Kỳ vọng mới cho sự ổn định
Trung tuần tháng 12-2008, Chủ tịch Đảng Dân chủ Áp-hi-sít Vê-gia-đi-va đã trở thành Thủ tướng thứ 27 của Thái Lan sau khi có đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội. Với nhiệm kỳ đầy cam go, để trụ vững trên chiếc ghế “nóng”, tân Thủ tướng Áp-hi-sít sẽ phải đối mặt với ba vấn đề cốt yếu, đó là đoàn kết dân tộc, phục hồi kinh tế và lấy lại niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với uy tín của đất nước.
Chính trị gia “sạch”
Sinh ra tại Anh, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, ông Áp-hi-sít lớn lên trong một gia đình Thái Lan gốc Hoa giàu có. Cha mẹ ông đều là những giáo sư Y học. Năm 1964, ông Áp-hi-sít được học tại trường công hàng đầu của Anh - trường Eton. Sau đó, ông lấy bằng chính trị, triết học và kinh tế tại Đại học Oxford.
Ông Áp-hi-sít tham gia đảng Dân chủ từ năm 1992, trở thành nghị sĩ quốc hội khi mới 27 tuổi. Con đường chính trị của ông cũng không ít chông gai. Ông đã từng thất bại trong cuộc đua trở thành lãnh đạo Đảng Dân chủ năm 2001, và đến năm 2005, mới giành được vị trí này.
Trước khi trở thành Thủ tướng, ở cương vị lãnh đạo Đảng Dân chủ từ năm 2005, ông Áp-hi-sít đã có công đưa đảng này có tiếng nói và vị trí quan trọng trên chính trường. Được coi là một chính trị gia “sạch”, ông Áp-hi-sít ủng hộ miễn phí chăm sóc y tế, tăng lương tối thiểu, miễn phí giáo dục, sách giáo khoa và sữa cho trẻ em bậc mầm non. Ông cũng là người kiên quyết phản đối nạn tham nhũng. Ông Áp-hi-sít tuyên bố khôi phục xuất khẩu và nền kinh tế dựa vào du lịch sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông khi trở thành lãnh đạo Thái Lan.
Với mong muốn duy trì sự liêm khiết trong đảng của ông cũng như bất kỳ chính phủ nào mà ông sẽ lãnh đạo, cùng nguyên tắc minh bạch đối với nghị sĩ Thái Lan, ông Áp-hi-sít tuyên bố sẽ yêu cầu các đại diện Đảng Dân chủ tại Quốc hội công khai tài sản và các mối quan hệ đối với công ty tư nhân. Hiện tại, các biện pháp trên chỉ được áp dụng đối với thành viên nội các. Việc ông Áp-hi-sít và gia đình không tham gia hay có cổ phần trong các tập đoàn kinh tế lớn khiến người dân đặt niềm hy vọng nhiều hơn ở ông sự trong sạch và khách quan trong điều hành kinh tế.
Vẫn nguyên thách thức
Lên nắm quyền trong bối cảnh đã có ít nhất bốn thủ tướng phải rời nhiệm sở chỉ sau thời gian tại vị tính bằng tháng, những khó khăn với tân Thủ tướng Áp-hi-sít không hề giảm do những mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa các đảng phái Thái Lan đã tích tụ bấy lâu nay ngày càng trở nên sâu sắc. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ cuộc đấu tranh quyền lợi giữa hai lực lượng, tạm gọi là “lực lượng thân Thạc-xỉn” (áo vàng) - chủ yếu là tầng lớp nông dân tại khu vực phía Bắc và Đông Bắc, những người hưởng lợi từ chính sách kinh tế của ông Thạc-xỉn thời còn đương nhiệm - và “lực lượng chống Thạc-xỉn” (áo đỏ) - gồm những tầng lớp trí thức và trung lưu thành thị. Do vậy, nhiệm vụ khó khăn nhất của Thủ tướng Áp-hi-sít là hoà giải những lợi ích và đòi hỏi trái ngược nhau của hai lực lượng này.
Phe ủng hộ ông Thạc-xỉn nhấn mạnh: họ tiếp tục đấu tranh đòi sửa đổi Hiến pháp để các đảng chính trị không bị buộc phải giải thể trước những cáo buộc pháp lý; đòi Chính phủ phải xử lý những hành động vi phạm luật pháp quá khích của lực lượng Liên minh nhân dân vì Dân chủ PAD. Trong khi đó, mặc dù ủng hộ ông Áp-hi-sít làm Thủ tướng, song PAD đã đưa ra 13 yêu cầu đòi chính phủ mới thực hiện cải cách chính trị nhằm “thiết lập một chế độ chính trị mới để các cuộc khủng hoảng chính trị trước đây không tái diễn”.
Không chỉ có vậy, sự vững chắc của ngay liên minh mới được tạo lập giữa Đảng Dân chủ và những đảng nhỏ khác cũng được cho là hết sức mong manh. Sau những biểu tình quy mô lớn kéo dài hơn nửa năm qua và sau khi Đảng PPP bị giải thể, hai thủ tướng của Đảng này bị Toà án buộc phải từ chức, Đảng Dân chủ chỉ giành được quyền lập chính phủ khi vận động và lôi kéo được một số nghị sĩ của hai đảng nhỏ vừa bị giải thể và 3 đảng khác từ liên minh với PPP trước đây ngả sang liên minh với Đảng Dân chủ. Với thành phần như vậy, chưa có gì là chắc chắn đối với sự đồng thuận của liên minh này trong tương lai.
Thêm vào đó, những khó khăn kinh tế mà Thái Lan hiện đang phải đương đầu khiến nhiệm vụ của Thủ tướng Áp-hi-sít càng thêm khó khăn. Nhiều dự báo cho rằng năm 2009, kinh tế Thái Lan có thể chỉ tăng trưởng khoảng 2%, thậm chí là 0%. Lượng khách du lịch đến đất nước này giảm ít nhất 3 triệu lượt khách trong vòng vài tháng đầu năm 2009. Dự báo đến tháng 6-2009 sẽ có ít nhất khoảng 1,2 triệu lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
Các ưu tiên
Ngay từ lễ nhậm chức, Thủ tướng Áp-hi-sít nhấn mạnh việc giải quyết những mâu thuẫn kéo dài trong nước với nhiệm vụ đầu tiên là chấm dứt "hệ thống chính trị suy yếu", đồng thời vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái sau sáu tháng rối loạn chính trị và bị tác động bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Áp-hi-sít khẳng định sẽ khôi phục hình ảnh đất nước bằng kế hoạch hòa giải dân tộc dựa trên luật pháp và tiến trình dân chủ. Trước mắt, ông Áp-hi-sít bày tỏ quyết tâm tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 14 vào tháng 2-2009 tới, trong đó sẽ chuyển địa điểm tổ chức hội nghị từ Chiềng Mai trở về Băng Cốc.
Một trong những mục tiêu chủ chốt của Đảng Dân chủ Thái Lan, đảng của tân Thủ tướng là khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Tân thủ tướng đã có những đề xuất chi tiết trong “Nghị trình nhân dân” (People’s Agenda), trong đó bao gồm 4 biện pháp đảo ngược tình hình hiện nay của Thái Lan, đó là: khôi phục chế độ dân chủ, xây dựng lại nền kinh tế, đầu tư về con người, thiết lập lại hoà bình cho miền Nam.
Theo ông, người dân không cần biết từ “Nghị trình nhân dân” nghĩa là gì, họ chỉ cần hiểu rằng, điều đó có nghĩa là nền giáo dục không thu phí, phúc lợi cho người già, giá cả cho sản xuất nông nghiệp được bảo đảm. Ông Áp-hi-sít nhấn mạnh: ông muốn người dân hướng tới tương lai, bởi đây là thời điểm để đất nước Thái Lan có những thay đổi.
Bước đi chủ động
Cũng giống như bất kỳ thủ tướng mới nhậm chức nào, ông Áp-hi-sít bắt tay vào công việc đầu tiên là lựa chọn các thành viên của nội các chính phủ. Chỉ 4 ngày sau khi nhậm chức, danh sách chính phủ đã hoàn thành và trình Quốc vương Adu-la-ya-đây phê chuẩn, trong đó, đa số thuộc người của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, những vị trí này ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ giới doanh nghiệp Thái Lan bởi họ cho rằng, một số bộ trưởng "ngồi không đúng ghế". Phản ứng lại lời phê phán đó, tân Thủ tướng Áp-hi-sít, một mặt, kêu gọi thành viên nội các không tranh cãi đôi co, mặt khác, giải thích tuy một số bộ trưởng không phải là người của Đảng Dân chủ nhưng cũng là người trong liên minh cầm quyền. Nếu ông chỉ bổ nhiệm bộ trưởng theo ý doanh nhân thì chính phủ của ông khó có thể ổn định. Tân thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh: ưu tiên hàng đầu của chính phủ là phục hồi kinh tế và nhanh chóng thực hiện hòa giải xã hội.
Liên quan đến tương lai của cựu Thủ tướng Thạc-xỉn - một vấn đề nhạy cảm cần phải khéo giải quyết, Thủ tướng Áp-hi-sít đã tỏ ra là người chủ động. Tuyên bố với báo chí ngày 18-12, chỉ 3 ngày sau khi lên làm Thủ tướng, ông Áp-hi-sít tỏ ý muốn ông Thạc-xỉn trở về Thái Lan với tuyên bố: “Tôi muốn nhìn thấy ông ấy quay về. Nếu ông ấy về nước, đấu tranh tại tòa án và thể hiện rằng tất cả người Thái Lan đều công bằng trước pháp luật, đó sẽ là sự chấm dứt của khủng hoảng. Xã hội Thái Lan khoan dung và dễ tha thứ, nhưng đầu tiên, ông ấy phải chấp nhận tiến trình pháp lý”.
Thời gian sẽ trả lời liệu sự kỳ vọng của người dân đất nước nụ cười vào vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử có thành hiện thực hay không. Song sự thay đổi đang là điều rõ rệt nhất mà ông mong muốn thực hiện. Thái Lan cần một sự thay đổi để vãn hồi ổn định, một sự thay đổi đã được chính Thủ tướng Áp-hi-sít cam kết khi nói: “Mang lại các thay đổi cho đất nước là mục tiêu cao nhất của tôi, và tôi không muốn trở thành một thủ tướng thất bại”./.
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 15-12 đến 21-12-2008)  (23/12/2008)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 23 (11-2008)  (23/12/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 22-12 đến 28-12-2008)  (23/12/2008)
Thuận và nghịch trong quan hệ Mỹ - EU - Trung Quốc  (23/12/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên