Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị tướng tài năng, đức độ, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Văn Xiêm), sinh ngày 01-5-1915 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, tại xã Tân An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thân phụ đồng chí là cụ Hoàng Thiện Thuật, dạy chữ Nho đến cấp hàng tổng, từng tham gia Hội văn thân yêu nước ở địa phương những năm đầu thập kỷ 30, thế kỷ trước. Từ nhỏ, Hoàng Văn Xiêm là một học sinh chăm chỉ, học giỏi. Tốt nghiệp bằng tiểu học Pháp Việt loại ưu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 13 tuổi, Hoàng Văn Xiêm đã phải bỏ học đi làm thuê. Năm 15 tuổi, chứng kiến cuộc nổi dậy của nhân dân Tiền Hải hưởng ứng phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Xiêm bắt đầu chịu ảnh hưởng phong trào Cộng sản.
Năm 18 tuổi, đồng chí rời quê hương đi làm công nhân ở mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh) và sau đó là mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1936 Hoàng Văn Xiêm trở về làng cùng với số đông thanh niên khác tích cực tham gia tổ chức các hội ở địa phương, như hội hiếu, hội tương tế, hội đá bóng, hội âm nhạc, hội đọc báo,... Khắp các địa phương trong tỉnh, trong huyện, phát triển đội nhạc âm, thu hút thanh niên, học sinh tham gia. Đồng chí thổi kèn, kéo nhị rất giỏi, tranh thủ các tối hòa nhạc chuẩn bị cho những buổi lễ hội, đồng chí cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, tham gia chống thuế, chống bắt phu, bắt lính, tuyên truyền và tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân. Nhờ sự hăng say, nhiệt tình, sáng tạo và dũng cảm hoạt động ở địa phương, tháng 5-1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), trở thành đảng viên trung kiên của chi bộ An Khang, xã Tân An, huyện Tiền Hải. Đồng chí tích cực góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các xã Tiển Hoàng, Đại Hữu, An Khang thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Cuối năm 1939, địch liên tiếp mở các đợt khủng bố rất dã man, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Các tổ chức Đảng chuyển vào hoạt động bí mật. Đồng chí gây dựng lại phong trào đấu tranh của quần chúng An Khang, giác ngộ và đưa vào tổ chức nhiều thanh niên yêu nước, như Nguyễn Hữu Tước, Nguyễn Thế Long, Tô Đình Khảm, Nguyễn Đình Khiêm, Tô Chinh,... sau này những thanh niên yêu nước ấy đều trở thành cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Giữa năm 1940, sau nhiều năm săn lùng, mật thám Pháp và tay sai tuyên bố nếu ai khai báo chỗ ở của Hoàng Văn Thái sẽ được trọng thưởng. Do bị chỉ điểm, tháng 9-1940, đồng chí bị địch bắt giải về phủ Kiến Xương giam giữ, nhưng không tìm được chứng cứ, địch buộc phải thả. Chớp thời cơ, tổ chức bí mật đưa đồng chí thoát ra khỏi địa phương, tiếp tục hoạt động ở nơi khác. Tháng 10-1940, đồng chí được Đảng đưa về hoạt động bí mật ở căn cứ Lạng Giang và dự lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày. Được nghe các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh giảng về chính trị. Tháng 4-1941, Hoàng Văn Thái có mặt ở Bắc Sơn. Cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra tại đây và đồng bào các dân tộc đang trải qua cuộc đấu tranh quyết liệt, chống khủng bố của địch.
Mùa thu 1941, đồng chí Hoàng Văn Xiêm được cử đi học ở trường Quân sự Liễu Châu, Trung Quốc cùng với các đồng chí Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập. Học viên của trường là một số thanh niên Hoa kiều ở Thái Lan và thanh niên Việt Nam. Ngoài đoàn Việt Minh, các nhóm Việt Quốc và Việt Cách cũng có người theo học. Thời gian học tập ở trường, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn học viên Việt Nam và luôn có nhận thức, lý luận cách mạng vững mạnh, phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết được mọi người giữ vững quan điểm của mặt trận Việt Minh, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của hai nhóm Việt Quốc và Việt Cách.
Cuối năm 1944, Hoàng Văn Xiêm, lúc này có bí danh là Hoàng Văn Thái, được tuyển chọn vào đội ngũ 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Sau chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần, đội phát triển thành đại đội, đồng chí được giao phụ trách công tác tình báo và lập kế hoạch tác chiến khi đơn vị chuẩn bị đánh đồn Đồng Mu. Theo lời gợi ý của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Văn Thái đã thức trắng đêm để sáng tác bài hát “Phất cờ Nam tiến”, đây là bài hành khúc ca đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 3-1945, đồng chí được giao chỉ huy cánh quân giành chính quyền ở Chợ Đồn. Trong khi đang tổ chức các lớp huấn luyện quân sự ở đây, đồng chí nhận được lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn giao mọi việc cho những người lãnh đạo địa phương và chuyển quân xuống Chợ Chu (Định Hóa, Tuyên Quang) tổ chức chính quyền xã, huyện của vùng giải phóng, đồng thời tiếp tục chỉ đạo và tổ chức huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ chiến đấu và các cán bộ đoàn thể để chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Tháng 4-1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ quyết định sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân (ngày 15-5-1945) và quyết định thành lập Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách.
