, thì Mỹ sẽ ủng hộ bằng tất cả những hành động cần thiết.
Cùng với những lời khẳng định của các nước lớn trong việc hợp tác chống khủng bố, nhất là khi nhận định của cơ quan điều tra chức năng Pháp đưa ra lời cảnh báo toàn cầu về nguy cơ khủng bố đe dọa quốc gia và khu vực khi mà các vụ tấn công vừa qua tại Pháp đã được lên kế hoạch và vẫn đang được chuẩn bị, những âm mưu nguy hiểm này được dự báo không chỉ nhằm vào nước Pháp mà còn chống lại nhiều nước châu Âu khác, Chính phủ Pháp cũng như người dân Pháp sau đêm 13-11 kinh hoàng do bị tấn công khủng bố, bên cạnh sự đau thương vì những người dân xấu số thiệt mạng, là tinh thần dân tộc, quyết tâm chống lại những kẻ khủng bố.
Trong một tuyên bố ngắn trên truyền hình đêm 13-11, Tổng thống F. Hollande đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên cả nước và cho biết, “các cửa khẩu biên giới đều bị đóng cửa”. Điện Élysée nêu rõ tình trạng khẩn cấp có hiệu lực “ngay lập tức ở lục địa Pháp và đảo Corse”, theo đó mọi người bị cấm đi lại và các vùng bảo vệ an ninh được thiết lập. Tuy nhiên, ngày 14-11, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết: “Tổng thống Francois Hollande đã quyết định khôi phục ngay lập tức các hoạt động kiểm soát biên giới” thay vì đóng cửa biên giới. Các sân bay và ga tàu hỏa vẫn được mở, trong khi an ninh được siết chặt. Động thái trên cho thấy, nước Pháp sẵn sàng chống lại những phần tử khủng bố, như Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố, nước này đang trong tình trạng chiến tranh với khủng bố và Paris sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria.
Và ngày 15-11, Pháp đã tiến hành không kích tấn công vào một căn cứ trọng điểm của IS tại thành phố Raqa (Syria), xóa sổ một sở chỉ huy và một trại huấn luyện của tổ chức khủng bố này. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, đây là cuộc không kích đầu tiên mà Pháp tiến hành nhắm vào căn cứ của IS kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris tối 13-11 do IS gây ra. 12 máy bay chiến đấu và 10 máy bay ném bom đã xuất phát từ căn cứ không quân ở Jorrdan và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, tiến hành không kích hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là một sở chỉ huy, một trung tâm tuyển mộ binh lính, kho vũ khí và đạn dược của IS; trong khi mục tiêu thứ hai là một trại huấn luyện của tổ chức này. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp, tổng cộng 20 quả bom đã được sử dụng trong nhiệm vụ được coi là chiến dịch lớn nhất của Pháp kể từ khi tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria./.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cần những giải pháp đột phá  (16/11/2015)
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cần những giải pháp đột phá  (16/11/2015)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 09-11 đến ngày 15-11-2015)  (16/11/2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng New Zealand  (16/11/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc  (16/11/2015)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Thủ tướng New Zealand  (16/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên