TCCSĐT - Ngày 23-8-2009, Hội chợ triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế thường niên MAKS-2009 đã khép lại sau gần 6 ngày hoạt động với dày đặc các hoạt động trình diễn công nghệ, tiệp thị, hội thảo khoa học, ký kết hợp đồng tại thành phố Giu-cốp-xcơ, ngoại ô thủ đô Mát-xcơ-va của Nga, với sự tham gia của 711 công ty từ 34 nước trên thế giới. Hội chợ triển lãm lần này là một trong những triển lãm kỹ thuật hàng không dân dụng và quân sự lớn nhất thế giới nhằm mục đích hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm của các công ty Nga trong lĩnh vực chế tạo máy bay và tên lửa - vũ trụ ra thị trường thế giới. Đây còn là sự chuẩn bị cho giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, trong đó Nga đặt mục tiêu chiếm lĩnh 5% thị phần máy bay dân dụng thế giới vào năm 2015 và 10% vào năm 2025.

Có thể nói, MAKS-2009 phản ánh hai xu hướng lớn trong sự phát triển công nghiệp quốc phòng thế giới. Một là, sử dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại để “thổi sức sống mới” cho các phương tiện kỹ thuật hàng không - vũ trụ hiện có. Hai là, thiết kế chế tạo các loại khí tài bay hoàn toàn mới, có thể tạo ra sự đột phá mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Theo hướng thứ nhất, Nga trình diễn các kiểu máy bay Su-30MK, MiG-29K được cải tiến và hiện đại hoá đến mức khó nhận ra được. Tại MAKS-2009, đại diện Công ty xuất khẩu vũ khí “Rosoboronexport” của Nga tiết lộ, Su-30MK là thế hệ kế tiếp của máy bay chiến đấu đa năng Su-27 Flanker, được trang bị các loại vũ khí và hệ thống điện tử hiện đại, chuyên dụng để giành ưu thế trên không, tiêu diệt mục tiêu trên biển và trên mặt đất bằng vũ khí chính xác cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Su-30MK đã từng được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới.

Theo hướng thứ hai, Nga trình làng mô hình công nghệ một loại khí tài bay tàng hình siêu đẳng, hay còn gọi là “đĩa bay”, có khả năng bay với tốc độ nhanh gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh. Sự kiện này gây ấn tượng khó quên và rất đỗi ngạc nhiên cho tất cả những ai có mặt trong Hội chợ hôm đó. Các chuyên gia kỹ thuật hàng không Nga trình diễn mô hình hàng chục “khí tài bay không thể phát hiện” của Viện Nghiên cứu Thử nghiệm khí tài bay, hoặc “đĩa bay”, có khả năng bay nhanh gầp nhiều lần tốc độ âm thanh. Theo Tiến sĩ Ni-cô-lai Gri-gô-ri-ép, các tên lửa hành trình hiện đại nhất ở nước ngoài chỉ có thể bay với tốc độ 2-3 Mach (Mach là số đo tốc độ của âm thanh trong không khí), nhưng các khí tài bay mới của Nga đã đạt tới tốc độ 6 Mach, thậm chí có loại bay nhanh tới 25 Mach! Theo các kiến trúc sư Nga, hiện nay họ đang dùng công nghệ này để chế tạo máy bay chở khách. Với máy bay này, hành khách có thể bay từ thủ đô Mát-xcơ-va của nước Nga tới thành phố Xít-ni của Ốt-xtrây-li-a chỉ trong vòng 2 giờ! Theo giới phân tích, công nghệ chế tạo “đĩa bay” có khả năng bay với tốc độ nhanh gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh của Nga hiện là thành tựu độc nhất vô nhị trên thế giới. Theo đại diện của Viện Chế tạo động cơ máy bay trung ương của Nga, đến năm 2012, Nga sẽ cho bay thử nghiệm máy bay - đĩa bay tàng hình đầu tiên.

Ngoài ra, các kỹ sư Nga áp dụng công nghệ đĩa bay tàng hình để chế tạo thành công tên lửa hành trình chuyên dùng để tiến công tàu chiến và bay với tốc độ cực nhanh tới mức không một loại ra-đa nào có thể phát hiện được. Với những tên lửa hành trình siêu cao tốc này thì không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đánh chặn được. Đạt được thành tựu đầy ấn tượng này trong điều kiện nền kinh tế Nga vừa thoát khỏi những năm tháng dài sau khi Liên Xô sụp đổ là do Chính phủ Nga đặc biệt quan tâm phát triển ngành hàng không và vũ trụ, coi đó là một trong những ưu tiên chiến lược.

Cũng theo hướng thứ hai, các tập đoàn hàng đầu của ngành công nghiệp hàng không Nga Sukhoi và MiG giới thiệu những thiết kế mới nhất, như máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và MiG-35, máy bay ném bom tầm xa Su-32, máy bay chở khách tầm trung SuperJet-100, máy bay chở khách đường dài mới MS-21. Theo giới phân tích quân sự, máy bay chiến đấu thế hệ mới Su-35 của Nga có khả năng tàng hình và nhiều tính năng khác vượt trội hơn máy bay chiến đấu tàng hình F22 của Mỹ vừa đưa vào trang bị nhưng đang gây tranh cãi trong Quốc hội là có nên tiếp tục sản xuất hàng loạt hay không. Đặc biệt, tại MAKS-2009, các nhà khoa học Nga đã trình bày một loại hình công nghệ hoàn toàn mới dùng để điều khiển các máy bay chở khách siêu âm trong tương lai, gọi là công nghệ plát-ma (plazma). Với công nghệ này, có thể dễ dàng cho cất và hạ cánh các máy bay dân dụng siêu âm như điều khiển các máy bay chở khách hiện nay.

Tại MAKS-2009, lần đầu tiên, Nga trình diễn máy bay không người lái đồng thời làm hai nhiệm vụ trinh sát và tiến công mục tiêu “Dozor-600”, tương tự như máy bay không người lái tiến công của Mỹ “Global Hawk”. Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga phải nhập từ I-xra-en nhiều loại máy bay không người lái có công dụng khác nhau. Theo nhận xét của ông Gen-na-đi Trup-nhi-cốp, Tổng công trình sư của Nga, “Dozor-600” là một tổ hợp trinh sát - tiến công, có khả năng bay thường trực trên không 24 giờ và được trang bị các loại vũ khí điều khiển chính xác cao. Dozor-600 nặng 640 kg, bay với tốc độ 150km/giờ, tốc độ tối đa 210 km/giờ, trần bay cao 7.500 m, tầm hoạt động xa 3.700 km, hạ cánh như máy bay bình thường.

Phát biểu tại lễ khai mạc MAKS-2009, Thủ tướng Nga V.Pu-tin khẳng định, việc phát triển ngành hàng không và vũ trụ sẽ cho phép Nga đa dạng hóa hoạt động kinh tế trên cơ sở sử dụng thành tựu công nghệ cao. Từ năm 2004, đầu tư của Nga cho ngành hàng không và vũ trụ đã tăng 20 lần so với đầu những năm 1990. Riêng trong năm 2009, chính phủ đã chi tới 80 tỉ rúp (khoảng 2,5 tỉ USD) để mua máy bay sản xuất trong nước và tái trang bị kỹ thuật cho các nhà máy chế tạo máy bay. Theo ông V.Pu-tin, Nga sẵn sàng hợp tác rộng rãi với các đối tác và tại MAKS-2009, Nga đã ký được hàng chục hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Theo số liệu của Ban tổ chức Hội chợ, trị giá các hợp đồng Nga đã ký với các đối tác lên tới con số 10 tỉ USD. Hiện nhiều nước như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Vê-nê-du-ê-la, An-giê-ri, Ma-lai-xi-a, Li-bi, Bra-xin, Ê-qua-đo, Chi-lê, v.v. đều quan tâm đặc biệt tới các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-35, Su-30MK, MiG-35, MiG-29K của Nga./.