Có thể khẳng định rằng, chủ trương thực hiện việc bầu trực tiếp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã là chủ trương đúng và đánh dấu một bước tiến khá lớn về tiến trình mở rộng dân chủ trực tiếp ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, cần nhận rõ các khó khăn trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố dân trí và văn hóa để có biện pháp tổ chức chỉ đạo thống nhất trong quá trình thực hiện chủ trương này.

Sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đang ngày càng đi vào chiều sâu. Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, bảo đảm cho dân tiếp xúc dễ dàng các cơ quan công quyền, có điều kiện kiểm tra cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm việc với dân(1). Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở tiến tới tổ chức bầu cử trực tiếp chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Uy ban Thường vụ Quốc hội trong Kết luận số 258/KL-UBTVQH ngày 21-9-2004 về kết quả 5 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã yêu cầu: “Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu việc mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở để trình cấp có thẩm quyền, trước mắt nghiên cứu, đề xuất thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND ở xã, phường, thị trấn”.
 
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng nhấn mạnh: “Thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn; trên cơ sở tổng kết thí điểm sẽ xem xét thực hiện chính thức chủ trương này cùng với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về việc nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã”(2). Việc triển khai thực hiện chủ trương này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, cấp ủy, chính quyền các cấp, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn tồn tại một số vướng mắc, băn khoăn cần giải quyết. Đó là:

Trước hết, việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã là vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử xây dựng chính quyền cơ sở. Khi triển khai thực hiện sẽ có điểm chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành (Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND). Ví dụ những quy định về quy trình lựa chọn, giới thiệu, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND cấp xã.

Thứ hai, tiến hành bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã trong thời điểm hiện nay khi trình độ dân trí nhìn chung chưa cao, chưa đồng đều nên cần có một lộ trình, bước đi phù hợp. Thực tế qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cho thấy tình trạng bầu hộ, bầu thay còn diễn ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là yếu tố văn hóa làng xóm, quan hệ dòng tộc, cục bộ và tâm lý của người sản xuất nhỏ còn tồn tại khá nặng ở nhiều nơi, có thể làm kết quả của cuộc bầu cử chưa thực sự khách quan, ảnh hưởng đến tính chính xác trong lựa chọn, bầu người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã ở một số đơn vị hành chính cơ sở.

Thứ ba, việc xác định địa vị pháp lý, mối quan hệ công tác giữa chủ tịch UBND được bầu trực tiếp với HĐND, với phó chủ tịch, các thành viên khác của UBND chưa có cơ sở pháp lý cần thiết, bởi hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật liên quan chỉ xác định địa vị pháp lý, mối quan hệ công tác của chủ tịch UBND do HĐND bầu ra.

Thứ tư, quy trình tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu và tổ chức bầu cử cũng như quy trình bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch UBND cấp xã ở các đơn vị thí điểm phải tiến hành theo cuộc bầu cử riêng biệt với bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, do đó sẽ phải mất nhiều thời gian, tốn kém kinh phí hơn; công tác chỉ đạo, triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ khó khăn và phức tạp hơn.

Để giải quyết tốt những khó khăn trên, hiện thực hóa một cách hiệu quả chủ trương bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã trong thực tiễn, cần làm tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về: nguyên tắc, tiêu chuẩn của các ứng cử viên; quy định về trình tự, thủ tục ứng cử, đề cử, hiệp thương lựa chọn danh sách bầu cử; nguyên tắc trúng cử...

Về tiêu chuẩn: Chủ tịch UBND cấp xã phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu đối với cán bộ, công chức theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức. Cụ thể là:

+ Có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên;

+ Tuổi tham gia lần đầu phải bảo đảm làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm), trường hợp đặc biệt cũng phải đủ tuổi để làm nhiệm vụ trọn một nhiệm kỳ (5 năm), đủ năng lực và sức khỏe để làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

+ Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với khu vực đồng bằng, phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. ở khu vực miền núi, phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nếu được bầu để giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế.

+ Chủ tịch UBND cấp xã công tác tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết nói hoặc nghe hiểu được ít nhất tiếng của một dân tộc trong số các dân tộc thiểu số ở tại địa phương đó.

Về nguyên tắc: Việc bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã theo bốn nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Về nguồn giới thiệu người ứng cử: Nên được hình thành từ 3 nguồn:

- Do Thường trực HĐND và UBND cấp xã giới thiệu;

- Do cử tri tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm, cụm dân cư... (gọi chung là thôn, tổ dân phố) giới thiệu;

- Người tự ứng cử.

Trong bầu cử trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã, một nội dung rất quan trọng là việc hình thành danh sách ứng cử viên. Nguồn ứng cử cho chức danh chủ tịch UBND cấp xã không chỉ do cấp ủy giới thiệu mà còn hình thành danh sách từ 3 nguồn trên. Do đó, cần thực hiện tốt công tác hiệp thương để bảo đảm danh sách bầu không quá đông, chỉ nên có từ 2 - 3 ứng cử viên.

Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và cách thức tổ chức bầu cử trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã nên áp dụng tương tự quy trình bầu cử đại biểu HĐND theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện hành. Cụ thể:

- Thường trực HĐND và UBND xã tổ chức hội nghị giới thiệu người ra ứng cử gồm: Ban Thường vụ đảng ủy cấp xã hoặc chi ủy chi bộ cơ sở (nơi chưa thành lập đảng bộ cấp xã); chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng, phó các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để thống nhất giới thiệu một người ra ứng cử chủ tịch UBND cấp xã.

- Thôn, tổ dân phố tổ chức hội nghị cử tri trong thôn, tổ dân phố để giới thiệu một người ra ứng cử chủ tịch UBND cấp xã.

- Người tự ứng cử, sau khi đối chiếu với các tiêu chuẩn của chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật được quyền tự ứng cử chủ tịch UBND cấp xã.

Hội đồng bầu cử xem xét các hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử từ ba nguồn giới thiệu trên đây, nếu thấy hợp lệ thì chuyển đến Ban Thường trực Uy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Trên cơ sở tổng hợp số lượng người ứng cử chủ tịch UBND cấp xã do Hội đồng bầu cử chuyển đến, Ban thường trực Uy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì tổ chức Hội nghị hiệp thương của Uy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để hiệp thương, lựa chọn giới thiệu 2 người có số phiếu tín nhiệm cao nhất ra ứng cử chủ tịch UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết về trình tự bầu cử và kết quả bầu cử; quy định trình tự, thời gian, các bước tiến hành cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở các quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND; quy định cách thức kiểm phiếu, xác định kết quả bầu cử và điều kiện trúng cử chủ tịch UBND cấp xã; những trường hợp bầu cử lại chủ tịch UBND cấp xã; tổng kết bầu cử, phê chuẩn kết quả bầu cử và báo cáo kết quả bầucử.

Hai là, đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã.

Thực tiễn lịch sử chứng minh dân chủ trực tiếp chỉ có thể hiện thực hóa được trên nền xã hội có mặt bằng văn hóa - dân trí phù hợp, người dân ý thức cao về quyền và trách nhiệm trước lá phiếu của mình. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện quy chế bầu cử, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân hiểu biết về quy định của pháp luật về bầu cử, về ý thức và trách nhiệm xã hội của công dân khi tham gia quản lý xã hội, quản lý nhà nước (vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng).

Trong điều kiện trình độ dân trí hiện nay và những yếu tố tiêu cực về quan hệ làng xã, dòng tộc của người dân, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân cho mỗi người cầm phiếu đi bầu là công việc vô cùng hệ trọng. Chỉ khi mỗi người dân ý thức trách nhiệm trước lá phiếu của mình, không bị ràng buộc trước tình cảm dòng tộc, cũng như lợi ích vị kỷ, thì kết quả bầu cử mới khách quan, đáng tin cậy.

Các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở phải đầu tư thích đáng thời gian, công sức, trí tuệ tập thể để cử tri địa phương thực hiện tốt Luật Bầu cử sau khi được ban hành với lương tâm và trách nhiệm cao của mình, trước hết cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải thực sự gương mẫu, chấp hành nghiêm và vận động người thân, gia đình thực hiện.

Việc chuẩn bị nhân sự của cấp ủy có thẩm quyền để giới thiệu ứng cử cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn, khi đó, ý Đảng hợp với lòng dân, vừa thực hiện hài hòa phương châm Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ trong một cuộc bầu cử theo thể thức dân chủ trực tiếp, vừa lựa chọn đúng, trúng người có đức, có tài, thay mặt nhân dân địa phương điều hành hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Ba là, cần tiến hành làm điểm việc bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã ở một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND và các văn bản pháp luật có liên quan) để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Cần tiến hành áp dụng bầu thí điểm chủ tịch UBND cấp xã trong phạm vi một số xã, phường, thị trấn đặc trưng ở các vùng, miền, khu vực địa lý trong cả nước, bảo đảm không làm xáo trộn tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND ở các đơn vị tiến hành thí điểm và các đơn vị chưa thực hiện việc thí điểm đó. Trước mắt, mỗi vùng, miền nên tổ chức thí điểm tại hai tỉnh, trong đó có tính đến đặc thù chính quyền đô thị - nông thôn; miền núi - đồng bằng. Tại mỗi tỉnh, thành phố được chọn, tổ chức bầu thí điểm ở cả ba loại hình xã, phường, thị trấn. Sau đó, tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm để sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để tiến hành triển khai ở quy mô toàn quốc khi điều kiện cho phép./.
 

(1) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 746
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr174