TCCSĐT - Ngày 21-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học: Cán bộ công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp FDI. Đây là một trong các hoạt động của chương trình hợp tác nghiên cứu năm 2013 giữa Viện CNXH khoa học (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và Văn phòng Rosa Luxemburg tại Hà Nội (RLS).

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý Việt Nam và CHLB Đức cùng các cán bộ quản lý và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội.

Hội thảo là hoạt động tiếp tục những nghiên cứu của năm 2012 trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện CNXH khoa học và Văn phòng Rosa Luxemburg tại Hà Nội, tập trung vào các vấn đề: cán bộ công đoàn cơ sở bảo vệ như thế nào quyền và lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp FDI? Tiếp cận giải quyết vấn đề từ 2 hướng: Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của Đức; góp phần làm rõ hiện trạng, kinh nghiệm và đề xuất các khuyến nghị về chính sách để hỗ trợ cho cán bộ công đoàn cơ sở làm tốt hơn chức trách của mình.

Hội thảo được tiến hành theo hình thức báo cáo chuyên đề - thảo luận. Các báo cáo của Hội thảo gồm: Khung pháp lý và cơ chế hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở ở Việt Nam - Hiện trạng và vấn đề đặt ra; Hiện trạng trình độ nghiệp vụ, năng lực của cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp FDI ở Hà Nội; Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI ở Hà Nội; Kết quả nghiên cứu về vai trò, vị thế của cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, do các báo cáo viên là các nhà nghiên cứu, quản lý, giảng dạy Viện CNXH khoa học, Viện nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, Trường Đào tạo cán bộ Công đoàn Hà Nội trình bày. Song song với các báo cáo thực tiễn tình hình hoạt động công đoàn ở Việt Nam là các báo cáo về kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức do các chuyên gia Đức trình bày.

Sau một ngày làm việc, Hội thảo đã tập trung làm rõ những nhóm vấn đề sau:

- Hiện trạng về căn cứ pháp luật cho hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam và những kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật cho tổ chức và hoạt động công đoàn ở Đức - Những hạn chế, bất cập của pháp luật so với yêu cầu thực tiễn và những kinh nghiệm cần được chia sẻ.

- Thực trạng đội ngũ cán bộ công đoàn các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam trong sự so sánh với yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Những bài học kinh nghiệm về thành công và chưa thành công trong công tác này.

- Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp FDI qua thực tiễn các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội hiện nay - những vấn đề cần điều chỉnh, hoàn thiện. Kinh nghiệm của công đoàn Đức về vấn đề này và những điều có thể tham khảo, vận dụng trong thực tiễn Việt Nam.

- Những nội dung và phương thức đào tạo cần quan tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay, nhất là nhóm cán bộ công đoàn trong loại hình doanh nghiệp FDI. Kinh nghiệm của Đức trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn những năm gần đây và kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động của công đoàn trong các doanh nghiệp nói chung và ở các doanh nghiệp FDI nói riêng./.