Cách mạng tháng 8-1945, đồng chí tham gia giành chính quyền ở Lục An Châu rồi sau đó đưa quân về phối hợp với quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương giành chính quyền ở Tuyên Quang. Ngày 07-9-1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tổng tham mưu của Quân đội quốc gia (sau là này Quân đội nhân dân Việt Nam) và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng, với lời căn dặn: “Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng nay Đoàn thể lập Bộ Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước. Bộ Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ: tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”(2). Là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên, đồng chí Hoàng Văn Thái tập trung công sức xây dựng hệ thống tham mưu các cấp từ Tổng hành dinh đến các đơn vị chủ lực, địa phương. Ngay khi mới vừa thành lập, đồng chí đã bắt tay vào việc đối phó với cuộc gây hấn quân sự của Pháp ở Nam Bộ ngày 23-9-1945. Đồng chí chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng chiến đấu, điều động cán bộ chỉ huy từ miền Bắc vào để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.
Quân Pháp núp bóng quân Anh nhân danh quân đồng minh trở lại xâm lược Việt Nam. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo mặt trận Hải Phòng từ ngày 20-11 đến ngày 27-11-1946. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, đồng chí cùng với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là những người phê duyệt kế hoạch tác chiến của đồng chí Vương Thừa Vũ (sau này là Trung tướng - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Bản thân đồng chí Hoàng Văn Thái trên cơ sở những kinh nghiệm ở Hải Phòng, đã xây dựng thế trận liên hoàn, vững chắc và khu vực tác chiến nhằm kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong lòng thành phố.
Ngày 26-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định đồng chí Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam đầu tiên kiêm chức Đại đoàn trưởng Đại đoàn Độc Lập. Tháng 01-1948, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chủ tịch sắc phong quân hàm cấp Thiếu tướng của quân đội ta.
Chiến dịch Biên Giới (từ ngày 16-9 đến ngày 14-10-1950), đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch. Trong chiến dịch này, đích thân tướng Hoàng Văn Thái chỉ huy trận đánh then chốt ở Đông Khê trên đường số 4, mở cửa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong trận đánh Đông Khê, lúc đầu diễn ra không thuận lợi, đồng chí đã ra tận chiến hào chỉ đạo, động viên bộ đội giữ chốt. Khi quân Pháp đánh chốt, đồng chí ở lại giữ chốt cùng bộ đội. Tiếp theo đó, đồng chí tiếp tục làm Tham mưu trưởng các chiến dịch quan trọng khác, như Chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám (năm 1951). Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ - góp phần làm nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu.
Sau khi miền Bắc giải phóng, ngày 10-4-1958, đồng chí được bổ nhiệm kiêm chức Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn của Quân đội nhân dân Việt Nam theo Sắc lệnh 61/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đảm nhậm việc chỉ đạo công tác huấn luyện quân sự của toàn quân lúc bấy giờ (nay là Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), huấn luyện chiến đấu đối với cán bộ và chiến sĩ các quân - binh chủng trong toàn quân và trực tiếp chỉ đạo công tác các nhà trường của Quân đội ta; chỉ đạo công tác huấn luyện các lực lượng vũ trang cách mạng.
Ngày 31-8-1959, được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng nhưng đồng chí Hoàng Văn Thái đã từ chối, chỉ nhận quân hàm Trung tướng, trở thành một trong bốn Trung tướng được phong đợt 2. Năm 1960, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, được phân công kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao đầu tiên của Chính phủ (tương đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hiện nay). Năm 1961, đồng chí được cử đi học ở Học viện Quân sự cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tháng 3-1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện khởi đầu của chiến lược Chiến tranh Cục bộ với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của động thái này, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định cử một trong những cán bộ cao cấp nhất của quân đội để nắm giữ địa bàn sát cận giới tuyến là Quân khu V. Tháng 02-1966, đồng chí nhận nhiệm vụ truyền đạt Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng cho các đồng chí lãnh đạo chỉ huy miền Nam. Tháng 8-1966, Tướng Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V; Quyền Bí thư Khu ủy Khu V. Với những kinh nghiệm thu được tại Quân khu V, năm 1967, sau khi Mỹ tăng cường số quân vào miền Nam Việt Nam lên gấp nhiều lần, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định cử đồng chí vào Nam giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Mười Khang.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đồng chí Hoàng Văn Thái với tư cách là Tư lệnh và chỉ huy trực tiếp lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, như Chiến dịch Lộc Ninh từ ngày 27-10 đến ngày 10-12-1967, Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Tây Ninh từ ngày 17-8 đến ngày 28-9-1968, Chiến dịch Xuân hè năm 1972 (Chiến dịch tổng hợp năm 1972). Người Mỹ từng gọi đồng chí là “con cọp ba chân” và cũng là người đứng đầu trong danh sách Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam. Đồng chí đã chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng lần lượt đánh bại hầu hết các chiến lược, chiến thuật quân sự của Mỹ, ngụy, mở ra cục diện mới cả thế và lực trên chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Tháng 4-1974, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong hàm Thượng tướng. Là một Chỉ huy giàu kinh nghiệm trên chiến trường miền Nam, đồng chí được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, tập trung chỉ đạo chi viện kịp thời cho các chiến trường. Với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất, đồng chí trên thực tế đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho tướng Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta đã kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh, gian khổ, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Đồng chí vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa II, IV, V và đại biểu Quốc hội khóa VII.
Năm 1980, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong hàm Đại tướng và được phân công đảm nhiệm chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ. Giai đoạn này đồng chí đã tập trung nghiên cứu và hoàn thành nhiều tác phẩm, tài liệu có giá trị về quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đột ngột qua đời vào hồi 5 giờ 7 phút sáng ngày 02-7-1986, sau một cơn đau tim tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thọ 71 tuổi.
Với những cống hiến to lớn, Đại tướng Hoàng Văn Thái được các tướng lĩnh Quân đội ta đánh giá cao: Đồng chí là vị tướng trận mạc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một nhà chỉ huy quân sự tài năng, xuất sắc và đức độ; là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng là người học trò ưu tú của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Hoàng Văn Thái, luôn nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt việc nước, việc quân lên trên hết...; sống nhân hậu, tình nghĩa, được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục, đúng như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: Đại tướng Hoàng Văn Thái là một người cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng ta, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đức độ và tài năng.
Đại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên, Đại tướng Hoàng Văn Thái đóng góp rất lớn cho việc hình thành tổ chức cũng như nhân sự cho Bộ Tổng tham mưu. Đức tính cần cù, ham học hỏi giúp đồng chí có được kiến thức sâu, kinh nghiệm phong phú, từ đó tìm ra phương án tổ chức phù hợp và nhanh chóng cho Bộ Tổng tham mưu của Quân đội ta. Đồng chí cũng là người tham gia xây dựng kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt từ khi thành lập (năm 1944) đến năm 1986.
Đại tướng Hoàng Văn Thái với kiến thức và tài năng quân sự hiếm có đã trở thành một nhà chỉ huy quân sự tài năng, xuất sắc. Đồng chí là người tổ chức và là người nghĩ ra cách ký hiệu các cấp của các đơn vị Quân đội ta bằng các chữ cái (Cụ thể: A-Tiểu đội, B-Trung đội, C-Đại đội, D-Tiểu đoàn, E-Trung đoàn, F-Sư đoàn) để cho dễ gọi hơn, Việt hơn và đặc biệt thể hiện sự độc lập đối với những “di sản” do người Pháp để lại,…
Từ những trải nghiệm trên chiến trường và trên nhiều cương vị công tác, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh và xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược, xây dựng ngành lịch sử Quân sự Việt Nam. Đại tướng đã viết nhiều tác phẩm hồi ký, luận văn quân sự và nhiều bài viết đăng trên báo, tạp chí có giá trị cả lý luận và thực tiễn, điển hình như Mấy vấn đề về chỉ huy và tham mưu (Nxb. Quân đội nhân dân, 1983), Cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1952 (Nxb. Quân đội nhân dân, 1985), Mấy vấn đề về tổng kết chiến tranh và viết lịch sử, (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 1985),… Các tác phẩm, công trình nghiên cứu của Đại tướng đều là những tài sản tinh thần vô giá cho Đảng, Quân đội và nhân dân ta.
Với những cống hiến xuất sắc và phẩm chất trong sáng, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương: Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì); Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Nhiều tên phố, tên đường trên khắp các tỉnh thành đã được đặt theo tên Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Mãi mãi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn những cống hiến to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái đã đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của nhân dân và dân tộc ta./.
-------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Lời phát biểu của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày mất Đại tướng Hoàng Văn Thái (1986 - 1996)
(2) “40 năm chiến đấu và trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu”, Tạp chí Quân đội nhân dân số tháng 9-1985, tr. 17
Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (27/04/2015)
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích phố Hiến và khai mạc các lễ hội văn hóa dân gian phố Hiến năm 2015  (27/04/2015)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2014  (26/04/2015)
Việt Nam góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn  (26/04/2015)
Các nước châu Âu ủng hộ nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế  (26/04/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên