Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, giai cấp công nhân ngày càng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, thu hút đông đảo công nhân và người lao động khắp nơi về làm việc và sinh sống. Nghiên cứu thực trạng về đời sống của đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh từ đó, đề xuất một số giải pháp để xây dựng và hoàn thiện các điều kiện văn hóa - xã hội, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Thực trạng đời sống đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh

Đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang có quá trình chuyển đổi về số lượng, cơ cấu lao động và chất lượng. Công nhân công nghiệp tuy chỉ chiếm 34% trong tổng số người lao động đang làm việc nhưng đã đóng góp 46,6% GDP và 71% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Công nhân trong các ngành chế biến chiếm 97% tổng số lao động công nghiệp. Trong những năm qua, xu hướng tập trung công nhân vào Thành phố gia tăng, đặc biệt là số lượng công nhân nhập cư. Sự chuyển dịch cơ cấu công nhân công nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ. Công nhân trong khu vực nhà nước, đến tháng 6-2006, chỉ còn 26%; công nhân khu vực ngoài quốc doanh vẫn giữ tỷ trọng 51%; công nhân khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên 23%.

Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp được tăng cường trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và công nhân. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc cải thiện quan hệ gắn bó với công nhân nên việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Bộ luật Lao động như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, bảo hiểm xã hội có chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trên.

Việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho công nhân ở Thành phố đã có bước tiến bộ. Sáu tháng đầu năm 2006 có gần 690 nghìn công nhân được thực hiện bảo hiểm xã hội, gấp hơn 2 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng không thực hiện đúng, đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội còn rất lớn (bình quân mỗi năm có khoảng 680 doanh nghiệp và gần 57 nghìn công nhân) gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp trước mắt và lâu dài của người lao động.

Chính sách tiền lương chưa trở thành động lực đối với công nhân. Nhiều chủ doanh nghiệp tìm cách giảm lương, tăng giờ làm. Việc xử lý các vi phạm pháp luật lao động còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe những vi phạm của doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng gia tăng khiếu kiện và đình công. Bình quân mỗi năm hệ thống tổ chức công đoàn của Thành phố tiếp nhận 618 đơn khiếu nại, tố cáo và nghe phản ánh của 1.360 lượt công nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2006, xảy ra 82 cuộc đình công của công nhân, diễn ra chủ yếu là ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các cuộc đình công của công nhân trên địa bàn Thành phố đều có tính tự phát và không theo đúng trình tự quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến đình công là do người sử dụng lao động vi phạm các chế độ, chính sách hoặc những thỏa thuận đối với người lao động.

Một số doanh nghiệp đã thực sự quan tâm đến môi trường lao động gắn liền với đổi mới công nghệ, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm và thực hiện yêu cầu của Nhà nước về bảo đảm vệ sinh, môi trường. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tiến hành đo đạc môi trường lao động còn quá ít và tỷ lệ mẫu không đạt yêu cầu còn cao. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chăm sóc bảo vệ sức khỏe công nhân, song không ít đơn vị lại chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Năm 2005, trong tổng số công nhân khám sức khỏe định kỳ có 39,67% mắc bệnh phụ khoa, 29,32% mắc bệnh nội khoa, 29,64% mắc bệnh tai mũi họng.

Nhìn chung đời sống vật chất của đa số công nhân đã được cải thiện do có việc làm ổn định và tính năng động phấn đấu của bản thân công nhân và gia đình họ. Tuy vậy, mức sống của đa số vẫn thấp hơn mức sống trung bình của người dân Thành phố. Hiện nay, Thành phố có khoảng 22,4% số công nhân có mức thu nhập thuộc diện khó khăn (thu nhập dưới 500.000đ/tháng). Về nhà ở, phần lớn công nhân ở nhà chung với người thân hoặc thuê chung nhà. Nhà ở cho công nhân chủ yếu do nhân dân tự phát tổ chức, thiếu những điều kiện tối thiểu để bảo đảm an ninh và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đối với vấn đề nhà ở cho công nhân nhập cư, 60,3% số công nhân phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, chật chội, bình quân đầu người chưa quá 3 m2.

Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho công nhân được Thành ủy quan tâm chỉ đạo nghiêm túc, góp phần nâng cao ý thức chính trị và trình độ nhận thức chính trị - xã hội cho công nhân. Gần 14 vạn người đã được trang bị những kiến thức về lý luận chính trị và đây là cơ sở để khôi phục chế độ học tập lý luận chính trị trong công nhân. Tuy nhiên, công tác này lại mới chỉ tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có tổ chức đảng và công đoàn hoạt động tốt. Ở các khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công việc này chưa được tiến hành hoặc tiến hành một cách hình thức, hiệu quả thấp.

Nhìn chung, trình độ học vấn của công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đồng đều. Một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao thu hút được một bộ phận công nhân có trình độ học vấn vào làm việc, còn phần lớn đội ngũ công nhân ở các ngành da giày, dệt may, chế biến thủy hải sản trình độ học vấn là trung học cơ sở (chiếm 56,7%). Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân đã được các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp quan tâm. Trong 5 năm qua có hơn 261 nghìn công nhân được nâng bậc thợ. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho công nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở khu vực ngoài nhà nước, nhiều chủ doanh nghiệp còn nặng về khai thác và sử dụng tay nghề vốn có, không quan tâm nâng cao trình độ cho công nhân, dẫn đến hạn chế năng lực sáng tạo, làm việc để nâng cao thu nhập của họ.

Về các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, xây dựng văn minh công sở và nếp sống đô thị trong công nhân viên chức Thành phố đã được các cấp ủy, chính quyền, Công đoàn và Đoàn Thanh niên quan tâm. Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Thể dục - Thể thao tổ chức sáng tác ca khúc mới về đề tài công nhân, tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, vừa duy trì định kỳ hội diễn, hội thao ở các cấp. Năm 2005, Cung Văn hóa lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình "Hát cùng công nhân" tại các địa bàn tập trung đông lao động. Trong 5 năm qua, gần 400 nghìn lượt công nhân tham gia hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Những hoạt động này góp phần nâng cao đời sống thể chất, thẩm mỹ, tình cảm tinh thần cho người lao động.

Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân nữ cũng được đặc biệt chú ý. Công tác tuyên truyền giáo dục về truyền thống phụ nữ, vai trò của phụ nữ và gia đình được quan tâm thường xuyên với sự tham gia của gần 47 nghìn nữ công nhân. Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" không những được duy trì trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, việc chăm lo cho nữ công nhân còn nhiều hạn chế. Đa số công nhân nữ đều ở lứa tuổi trẻ, phải chăm sóc con cái và gia đình. Số doanh nghiệp duy trì nhà trẻ trong cơ quan ngày càng ít đã ảnh hưởng không tốt đến việc chăm sóc con nhỏ của nữ công nhân. Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước thường tăng ca, kéo dài thời gian làm việc, nhất là các ngành da giày, may mặc, chế biến thực phẩm... đã ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của phụ nữ.

Bên cạnh một bộ phận khá đông công nhân chăm chỉ làm việc thì cũng xuất hiện một bộ phận sống buông thả, mắc vào các tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Tình hình trộm cắp, cướp giật, đánh nhau, cờ bạc, mê tín dị đoan, ma túy, mại dâm đã xuất hiện nhiều ở các khu công nhân. Tình trạng nạo phá thai trong nữ công nhân gia tăng. Tình trạng ly hôn xuất hiện nhiều. Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chỉ đến với họ gián tiếp thông qua chủ nhà trọ. Các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì tác động của các tổ chức này đối với công nhân còn mờ nhạt.

Giải pháp xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong công nhân khu công nghiệp hiện nay

1 - Xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống vật chất, văn hóa cho đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Các chủ trương, chính sách của các cơ quan đảng và nhà nước, trước hết là của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò to lớn trong việc tạo động lực cho việc xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Thành phố; trong đó, vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân đóng một vị trí đặc biệt quan trọng. Quan điểm cơ bản của các chủ trương, chính sách trên là bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa nâng cao chất lượng cuộc sống của giai cấp công nhân và bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn. Phát triển các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch tổng thể về nhà ở, dịch vụ ăn uống, dịch vụ thương mại, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ giáo dục, y tế và khu vui chơi giải trí công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của công nhân. Ở đây, cần khai thác có hiệu quả ba nguồn lực quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ công nhân: thứ nhất là sự đầu tư của Nhà nước; thứ hai là nguồn lực của bản thân các doanh nghiệp; thứ ba là nguồn lực của chính đội ngũ công nhân.

2 - Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần cho công nhân

Hiện nay, hệ thống các thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của đội ngũ công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp còn thiếu và yếu trầm trọng. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung, lãnh đạo các cấp của Thành phố cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế về văn hóa - xã hội như hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân sau giờ lao động tại khu nhà ở công nhân hoặc các khu vực có đông công nhân sinh sống. Nhà nước có thể đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa - xã hội ở các phường, xã có đông công nhân ở. Mặt khác cần khuyến khích các hoạt động văn hóa công cộng không thu tiền thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hoặc các câu lạc bộ công nhân, nhà văn hóa tự quản của công nhân.

3 - Tổ chức phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong công nhân viên chức

Đại đa số công nhân tham gia lao động trong các khu chế xuất, khu công nhân tập trung xuất thân từ nông thôn ra đô thị. Bên cạnh những thói quen, phong tục tốt đẹp mà họ mang theo, đội ngũ công nhân này cũng có cả những tập quán lạc hậu. Đó là tính tự do vô kỷ luật, đầu óc bảo thủ, bè phái, cục bộ, tính vụ lợi thiển cận, ngại học hỏi và chậm tiếp thu cái mới, tác phong lề mề, luộm thuộm, ngại va chạm, ít quan tâm đến cộng đồng... Vì vậy, xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp và nếp sống văn minh đô thị là vấn đề bức thiết, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của công nhân, phát huy vai trò tích cực của họ trong việc phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng cờ bạc, nghiện hút, buôn bán ma túy và mại dâm. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần sớm thành lập cơ sở đảng, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên để chỉ đạo và lôi cuốn công nhân vào hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh.

4 - Thực hiện tốt chính sách xã hội hóa quá trình xây dựng và hoàn thiện các điều kiện văn hóa - xã hội nhằm phát huy vai trò của đội ngũ công nhân

Chính sách xã hội hóa quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu văn hóa - xã hội của đội ngũ công nhân là một chính sách đúng đắn, nhằm khai thác và phát huy các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân. Ở đây, cần chú ý nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội cho công nhân. Nhà nước nắm sự chủ động và chủ đạo để bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, không thả nổi cho thị trường tự do xô đẩy đời sống tinh thần của công nhân. Mặt khác, cần có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở văn hóa - xã hội đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công nhân theo một quy hoạch hợp lý. Trong khi thực hiện chính sách xã hội hóa, cần khắc phục tình trạng tự do, tùy tiện, mạnh người nào người đó làm, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, cũng như việc lạm dụng chủ trương "xã hội hóa" để "tư nhân hóa", chiếm đoạt các tài sản và quỹ đất công cộng để phục vụ cho lợi ích một nhóm người nào đó.

5 - Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, các chủ doanh nghiệp và của đội ngũ công nhân trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Tình hình thực tế vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy ở nơi nào có tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị xã hội vững mạnh, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm cao thì ở nơi đó đời sống vật chất và tinh thần của công nhân được bảo đảm ổn định, vai trò tự quản của công nhân được phát huy, những tiêu cực xã hội ít ảnh hưởng. Vì vậy, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò của các chủ doanh nghiệp và các tổ chức của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Đa dạng hóa hình thức tập hợp các chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu chế xuất và khu công nhân tập trung vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

* PGS, TS, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh