TCCSĐT - Ngày 24-12-2013, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đồng tổ chức hội thảo: “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam”.

Tính đến thời điểm ngày 01-11-2013, dân số Việt Nam đã đạt 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Nhận thức rõ về vai trò của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là những lợi thế phát triển kinh tế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Hội thảo đã đề cập thẳng thắn, cụ thể nhiều vấn đề liên quan, như: những tác động tích cực và tiêu cực của biến đổi dân số và cơ cấu dân số đến sự phát triển kinh tế ở Việt Nam theo từng giai đoạn trước, trong và sau thời kỳ dân số vàng; hiện trạng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng; cơ cấu dân số vàng nông thôn và cơ hội cho sự phát triển khoa học và công nghệ; quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số vàng và nhân lực khoa học - công nghệ... Từ nhận thức về những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về các giải pháp kinh tế trong giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những giải pháp để phát huy tiềm năng nữ trong khoa học và công nghệ. 

Trên thực tế, tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ trở thành gánh nặng nếu quốc gia đó không giải quyết được vấn đề việc làm, có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp. Chín mươi triệu dân sẽ tạo ra một áp lực toàn diện lên sự phát triển của Việt Nam trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt đây sẽ là bài toán khó trong việc giải quyết việc làm và đào tạo lao động, nếu chúng ta không sớm có giải pháp thỏa đáng và kịp thời. Một vấn đề nữa là, tuy quy mô dân số lớn nhưng quy mô gia đình lại nhỏ, tạo sức ép rất lớn cho việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội như y tế và giáo dục, vì vậy, nguồn nhân lực chỉ trở thành sức mạnh của toàn xã hội khi nó được sử dụng đúng mục đích, đúng khả năng và được đầu tư thỏa đáng.

Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện dân số vàng ở Việt Nam, trong đó, công tác bồi dưỡng và sử dụng nhân tài được xem là giải pháp quan trọng nhất đối với sự phát triển nhân lực khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định ưu tiên của quản lý nhà nước về giáo dục đối với nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho công nghiệp hóa trong điều kiện cơ cấu dân số vàng; phát triển đội ngũ y bác sĩ trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ theo nhu cầu thị trường lao động; phát huy tiềm năng nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ…

Trong công tác bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, các nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh việc tạo lập môi trường khoa học thuận lợi cho công tác nghiên cứu và triển khai thực hiện; mạnh dạn sử dụng, trao trọng trách và tạo điều kiện để các nhà khoa học được thử thách trong môi trường sáng tạo. Mặt khác, cần có quy định cơ chế đãi ngộ hợp lý về cả vật chất và tinh thần, đánh giá đúng và công bằng về năng lực, cống hiến của các nhà khoa học. Đặc biệt, cần có quy định cơ chế bảo vệ nhân tài, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Chính sách trọng dụng nhân tài đúng đắn sẽ không chỉ tạo ra được những sản phẩm khoa học ngang tầm với sự đòi hỏi của thời kỳ mới, mà còn phát huy tối đa đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ dân số vàng./.