Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
TCCSĐT - Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là ba nước có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là có chung vận mệnh lịch sử; từ rất sớm, nhân dân ba nước đã đoàn kết bên nhau chống thù chung, góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Theo dòng chảy thời gian, tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước ngày càng được bồi tụ, vun đắp và nhân lên mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ.
Sát cánh bên nhau chống kẻ thù xâm lược
Sau thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ, thực hiện Học thuyết “Đô-mi-nô” trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đế quốc Mỹ nhanh chóng “nhảy vào” thế chân Pháp hòng ngăn chặn, phá hoại tình đoàn kết chiến đấu và sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, biến nơi đây thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.
Trước tình hình đó, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định: “Để chiến thắng đế quốc Mỹ mạnh hơn ta gấp bội, chúng ta phải luôn luôn giương cao ngọn cờ quốc tế vô sản…, chủ động đề ra và nhất quán thực hiện những quyết sách về đoàn kết, liên minh với hai nước láng giềng là Lào và Cam-pu-chia nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, bồi dưỡng mạnh mẽ thực lực kháng chiến của ta; đồng thời, ra sức giúp đỡ các nước bạn xây dựng, củng cố và tăng cường thực lực cách mạng, thực hiện đoàn kết thành một khối thống nhất vững chắc chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai”(1).
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng ba nước Đông Dương và sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” đối với miền Nam Việt Nam. Chiến lược đó cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Lào và tăng cường phá hoại con đường hòa bình, trung lập của Vương quốc Cam-pu-chia đã đặt tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương đứng trước thử thách mới. Trong hoàn cảnh đó, từ ngày 01 đến 09-3-1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương đã diễn ra tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) để biểu thị tình đoàn kết chống Mỹ, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Hội nghị thông qua nghị quyết cực lực lên án Chính phủ Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và tiến công khiêu khích Cam-pu-chia; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tình đoàn kết chiến đấu chân thành và bền vững của các dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Thành công của Hội nghị nhân dân Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia phản ánh nguyện vọng và quyết tâm đoàn kết chiến đấu, đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương, phong trào phản đối Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ngày càng dâng cao trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, để tăng cường tình đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung giữa nhân dân ba nước, trong hai ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đã diễn ra gần khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Hội nghị ra tuyên bố chung, nêu rõ “quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước trong khi ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung, cũng như sau này trong việc hợp tác lâu dài xây dựng đất nước theo con đường riêng của mình”(2). Sau Hội nghị cấp cao này, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước ngày càng phát triển, giành được những thắng lợi quyết định, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến. Ở chiến trường Lào, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân dân nước bạn đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt của đế quốc Mỹ và phái hữu, tiếp theo là thắng lợi trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972). Trong khi đó, ở chiến trường Cam-pu-chia, những hoạt động phối hợp tác chiến giữa quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đã đánh bại cuộc hành quân “Chen La I” (tháng 6-1970), “Toàn Thắng” (tháng 02-1971 và “Chen La II” (tháng 8-1971) của đế quốc Mỹ, qua đó mở ra cục diện mới cho cách mạng Cam-pu-chia, đồng thời tạo thế chiến lược có lợi cho quân và dân ta ở miền Nam mở những cuộc tiến công chiến lược để giành thắng lợi lớn hơn.
Sau những thất bại nặng nề, liên tiếp về quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương, nhất là tại chiến trường Việt Nam, tại Pa-ri, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-01-1973), cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chấp nhận để chính quyền tay sai ở Lào ký Hiệp định Viêng Chăn (ngày 21-02-1973) về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc lần thứ ba ở Lào. Ở Cam-pu-chia, lực lượng kháng chiến không ngừng phát triển và nhanh chóng giành được ưu thế quân sự trên chiến trường, giải phóng được hơn 2/3 đất đai gồm hầu hết các vùng nông thôn, thị trấn, thị xã. Thế và lực của cách mạng ba nước Đông Dương ngày càng phát triển. Các vùng giải phóng ba nước được nối liền và mở rộng, hình thành thế liên hoàn vững chắc, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang ba nước tiếp tục phát huy sức mạnh, cùng đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Phát huy thành quả đạt được, bước sang năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và cách mạng Cam-pu-chia tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Ngày 17-4-1975, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Cam-pu-chia kết thúc không chỉ là kết quả đấu tranh của một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất, được phát huy cao độ bởi một đường lối đúng đắn, sáng tạo, mà còn là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, trong đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân Việt Nam anh em, bởi “trong những tháng đầu của cuộc kháng chiến (kể từ tháng 3, tháng 4-1970) người Bắc Việt Nam đã dựng lên một lá chắn không thể chối cãi được… nhờ thế các lực lượng vũ trang Khơ-me còn trứng nước đã có thì giờ phát triển và tăng cường; để rồi 5 năm sau, vào tháng 4-1975, đủ sức đánh bật quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Cam-pu-chia và chiếm lại Thủ đô Phnôm Pênh cùng các thành phố lớn khác trong cả nước”(3).
Nắm vững thời cơ chiến lược do cách mạng Việt Nam và Cam-pu-chia tạo ra, tháng 5-1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã kiên quyết và kịp thời phát động đấu tranh bằng “ba đòn chiến lược” (nổi dậy của quần chúng, tiến công bằng quân sự và gây áp lực, nổi dậy ly khai của một bộ phận binh sĩ) và “mũi đấu tranh pháp lý” giành quyền làm chủ trong cả nước, dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 02-12-1975.
Như vậy, với thắng lợi trong cùng một thời gian tương đối gần nhau, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương đã kết thúc vẻ vang. Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”(4).
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt
Trở lại những trang sử vẻ vang về tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không thể không nhắc tới tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ra đời từ yêu cầu khách quan của lịch sử, đáp ứng đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, một biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết thủy chung, trong sáng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thực sự tin cậy, gắn bó, chân thành hợp tác, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước.
Từ năm 1954 đến năm 1970, được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Cam-pu-chia, nhiều chuyến hàng chi viện từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa đã được vận chuyển vào Cam-pu-chia (qua cảng Xi-ha-núc Vin) rồi từ đó tiếp tục được vận chuyển vào chiến trường miền Nam, thực hiện sự chi viện kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam.
Trong những năm 1970 - 1971, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Ðông Dương, đồng thời huy động một bộ phận lực lượng tiến công tuyến vận tải chiến lược của ta với cường độ ác liệt hơn, bằng nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Trên hướng Cam-pu-chia, đế quốc Mỹ tiếp tay cho tập đoàn phản động Lon Non Xi-rích Ma-tắc đảo chính lật đổ Chính phủ trung lập N. Xi-ha-núc, khóa chặt cảng Xi-ha-núc Vin, cắt đường tiếp tế biển của Việt Nam. Ở Lào, đế quốc Mỹ thúc giục quân phái hữu Lào và quân Thái Lan mở các cuộc tiến công vào khu vực Cánh đồng Chum, Xảm Thông, Loong Chẹng ở Thượng Lào, Mường Phìn ở Trung Lào. Âm mưu của Mỹ là bao vây, cô lập, tiến tới đè bẹp cách mạng ba nước Đông Dương, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Lào hóa chiến tranh”, và “Khơ-me hóa chiến tranh”,... Từ đây, Ðông Dương trở thành một chiến trường chung của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ xâm lược, và, chiến trường Trường Sơn là chiến trường chung của nhân dân ba nước. Vì thế, bảo vệ và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là nhiệm vụ chung của cả ba nước Ðông Dương.
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh (1973 - 1975), tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn cấp tốc được mở rộng và kéo dài. Chỉ trong hai năm 1973 - 1974, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển chi viện cho chiến trường Lào, Cam-pu-chia và miền Nam Việt Nam một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972 và bằng 65,5% tổng khối lượng vận chuyển chi viện trong 17 năm trước đó (1955 - 1972), tạo điều kiện thuận lợi cho các nước bạn tiến lên giành thắng lợi vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trải qua 16 năm kể từ ngày đầu soi đường, mở lối cho đến khi kết thúc chiến tranh (1959 - 1975), vượt qua sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của đối phương, chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọng trách của mình, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó liên minh giữa ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ghi đậm dấu ấn hy sinh cao cả của ba dân tộc. Với những gì để lại, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự là con đường huyền thoại, một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối liền và vận chuyển toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến, đi tới các chiến trường quan trọng của ba nước Đông Dương. Ở đó, vừa có lực lượng vũ trang Việt Nam, vừa có lực lượng vũ trang Lào, Cam-pu-chia phân công phối hợp giữ vững vùng trời, vùng đất cho hệ thống giao thông thông suốt trong chiến tranh.
Có thể nói, tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thực tiễn hơn 20 năm đoàn kết chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ba nước Đông Dương để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:
Một là, nắm vững quan điểm đoàn kết quốc tế của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng liên minh chiến đấu toàn diện, hiệu quả, trong đó Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước.
Hai là, quán triệt sâu sắc quan điểm “Đông Dương là một chiến trường” để tổ chức và tiến hành kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Ba là, liên minh chiến đấu phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, tất cả vì mục tiêu cuối cùng của cách mạng là hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Bốn là, luôn nỗ lực hỗ trợ hết mình vì sự nghiệp đấu tranh của mỗi nước; luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi bạn trong quá trình kháng chiến, cứu nước.
Bốn mươi năm trôi qua, thế giới có biết bao sự đổi thay, nhưng bài học về tình đoàn kết chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ba nước Đông Dương vẫn vẹn nguyên giá trị, rất cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cách mạng hiện nay, nhằm đưa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
--------------------------------------------
(1) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập IX, Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 510
(2) Dẫn theo Lịch sử Cam-pu-chia, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982, tr 291
(3) N. Xi-ha-núc, Biên niên sử chiến tranh và hy vọng, Hachette Stock, 1979 (Phân viện Thông tin khoa học quân sự dịch, tháng 7-1980), tr 56
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 475
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích phố Hiến và khai mạc các lễ hội văn hóa dân gian phố Hiến năm 2015  (27/04/2015)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2014  (26/04/2015)
Việt Nam góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn  (26/04/2015)
Các nước châu Âu ủng hộ nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế  (26/04/2015)
Việt Nam - EU thúc đẩy đàm phán và ký kết FTA song phương  (26/04/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên