Văn hóa doanh nhân thời hội nhập
Có thể nói ngay rằng, giới doanh nhân của chúng ta không có truyền thống, ít có kinh nghiệm..., vì trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp, giới doanh nhân ít được chú ý. Đến những năm 2000, cả nước có tám vạn doanh nhân. Đã đến lúc không thể không xác lập và tôn vinh vai trò của doanh nhân trong xã hội. Tôi hỏi một giáo sư sử học về đặc điểm nổi bật nhất của những ông chủ giàu có là gì? Giáo sư trả lời: "Đặc điểm của họ là hà tiện và keo kiệt". Tôi nghĩ ý kiến của giáo sư là đúng, nhưng chỉ đúng với ngày xưa, đúng với thời của những lão Gô-ri-ô và Gờ-răng-đê của Ban-dắc, lão hà tiện Mô-li-e, lão Cự Phát trong "Phất" của nhà văn Bùi Huy Phồn, An-be Thừa trong "Đống rác cũ" của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa, hai gã nhà quê bàn về làm giàu, về cách kiếm ra tiền ngày nay, chúng tôi khẳng định có đến năm loại, năm cách khác nhau. Loại một là: húc ra tiền. Loại hai là: làm ra tiền. Loại ba là: nghĩ ra tiền. Đến loại thứ ba này đã ghê rồi, đã là: "Một người lo bằng kho người làm". Nhưng các nhà doanh nhân của chúng ta hiện nay còn có thêm hai cách nữa là nhìn ra tiền. Đi đến đâu, ở chỗ nào cũng nhìn ra tiền. Loại cuối cùng là: chơi ra tiền. Đi đám ma, đám cưới, đi hội hè, đi thăm thú bạn bè, đi chơi bang, chơi nhạc... ở đâu cũng tạo dựng được mối quan hệ, cũng tìm được mối liên quan, liên kết, cũng bàn bạc trao đổi, mách bảo nhau để có được đồng tiền. Tưởng là chơi bời, đùa bỡn đấy mà lại là công việc, ra sản phẩm, ra những giá trị có khi làm lợi hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Những lão hà tiện, những lão keo kiệt của Ban-dắc và Mô-li-e chỉ ứng với loại một và loại hai, nghĩa là loại húc ra tiền và làm ra tiền cộng với mánh khóe gian lận và lừa đảo, trèo lên đầu lên cổ nhau, vùi dìm và tiêu diệt lẫn nhau để giành giật lợi nhuận.
Từ xưa các cụ ta đã gắn chặt hai từ giàu và sang với nhau, tức là người giàu, nhất thiết phải là người sang, cũng có nghĩa là gắn vật chất với văn hóa tinh thần vào với nhau. Các doanh nhân Việt Nam là dũng sĩ trên mặt trận làm giàu. Những dũng sĩ ấy phải được trân trọng, được ca ngợi, được khích lệ, và phải được giúp đỡ, an ủi khi gặp rủi ro, hoạn nạn. Chính ở những con người này phải được xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc để làm cho những dũng sĩ ấy đã giàu, phải sang như các cụ xưa đã dạy "Giàu - Sang". Sang không giàu là cái sang của những nhà nho nghèo dưới chế độ phong kiến. Những nhà nho sang đấy nhưng đói ăn cũng không thể có trí lực, để thúc đẩy xã hội tiến lên được. Còn giàu mà không sang chỉ là những kẻ trọc phú, lấy đồng tiền làm mục đích. Họ chỉ là những lão keo kiệt và gian manh. Hạnh phúc của những con người này là đếm tiền chứ không phải là làm cho đồng tiền sinh sôi, làm nên những ý tưởng tốt đẹp cho xã hội.
Thời đại ngày nay đã qua rồi những loại ông chủ nhà giàu ấy. Thời đại ngày nay ước vọng làm giàu đã được pháp luật hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa, văn hóa hóa. Nhà doanh nhân và các ông chủ doanh nghiệp không thể giấu từng hào trong cạp quần, trong túi áo, chắt bóp, ki bo từng nghìn, từng vạn đồng. Tất nhiên không biết tiết kiệm, không biết tính toán từng xu, không biết dùng đồng tiền đúng chỗ, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng mục đích thì cũng không biết cách làm giàu. Các nhà doanh nhân và nhà doanh nghiệp hôm nay là những người có tầm nhìn rộng và xa, có óc nghĩ sâu và sắc sảo, có giác quan đặc biệt cảm nhận nhạy bén trước một thực tế sôi động và biến động khôn lường. Những con người ấy phải được trân trọng, được tôn vinh, phải được đồng cảm sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, phải được bênh vực và bảo vệ.
Phải định vị lại những giá trị cho họ, phải tìm cách nào đó vừa tôn vinh họ, lại vừa giúp họ xây dựng được những tiêu chí, chuẩn mực. Muốn thế, phải xây dựng một đội ngũ doanh nhân có văn hóa.
Văn hóa doanh nhân là gì? Đơn giản là doanh nhân có văn hóa. Thực ra có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, nhưng cho mãi đến năm 2000, trong Từ điển tiếng Việt mới có từ doanh nhân và được giải thích là người kinh doanh. Doanh nhân của chúng ta đã không có truyền thống trong thực tiễn, lại không có trong sách vở, trong chữ nghĩa thì làm gì có văn hóa.
Tôi cho rằng, mỗi doanh nhân có văn hóa cần hội tụ đủ bốn yếu tố: Tâm - Tài - Trí - Dũng. "Có tâm thì có đức; có tài thì có tầm; có trí thì có lực; có dũng thì có khí tiết". Mỗi doanh nhân hội tụ bốn yếu tố trên sẽ tạo thành một cộng đồng chuyên nghiệp, rèn luyện đạo đức đối với các quan hệ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên và hơn hết là ý thức trách nhiệm của một công dân trước đất nước, có tầm nhìn vượt qua sự nhỏ mọn manh mún, vượt qua sự kiếm tìm lợi nhuận đơn thuần. Mạnh mẽ và dũng cảm trên thương trường trong nước và quốc tế.
Các yếu tố ấy còn thể hiện ở các giá trị chuẩn mực như:
- Tinh thần dũng cảm trong sáng tạo, luôn luôn có tư tưởng mới, phương pháp mới. Biết kết hợp sức mạnh về nhân sự, tài chính và các nguồn lực khác vào kinh doanh;
- Tinh thần dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để đạt những mục tiêu của mình;
- Tinh thần theo đuổi không bao giờ thỏa mãn, doanh nhân là con người của hành động và giàu trí tưởng tượng, có nhân cách mạnh mẽ, lòng tự tin và sự kiên trì bền bỉ;
- Tinh thần quyết chí dám đi đến thắng lợi, luôn luôn dũng cảm đi đến thắng lợi cuối cùng;
- Tinh thần quyết đoán trong công việc, khả năng lựa chọn những phương án tối ưu trong các phương án...
Ngày 13 tháng 10 hằng năm là ngày hội lớn, một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Nó cũng là một quan niệm mới mẻ xua đi những ngờ vực, những băn khoăn trước một lực lượng đang lớn mạnh, có thể nói một đội quân tiên phong trên mặt trận làm giàu cho đất nước, cho nhân dân. Đó cũng chính là ngọn lửa thắp sáng niềm tin vượt qua những thử thách lớn của các nhà doanh nhân Việt Nam đang đầy lòng dũng cảm, sáng tạo, tìm tòi tự tạo ra một nhân cách mới, nhân cách doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đầy văn hóa trí tuệ.
Những mục tiêu mà Bác Hồ của chúng ta đã đặt ra từ ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, giặc dốt... còn nguyên giá trị. Chỉ có khác là, kẻ thù ngoại xâm thì trông thấy mặt, thấy rõ âm mưu nham hiểm và sự độc ác của chúng. Còn kẻ thù dốt nát và nghèo đói lẩn khuất đâu đây, ngay trong chúng ta. Tiêu diệt kẻ thù trong chính mình chính là tự cầm dao cắt bỏ những ung nhọt rữa nát trong tim, trong não của mình. Đau đớn, cực khổ và quyết liệt lắm, phải có một sức mạnh và sự dũng cảm phi thường, đặc biệt là phải vượt qua sự hèn nhát mới có thể làm được. Nhiệm vụ của giới doanh nhân chúng ta là kiên quyết không tiếp đạn cho bọn tham nhũng và sa đọa bắn vào khát vọng sống của nhân dân. Muốn vậy, những kẻ trọc phú, kẻ vô văn hóa không thể làm được. Phải là những người có văn hóa, những doanh nhân có văn hóa, có tâm, có tài, có trí và sự dũng cảm biết sống cho mình và cho mọi người mới làm được. Tâm - Tài - Trí - Dũng là bốn tiêu chuẩn của một doanh nhân có văn hóa, nó cũng là vũ khí, là lòng tin, là bản lĩnh của giới doanh nhân trong vai trò là người lính xung kích trên mặt trận làm giàu hôm nay.
Nhận thức điều đó, những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ, nhà kinh tế và nhà ngoại giao chúng tôi tập hợp trong Trung tâm Văn hóa Doanh nhân chỉ mong muốn bằng công việc của mình góp những tiếng nói nhỏ trong sự nghiệp lớn của các nhà doanh nghiệp và doanh nhân. Bên cạnh sự ngợi ca, tôn vinh, chúng tôi mong muốn cùng các nhà doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng một nền nếp, tiêu chuẩn văn hóa trong kinh doanh, giao tiếp, trong cách nghĩ, cách làm từ chị bán rau ở vỉa hè, anh mài dao kéo rong ở trên đường đến bà đứng trong khách sạn sang trọng, ông đi buôn trên máy bay lượn vòng khắp quả đất phải nói với nhau cách nào, phải có những cử chỉ với nhau như thế nào mới được gọi là người có văn hóa, phải như thế nào mới thành người giàu và sang.
Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam ra đời ngày 11-9-2002. Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ra đời được sự hưởng ứng rất nhiệt thành của doanh nhân và sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học, sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc gặp gỡ doanh nhân của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thường trực Bộ Chính trị đầu năm 2005 đã chứng tỏ sự quan tâm ấy.
Tuy là cơ quan hành chính sự nghiệp có thu, đứng ở vị trí cấp hai của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ sở vật chất lúc đầu không có gì. Cho đến nay, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã có hai viện nghiên cứu là: Viện Nghiên cứu Văn hóa Doanh nhân gồm các giáo sư đầu ngành về lý luận văn hóa, kinh tế và một Viện Khoa học công nghệ và Thông tin văn hóa doanh nhân, 15 trung tâm thành viên, 20 cơ quan đại diện tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có Tạp chí Văn hóa Doanh nhân ra 3 kỳ/tháng và một tờ báo điện tử Văn hóa Doanh nhân, ba trung tâm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên là Trung tâm Báo chí, Trung tâm Luật và Trung tâm Khoa học - kỹ thuật và có bộ môn Văn hóa Doanh nhân đưa vào Trường đại học Kinh tế quốc dân. Trung tâm đã tổ chức hàng chục trương trình như: tọa đàm, hội thảo văn hóa doanh nhân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tiếng hát doanh nghiệp doanh nhân toàn quốc, văn hóa doanh nhân với sự trường tồn của dân tộc, WTO với văn hóa thương hiệu, người lính là doanh nhân... Năm 2007 này, Trung tâm tổ chức chương trình Doanh nhân chào xuân 2007, trao giải Văn hóa Doanh nhân cho tác phẩm văn học xuất sắc nhất 2007 cho tiểu thuyết "Mẫu Thượng ngàn" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, trao cúp Văn hóa Doanh nhân cho 20 doanh nhân tiêu biểu trong toàn quốc...
Các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học - công nghệ, các nhà quản lý tập hợp nhau lại bằng công cụ nghề nghiệp của mình như viết văn, làm thơ, đắp tượng, làm phim, vẽ, viết báo và chụp ảnh ca ngợi những người có tài, có công, có đức. Còn những nhà khoa học - công nghệ, và những nhà quản lý xây dựng tiêu chí, chuẩn mực, những luật lệ và chính sách để đưa họ vào những khuôn khổ hoạt động. Tất cả những người đó cùng doanh nhân tạo nên văn hóa doanh nhân. Có văn hóa nghĩa là, có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và đầy đủ lòng tự tin để tham gia hội nhập với nhân loại, để "hòa nhập" mà không "hòa tan", để hai bàn tay nắm lấy muôn triệu cánh tay của muôn nơi mà vẫn mang dáng dấp Việt Nam, tư thế Việt Nam, sự độc đáo Việt Nam.
* Nhà văn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam
Một số hoạt động văn hóa - thông tin quan trọng năm 2007  (26/02/2007)
Khi các nhà đầu tư không chuyên tham gia thị trường chứng khoán  (26/02/2007)
Thư chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (26/02/2007)
Cuộc bàn giao Bính Tuất - Đinh Hợi  (26/02/2007)
Thành tựu nổi bật trong đổi mới tư duy của Đảng về văn hóa  (26/02/2007)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên