Đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô: Nói dễ, làm khó
TCCSĐT - Việc đóng cửa nhà tù Goan-ta-na-mô, một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma, đang gặp trở ngại từ nhiều phía trong khi thời hạn tháng 1- 2010 đang tới gần.
Sắc lệnh đóng cửa nhà tù quân sự Goan-ta-na-mô là một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông B.Ô-ba-ma trên cương vị Tổng thống, được ký chỉ một ngày sau lễ nhậm chức. Đây là nhà tù nằm trên phần lãnh thổ của Cu-ba mà Mỹ chiếm đóng trái phép, luôn bị coi là biểu tượng vi phạm nhân quyền, là "vết nhơ" trong lịch sử nước Mỹ. Do đó dễ hiểu vì sao mà ông Ô-ba-ma lại kỳ vọng việc đóng cửa nhà tù này sẽ nhanh chóng khôi phục hình ảnh của Mỹ trên thế giới. Song giờ đây, việc thực thi quyết định trên đang đặt chủ nhân của Nhà Trắng vào giữa hai "làn đạn", với nhiều vấn đề nan giải.
Vẫn nỗi lo khủng bố
Với 90 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Thượng viện, nơi đảng Dân chủ của Tổng thống Ô-ba-ma chiếm đa số, đã nhất trí hôm 20-5 về việc tiếp tục mở cửa nhà tù quân sự Goan-ta-na-mô trong một thời gian xác định, phản đối việc chuyển tù nhân ở đây về các trại giam tại Mỹ. Ngoài ra, Thượng viện đã nói "không" với khoản chi trị giá 80 triệu USD mà chính quyền Ô-ba-ma đề xuất để đóng cửa nơi vẫn được gọi với cái tên "địa ngục trần gian" này.
Cái "lắc đầu" từ chối của Thượng viện là động thái diễn ra sau các diễn biến tương tự của Hạ viện trước đó một tuần, cũng như sau những chỉ trích gay gắt từ các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và từ chính một số thượng nghị sỹ đảng Dân chủ. Phía đảng Cộng hòa cho rằng, chính quyền Ô-ba-ma cùng đảng Dân chủ đã không có bất cứ kế hoạch gì đối với hơn 240 nghi phạm khủng bố đang bị giam giữ ở Goan-ta-na-mô và họ không chấp nhận đưa số nghi can này vào đất Mỹ. Đáng chú ý hơn, một số thành viên cấp cao của đảng Dân chủ cũng đồng ý kiến với yêu cầu về bản kế hoạch chi tiết.
Không chỉ có vậy, ông Ô-ba-ma đã bị "dội" một "gáo nước lạnh" khi Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) R.Mu-ê-lơ, một thành viên quan trọng trong chính quyền Ô-ba-ma, đã công khai bày tỏ lo ngại trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng: việc chuyển tù nhân ở nhà tù Goan-ta-na-mô tới các trại giam trên lãnh thổ Mỹ sẽ khiến Oa-sinh-tơn có nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Trước đó, đề xuất này cũng đã vấp phải sự ngăn cản từ chính quyền một số bang và địa phương liên quan. Hội đồng lập pháp bang Mít-xu-ri thông qua nghị quyết kêu gọi Quốc hội không đưa các nghi can từ Goan-ta-na-mô về bang này. Ca-li-phoóc-ni-a, nơi đóng đô của trại Pen-lê-tơn, một trong những địa điểm có thể được sử dụng để giam các nghi can từ Goan-ta-na-mô, cũng đã có bước đi tương tự. Môn-ta-na, thành phố tình nguyện mở cửa nhà tù đang bỏ trống của mình, đã bị toàn bộ nghị sỹ bang phủ quyết. Danh sách các địa phương phản đối chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó khi mà cuộc tranh cãi về vấn đề này ngày càng thu hút sự quan tâm, gây hoang mang và chia rẽ dư luận Mỹ.
Đòn phản công của đảng Cộng hòa
Đặc biệt, những người Cộng hòa, sau thất bại tại cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, đã đẩy cuộc tranh cãi này thành chủ đề phản công đảng Dân chủ, với việc làm "to chuyện", cáo buộc chính sách an ninh của Tổng thống Ô-ba-ma đang làm cho nước Mỹ trở nên mất an toàn hơn. Lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ M.Mác Côn-nen công kích rằng "bằng việc đưa các nghi can khủng bố vào các cộng đồng dân cư Mỹ, chính quyền đang đặt người dân Mỹ vào chỗ nguy hiểm". Cũng vậy, cựu Phó Tổng thống Đ.Che-ny phát biểu "đưa những thành phần nguy hiểm nhất trong những kẻ khủng bố nguy hiểm vào đất Mỹ là du nhập một hiểm họa lớn cho những năm tháng sắp tới''.
Quyết định đóng cửa nhà từ Goan-ta-na-mô của Tổng thống Ô-ba-ma cũng đặt các thành viên đảng Dân chủ trước một sức ép không nhỏ. Thượng nghị sỹ Dân chủ Mác Cát-xkin thừa nhận đảng Dân chủ đang phải chịu sức nóng chính trị từ vấn đề này. Trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Thượng viện, phe Dân chủ tại Hạ viện đã phải tách đề nghị chi 80 triệu USD cho việc đóng cửa trại giam Goan-ta-na-mô khỏi dự luật ngân sách khẩn cấp dùng cho cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Sự phản đối trên của Thượng viện chưa phải là câu trả lời cuối cùng. Trong tháng 6 tới, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật ngân sách chiến tranh, do vậy Nhà Trắng sẽ có thêm thời gian để "vận động hành lang" nhằm đạt được thỏa thuận cho phép Tổng thống thực hiện cam kết tranh cử của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đưa bản kế hoạch này vượt "vũ môn" dư luận Mỹ.
Trong không ấm, ngoài khó êm
Theo các nhà bình luận, những "tin xấu" liên tiếp trên sẽ khiến ông Ô-ba-ma gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thuyết phục các nước đồng minh của Mỹ tiếp nhận tù nhân Goan-ta-na-mô. Nhiều nước chỉ cam kết tiếp nhận tù nhân sau khi Oa-sinh-tơn đã thống nhất quan điểm về vấn đề này.
Và theo hướng giải quyết của chính quyền Ô-ba-ma, trong số hơn 240 nghi phạm khủng bố, một số tên sẽ bị đưa ra xét xử ở những tòa án dân sự bình thường, hoặc tại các ủy ban quân sự. Một số khác sẽ tiếp tục bị giam giữ tại các trại giam trong vùng nội địa của Mỹ và đây là nhóm gây đau đầu nhất bởi chúng không thể bị đem ra xét xử do thiếu bằng chứng buộc tội, nhưng cũng không thể trả tự do vì đây là những phần tử được đánh giá là rất nguy hiểm.
Hiện, các đồng minh châu Âu đang được Oa-sinh-tơn đặt nhiều kỳ vọng nhất. Pháp mới đón nhận một cựu tù Guan-ta-na-mô người An-giê-ri. Sắp tới một số tù nhân có thể sẽ được chuyển tới Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đầu tháng 5 này, Đức đã nhận được một danh sách khoảng 10 tù nhân... Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian nữa vấn đề tiếp nhận tù nhân Goan-ta-na-mô mới đạt được sự đồng thuận trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khi mà Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan và cả Áo đang tỏ ra hết sức do dự trong chuyện này. Ngay tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ W. Xchau-blơ, người có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp nhận tù nhân Goan-ta-na-mô tại nước này, cũng thắc mắc tại sao Mỹ không cho phép những tù nhân này cư trú trên lãnh thổ của mình nếu như họ không nguy hiểm?
Theo các nhà phân tích, các nước châu Âu, vốn từng đi đầu trong việc chỉ trích sự chệch hướng trong chính sách chống khủng bố do chính quyền Bu-sơ phát động và tình trạng vi phạm quyền con người tại nhà tù Goan-ta-na-mô, sẽ không giúp Mỹ dọn dẹp trong thời hạn ngắn nhất "mớ hỗn độn" này. Những người phản đối nêu ra hai lập luận để từ chối hợp tác. Một là, mối quan ngại về an ninh trước các cựu tù Goan-ta-na-mô, vốn được chính quyền Bu-sơ đánh giá là những kẻ khủng bố "nguy hiểm nhất". Hai là, việc Mỹ sử dụng châu Âu để giải quyết các vấn đề do chính Oa-sinh-tơn gây ra.
Mặc dù một số nước đã đồng ý về mặt nguyên tắc giúp Mỹ tiếp nhận các cựu tù Goan-ta-na-mô nhưng không phải vì thế mà lo lắng về an ninh đã được giải tỏa. Đó là lý do giải thích tại sao phần lớn các nước EU đã nêu "điều kiện", gắn việc tiếp nhận tù nhân với yêu cầu Mỹ phải trao lại cho họ toàn bộ tài liệu liên quan đến những đối tượng này để nghiên cứu tỉ mỉ từng trường hợp nhằm đưa ra quyết định "đúng đắn". Mặt khác, một số nước đang "mặc cả" về số tiền bồi thường hay các khoản "đối ứng" để bù lại việc chia sẻ gánh nặng mà đáng ra Mỹ phải tự mình giải quyết.
Dù sao thì cả châu Âu và Mỹ cũng vẫn gặp nhau ít nhất ở hai điểm chung: Thứ nhất, là sự sợ hãi về nguy cơ của các cựu tù Goan-ta-na-mô có thể gây ra đối với sự an toàn của chính họ; thứ hai, là khó khăn trong việc tìm ra giải pháp tối ưu để khép lại trang sử đen tối Goan-ta-na-mô trong thời gian ngắn nhất có thể./.
Về vấn đề giám sát trong Đảng  (27/05/2009)
Thực hiện mục tiêu kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo đảm an sinh xã hội  (27/05/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9: dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác Á- Âu  (27/05/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9: dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác Á- Âu  (27/05/2009)
Tuyên bố của Chủ tịch - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9  (27/05/2009)
Bắc Giang tăng cường hướng về tổ chức cơ sở đảng  (27/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay